Trong những thập niên gần đây, cùng với sự bùng nổ của khoa học công nghệ, internet đã trở thành sự lựa chọn hàng đầu của người dân, đặc biệt là giới trẻ, giao dịch điện tử từ đó cũng được phát triển mạnh mẽ. Dưới đây là một số vấn đề cơ bản về chứng cứ và bảo vệ người tiêu dùng trong giao dịch điện tử.
Mục lục bài viết
1. Chứng cứ và bảo vệ người tiêu dùng trong giao dịch điện tử:
Nhìn chung thì có thể nói, bên cạnh những phương tiện quen thuộc như điện thoại, máy vi tính, tivi … thì sự phát triển đầy bùng nổ của mạng internet – mạng toàn cầu đã khiến cho hoạt động thương mại điện tử trở nên vô cùng quen thuộc với người dân Việt Nam nói riêng và người dân trên thế giới nói chung, thậm chí nó còn phát triển hơn nữa ở các nước được coi là cường quốc như Hoa Kỳ, Anh, Trung Quốc… Phương thức giao dịch điện tử phát triển có xu hướng lấn át đi phương thức giao dịch truyền thống vì những lợi ích mà giao dịch điện tử mang lại. Có thể kể đến những lợi ích mà giao dịch điện tử mang lại cho người dân như sau:
– Giúp cho các doanh nghiệp và công ty, người sử dụng lao động nắm được tất cả các thông tin phong phú về thị trường và đối tác một cách nhanh chóng.,
– Giảm chi phí cho quá trình sản xuất;
– Giảm chi phí cho hoạt động bán hàng và hoạt động tiếp thị;
– Thông qua hoạt động internet, người tiêu dùng và người sử dụng lao động, doanh nghiệp và các công ty có thể giảm đáng kể thời gian, đặc biệt là các chi phí giao dịch;
– Thiết lập và cũng cố một mối quan hệ giữa nhiều thành phần kinh tế trong quá trình tham gia hoạt động thương mại;
– Tạo điều kiện sớm tiếp cận với quá trình kinh tế hóa, công nghiệp hóa và hiện đại hóa, đặc biệt là vấn đề số hóa trong thương mại.
Luật giao dịch điện tử năm 2023 hiện nay có đưa ra khái niệm cụ thể về dữ liệu. Theo đó, dữ liệu là tất cả những thông tin được thể hiện dưới dạng chữ viết, hình ảnh, âm thanh, ký hiệu, chữ số … hoặc những dạng tương tự khác. Luật giao dịch điện tử năm 2023 chỉ đưa ra khái niệm về dữ liệu nói chung, không đưa ra khái niệm cụ thể về dữ liệu điện tử, vì vậy chúng ta hoàn toàn có thể hiểu rằng khái niệm này cũng bao gồm khái niệm về dữ liệu điện tử. Đồng thời, căn cứ theo quy định tại Điều 10 của Luật giao dịch điện tử năm 2023 có đưa ra khái niệm về thông điệp dữ liệu điện tử. Theo đó, thông điệp dữ liệu điện tử là hình thức thể hiện dưới dạng trao đổi dữ liệu điện tử, thư điện tử, điện báo, điện tín, chứng từ điện tử … và các hình thức tương tự khác với dữ liệu điện tử. Căn cứ theo quy định tại điều 14 Luật giao dịch điện tử năm 2023, thông điệp dữ liệu có giá trị được sử dụng làm chứng cứ, giá trị chứng cứ của thông điệp dữ liệu được xác định tùy thuộc vào mức độ tin cậy của cách thức khởi tạo và lưu trữ dữ liệu đó, cách thức lan truyền thông điệp dữ liệu đó, cách thức bảo đảm dữ liệu và duy trì tính ổn định, vẹn toàn của thông điệp dữ liệu đó, còn tùy thuộc vào cách xác định người khởi tạo và cách xác định yếu tố phù hợp với quy định của pháp luật.
Đồng thời, căn cứ theo quy định tại Điều 94 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015, dữ liệu điện tử là một trong những nguồn chứng cứ có thể khai thác các chứng cứ, sử dụng trong hoạt động tố tụng dân sự. Theo đó, nguồn chứng cứ bao gồm các nguồn sau đây:
– Tài liệu đọc được, tài liệu nghe được, tài liệu nhìn được và các dữ liệu điện tử;
– Vật chứng và lời khai của các đương sự;
– Lời khai của những người làm chứng và kết luận giám định pháp y;
– Biên bản ghi nhận kết quả thẩm định tại chỗ, kết luận định giá đối với tài sản và kết luận thẩm định giá tài sản;
– Văn bản ghi nhận hành vi pháp lý, sự kiện pháp lý do người có chức năng tạo lập;
– Văn bản có công chứng hoặc chứng thực;
– Các nguồn khác mà pháp luật có quy định.
Theo đó thì có thể nói, trong pháp luật Việt Nam hiện nay, định nghĩa về chứng cứ có thể tìm thấy rõ nhất ở trong quy định của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015, theo đó thì chứng cứ là tất cả những gì có thật, chứng cứ được các đương sự và cá nhân, cơ quan hoặc tổ chức giao nộp cho các cơ quan có thẩm quyền đó là tòa án, hoặc chứng cứ có thể cho tòa án tự thu thập, chứng cứ được sử dụng làm căn cứ để xác định yêu cầu hoặc xác định sự phản đối của một đương sự bất kỳ, xem yêu cầu của đương sự đó là có căn cứ và hợp pháp hay không. Theo khái niệm như vậy, quan điểm của người viết là, khái niệm trên bao quát cả trong môi trường giao dịch điện tử. Thông điệp dữ liệu hoặc một chữ ký điện tử cũng hoàn toàn có thể trở thành một chứng cứ, miễn sao nó đảm bảo được tất cả các yếu tố của chứng cứ, tức là nó tồn tại một cách khách quan, con người có thể nhận biết được thông qua các giác quan khác nhau. Luật giao dịch điện tử năm 2023 theo như phân tích nêu trên cũng đã thừa nhận giá trị pháp lý của chứng cứ điện tử, đây được xem là xu hướng chung được thừa nhận rộng rãi trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam, đó là thông điệp dữ liệu và chữ ký điện tử cũng có giá trị chứng cứ giống như tất cả các loại chứng cứ thông thường khác, thông điệp dữ liệu và chữ ký điện tử không thể bị phủ nhận bởi vì bất kỳ lý do gì. Cần phải ghi nhận như vậy để có thể tạo ra điều kiện thuận lợi nhất bảo vệ tốt nhất quyền lợi của người tiêu dùng trong quá trình tham gia các giao dịch điện tử.
2. Các điều kiện để thông điệp dữ liệu, chữ ký điện tử có giá trị chứng cứ:
Xuất phát từ đặc thù của các giao dịch điện tử giống như phân tích nêu trên, pháp luật của các quốc gia trên thế giới trong đó có Việt Nam đều đặt ra những điều kiện nhất định để một thông điệp hoặc một chữ ký điện tử mới có thể được thừa nhận có giá trị là chứng cứ.
Trước hết, đối với một thông điệp dữ liệu. Luật giao dịch điện tử năm 2023 căn cứ theo quy định tại Điều 10, có quy định giá trị chứng cứ của thông điệp dữ liệu. Theo đó, thông điệp dữ liệu có giá trị. Cứ phụ thuộc vào độ tin cậy của cách khởi tạo, cách truyền gửi phải luôn giữ thông điệp dữ liệu, cách duy trì bảo toàn thông điệp dữ liệu, cách xác định người khởi tạo và các yếu tố khác liên quan trực tiếp đến thông điệp dữ liệu. Còn đối với chữ ký điện tử, pháp luật Việt Nam hiện nay chưa có văn bản quy định nói chung về chữ ký điện tử. Tuy nhiên, để có thể góp phần làm rõ hơn chữ ký điện tử, Luật giao dịch điện tử năm 2023 căn cứ theo quy định tại Điều 21 có đưa ra định nghĩa, theo đó chữ ký điện tử là loại chữ ký được tạo lập dưới dạng chữ, từ, số, âm thanh, ký hiệu hoặc các hình thức khác thể hiện dưới phương tiện điện tử, gắn kết một cách khoa học với thông điệp dữ liệu, có khả năng xác nhận người ký thông điệp dữ liệu đó, cần phải được thực hiện thủ tục đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền. Chữ ký điện tử được xem là bảo đảm an toàn nếu như chữ ký điện tử đó đáp ứng được đầy đủ các điều kiện căn cứ theo quy định tại Điều 22 của Luật giao dịch điện tử năm 2023. Chữ ký điện tử có thể được thực hiện thủ tục chứng thực bởi một tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký điện tử, chữ ký điện tử hiện nay được thừa nhận hai loại đó là chữ ký điện tử thông thường và chữ ký điện tử an toàn. Theo đó thì có thể nói, để thông điệp dữ liệu điện tử và chữ ký điện tử có giá trị chứng cứ, cần phải đáp ứng được các điều kiện chung của chứng cứ như sau:
– Thông điệp dữ liệu và chữ ký điện tử phải có thật;
– Thông điệp dữ liệu và chữ ký điện tử phải đảm bảo tính khách quan;
– Thông điệp dữ liệu và chữ ký điện tử phải có tính hợp pháp;
– Thông điệp dữ liệu và chữ ký điện tử phải là những vấn đề có liên quan đến vụ án.
Nếu thiếu một trong các yếu tố nêu trên thì thông điệp dữ liệu, chữ ký điện tử đó sẽ không có giá trị chứng cứ, hay nói cách khác nó sẽ không được coi là chứng cứ trong một vụ án.
3. Trách nhiệm của bên cung cấp hàng hoá, dịch vụ đối với khách hàng thông qua các giao dịch điện tử:
Trách nhiệm của các tổ chức cung cấp hàng hóa, dịch vụ thông qua các giao dịch điện tử thương mại có thể được nhìn nhận dưới nhiều góc độ khác nhau, ví dụ như nghĩa vụ cung cấp thông tin một cách đầy đủ và trung thực cho khách hàng, cung cấp cách thức giải quyết trong trường hợp xảy ra mâu thuẫn, cung cấp cách hiểu trên các hợp đồng điện tử … So sánh với các quốc gia trên thế giới, vấn đề trách nhiệm của bên cung cấp hàng hóa và dịch vụ đối với khách hàng thông qua các giao dịch điện tử đã được giải quyết khá cụ thể và chặt chẽ. Thông thường khi truy cập vào một trang thương mại bất kỳ có chức năng cung cấp dịch vụ mua bán hàng hóa qua mạng, khách hàng hoàn toàn có thể lựa chọn các sản phẩm mà mình cần thiết, sau đó trả tiền trực tiếp từ thẻ tín dụng thông qua các trang website thương mại đó.
Trong trường hợp đó thì các nhà cung cấp hàng hóa sẽ thông qua một biện pháp công nghệ điện tử, công nghệ thông tin đề nghị khách hàng phải cung cấp đầy đủ các thông tin cần thiết như số thẻ tín dụng, mã số an toàn, ngày hết hạn, tất cả các dãy số mặt sau của thẻ tín dụng của khách hàng. Sau khi đã cung cấp đầy đủ các thông tin số này thì coi như người mua đã trả tiền, đồng thời hợp đồng trong trường hợp đó cũng đã được ký kết trên thực tế phù hợp với quy định của pháp luật. Tuy nhiên cần phải lưu ý, trách nhiệm của bên cung cấp hàng hóa và dịch vụ đối với khách hàng thông qua các giao dịch điện tử là vô cùng quan trọng, khi hoạt động mua bán thông qua giao dịch điện tử ngày càng dễ dàng và phổ biến thì trách nhiệm của các bên cung cấp hàng hóa và dịch vụ ngày càng phải được nâng cao.
Cần thiết phải đảm bảo tính an toàn cho tất cả các thông tin của khách hàng trong và sau khi thực hiện một giao dịch điện tử bất kỳ. Bởi vì khách hàng bao giờ cũng ở vị thế yếu thế hơn khi thực hiện các biện pháp giao dịch thông qua công nghệ thông tin, sự hiểu biết về tính bảo mật của khách hàng hầu như còn thấp, thông thường phần lớn khách hàng hoàn toàn tin tưởng vào mức độ công nghệ do bên bán hàng hóa và dịch vụ cung cấp. Vì vậy, sẽ hợp lý hơn nếu pháp luật quy định cụ thể về trách nhiệm của bên cung cấp hàng hóa, dịch vụ đối với việc hạn chế tối đa rủi ro gặp phải của khách hàng trong quá trình giao dịch, đảm bảo khách hàng không bị lợi dụng, không bị thiệt hại xảy ra do lỗi của các công nghệ thông tin trong quá trình mua bán hàng hóa, dịch vụ.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Luật Giao dịch điện tử 2023;
– Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015;
– Bộ luật Dân sự năm 2015.