Hiện nay nhiều người truyền tai nhau rằng, khi không thấy tin tức về người thân sau mỗi thời gian 24 tiếng thì mới được phép trình báo công an. Vậy người thân mất tích bao nhiêu lâu thì nên trình báo công an?
Mục lục bài viết
1. Người thân mất tích bao lâu thì nên trình báo công an?
Tham khảo các văn bản quy phạm pháp luật Việt Nam hiện nay thì có thể nói, pháp luật hiện nay không có điều luật nào quy định cụ thể về vấn đề thời gian cần phải trình báo công an khi người thân hoặc bạn bè mất tích. Tuy nhiên trên thực tế, người có quyền lợi liên quan hoàn toàn có thể báo công an ngay khi phát hiện ra người thân hoặc bạn bè có dấu hiệu mất tích hoặc khi có các dấu hiệu bất thường khác, nhận thấy có dấu hiệu tội phạm. Việc trình báo công an càng sớm sẽ giúp cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhanh chóng triển khai công tác tìm kiếm, điều tra và xác minh đối với các vụ việc có yêu tố tội phạm, nhanh chóng giải cứu nạn nhân và đưa người thân của bạn trở về gia đình một cách an toàn nhất.
Tuy nhiên cần phải lưu ý, quá trình trình báo công an cần phải theo đúng thủ tục luật định, không được phép trình báo một cách tùy tiện. Mọi hành vi tố giác hoặc báo tin về tội phạm sai sự thật tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền đều sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật, thậm chí là sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Căn cứ theo quy định tại Điều 144 của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 có quy định về tố giác và báo tin về tội phạm. Theo đó, các cá nhân và tổ chức khi phát hiện ra hành vi có dấu hiệu tội phạm có thể tố cáo, trình báo tại cơ quan có thẩm quyền. Cụ thể như sau:
– Tố giác về tội phạm là hoạt động cá nhân phát hiện và tố cáo đối với hành vi có dấu hiệu tội phạm với các cơ quan chức năng có thẩm quyền;
– Tin báo về tội phạm là những thông tin cần thiết về một vụ việc có dấu hiệu tội phạm cho các cơ quan chức năng có thẩm quyền;
– Tố giác và báo tin về tội phạm có thể được thực hiện bằng nhiều hình thức khác nhau, có thể được thực hiện bằng lời nói hoặc bằng văn bản;
– Người nào tố giác hoặc báo tin về tội phạm sai sự thật, tùy theo tính chất và mức độ vi phạm trên thực tế, người đó có thể bị áp dụng hình thức xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính, hoặc thậm chí bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, căn cứ theo quy định tại Điều 145 của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, mọi tố giác và tin báo về tội phạm đều phải được tiếp nhận đầy đủ và giải quyết kịp thời. Các cơ quan có thẩm quyền không được từ chối. Trong đó, khi cơ quan chức năng có thẩm quyền nhận được tin báo tội phạm thì cần phải thực hiện như sau: Cần phải tiếp nhận tin báo tố giác về tội phạm, lập biên bản tiếp nhận, tiến hành hoạt động xác minh và kiểm tra, sau đó chuyển ngay tin báo kèm theo các loại giấy tờ và đồ vật có liên quan cho các cơ quan điều tra có thẩm quyền căn cứ theo quy định tại Điều 146 của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015.
Tóm lại, hiện nay không có quy định cụ thể về mốc thời gian một người mất liên lạc bao nhiêu lâu thì người thân mới được báo công an. Khi người thân nhận thấy vụ việc mất tích có dấu hiệu bất thường thì có thể ngay lập tức trình báo công an để giải quyết một cách nhanh chóng và kịp thời nhất.
2. Người thân biệt tích bao nhiêu năm thì Tòa án sẽ ra quyết định công nhận mất tích?
Căn cứ theo quy định tại Điều 68 của Bộ luật dân sự năm 2015 có quy định về tuyên bố mất tích. Theo đó, một người sẽ được cơ quan có thẩm quyền đó là tòa án tuyên bố mất tích nếu người đó đáp ứng đầy đủ các điều kiện cơ bản sau đây:
– Cá nhân đã biệt tích trong khoảng thời gian 02 năm liên tục trở lên, mặc dù có sử dụng đầy đủ các biện pháp cần thiết để thông báo, tìm kiếm, tuy nhiên vẫn không có tin tức xác thực về việc cá nhân đó vẫn đang còn sống hay đã chết;
– Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan có đơn yêu cầu đến cơ quan có thẩm quyền đó là tòa án tuyên bố một người là mất tích.
Trong đó thì có thể nói, khoảng thời gian 02 năm sẽ được tính cụ thể như sau:
– Sẽ được tính bắt đầu kể từ ngày biết được tin tức cuối cùng của cá nhân đó;
– Nếu không xác định được ngày có tin tức cuối cùng của chủ thể đó thì khoảng thời gian này sẽ được tính bắt đầu kể từ ngày đầu tiên của tháng tiếp theo tháng có tin tức cuối cùng;
– Nếu vẫn không thể xác định được ngày và tháng có tin tức cuối cùng của cá nhân đó, thì sẽ được tính bắt đầu kể từ ngày đầu tiên của năm tiếp theo năm có tin tức cuối cùng về cá nhân đó.
Như vậy, sau khoảng thời gian 02 năm biệt tích liên tục, nếu người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến cá nhân này làm đơn phải gửi đến cơ quan có thẩm quyền đó là tòa án yêu cầu tuyên bố một người là mất tích, thì trong khoảng thời gian 20 ngày được tính kể từ ngày thụ lý, cơ quan có thẩm quyền đó là tòa án sẽ cần phải ra thông báo để tìm kiếm người này. Sau khi kết thúc khoảng thời gian thông báo nêu trên, trong khoảng thời gian 10 ngày tiếp theo, tòa án sẽ mở phiên họp để xem xét đơn yêu cầu tuyên bố một người mất tích. Nếu chấp nhận đơn yêu cầu tuyên bố mất tích, tòa án sẽ ra quyết định tuyên bố một người là mất tích trên thực tế. Quyết định của tòa án sẽ có hiệu lực và cần phải tuân thủ theo quyết định đó.
Theo đó thì có thể nói, nếu người thân của bạn mất tích trong khoảng thời gian 02 năm liên tục, bạn hoàn toàn có thể nộp đơn yêu cầu tuyên bố người thân của bạn bị mất tích tại tòa án. Tòa án sẽ xem xét đơn và giải quyết đơn theo quy định của pháp luật.
3. Thủ tục giải quyết yêu cầu tuyên bố một người mất tích được quy định như thế nào?
Căn cứ theo quy định tại Điều 387 và Điều 389 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 có quy định về thủ tục giải quyết yêu cầu tuyên bố một người mất tích. Cụ thể như sau:
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ, đơn yêu cầu tuyên bố một người mất tích. Thành phần hồ sơ đóng vai trò vô cùng quan trọng trong quá trình làm việc với cơ quan có thẩm quyền. Theo đó, người có quyền lợi liên quan hoàn toàn có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền đó là tòa án tuyên bố một người là mất tích theo quy định của Bộ luật dân sự năm 2015. Kèm theo đơn yêu cầu, người yêu cầu tuyên bố mất tích cần phải gửi các loại giấy tờ và tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn để chứng minh người bị yêu cầu tuyên bố mất tích hiện nay đã đáp ứng đầy đủ điều kiện theo quy định của pháp luật, tức là người đó đã biệt tích trong khoảng thời gian 02 năm liên tục trở lên mà không có tin tức xác thực về việc người đó còn sống hay đã chết, mặc dù người yêu cầu đã áp dụng đầy đủ biện pháp cần thiết trong khả năng của mình để thông báo tìm kiếm tuy nhiên vẫn không có kết quả, trường hợp trước đó đã có quyết định của cơ quan có thẩm quyền đó là tòa án thông báo tìm kiếm đối với người vắng mặt tại nơi cư trú thì sẽ cần phải kèm theo bản sao của quyết định đó.
Bước 2: Nộp hồ sơ tại tòa án. Tòa án sẽ nhận hồ sơ và xem xét hồ sơ theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp hồ sơ đã đầy đủ thì sẽ ghi vào sổ thụ lý, trong trường hợp hồ sơ còn thiếu thì sẽ yêu cầu bổ sung. Trong khoảng thời gian 20 ngày được tính kể từ ngày thụ lý đơn yêu cầu tuyên bố một người mất tích, tòa án sẽ ra quyết định thông báo tìm kiếm đối với người bị yêu cầu tuyên bố mất tích đó. Nội dung thông báo và quá trình công bố thông báo yêu cầu tìm kiếm người mất tích sẽ được thực hiện căn cứ theo quy định tại Điều 384 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015. Thời hạn thông báo tìm kiếm người bị yêu cầu tuyên bố mất tích sắc kéo dài trong khoảng thời gian 04 tháng được tính kể từ ngày phát hành thông báo lần đầu tiên.
Bước 3: Nếu Như trong thời hạn thông báo đó, người yêu cầu tuyên bố mất tích trở về, yêu cầu tòa án đình chỉ việc xem xét đơn, thì tòa án sẽ phải ra quyết định đình chỉ việc xem xét đơn. Còn nếu sau khoảng thời gian 10 ngày được tính kể từ ngày kết thúc thời hạn thông báo bẩy vẫn không có thông tin về người bị tuyên bố mất tích, tòa án sẽ mở phiên họp xem xét đơn yêu cầu. Sau đó ra quyết định tuyên bố mất tích đối với một cá nhân.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Bộ luật Dân sự năm 2015;
– Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.