Ở Việt Nam, án lệ thật ra không phải là một thuật ngữ mới xuất hiện, nó đã tồn tại và len lỏi trong hệ thống pháp luật từ lâu. Dưới đây là một số vai trò của án lệ trong hoạt động xét xử của tòa án có thể tham khảo.
Mục lục bài viết
1. Vai trò của án lệ trong hoạt động xét xử của Tòa án:
Trên thực tế, án lệ ở Việt Nam hiện nay có thể được hiểu là những lập luận, phán quyết trong bản án đã có hiệu lực của tòa án về một vụ việc cụ thể được hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao lựa chọn, và được Chánh án tòa án nhân dân tối cao công bố là án lệ, để các tòa án nghiên cứu và áp dụng trong quá trình xét xử. Theo đó, có thể chỉ ra những đặc điểm của án lệ như sau:
Thứ nhất, áp dụng án lệ là hoạt động mang tính quyền lực nhà nước. Hoạt động áp dụng pháp luật nói chung và áp dụng án lệ nói riêng do những chủ thể có thẩm quyền tiến hành trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của họ. Phù hợp với thẩm quyền của mình, mỗi chủ thể chỉ được phép tiến hành một số hoạt động áp dụng pháp luật nhất định. Trong quá trình áp dụng án lệ, mọi khía cạnh và tình tiết của vụ việc đều phải được xem xét một cách cẩn thận và dựa trên cơ sở các quy định của pháp luật đã được xác định, để từ đó đưa ra các quyết định cụ thể. Áp dụng án lệ được xem là sự thể hiện ý chí của nhà nước trong quá trình điều chỉnh pháp luật. Đồng thời, áp dụng án lệ còn có tính chất bắt buộc đối với chủ thể bị áp dụng và các chủ thể khác có liên quan.
Thứ hai, áp dụng án lệ là hoạt động tuân theo những hình thức và thủ tục chặt chẽ do pháp luật quy định. Do tính chất quan trọng và phức tạp của hoạt động áp dụng án lệ, chủ thể bị áp dụng án lệ có thể được hưởng những lợi ích rất lớn, nhưng cũng có thể phải chịu những hậu quả bất lợi nghiêm trọng, vì vậy cho nên trong pháp luật luôn luôn có sự xác định rõ ràng cơ sở, điều kiện, trình tự thủ tục, quyền lợi và nghĩa vụ của các chủ thể trong quá trình áp dụng án lệ.
Thứ ba, áp dụng án lệ là hoạt động điều chỉnh mang tính chất cá biệt, cụ thể đối với những quan hệ xã hội nhất định. Bởi vì mục đích áp dụng án lệ là cá biệt hóa các quy định pháp luật trong những trường hợp cụ thể. Quy tắc xử sự chung trong pháp luật thông qua hoạt động áp dụng án lệ sẽ được cá biệt hóa trở thành các quy tắc xử sự cụ thể cho mỗi trường hợp nhất định.
Thứ tư, áp dụng án lệ là hoạt động đòi hỏi tính sáng tạo cao. Khi áp dụng pháp luật nói chung và áp dụng án lệ nói riêng, các chủ thể có thẩm quyền cần phải nghiên cứu rất kỹ về việc, từ đó làm sáng tỏ cấu thành pháp lý, sau đó lựa chọn quy phạm pháp luật phù hợp, áp dụng án lệ để từ đó đưa ra quyết định trên thực tế.
Nhìn chung, quá trình áp dụng án lệ có vai trò vô cùng quan trọng trong hoạt động tư pháp nói chung và hoạt động xét xử của tòa án nói riêng. Khác với các nước theo hệ thống pháp luật Common Law như Anh, Mỹ … thì hệ thống pháp luật của Việt Nam mang tính chất đặc thù của hệ thống pháp luật xã hội chủ nghĩa. Vì vậy mà ở Việt Nam rất coi trọng pháp luật thành văn. Cho nên khi có đề xuất áp dụng án lệ trong hoạt động xét xử đã gặp phải rất nhiều tranh cãi. Tuy nhiên, án lệ đã chính thức được áp dụng tại Việt Nam bởi những giá trị pháp lý mà nó mang lại. Có thể kể đến vai trò của án lệ trong hoạt động xét xử của tòa án như sau:
Thứ nhất, án lệ nâng cao vai trò xét xử của tòa án, góp phần hoàn thiện pháp luật, đảm bảo sự công bằng, bảo đảm tính cập nhật, hiệu quả của hệ thống pháp luật, giảm thiểu được những oan sai trong quá trình hoạt động xét xử của tòa án. Tính đến nay, số án lệ đã được công bố là 52 án lệ về các lĩnh vực như dân sự, hợp đồng, thừa kế, quyền sử dụng đất, kinh doanh thương mại, hôn nhân gia đình, lao động, hình sự. Mặc dù số án lệ được công bố chưa nhiều tuyến trên đã thể hiện được sự phát triển đột phá của hệ thống pháp luật Việt Nam.
Thứ hai, quá trình giải quyết án lệ ngoài việc mang ý nghĩa là giải quyết một vụ án cụ thể, áp dụng án lệ còn thiết lập ra một tiền lệ để áp dụng xét xử những vụ án tương tự sau này tại các tòa án. Do đó, án lệ sẽ tạo ra được sự bình đẳng trong quá trình xét xử các vụ án có tính chất giống nhau. Đồng thời, giúp cơ quan có thẩm quyền Tiên lượng được kết quả của các vụ án tranh chấp, tiết kiệm công sức của thẩm phán, tòa án, cơ quan tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng và tạo ra sự công bằng trong xã hội.
Thứ ba, án lệ còn được coi là khuôn mẫu chuẩn mực để các thẩm phán tại tòa án có thể tuân theo vì đó là những án lệ được chọn lọc, và đúc kết rất kỹ lưỡng, mang tính chuyên nghiệp cao. Khi ấy, thẩm phán chỉ cần đối chiếu với những vụ án để có thể đưa ra phán quyết phù hợp, tránh việc mỗi người đánh giá và nhìn nhận vấn đề một kiểu. Hơn nữa, quá trình áp dụng án lệ còn giúp cho các đơn vị trong quá trình ký kết và đàm phán
2. Nguyên tắc áp dụng án lệ trong hoạt động xét xử của Tòa án:
Quá trình áp dụng án lệ cần phải đảm bảo những nguyên tắc sau đây:
Thứ nhất, nguyên tắc có căn cứ, có lý do chính xác. Chỉ áp dụng án lệ khi những vụ án có hành vi, tình tiết còn cách hiểu khác nhau mà đã được giải thích trong một vụ án có nội dung tương tự. Việc nghiên cứu rõ tình tiết pháp lý và áp dụng án lệ là vấn đề hết sức quan trọng. Các chủ thể áp dụng án lệ phải khẳng định được rằng, án lệ đã chọn để áp dụng là hoàn toàn phù hợp cho trường hợp cụ thể mà mình đang giải quyết.
Thứ hai, nguyên tắc đảm bảo công bằng đối với mỗi trường hợp cụ thể. Cơ quan có thẩm quyền áp dụng án lệ phải luôn luôn xác định được sự thật khách quan của mỗi vụ án, đưa ra được quyết định áp dụng án lệ chính xác, công bằng, đảm bảo mọi vụ án có hành vi và tình tiết như nhau phải được áp dụng giống nhau.
Thứ ba, nguyên tắc đảm bảo tính pháp chế. Vấn đề này đòi hỏi việc áp dụng án lệ và đúng thẩm quyền, cần phải tuân thủ quy định về trình tự và thủ tục đã được đề ra cho mỗi loại vụ án. Bởi vì sự thật khách quan sẽ chỉ được xem xét là khách quan và đáng tin cậy khi các hoạt động đó được tiến hành theo đúng quy định của pháp luật về trình tự và thủ tục. Các chủ thể áp dụng án lệ không được phép lợi dụng điều đó vì những lợi ích riêng tư và trục lợi cá nhân.
Thứ tư, nguyên tắc thứ bậc trong quá trình áp dụng án lệ. Mặc dù không đề cập đến thứ tự áp dụng, tuy nhiên theo mô hình bán lẻ tại Việt Nam, thì hệ thống tòa án theo thứ bậc từ cao xuống thấp bao gồm: Tòa án nhân dân tối cao, tòa án nhân dân cấp cao, tòa án nhân dân cấp tỉnh, tòa án nhân dân cấp huyện và hệ thống tòa án quân sự. Vì vậy, việc áp dụng án lệ trong quá trình xét xử cũng chính là sự tuân thủ của các tòa án cấp dưới với những án lệ của tòa án cấp trên, và bản thân của tòa án cấp trên cũng cần phải tuân thủ án lệ của chính nó.
3. Thủ tục áp dụng án lệ trong hoạt động xét xử của Tòa án:
Căn cứ vào nguyên tắc áp dụng án lệ, thẩm phán và hội thẩm áp dụng án lệ cần tiến hành theo các bước sau:
Bước 1: Phân tích vụ việc. Đây được xem là giai đoạn đầu tiên của quá trình áp dụng án lệ, vì vậy cần phải nghiên cứu một cách khách quan và đầy đủ những tình tiết, điều kiện, hoàn cảnh … của vụ việc. Xác định đặc trưng pháp lý của vụ việc, tiếp đó là lựa chọn án lệ cụ thể, phù hợp để có thể áp dụng vào quá trình giải quyết.
Bước 2: Lựa chọn án lệ. Trong giai đoạn này thì cần phải lựa chọn đúng án lệ phù hợp với trường hợp cần áp dụng.
Bước 3: Quyết định áp dụng, không áp dụng án lệ.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Bộ luật Tố tụng dân sự ănm 2015.