Trong tình hình hội nhập kinh tế quốc tế, các quốc gia trên thế giới đang hợp tác với nhau để giải quyết các vấn đề chung, trong đó có cả tình hình tội phạm xuyên quốc gia. Dưới đây là quy định của pháp luật về trình tự và thủ tục dẫn độ tội phạm theo quy định hiện hành.
Mục lục bài viết
1. Trình tự, thủ tục dẫn độ tội phạm theo quy định hiện hành:
Luật tương trợ tư pháp năm 2007 có quy định về trình tự và thủ tục dẫn độ tội phạm. Tuy nhiên, không quy định trình tự và thủ tục dẫn độ tội phạm trong một điều luật duy nhất, quy trình dẫn độ tội phạm sẽ được quy định từ Điều 36 đến Điều 40 của Luật tương trợ tư pháp năm 2007. Theo đó, quy trình dẫn độ tội phạm sẽ được thực hiện như sau:
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ yêu cầu dẫn độ. Thành phần hồ sơ yêu cầu dẫn độ tội phạm sẽ được thực hiện theo quy định tại Điều 36 của Luật tương trợ tư pháp năm 2007. Thành phần hồ sơ đóng vai trò vô cùng quan trọng trong quá trình làm việc với cơ quan có thẩm quyền trong khi thực hiện thủ tục yêu cầu dẫn độ tội phạm. Sau khi chuẩn bị hồ sơ yêu cầu dẫn độ, nộp hồ sơ tới cơ quan có thẩm quyền để yêu cầu dẫn độ tội phạm. Cơ quan có thẩm quyền trong trường hợp này được xác định là Bộ công an có thẩm quyền tiếp nhận đơn yêu cầu dẫn độ.
Bước 2: Tiếp nhận yêu cầu dẫn độ. Trong khoảng thời gian 20 ngày được tính kể từ ngày nhận được yêu cầu dẫn độ, cùng với các tài liệu và chứng cứ kèm theo yêu cầu dẫn độ, cơ quan có thẩm quyền đó là Bộ công an sẽ kiểm tra hồ sơ yêu cầu dẫn độ căn cứ theo quy định tại Điều 36 của Luật tương trợ tư pháp năm 2007 theo như phân tích nêu trên. Bộ công an có thể yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền của nước yêu cầu dẫn độ cung cấp các loại giấy tờ, bổ sung thông tin trong hồ sơ yêu cầu dẫn độ. Sau khoảng thời gian 60 ngày được tính kể từ ngày gửi văn bản yêu cầu bổ sung thêm thông tin mà không nhận được thông tin phản hồi thì cơ quan có thẩm quyền đó là Bộ công an sẽ trả hồ sơ cho nước yêu cầu dẫn độ, từ chối dẫn độ và nêu rõ lý do chính đáng. Trong trường hợp hồ sơ hợp lệ thì cơ quan có thẩm quyền sẽ ngay lập tức chuyển cho tòa án nhân dân cấp tỉnh để xem xét và ra quyết định phê duyệt.
Bước 3: Xem xét yêu cầu dẫn độ. Trong quá trình xem xét yêu cầu dẫn độ, cần phải tham khảo ý kiến quan điểm và phối hợp với các cơ quan như Bộ ngoại giao, Bộ tư pháp, viện kiểm sát nhân dân tối cao và tòa án nhân dân. Trong quá trình xem xét yêu cầu dẫn độ thì còn phải dựa trên nhiều yếu tố khác nhau. Có thể kể đến như sau: quốc tịch hữu hiệu của người bị yêu cầu dẫn độ, nơi thường trú cuối cùng của người bị yêu cầu dẫn độ, thời gian dẫn độ, địa điểm thực hiện dẫn độ, tính hợp pháp của yêu cầu dẫn độ, mức phù hợp của yêu cầu dẫn độ, lợi ích riêng của nước yêu cầu dẫn độ, mức độ nghiêm trọng của tội phạm, quốc tịch của người bị hại, ngày đưa ra yêu cầu dẫn độ, khả năng dẫn độ tiếp theo giữa các nước yêu cầu dẫn độ, và các yếu tố khác có liên quan.
Bước 4: Ra quyết định dẫn độ. Quyết định dẫn độ sẽ được thực hiện theo quy định tại Điều 40 của Luật tương trợ tư pháp năm 2007. Tức là trong khoảng thời gian 10 ngày làm việc được tính kể từ ngày nhận được hồ sơ yêu cầu dẫn độ do cơ quan có thẩm quyền đó là Bộ công an chuyển đến, tòa án nhân dân cấp tỉnh nơi người bị yêu cầu dẫn độ đang cư trú hoặc đang bị tạm giữ, tạm giam, chấp hành án phạt tù sẽ phải thụ lý và thông báo bằng văn bản, gửi cho viện kiểm sát nhân dân cùng cấp. Trong khoảng thời gian chuẩn bị xem xét yêu cầu dẫn độ, cơ quan có thẩm quyền đó là tòa án nhân dân cấp tỉnh hoàn toàn có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài chứng minh thêm một số vấn đề chưa rõ trong hồ sơ yêu cầu dẫn độ. Văn bản yêu cầu dẫn độ và văn bản trả lời sẽ ngay lập tức được gửi thông qua Bộ công an.
Bước 5: Trong khoảng thời gian 04 tháng được tính kể từ ngày thụ lý, tùy từng trường hợp mà cơ quan có thẩm quyền đó là tòa án nhân dân cấp tỉnh sẽ ra một trong những quyết định sau đây: xem xét yêu cầu dẫn độ khi đáp ứng đầy đủ điều kiện theo quy định của pháp luật về tương trợ tư pháp, đình chỉ việc xem xét yêu cầu dẫn độ sau đó trả hồ sơ cho Bộ công an nếu nhận thấy không thuộc thẩm quyền hoặc bên nước ngoài có hành vi rút yêu cầu dẫn độ hoặc người bị yêu cầu dẫn độ đã rời khỏi lãnh thổ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc vì một số lý do khác mà việc xem xét không thể tiến hành được trên thực tế. Tòa án nhân dân cấp tỉnh sẽ xem xét yêu cầu dẫn độ trong khoảng thời gian 30 ngày được tính kể từ ngày ra quyết định xem xét.
Bước 6: Sau quá trình xem xét, tòa án nhân dân cấp tỉnh sẽ ra quyết định dẫn độ hoặc từ chối dẫn độ. Trong trường hợp từ chối dẫn độ thì còn phải trả lời bằng văn bản, trong đó có lý do chính đáng. Trong khoảng thời gian 10 ngày được tính kể từ ngày có quyết định dẫn độ hoặc từ chối dẫn độ, tòa án nhân dân cấp tỉnh sẽ gửi quyết định đó cho người bị yêu cầu dẫn độ, viện kiểm sát nhân dân cùng cấp để thực hiện các quyền và nghĩa vụ. Người bị yêu cầu dẫn độ hoàn toàn có quyền kháng cáo, viện kiểm sát nhân dân có quyền kháng nghị trong khoảng thời gian 15 ngày.
2. Hồ sơ yêu cầu dẫn độ gồm các loại tài liệu và giấy tờ nào?
Căn cứ theo quy định tại Điều 36 của Luật tương trợ tư pháp năm 2007 có quy định về hồ sơ yêu cầu dẫn độ. Theo đó, hồ sơ yêu cầu dẫn độ sẽ phải có các văn bản sau đây:
– Văn bản của cơ quan có thẩm quyền yêu cầu dẫn độ. Tuy nhiên cần phải lưu ý, văn bản yêu cầu dẫn độ sẽ cần phải có các nội dung cơ bản như sau: Ngày, tháng, năm lập văn bản, địa điểm lập văn bản yêu cầu dẫn độ, lý do yêu cầu dẫn độ;
– Tên của cơ quan có thẩm quyền yêu cầu dẫn độ, địa chỉ của cơ quan có thẩm quyền yêu cầu dẫn độ, tên và địa chỉ của cơ quan được yêu cầu dẫn độ, họ tên và giới tính, ngày sinh và năm sinh, quốc tịch và nơi cư trú cùng với các thông tin cần thiết khác của người bị yêu cầu dẫn độ;
– Tóm tắt nội dung vụ án;
– Các điều luật sẽ được áp dụng để có thể xác định các yếu tố cấu thành tội phạm vào tội danh của người bị yêu cầu dẫn độ, quy định về hình phạt vào thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự, thời hiệu thi hành hình phạt đối với tội phạm đó;
– Các loại giấy tờ về quốc tịch, giấy tờ về nơi cư trú của người bị yêu cầu dẫn độ, trong trường hợp nếu có các loại giấy tờ đó;
– Các loại giấy tờ và tài liệu khác mô tả đặc điểm nhận dạng và hình ảnh của người bị yêu cầu dẫn độ theo pháp luật quốc gia và tập quán quốc tế;
– Bản sao của lệnh bắt giam, bản sao của lệnh giam giữ được ban hành bởi cơ quan có thẩm quyền của nước yêu cầu dẫn độ;
– Văn bản xác nhận người bị yêu cầu dẫn độ được xác định là người nêu trong lệnh bắt và lệnh giam giữ đó;
– Bản sao bản án hoặc quyết định hình sự của cơ quan có thẩm quyền đó là tòa án nước yêu cầu dẫn độ;
– Văn bản xác nhận người bị yêu cầu dẫn độ được xác định là người đã bị kết án.
3. Cơ quan tiến hành tố tụng của Việt Nam có quyền từ chối yêu cầu dẫn độ trong trường hợp nào?
Căn cứ theo quy định tại Điều 35 của Luật tương trợ tư pháp năm 2007 có quy định về vấn đề từ chối dẫn độ cho nước ngoài. Cụ thể như sau:
– Cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam sẽ có quyền từ chối hoạt động dẫn độ cho nước ngoài nếu yêu cầu dẫn độ của quốc gia đó thuộc một trong những trường hợp cơ bản sau đây:
+ Người bị yêu cầu dẫn độ được xác định là công dân mang quốc tịch nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
+ Theo quy định của pháp luật nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thì người bị yêu cầu dẫn độ đó không thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc người bị yêu cầu dẫn độ không thể chấp hành hình phạt do đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc vì những lý do hợp pháp khác;
+ Người bị yêu cầu dẫn độ để truy cứu trách nhiệm hình sự đã bị thcơ quan có thẩm quyền đó là tòa án của Việt Nam kết tội bằng một bản án đã có hiệu lực pháp luật về hành vi phạm tội của mình được nêu trong yêu cầu dẫn độ của quốc gia yêu cầu, hoặc vụ án đó đã bị đình chỉ theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
+ Người bị yêu cầu dẫn độ được xác định là người đang cư trú trên lãnh thổ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam vì lý do khả năng họ bị truy bức ở nước yêu cầu dẫn độ, do nước đó có hiện tượng phân biệt về chủng tộc hoặc tôn giáo, phân biệt về giới tính, phân biệt về dân tộc, quốc tịch, phân biệt thành phần xã hội hoặc có quan điểm chính trị sai lệch;
+ Trường hợp yêu cầu dẫn độ tội phạm có liên quan đến nhiều tội danh khác nhau, đồng thời mỗi tội danh đó đều có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật về nước yêu cầu dẫn độ, tuy nhiên không đáp ứng được điều kiện quy định tại Điều 33 của Luật tương trợ tư pháp năm 2007.
– Ngoài những trường hợp từ chối dẫn độ theo các trường hợp nêu trên, cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam còn có thể từ chối dẫn độ nếu yêu cầu dẫn độ của quốc gia nước ngoài thuộc một trong những trường hợp cơ bản sau đây:
+ Hành vi của người bị yêu cầu dẫn độ không được xác định là tội phạm theo quy định của Bộ luật hình sự Việt Nam;
+ Người bị yêu cầu dẫn độ đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự ở nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về hành vi phạm tội được nêu trong yêu cầu dẫn độ đó.
– Đồng thời, cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam từ chối dẫn độ trong các trường hợp nêu trên sẽ phải có trách nhiệm và nghĩa vụ thông báo bằng văn bản cho cơ quan có thẩm quyền tương ứng của nước yêu cầu dẫn độ.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Luật Tương trợ tư pháp năm 2007.