Phương hướng bảo đảm quyền bình đẳng giới trong lĩnh vực lao động trong pháp luật Việt Nam. Bình đẳng giới trong lao động và sự phát triển của xã hội có một quan hệ mật thiết với nhau.
Mục lục bài viết
1. Yêu cầu khách quan của việc bảo đảm quyền bình đẳng giới trong lĩnh vực lao động ở Việt Nam:
Bình đẳng giới trong lao động và sự phát triển của xã hội có một quan hệ mật thiết với nhau. Bình đẳng giới trong lao động tạo động lực cho sự phát triển về kinh tế, từ kết quả phát triển kinh tế kéo theo sự phát triển của đời sống xã hội. Bình đẳng giới trong lao động mang lại lợi ích cho tất cả mọi người. Nghiên cứu từ tổ chức Catalyst đã chỉ ra rằng các công ty có mức độ bình đẳng giới cao thì cho mức năng suất lao động tốt hơn. Bởi lẽ một môi trường càng bình đẳng thì lực lượng lao động càng hạnh phúc, họ càng giảm tỷ lệ luân chuyển công việc, thêm vào đó mức độ thỏa mãn công việc sẽ cho năng suất lao động cao hơn. Bình đẳng trong môi trường làm việc giúp mọi người có động lực để cạnh tranh và phấn đấu thăng tiến lên các vị trí cao hơn. Đây chính là hạt nhân của sự tăng trưởng và dần chuyển thành tiềm năng về kinh tế. Xét về tổng thể nó ảnh hưởng đến sự phát triển chung của nền kinh tế quốc gia và kinh tế toàn thế giới.
Ngược lại, bình đẳng giới trong lĩnh vực lao động là nhu cầu tất yếu khách quan của một xã hội tiến bộ. Kinh tế phát triển, xã hội ngày càng đi lên thì các tiêu chuẩn quyền con người càng cần phải được nâng cao, bình đẳng giới là một trong số đó. Bình đẳng giới đứng thứ 5 trong các mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên hợp quốc. Thúc đẩy bình đẳng giới thể hiện sự đóng góp của Việt Nam vào mục tiêu chung của quốc tế.
Đứng trên góc độ quyền con người, bình đẳng giới có mối quan hệ mật thiết tới những vấn đề khác trong cuộc sống. Việc tạo ra một môi trường lao động bình đẳng, không chỉ giúp xóa đói giảm nghèo và giải quyết các vấn đề về thiếu thốn lương thực, chăm sóc y tế nó còn ngăn chặn các tội phạm về buôn người, bóc lột tình dục và giải quyết các vấn nạn khác trong xã hội.
Bình đẳng giới là mục tiêu không chỉ của Việt Nam, mà còn của các quốc gia trên thế giới. Bình đẳng giới là một trong các yếu tố để xác định một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Tầm quan trọng bình đẳng giới nói chung và vai trò của việc phát triển phụ nữ trong xã hội đã được Đảng và nhà nước ta nhận định cụ thể tại Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị khoá X. Sau hơn 10 năm thực hiện nghị quyết của Bộ Chính trị, cho đến nay chúng ta cũng đã đạt được một số kết quả quan trọng, đặc biệt là có sự chuyển biến nhận thức về vai trò, vị trí của phụ nữ trong xã hội; hệ thống pháp luật về bình đẳng giới trong lao động ngày được hoàn thiện. Tuy nhiên, tốc độ thu hẹp khoảng cách giới ở Việt Nam lại có dấu hiệu bị chậm lại so với giai đoạn trước đây, nguyên nhân do các chính sách hỗ trợ phụ nữ trong lao động còn hạn chế và không tương xứng với mức độ phát triển kinh tế, thiếu đi các chính sách hỗ trợ cho nhóm phụ nữ đặc thù; công tác tuyên truyền xóa bỏ định kiến giới chưa đạt được kết quả như mong đợi; các cơ quan, tổ chức được giao nhiệm vụ thúc đẩy bình đẳng giới còn chậm đổi mới, hoạt động kém hiệu quả.
Ở Việt Nam, hiện có 53.95 triệu người tham gia vào lực lượng lao động, trong đó lao động nữ chiếm 47.19 % tỷ trọng lao động, đóng góp vào nền kinh tế, mặc dù đã có nhiều sự cải thiện tuy nhiên bất bình đẳng giới và phân biệt đối xử dựa trên cơ sở giới vẫn tồn tại: phụ nữ vẫn có ít khả năng được tuyển dụng hơn nam giới; số lao động nữ có việc làm vẫn tập trung phần đông ở các công việc bán thời gian, công việc mang tính thời vụ; mức thu nhập bình quân của phụ nữ vẫn thấp hơn so với nam giới; phụ nữ phải thực hiện trách nhiệm nuôi dạy con cái, hoàn thành các công việc gia đình không được trả lương… Bên cạnh đó, dưới áp lực của sự tăng trưởng kinh tế thị trường, phụ nữ trong lao động đang phải đối mặt với nhiều thách thức và khó khăn hơn: Nhóm lao động nữ không có trình độ chuyên môn kỹ thuật và trình độ thấp không có cơ hội việc làm trong thị trường lao động; sự phát triển của khoa học kỹ thuật đã đẩy phần lớn phụ nữ ở các ngành nghề gia công, dệt may vào tình trạng thiếu thốn việc làm; yêu cầu đối ngoại, tiếp xúc khách hàng và giao lưu ngoài môi trường công sở trở nên phổ biến, gây ra khó khăn cho phụ nữ đã có gia đình, nhiều người là nạn nhân của các hành vi quấy rối tình dục… Do vậy, thực hiện bình đẳng giới, tăng giá trị cạnh tranh cho lao động nữ là vấn đề cấp thiết đặt ra ở Việt Nam hiện nay.
2. Phương hướng bảo đảm quyền bình đẳng giới trong lĩnh vực lao động trong pháp luật Việt Nam:
Xây dựng và hoàn thiện pháp luật là một trong những nội dung quan trọng để thúc đẩy bình đẳng giữa giới trong lĩnh vực lao động. Để tạo điều kiện môi trường tốt nhất cho các giới phát triển đòi hỏi các quy định của pháp luật cần hoàn thiện và thống nhất. Chỉ khi đó các giới mới có cơ hội để tiếp cận và thực hiện đầy đủ các quyền của mình. Từ những phân tích ở các chương trước đó, có thể thấy ngay thời điểm này pháp luật và việc thực thi pháp luật về bình đẳng giữa giới trong lĩnh vực lao động vẫn chưa để đáp ứng được yêu cầu thực tế. Chính vì vậy cần tiến hành hoàn thiện theo phương hướng sau:
Một là, bảo đảm các nguyên tắc cơ bản về bình đẳng giữa giỏi trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật
Việc xây dựng hệ thống nguyên tắc không chỉ để rà soát sửa đổi và hoàn thiện pháp luật. Nó còn là căn cứ để xây dựng các quy phạm mới cũng như căn cứ để giải quyết khi chưa có điều luật điều chỉnh. Đảm bảo hệ thống các nguyên tắc sẽ đảm bảo tính thống nhất trong pháp luật. Các văn bản hướng dẫn các luật, bộ luật phải có tác dụng nhằm giải thích rõ ràng hơn các quy định trên cơ sở tôn trọng nguyên tắc về bình đẳng giới. Các quy định mới sau khi xây dựng không được gây ra các cản trở cho việc thực hiện nguyên tắc đã đề ra hoặc gây ra sự nhầm lẫn khi áp dụng pháp luật. Việc sửa đổi, bổ sung hoàn thiện pháp luật để phù hợp với tình hình thực tiễn nhưng phải đảm bảo tính xuyên suốt về lập trường. Xác định thu hẹp khoảng cách giới, xóa bỏ những tồn tại, hạn chế là kim chỉ nam trong tiến trình hoàn thiện pháp luật. Các nguyên tắc cơ bản về bình đẳng giới trong lĩnh vực lao động bao gồm:
Thứ nhất, nam và nữ bình đẳng trong trong mọi mặt của đời sống lao động. Điều này có nghĩa là lao động nam và lao động nữ phải được tôn trọng và đối xử một cách công bằng và bình đẳng trong quan hệ lao động bao gồm: lựa chọn, ký kết
Thứ hai, nam và nữ không bị phân biệt đối xử về giới. Nguyên tắc này được nêu ra nhằm loại trừ tất cả các hành vi tạo nên sự bất bình đẳng nam nữ đều được loại trừ. Khi xây dựng các văn bản pháp luật hoặc các văn bản dưới luật cần phải đảm bảo sự ngang bằng và không phân biệt đối với nam và nữ. Tuy nhiên cũng cần phải lưu ý tới các đặc điểm khác nhau về cấu tạo tự nhiên giữa các giới mà quy định một cách phù hợp về việc đối xử. Ngoài ra xem xét về tình hình thực tế khoảng cách giữa các giới mà tạo trước hết cần phải ưu tiên tạo ra sự cân bằng giữa các giới.
Thứ ba, biện pháp thúc đẩy bình đẳng giữa nam và nữ không bị coi là phân biệt đối xử về giới. Theo đó, các biện pháp đặc biệt đối với lao động nữ cũng như chính sách bảo vệ và hỗ trợ người mẹ là cần thiết. Phụ nữ là nhóm đối tượng được quốc tế đưa vào nhóm dễ bị tổn thương, so với nam giới họ còn phải đảm nhận thêm trọng trách mà tạo hoá đã quy định. Do vậy, không chỉ riêng trong lao động mà trong mọi quan hệ xã hội khác họ cũng phải chịu nhiều sự thiệt thòi. Nhận thức được vấn đề này, các văn kiện quốc tế đều cho phép quốc gia có quyền được đưa ra các phương phức phù hợp để đảm bảo sự thúc đẩy của nhóm nữ trong xã hội, tạo điều kiện cho họ phát triển và thu hẹp khoảng cách về vị thế so với nam giới.
Thứ tư, bảo đảm lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng và thực thi pháp luật. Nhà nước cần đảm bảo yếu tố bình đẳng giới khi xây dựng các chính sách, quy định của pháp luật về lao động. Nguyên tắc này về cơ bản đã được nhắc tới trong Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, do vậy việc làm cần thiết hiện nay đó là thực hiện tốt các quy định đã đề ra.
Thứ năm, thực hiện bình đẳng giới trong lao động là trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân. Bình đẳng giữa giới không chỉ là vấn đề của cá nhân người lao động và người sử dụng lao động. Cần nhìn nhận trên góc độ xã hội để thấy giới cũng chính là một xã hội được chia nhỏ. Bình đẳng giữa nam và nữ chính là bình đẳng xã hội, chính vì vậy nó không chỉ là trách nhiệm của cá nhân mà còn là trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, ban ngành và là sứ mệnh quốc tế.
Hai là, việc sửa đổi bổ sung văn bản quy phạm pháp luật về bình đẳng giữa giới cần đảm bảo tính khả thi.
Bình đẳng giữa giới không chỉ là mục tiêu của Việt Nam mà còn là mục tiêu toàn cầu. Tuy nhiên Việt Nam trên cơ sở nghiên cứu tình hình phát triển kinh tế và sự biến đổi xã hội cần tìm ra hướng đi riêng cho mình trong việc thực hiện bình đẳng giữa giới. Các quy định của pháp luật cần vừa tạo điều kiện cho sự phát triển giới và đồng thời đảm bảo các yếu tố văn hoá, trật tự công cộng và phù hợp với định hướng phát triển của đất nước.
Khi sửa đổi các quy định của pháp luật cần chú trọng nhất đến tính ứng dụng của nó trong việc điều chỉnh các quan hệ lao động. Pháp luật Việt Nam hiện nay còn nhiều quy định mang tính nhân văn, có ý nghĩa tích cực trong việc thúc đẩy bình đẳng giới, tuy nhiên khi áp dụng vào thực tế lại không khả thi, không những không tạo được hiệu quả như mong đợi, trái lại nó còn gây ra một số bất cập, gây ra rào cản cho người sử dụng lao động trong việc kinh doanh và sản xuất. Do vậy, khi ban hành một quy định cần phải xem xét một cách kỹ lưỡng hai vấn đề: Quy định ban hành có phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế và mục tiêu Việt Nam hướng đến không? Quy định ban hành có phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế hiện nay hoặc trong tương lai gần của Việt Nam không? Chỉ khi giải quyết được hai câu hỏi trên thì cơ bản quy định đưa ra mới có áp dụng được vào thực tiễn.
Ba là, nâng cao vai trò của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc thúc đẩy bình đẳng giới.
Hiện tại vấn đề bình đẳng giữa giới được quy định giao cho một số cơ quan như Hội liên hiệp phụ nữ, uỷ ban mặt trận tổ quốc, uỷ ban nhân dân… tuy nhiên cần nhận thức vấn đề bình đẳng là vấn đề chung của quốc gia và quốc tế. Bởi vậy cần phải tăng cường trách nhiệm cho mỗi cá nhân hướng tới mục tiêu bình đẳng giữa giới, các cơ quan được giao trách nhiệm sẽ đóng vai trò quản lý và tham mưu đề ra các chính sách định hướng phù hợp thích hợp. Các cơ quan trên cũng cần phải có đánh giá tổng kết thực tiễn kịp thời và phát hiện các lỗ hổng hoặc các bất cập của pháp luật để có thể kịp thời sửa đổi thay thế, huỷ bỏ phù hợp.
Ngoài ra, có thể thấy Việt Nam có quá nhiều cơ quan, tổ chức năng nhiệm vụ thúc đẩy bình đẳng giới nói chung và trong lao động nói riêng, nhưng các cơ quan này còn rất thụ động trong việc định ra phương hướng và đóng góp cho mục tiêu bình đẳng giới. Trong khi đó, đầu mối là Bộ lao động thương binh và xã hội lại có kiêm nhiệm rất nhiều trọng trách do đó phần nào vấn đề bình đẳng giới chưa được quan tâm một cách đúng mực. Cần phải đánh giá và phân chia lại thẩm quyền cụ thể cho từng cơ quan, đơn vị, tổ chức, đồng thời giữa các cơ quan phải có sự phối hợp thì mới có thể thực sự đem lại hiệu quả bình đẳng giới.
Bốn là tiếp tục tạo điều kiện cho các giới phát triển, ngày càng thu hẹp khoảng cách giữa các giới, tuy nhiên trên cơ sở để các giới phát triển một cách tự nhiên, không kìm hãm.
Xã hội muốn bình đẳng thì các giới cần phải có sự bình đẳng. Chúng ta phải chấp nhận sự tồn tại của khoảng cách giới trong thực tiễn hiện nay nhưng sự tồn tại đó không phải là một thứ tất yếu. Nó cần được thu hẹp và tìm cách loại bỏ. Chỉ khi không còn tồn tại của khoảng cách giới thì lúc đó mới có thể có được sự bình đẳng giữa giới tạm thời. Bình đẳng giữa giới không thể tồn tại như một trạng thái vĩnh viễn bởi lẽ các giới đều phát triển. Khi các giới phát triển thì xã hội mới có thể phát triển. Chính vì vậy khoảng cách giới sẽ liên tục thay đổi trạng thái. Tuy nhiên ta cần phải kiểm soát được khoảng cách này và ngăn không cho nó kéo quá xa.
Mặc dù thu hẹp và xoá bỏ khoảng cách giới là một mục tiêu quan trọng. tuy nhiên để đạt được mục tiêu này thì cần có các biện há, kế hoạch hợp lý và có một lộ trình nhất định. Việc thu hẹp khoảng cách giới phải dựa trên các biện pháp thúc đẩy và khuyến khích, trong một số lĩnh vực cần có sự ưu tiên cần thiết, tuyệt đối không được kìm hãm sự phát triển của một giới để đạt được mục tiêu xóa bỏ khoảng cách, làm như vậy sẽ đi ngược lại với mục đích mà bình đẳng giữa giới muốn hướng đến đó là tạo ra một môi trường công bằng cho các giới cùng phát triển.