Quy định của pháp luật quốc tế và một số quốc gia về vai trò của luật sư trong việc bảo vệ quyền được suy đoán vô tội trong tố tụng hình sự.
1. Quy định của pháp luật quốc tế:
Suy đoán vô tội (hay giả định vô tội) xuất hiện từ thời La Mã cổ đại. Trong Luật La Mã cổ đại, thuật ngữ “Praesumptio boni viri” được hiểu là suy đoán pháp lý, người tham gia tố tụng được coi là trung thực cho đến khi bị chứng minh họ không phải là người trung thực. Đây là tư tưởng được thừa nhận và áp dụng trong tố tụng dân sự và được coi là cội nguồn của suy đoán vô tội hay giả định vô tội. Tư tưởng về suy đoán vô tội được phát triển mạnh mẽ trong thời kỳ cách mạng dân chủ tư sản. Trong thời kỳ này, giai cấp tư sản đã đưa ra những tư tưởng tiến bộ, vượt bậc về quyền con người, quyền công dân. Trong thời kỳ đầu, suy đoán vô tội được sử dụng như một vũ khí để giai cấp tư sản chống lại sự thống trị hà khắc của Nhà nước phong kiến. suy đoán vô tội trở thành một nguyên tắc của pháp luật chính thức sau thắng lợi của Cách mạng tư sản Pháp. Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của Cộng hòa Pháp năm 1789 lần đầu tiên chính thức ghi nhận và tuyên bố suy đoán vô tội là một quyền cơ bản của con người: “Mọi người được coi là vô tội cho đến khi bị tuyên bố phạm tội. Nếu xét thấy cần thiết phải bắt giữ thì mọi sự cưỡng bức vượt quá mức cần thiết cho phép đều bị pháp luật xử lý nghiêm khắc”. Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của Cộng hòa Pháp năm 1789 chính thức ghi nhận về mặt pháp lý quyền được suy đoán vô tội đã đánh dấu sự trưởng thành về kỹ thuật lập pháp TTHS của nhân loại tiến bộ, là dấu mốc trong lịch sử hình thành và phát triển quyền được suy đoán vô tội.
Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền năm 1948 ghi nhận suy đoán vô tội là một quyền cơ bản của con người và cũng là một nguyên tắc của pháp luật quốc tế, Điều 11 khẳng định: “Một người bị buộc tội có hành vi phạm tội được coi là vô tội cho đến khi sự phạm tội của người đó được xác định một cách hợp pháp trong một vụ xét xử công khai, trong đó những sự bảo đảm cần thiết cho việc bào chữa của người đó”. Quyền được suy đoán vô tội còn được ghi nhận trong các Công ước quốc tế khác, cụ thể: Công ước Châu Âu năm 1950 về nhân quyền; Công ước Châu Mỹ năm 1969 về nhân quyền,… Đặc biệt, Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966 ghi nhận các quyền cơ bản của con người với tư cách là các nguyên tắc cơ bản của pháp luật quốc tế và đưa ra những bảo đảm cần thiết khi một người bị xét xử hình sự. Khoản 2 Điều 14 Công ước quy định: “Người bị buộc tội là phạm một tội hình sự có quyền được coi là vô tội cho tới khi tội của người đó được chứng minh theo pháp luật”.
TTHS là một lĩnh vực đặc thù, có tính nhạy cảm, là hoạt động thực thi công quyền nhân danh Nhà nước trong quan hệ giữa các cơ quan tiến hành tố tụng – chủ thể thực thi công quyền và các chủ thể khác mà trong mối quan hệ ấy ưu thế luôn thiên về các chủ thể thực thi pháp luật. Vì vậy, để bảo đảm quyền con người trong hoạt động TTHS cần dành cho các chủ thể yếu thế là bị can, bị cáo những quyền pháp lý cần thiết nhằm giúp họ bảo vệ được các quyền, lợi ích hợp pháp của mình, tránh nguy cơ bị xâm phạm từ các chủ thể thực thi công quyền.
Bình luận chung số 13 Công ước quốc về về các quyền dân sự và chính trị năm 1966 nhấn mạnh mối quan hệ giữa quyền được suy đoán vô tội với nghĩa vụ chứng minh của bên công tố bên cạnh các nguyên tắc Tòa án độc lập và không thiên vị, các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng không được định kiến trước về kết quả xét xử, việc xét xử tại phiên tòa phải tuân thủ giả định bị cáo vô tội.
Các quy định về suy đoán vô tội trong pháp luật quốc tế cho thấy con người, quyền con người là giá trị cao quý, là đối tượng ưu tiên cần được bảo hộ trong lĩnh vực tư pháp hình sự. suy đoán vô tội được coi là quyền, là nguyên tắc kinh điển nhất của TTHS và là “phẩm giá của văn minh nhân loại”. Pháp luật quốc tế ghi nhận quyền được suy đoán vô tội được xem là bảo đảm quan trọng, là lá chắn để bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong việc phòng ngừa, ngăn chặn những vi phạm từ phía các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng.
Việc tuân thủ, nội luật hóa các quy định của pháp luật quốc tế trong pháp luật quốc gia không chỉ là trách nhiệm của các quốc gia thành viên của các Điều ước quốc tế mà đó còn là sự tất yếu khách quan. Pháp luật của hầu hết các quốc gia trên thế giới đều ghi nhận các nguyên tắc, các quyền con người cơ bản của pháp luật quốc tế, trong đó có quyền được suy đoán vô tội. Tuy nhiên, nội dung được ghi nhận, thể hiện ở các quốc gia có mức độ khác nhau.
2. Quy định của pháp luật một số quốc gia:
Ở nhiều nước trên thế giới, quyền được suy đoán vô tội đã được ghi nhận trong Hiến pháp và pháp luật TTHS với nhiều cách thức thể hiện khác nhau. Với tư cách là một trong những biện pháp bảo vệ quan trọng đối với người bị buộc tội trong tố tụng hình sự, suy đoán vô tội cũng được ghi nhận là một trong số những tiêu chuẩn tối thiểu đảm bảo quyền được xét xử công bằng trong TTHS.
2.1. Quyền được suy đoán vô tội trong pháp luật Liên bang Nga:
Ở Liên bang Nga, “Giả định vô tội” là một trong những nguyên tắc hiến định của TTHS. Điều 49 Hiến pháp Liên bang Nga năm 1993 quy định: “Người bị cáo buộc thực hiện tội phạm là người không có tội cho đến khi nào tội của người đó chưa được chứng minh theo trình tự được luật liên bang quy định và chưa được tuyên là có tội bởi một bản án của tòa án đã có hiệu lực pháp luật; Bị cáo không có nghĩa vụ chứng minh mình vô tội; Những nghi ngờ về việc phạm tội của người đó mà không thể loại bỏ sẽ được giải thích theo hướng có lợi cho người bị buộc tội”.
Quy định này của Hiến pháp đã được cụ thể hóa trong Bộ luật TTHS Liên bang Nga hiện hành – Bộ luật TTHS Liên bang năm 2001, theo đó suy đoán vô tội là một trong những nguyên tắc, quyền cơ bản nhất của TTHS liên bang. Đây là Bộ luật thể hiện rõ nét và cụ thể hóa nội dung của quyền được suy đoán vô tội trong TTHS. Trong số 14 nguyên tắc cơ bản của Bộ luật TTHS có một số nguyên tắc đến quyền được suy đoán vô tội, cụ thể:
– “Điều 8. Việc xét xử chỉ do Tòa án tiến hành” quy định:
- Việc xét xử vụ án hình sự ở Liên bang Nga chỉ do Tòa án tiến hành;
- Không ai có thể bị coi là có tội và phải chịu hình phạt nếu chưa có bản án của Tòa án và không tuân theo thủ tục quy định tại Bộ luật này;
- Bị cáo không thể bị tước quyền được yêu cầu xét xử vụ án của mình ở Tòa án và do Thẩm phán tiến hành, nếu theo quy định của Bộ luật này thì vụ án thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án và Thẩm phán đó.
– “Điều 14. Suy đoán vô tội” quy định:
- Bị can được coi là không có tội, chừng nào tội của họ không được chứng minh theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và không bị Tòa án tuyên phạt bằng bản án đã có hiệu lực pháp luật.
- Người bị tình nghi hoặc bị can không có nghĩa vụ chứng minh về sự vô tội của mình.
- Mọi nghi ngờ về tội phạm…, nếu không được loại trừ theo quy định của Bộ luật này được giải thích có lợi cho bị can.
– “Điều 15. Tranh tụng giữa các bên” quy định:
- Hoạt động TTHS được tiến hành trên cơ sở tranh tụng giữa các bên.
- Các chức năng buộc tội, gỡ tội và giải quyết vụ án hình sự là độc lập với nhau và không thể giao cho cùng một cơ quan hoặc một người có thẩm quyền thực hiện.
- Tòa án không phải là cơ quan truy tố, không thuộc bên buộc tội hoặc bên gỡ tội. Tòa án tạo các điều kiện cần thiết để các bên thực hiện nghĩa vụ của mình và các quyền được giao cho họ.
- Bên buộc tội và bên gỡ tội bình đẳng trước Tòa án.
– “Điều 16. Bảo đảm quyền bào chữa” quy định:
- Người bị tình nghi và bị can được bảo đảm quyền bào chữa,…có thể tự mình bào chữa hoặc nhờ sự giúp đỡ của người bào chữa (hoặc) người đại diện hợp pháp.
- Tòa án, Kiểm sát viên, Dự thẩm viên và Điều tra viên phải giải thích cho người bị tình nghi, bị can về quyền của họ và bảo đảm cho họ quyền bào chữa bằng tất cả những phương pháp, biện pháp mà Bộ luật này không cấm.
- Trong các trường hợp do Bộ luật này quy định, sự tham gia của người bào chữa và người đại diện hợp pháp của người bị tình nghi, bị can được người có thẩm quyền tiến hành tố tụng bảo đảm.
- …, người bị tình nghi và bị can có thể được sự giúp đỡ miễn phí của người bào chữa.
Chương II của Bộ luật TTHS Liên bang Nga phân nhóm các chủ thể tham gia TTHS theo chức năng cơ bản và quy định cụ thể về quyền, nghĩa vụ của từng nhóm chủ thể. Cụ thể: Tòa án (Mục 5 từ Điều 29 đến Điều 36); Các chủ thể buộc tội (Mục 6 từ Điều 37 đến Điều 45); Các chủ thể gỡ tội (Mục 7 từ Điều 46 đến Điều 55) và Các chủ thể khác tham gia tố tụng (Mục 8 từ Điều 46 đến Điều 60).
Về thủ tục xét xử: Bộ luật TTHS chỉ cho phép Tòa án trả hồ sơ để điều tra bổ sung trong trường hợp vi phạm về thủ tục tố tụng và trong thời hạn 05 ngày VKS có trách nhiệm khắc phục vi phạm này (Điều 237); Chủ tọa phiên tòa có trách nhiệm điều khiển phiên tòa và áp dụng những biện pháp theo quy định của Bộ luật TTHS để đảm đảm sự tranh tụng, bình đẳng của các bên (Điều 243). Nếu có những chứng cứ được đưa ra không chứng minh được việc buộc tội thì Kiểm sát viên từ chối buộc tội. Việc từ chối toàn bộ hoặc một phần nội dung buộc tội dẫn đến đình chỉ vụ án hoặc miễn truy cứu trách nhiệm hình sự toàn bộ hoặc một phần nội dung buộc tội. Trước khi nghị án, Kiểm sát viên cũng có thể thay đổi nội dung buộc tội theo hướng nhẹ hơn (Khoản 7, 8 Điều 246).
2.2. Quyền được suy đoán vô tội trong pháp luật Hoa Kỳ:
Hoa Kỳ thời kỳ thuộc địa dưới sự kiểm soát của Anh, thực dân Anh tiếp tục nguyên tắc suy đoán vô tội từ thông luật: “trong con mắt của pháp luật, mọi người đều trung thực và vô tội, trừ khi điều này được chứng minh ngược lại một cách hợp pháp”. Sau cuộc cách mạng Mỹ, suy đoán vô tội tiếp tục trở thành nền tảng của Luật Hình sự. Bộ luật Nhân quyền của Hiến pháp Mỹ (Tu chính án thứ 5 và thứ 6) ghi nhận suy đoán vô tội và Tu chính án thứ 14 được phê chuẩn sau Nội chiến.
Hiến pháp Mỹ không có quy định về suy đoán vô tội. Thay vào đó, suy đoán vô tội được bao hàm trong các điều khoản về trình tự thủ tục đúng đắn của Tu chính án thứ 5 và thứ 14 và quy định về quyền được xét xử công bằng theo Tu chính án thứ 6.
Tu chính án thứ 5 – Các quyền của cá nhân: Không một ai bị buộc phải chịu trách nhiệm về một tội nghiêm trọng hay một tội danh xấu khác nếu không có sự tường trình và cáo trạng của Bồi thẩm đoàn, trừ những trường hợp xảy ra trong lục quân, hải quân hoặc trong lực lượng dân quân khi đang thi hành công vụ trong tình trạng cộng đồng gặp nguy hiểm hoặc trong thời chiến. Không một ai bị kết án hai lần về cùng một tội có nguy hại đến tính mạng và thân thể; không một ai bị ép buộc phải làm chứng chống lại bản thân mình trong một vụ án hình sự và bị tước đoạt sinh mạng, tự do hoặc tài sản, nếu không qua một trình tự thủ tục theo đúng luật.
Tu chính án thứ 6 – Các quyền của bị cáo trong tố tụng hình sự: Trong vụ án truy tố hình sự, bị cáo có quyền được xét xử một cách nhanh chóng và công khai bởi một Bồi thẩm đoàn công bằng của Bang và khu vực nơi xảy ra hành vi phạm tội; bị cáo phải được
Tu chính án thứ 14 – Các quyền được bảo đảm, các đặc quyền và quyền miễn trừ của công dân, Trình tự thủ tục đúng đắn và quyền được pháp luật bảo vệ một cách bình đẳng: Tất cả những người sinh ra trên lãnh thổ Hoa Kỳ hoặc được nhập quốc tịch Hoa Kỳ và thuộc thẩm quyền tài phán ở đó, đều là công dân của Hoa Kỳ và của bang mà họ sinh sống. Không một bang nào được ban hành hoặc thực thi bất cứ đạo luật nào nhằm hạn chế đặc quyền hoặc quyền miễn trừ của công dân Hoa Kỳ. Cũng không một bang nào có thể tước đoạt sinh mệnh, tự do hoặc tài sản của một người mà không theo một trình tự đúng đắn. Các bang không thể phủ nhận quyền được pháp luật bảo vệ bình đẳng của một người trong phạm vi thẩm quyền tài phán của bang đó.
2.3. Quyền được suy đoán vô tội trong pháp luật Cộng hòa Liên bang Đức:
Hiến pháp Cộng hòa Liên bang Đức không đưa ra một quy định rõ ràng bằng văn bản về giả định vô tội. Tuy nhiên, theo quy định của Luật án lệ đã được thiết lập bởi Tòa án Hiến pháp Liên bang Đức (Bundesver- fassungsgericht), giả định vô tội là một biểu hiện đặc biệt của nguyên tắc bao trùm của pháp quyền, được quy định chủ yếu tại Điều 20 của Hiến pháp. Do đó, giả định vô tội có thuộc tính hiến pháp ngay cả khi không được đề cập rõ ràng trong Hiến pháp.
Giả định vô tội nghiêm cấm áp dụng bất kỳ biện pháp nào đối với người bị kết án hoặc coi người đó là có tội mà không có bằng chứng chứng minh theo các quy định tố tụng. Giả định vô tội đòi hỏi phải có một bản án trong một phiên tòa công bằng trước khi một người bị coi là tội phạm trong quan hệ pháp lý. Như một biểu hiện của nguyên tắc cơ bản của pháp luật, giả định vô tội không chứa các lệnh cấm và yêu cầu cụ thể, thay vào đó ý nghĩa của nó đối với luật tố tụng đòi hỏi phải định hình tùy thuộc vào hoàn cảnh của vụ việc tương ứng. Nhiệm vụ này chủ yếu liên quan đến hoạt động của cơ quan lập pháp.
Chế định suy đoán vô tội trong khung pháp lý Cộng hòa Liên bang Đức kế thừa Điều 6 của Công ước châu Âu về bảo vệ quyền con người và các quyền tự do cơ bản (Công ước châu Âu về Nhân quyền – ECHR) và Điều 48 của Hiến chương về các quyền cơ bản của Liên minh châu Âu (Hiến chương EU). Cụ thể:
Công ước châu Âu về Nhân quyền: Đức ký ECHR ngày 11/11/1950, Công ước chính thức có hiệu lực ở Đức vào ngày 03/9/1953. ECHR là một hiệp ước quốc tế (liên chính phủ) áp dụng gần như tất cả các quốc gia ở châu Âu (ngoại trừ Belarus). Điều 6 của ECHR quy định về giải định vô tội như sau: “Mọi người bị buộc tội hình sự sẽ được coi là vô tội cho đến khi được chứng minh là có tội theo pháp luật”. ECHR đã thành lập Tòa án nhân quyền châu Âu, Tòa án coi sự suy đoán vô tội là một phần của quyền xét xử hình sự công bằng. Giả định vô tội đảm bảo mọi người không có quyền được chỉ định hoặc bị coi là có tội về một tội hình sự trước khi tội lỗi của người đó đã được tòa án xác lập. Các thẩm phán trong việc thực hiện chức năng của mình không lấy làm cơ sở cho ý kiến định rằng bị cáo đã phạm tội theo cáo buộc.
Hiến chương của Liên minh châu Âu về quyền cơ bản: Điều 48 của Hiến chương về các quyền cơ bản của Liên minh châu Âu (Hiến chương EU) quy định tương tự ECHR: “Mọi người bị buộc tội sẽ được coi là vô tội cho đến khi được chứng minh là có tội theo luật định”. Hiến chương EU được tuyên bố năm 2000 và được Hiệp ước Lisbon tuyên bố ràng buộc về mặt pháp lý bằng cách nâng nó lên thành luật của Liên minh. Phạm vi áp dụng của Hiến chương EU khác với Hiến pháp quốc gia và ECHR, do đó, Hiến chương EU không bảo vệ cá nhân ngoài phạm vi áp dụng luật pháp EU. Về cơ bản, Điều 48 Hiến chương EU có nghĩa giống như Điều 6 của EHRC. Do đó, nó có cùng ý nghĩa và phạm vi như quyền được bảo đảm bởi EHRC.
Với hiệu lực trực tiếp có lợi cho cá nhân, bất kỳ người bị buộc tội nào cũng có thể viện dẫn sự suy đoán vô tội trước bất kỳ sự truy tố của tòa án hoặc cơ quan hành chính nào khác của Đức.
2.4. Quyền được suy đoán vô tội trong pháp luật Trung Quốc:
Tại Trung Quốc, suy đoán vô tội được đánh giá là ra đời khá muộn, nhiều học giả còn đặt ra câu hỏi liệu tại Trung Quốc có thực sự có khái niệm về suy đoán vô tội hay không? Trong giai đoạn phong kiến (những năm trước 1911), ở Trung Quốc suy đoán có tội được áp dụng thay vì suy đoán vô tội. Pháp luật đã đồng nghĩa người bị buộc tội là người có tội và cho phép tra tấn để lấy lời khai. Người Trung Hoa có câu ngạn ngữ nổi tiếng “trảm trước, tấu sau”, người bị tình nghi có thể bị xử trảm ngay mà không cần xét xử, việc phân xử đúng ra có thể được tiến hành sau khi hành quyết.
Sau khi nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa được thành lập, mặc dù suy đoán có tội không được áp dụng nhưng không phải suy đoán vô tội đã được thừa nhận ngay. Đã có một thời gian khá dài, các học giả Trung Quốc cho rằng suy đoán vô tội là nguyên tắc pháp lý của giai cấp tư sản, nên không thừa nhận. Thay vào đó, các cơ quan có thẩm quyền thực hiện hoạt động tố tụng trên cơ sở các chứng cứ của vụ án và quy định của pháp luật. Tuy nhiên, hòa chung với xu thế phát triển của thời đại, suy đoán vô tội cuối cùng cũng được thừa nhận tại Trung Quốc. Trong Bộ luật tố tụng hình sự nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa được ban hành ngày 01/7/1979 và được sửa đổi, bổ sung theo Quyết định sửa đổi, bổ sung Bộ luật tố tụng hình sự được thông qua ngày 17/3/1996 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/91/1997, Điều 12 quy định: “Không ai bị coi là có tội, nếu không bị xét xử bởi một
“Thẩm phán, Kiểm sát viên, Điều tra viên theo trình tự, thủ tục quy định trong luật, phải thu thập các loại chứng cứ khác nhau chứng cứ chứng minh sự có tội hay vô tội của nghi can, bị cáo và mức độ nghiêm trọng của tội phạm. Nghiên cấm việc bức cung, dùng nhục hình và thu thập chứng cứ bằng các biện pháp như đe dọa, dụ dỗ, lừa gạt và các biện pháp bất hợp pháp khác.”
Như vậy, trong pháp luật tố tụng tụng hình sự Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, mặc dù tên gọi quyền được suy đoán vô tội chưa được ghi nhận nhưng hai nội dung quan trọng của quyền này đã được ghi nhận. Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 12 Bộ luật tố tụng hình sự thì khái niệm “không bị xét xử” có nội hàm rộng hơn so với “không có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật”. Đây có thể coi là hạn chế của pháp luật tố tụng hình sự nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa về nguyên tắc này.
Từ những phân tích trên, có thể đưa ra một số nhận xét sau:
Thứ nhất, pháp luật tố tụng hình sự của các quốc gia trên thế giới đều ghi nhận những nội dung của quyền được suy đoán vô tội ở các mức độ khác nhau. Tuy nhiên, chỉ pháp luật tố tụng hình sự Liên bang Nga chính thức ghi nhận quyền được suy đoán vô tội là tên gọi của điều luật.
Thứ hai, hầu hết pháp luật tố tụng hình sự của các nước đều chỉ ghi nhận hai nội dung của quyền được suy đoán vô tội là: người bị buộc tội chỉ bị coi là có tội khi có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật và trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về bên buộc tội. Chỉ có pháp luật tố tụng hình sự Liên Bang Nga ghi nhận đầy đủ nội dung của quyền được suy đoán vô tội tại một điều luật cụ thể.
Thứ ba, để bảo đảm quyền được suy đoán vô tội, pháp luật tố tụng hình sự các quốc gia trên thế giới đều quy định trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng về bảo đảm quyền con người đối với người bị buộc tội.