Một số kết quả bảo đảm quyền trẻ em trước tác động của biến đổi khí hậu ở Việt Nam.
Mục lục bài viết
1. Quyền được giáo dục:
Bộ Giáo dục và Đào tạo hiện đang xây dựng lại Kế hoạch 10 năm cho ngành giáo dục. Chiến lược phát triển giáo dục năm 2011-2020 đã ghi nhận nhiều thành tựu đạt được trong giai đoạn này, ví dụ như số lượng trẻ em đến trường tăng lên – từ 72% lên 98% đối với trẻ mầm non; từ 70% lên 83% đối với học sinh trung học cơ sở; và từ 33% lên 50% đối với học sinh trung học phổ thông. Từ năm 2017, Chính phủ Việt Nam đã áp dụng Khung Trường học an toàn Toàn diện (CSSF) như một phần của Sáng kiến Trường học an toàn ASEAN (ASSI). Năm 2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phê duyệt chương trình Trường học an toàn về giảm thiểu rủi ro thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu, được triển khai tới tất cả 63 tỉnh thành. Mô hình và hướng dẫn Trường học an toàn được dẫn dắt thực hiện bởi Bộ Giáo dục và Đào tạo, cùng sự hợp tác với UNICEF, Plan Quốc tế và các tổ chức quốc tế khác. Bắt đầu năm học 2019-2020, trường học tất cả các cấp (từ mầm non đến trung học phổ thông) bắt đầu áp dụng chương trình giảng dạy mới nhằm góp phần nâng cao nhận thức về giảm thiểu và khả năng chống chịu trước rủi ro thiên tai của học sinh, giáo viên, nhà trường, cũng như toàn bộ hệ thống giáo dục. Chương trình mới được giới thiệu vào thời điểm quan trọng, khi những rủi ro thiên tai do biến đổi khí hậu ngày càng tăng lên. Thực hành tốt nhất được ghi lại trong đánh giá Chương trình giảm thiểu rủi ro thiên tai của UNICEF trong hoạt động giáo dục tại Đông Á – Thái Bình Dương là quan hệ đối tác giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Bộ Giáo dục và Đào tạo, hỗ trợ bởi UNICEF để đưa ra “can thiệp hiệu quả, mang tính phối hợp và hợp tác” về giáo dục giảm thiểu rủi ro thiên tai, ví dụ như Lập sơ đồ và phân tích tính dễ bị tổn thương của trẻ em; Truyền thông cho Chiến lược Phát triển. Về vấn đề giới, trẻ em gái và phụ nữ được trao quyền và tham gia vào quá trình giảm thiểu rủi ro thiên tai tại địa phương, điều này được xác nhận trong một cuộc đánh giá, trong đó có gặp mặt và phỏng vấn giáo viên, học sinh. Nhìn chung, bình đẳng giới và việc sử dụng dữ liệu phân tố được lồng ghép trong những can thiệp giáo dục về giảm thiểu rủi ro thiên tai và nỗ lực cân bằng giới đã được các ủy ban giảm thiểu rủi ro thiên tại địa phương ghi nhận.
2. Quyền được chăm sóc sức khỏe, y tế:
Bộ Y tế và Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng Kế hoạch Hành động ứng phó với biến đổi khí hậu của ngành y tế để ứng phó với tình trạng này trong giai đoạn năm 2019-2030, tầm nhìn tới năm 2050. Kế hoạch nhằm mục đích nâng cao năng lực của ngành y tế trong việc phòng ngừa và giảm nhẹ yếu tố rủi ro của môi trường và khí hậu, góp phần vào công tác bảo vệ, chăm sóc và cải thiện sức khỏe người dân. Kế hoạch Hành động gồm 7 mục tiêu chính và 29 nhiệm vụ cụ thể, với ngân sách ước tính là 2.000 tỷ đồng cho giai đoạn 2019-2030. Cục Quản lý Môi trường Y tế được chỉ định là đầu mối, có sự phối hợp chặt chẽ với các sở, cơ quan trực thuộc Bộ Y tế. Về sự phối hợp đa ngành ở cấp quốc gia, Bộ Y tế đã làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia 2016-2025 về Cấp nước sạch và Vệ sinh nông thôn. Chương trình này ưu tiên việc cấp nước cho các cơ sở y tế và khu vực bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu. Bộ Y tế và Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với nhau để theo dõi, giám sát tình trạng dinh dưỡng, can thiệp dinh dưỡng và chăm sóc y tế cho trẻ em, học sinh ở khu vực bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu, đồng thời đang đưa các hoạt động thích ứng về chăm sóc sức khỏe vào chương trình mục tiêu quốc gia và các dự án biến đổi khí hậu; hướng dẫn thực thi ở cấp địa phương; chia sẻ cơ sở dữ liệu về thời tiết và khí hậu, lập bản đồ khu vực có người bị ảnh hưởng sức khỏe do biến đổi khí hậu; tăng cường công tác xử lý chất thải, hạn chế phát thải khí nhà kính, sử dụng năng lượng sạch và năng lượng tái tạo; và thực hiện các biện pháp để hạn chế các tác động của ô nhiễm không khí lên sức khỏe cộng đồng. Bộ Y tế và Bộ Lao động Thương binh và Xã hội tập trung vào sức khỏe và dinh dưỡng trẻ em. Ngoài ra, Bộ Y tế và Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với nhau để thực hiện truyền thông trên các phương tiện đại chúng và báo chí về tác động của biến đổi khí hậu đối với sức khỏe con người. Ngành y tế đã lồng ghép nội dung khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu vào một số kế hoạch hành động, bao gồm cả kế hoạch thực hiện Phong trào Vệ sinh yêu nước và Nâng cao sức khỏe nhân dân, kế hoạch thực hiện chương trình Cơ sở y tế Xanh – Sạch – Đẹp, Kế hoạch Hành động Phòng chống sốt rét 2015-2020, Kế hoạch Hành động quốc gia về Dinh dưỡng tới năm 2020, và Kế hoạch Hành động về Dự phòng và ứng phó với thiên tai giai đoạn 2015-2020 của ngành y tế.
3. Quyền về nước sạch và vệ sinh môi trường:
Việt Nam với khoảng 97,4 triệu dân, đã được hưởng lợi từ những tiến bộ đáng kể trong dịch vụ nước sạch và vệ sinh môi trường. Vào năm 2017, 93% dân số nông thôn và 84% nhóm dân số nghèo nhất được tiếp cận nguồn nước có chất lượng tốt hơn, con số này đối với nhóm dân số thành thị là 99%. Xu hướng tương tự cũng được thể hiện trong việc tiếp cận cơ sở vệ sinh cơ bản, với 78% dân số nông thôn và 41% nhóm dân số nghèo nhất, còn số liệu đối với nhóm người dân thành thị là 94%. Bên cạnh đó, ước tính có 82% dân số nông thôn và 64% nhóm dân số nghèo có thực hành vệ sinh cơ bản, còn nhóm dân số thành thị là 93%. Hơn nữa, vào năm 2019, 10,7 triệu người trên khắp Việt Nam (10,15 triệu người dân nông thôn và 550.000 người dân thành thị) vẫn có hành vi phóng uế nơi công cộng. Khối lượng nước thải chưa qua xử lý, bao gồm cả bùn phân vẫn là một mối hiểm họa nghiêm trọng đến môi trường và sức khỏe cộng đồng, đồng thời cũng đặt ra thách thức lớn cho công tác quản lý. Ngoài ra, mức độ bao phủ về mặt địa lý của dịch vụ nước sạch và vệ sinh môi trường tại Việt Nam phần nào được xác định dựa trên mức thu nhập, dân tộc và địa điểm. Việc đảm bảo tiếp cận nước sạch và vệ sinh môi trường ở nông thôn trong bối cảnh biến đổi khí hậu và hiện tượng thời tiết cực đoan được đưa vào phần vệ sinh của Chương trình Mục tiêu Quốc gia về Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn giai đoạn 2006- 2010 và 2012-2015. Bộ Y tế phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn để thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia về Phát triển Nông thôn mới, bao gồm can thiệp dinh dưỡng về giảm tình trạng thấp còi cho trẻ em, nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, nằm trong mục tiêu tổng thể là xây dựng nông thôn mới để đưa vào sử dụng cơ sở hạ tầng kinh tế – xã hội hiện đại, để từ đó xây dựng nền công nghiệp và dịch vụ, đảm bảo sự ổn định và bảo vệ môi trường, cũng như lợi ích vật chất và tinh thần. Trong giai đoạn 2010-2020, Chương trình Mục tiêu Quốc gia nhằm mục đích đảm bảo cung cấp nước sạch và vệ sinh môi trường ở nông thôn, để các khu dân cư, trường học, trạm y tế, văn phòng làm việc và khu dịch vụ công cộng được sạch sẽ và vệ sinh.
4. Quyền được bảo trợ xã hội:
Luật Trẻ em được soạn thảo nhằm mục đích xây dựng nền tảng pháp lý cho quyền của trẻ em tại Việt Nam thông qua việc đưa ra hướng dẫn và chính sách để đảm bảo quyền trẻ em được thực hiện theo Công ước của Liên hợp quốc về Quyền trẻ em. Mục đích của hệ thống bảo trợ xã hội tại Việt Nam là đảm bảo tất cả người dân có thể tiếp cận và hưởng lợi từ chính sách an sinh xã hội và có mức sống tối thiểu để góp phần xóa đói giảm nghèo một cách bền vững, ổn định chính trị và xã hội. Hệ thống ưu tiên cho một số nhóm đối tượng dễ bị tổn thương, trong số đó có trẻ em, người dân ở vùng sâu vùng xa, miền núi, khu vực dân tộc thiểu số và khu vực bị ảnh hưởng bởi thiên tai.
Hiện nay, nghiên cứu thực hiện bởi Bộ Lao động Thương binh và Xã hội có tiêu đề “Xây dựng hệ thống bảo trợ xã hội ứng phó với các cú sốc và chú trọng tới trẻ em” đã xác định những khoảng trống trong hệ thống trợ giúp xã hội và đưa ra khuyến nghị để chuẩn bị và ứng phó tốt hơn với các rủi ro thiên tai hoặc rủi ro liên quan đến khí hậu. Chương trình Quốc gia về Bảo vệ trẻ em 2021-2025 (tới năm 2030) hiện đang được Bộ Lao động Thương binh và Xã hội sửa đổi, bổ sung; trong đó có nội dung được sửa đổi, bổ sung về cam kết lồng ghép các rủi ro biến đổi khí hậu vào Chiến lược Bảo trợ xã hội Quốc gia. Chính phủ đang tận dụng những lợi ích hỗ trợ để vận hành hệ thống bảo trợ xã hội ứng phó trước cú sốc, cũng như mở rộng mức độ tiếp cận của hệ thống trợ giúp xã hội tới trẻ em 0-3 tuổi và trẻ em dễ bị tổn thương.
5. Quyền về môi trường:
Với Luật Bảo vệ môi trường được sửa đổi và ban hành năm 2014, vấn đề phát triển bền vững, môi trường và biến đổi khí hậu được nhận thức tốt hơn, nhờ các chương trình nghị sự khung quốc tế như Thỏa thuận chung Paris, Chương trình nghị sự 2030 về Phát triển bền vững và Nghị định thư Nagoya. Do
Chiến lược quốc gia của Việt Nam về đa dạng sinh học tới 2020, tầm nhìn tới 2030 tuân theo một loạt Kế hoạch Hành động về đa dạng sinh học (Kế hoạch hành động năm 1995, 2007 và 2010, tầm nhìn tới 2020). Sau 3 năm thực hiện Kế hoạch hành động về đa dạng sinh học năm 2007, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tiến hành đánh giá và nhận thấy quốc gia đã đạt được một số thành tựu về bảo tồn đa dạng sinh học như tăng diện tích hệ sinh thái được bảo vệ, các loài mới được phát hiện đóng góp nhiều ý nghĩa cho khoa học, các nguồn gen được bảo tồn và lưu giữ phát huy giá trị trong công tác chọn, tạo giống. Có thể thấy rằng, chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học và Kế hoạch Hành động là hội để gia tăng là khả năng xác định chi tiết tác động của suy thoái môi trường lên sức khỏe và phúc lợi của trẻ em, đồng thời đảm bảo lợi ích đa dạng sinh học đối với trẻ em.