Chức năng của Hội nghị hiệp thương chính trị nhân dân Trung Quốc trong hệ thống chính trị. Thực tiễn hoạt động Hội nghị hiệp thương chính trị nhân dân Trung Quốc.
Mục lục bài viết
1. Chức năng của Hội nghị hiệp thương chính trị nhân dân Trung Quốc trong hệ thống chính trị:
Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc là tổ chức mặt trận yêu nước thống nhất rộng rãi và đã phát huy những vai trò, chức năng quan trọng trong lịch sử. Từ đó cho đến nay, trong đời sống chính trị cả nước, đời sống xã hội và trong các hoạt động đối ngoại hoà bình, trong sự nghiệp tiến hành xây dựng hiện đại hoá xã hội chủ nghĩa, trong đấu tranh thống nhất và đoàn kết bảo vệ nhà nước Trung Quốc, Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc sẽ từng bước phát huy các chức năng quan trọng khác nhau của mình.
Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc lấy Hiến pháp nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa làm chuẩn mực cơ bản và Hiến pháp của Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc làm cơ sở. Tư duy của “Ba đại diện”, thúc đẩy lòng yêu nước và xã hội, giám sát lẫn nhau, đồng thời thúc đẩy sự tham gia của tất cả các đảng, các nhóm và nhân dân các dân tộc, mọi tầng lớp trong Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc. Đoàn kết và hợp tác để củng cố hơn nữa và phát triển mặt trận đoàn kết yêu nước, phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc, trung thành hai chủ đề thống nhất và dân chủ, tích cực thực hiện chức năng hiệp thương chính trị, giám sát dân chủ, tham gia và thảo luận về chính trị, nhằm thúc đẩy hiện đại hóa, hoàn thành thống nhất Tổ quốc, giữ vững Phấn đấu vì mục tiêu lớn là hòa bình thế giới.
Theo Điều lệ Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc thì cơ quan này có ba chức năng chủ yếu là “hiệp thương chính trị, giảm sát dân chủ và tham chính nghị chính thông qua nghiên cứu thảo luận, đề xuất các ý kiến, kiến nghị với Đảng và cơ quan nhà nước xem xét”.
Hiệp thương chính trị là hiệp thương về phương châm chính sách quốc gia và địa phương cũng như những vấn đề quan trọng trong nền chính trị, kinh tế, văn hóa và đời sống xã hội trước khi quyết định, hiệp thương về những vấn đề quan trọng trong quá trình thực thi những quyết sách nói trên. Ủy ban toàn quốc và các Ủy ban địa phương của Chính hiệp có thể căn cứ đề nghị của Đảng Cộng sản Trung Quốc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ nhân dân, các đảng phái dân chủ, các đoàn thể nhân dân triệu tập hội nghị có người phụ trách các đảng phái và đoàn thể, đại biểu các dân tộc và các giới tham gia, tiến hành hiệp thương, cũng có thể đề nghị các cơ quan kể trên đưa ra hiệp thương những vấn đề quan trọng hữu quan.
Giám sát dân chủ là giám sát việc thực hiện hiến pháp, luật pháp và các quy định của quốc gia, việc thực hiện các nguyên tắc và chính sách lớn, và công việc của các cơ quan nhà nước và cán bộ, công chức thông qua góp ý và phê bình. Năm 2017, Văn phòng Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đã ban hành “Ý kiến về tăng cường và nâng cao sự giám sát dân chủ của Hội nghị hiệp thương chính trị nhân dân”. Đây không phải là một văn bản pháp lý nhưng Văn bản này đã đưa ra những quan điểm của Đảng Cộng sản Trung Quốc, mang tính lãnh đạo, chỉ đạo về về giám sát dân chủ của Hội nghị hiệp thương chính trị nhân dân Trung Quốc. Theo đó, giám sát dân chủ là giám sát 08 nội dung chính gồm: Việc thực hiện luật pháp và các quy định của hiến pháp quốc gia;thực hiện các chủ trương, chính sách lớn của Đảng và nhà nước, các biện pháp cải cách lớn, các quyết sách quan trọng; Tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội của cả nước, kế hoạch hàng năm và tình hình thực hiện ngân sách tài chính; Việc thực hiện các giải pháp cho các vấn đề thực tiễn liên quan đến lợi ích sống còn của người dân; Các cơ quan nhà nước và cán bộ của mình chấp hành kỷ luật, pháp luật, tăng cường xây dựng lề lối làm việc, gắn bó mật thiết với quần chúng, thực hiện phòng, chống tham nhũng, giữ gìn liêm chính, v.v; Việc xử lý các kiến nghị, đề xuất và các ý kiến, đề xuất quan trọng khác của Hội nghị Hiệp thương chính trị nhân dân Trung Quốc; Các đơn vị và cá nhân tham gia Hội nghị Hiệp thương chính trị nhân dân Trung Quốc thực hiện các chính sách của Mặt trận thống nhất, tuân thủ hiến pháp của Hội nghị Hiệp thương chính trị nhân dân Trung Quốc và thực hiện các nghị quyết của Hội nghị Hiệp thương chính trị nhân dân Trung Quốc; Các vấn đề giám sát khác do cấp uỷ phân công. Các hình thức giám bao gồm: giám sát thông qua các phiên họp của chính hiệp; tổ chức các đoàn giám sát hoặc tham gia vào các đoàn kiểm tra, giám sát; giám sát thông qua đề xuất của các thành viên Chính hiệp; giám sát đặc biệt và các hình thức giám sát khác.
Tham chính nghị chính là điều tra nghiên cứu, phản ánh ý dân, hiệp thương và thảo luận liên quan đến các nguyên tắc và chính sách lớn của quốc gia, các biện pháp quan trọng của chính quyền địa phương và các vấn đề chính trong tiến bộ chính trị, văn hóa, xã hội và sinh thái, những vấn đề quan trọng trong nền kinh tế và đời sống xã hội cũng như những vấn đề được quần chúng nhân dân quan tâm rộng rãi được thực hiện cả trước khi đưa ra quyết định và trong quá trình thực hiện, từ đó thông qua báo cáo điều tra nghiên cứu, đề án, đề nghị cũng như các hình thức khác, nêu ra ý kiến và kiến nghị cho Đảng Cộng sản Trung Quốc và các cơ quan Nhà nước. Uỷ ban dân tộc và các uỷ ban địa phương theo đề nghị của Uỷ ban nhân dân các cấp, thường trực đại hội đại biểu nhân dân, chính quyền nhân dân, các đảng phái chính trị khác và tổ chức nhân dân tổ chức các cuộc họp có sự tham gia của lãnh đạo các chính đảng, đoàn thể nhân dân và đại biểu các dân tộc. các nhóm và các thành phần xã hội khác nhau tham gia hiệp thương; và có thể đề nghị các tổ chức nêu trên gửi các vấn đề quan trọng có liên quan để tham khảo ý kiến.
Bên cạnh đó, Chính hiệp Trung Quốc còn tham gia và giải quyết các công việc của nhà nước là thực hiện các nghiên cứu, khảo sát về các vấn đề quan trọng liên quan đến chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo vệ sinh thái và môi trường và các vấn đề được công chúng quan tâm, báo cáo về điều kiện xã hội và tình cảm của công chúng, và tham gia thảo luận và hiệp thương. Nhận xét và đề xuất được thực hiện thông qua các báo cáo nghiên cứu, đề xuất, kiến nghị và các hình thức khác tới hệ thống chính quyền và các cơ quan nhà nước.
Kết cấu cơ bản của chế độ chính trị ở Trung Quốc là thi hành chế độ Đại hội đại biểu nhân dân tức Quốc hội, chế độ hợp tác đa đảng và hiệp thương chính trị, chế độ khu vực dân tộc tự trị dưới sự lãnh đạo thống nhất của Đảng cộng sản Trung Quốc. Quốc hội thông qua bầu cử, bỏ phiếu để thi hành quyền lực cũng như tiến hành hiệp thương đầy đủ với chính hiệp nhân dân trước khi bầu cử và bỏ phiếu, đây là hai hình thức quan trọng nhất của nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Trung Quốc. Mối quan hệ giữa Chính hiệp, quốc hội và Chính phủ là Chính hiệp tiến hành hiệp thương trước khi vạch quyết sách, quốc hội đưa ra quyết sách sau khi hiệp thương, Chính phủ là người thực hiện quyết sách, ba cơ quan này thống nhất dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Trung Quốc, phân công và hợp tác, thực hiện nhiệm vụ của mình. Đây là thể chế chính trị phù hợp tình hình Trung Quốc và mang đặc sắc Trung Quốc. Chính hiệp Trung Quốc có vị thế quan trọng trong thể chế này.
2. Thực tiễn hoạt động Hội nghị hiệp thương chính trị nhân dân Trung Quốc:
Năm 2019 là năm kỷ niệm 70 năm thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và cũng kỷ niệm 70 năm thành lập Chính Hiệp, công tác chính hiệp trong năm 2019 đã đạt được nhiều thành tích quan trọng, tiếp tục tăng cường học tập và quán triệt những chính sách quan trọng của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc và tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch Tập Cận Bình; tiếp tục làm tốt công tác tham mưu về các chính sách cải cách và phát triển; nỗ lực đóng góp cho chính sách dựa trên pháp luật để điều hành đất nước; làm tốt chức năng giám sát dân chủ; tập hợp sức mạnh của toàn dân để thực hiện cuộc phục hưng vĩ đại của dân tộc Trung Hoa và tích cực đổi mới công tác Chính hiệp.
Bước sang năm 2020, trong bối cảnh dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, tăng trưởng GDP Trung Quốc vẫn đạt 2,3%, nhưng tiêu dùng tiếp tục trì trệ, xuất hiện mức tăng trưởng âm lần đầu tiên kể từ năm 1978. Do vậy, việc kích cầu kinh tế trong nước và ổn định việc làm dành cho người lao động nằm trong những vấn đề chiến lược được Trung Quốc quan tâm hàng đầu. Theo đó, trong Báo cáo tổng kết công tác Chính Hiệp 2020, công tác tham vấn chính trị, hiệp thương của Chính hiệp năm qua đối với đường lối lãnh đạo của Đảng cộng sản Trung Quốc cũng như các quyết sách, chính sách lớn về kinh tế đã góp phần quan trọng giúp Trung Quốc đạt những kết quả tích cực, cơ bản khống chế đại dịch COVID-19 và là nền kinh tế lớn duy nhất trên thế giới tăng trưởng GDP dương 2,3% cũng như hoàn thành mục tiêu cơ bản xóa hết hộ nghèo. Đây là một trong những thành công rất lớn của Trung Quốc trong bối cảnh đại dịch toàn cầu COVID-19 diễn ra nhưng Trung Quốc vẫn khắc phục và thúc đẩy sự phát triển nói chung và sự phát triển của kinh tế chính trị, văn hoá, xã hội nói riêng.
Về chính sách mở cửa, trên cơ sở hiệp thương của Chính hiệp và các cơ quan hữu quan trong những kỳ họp trước đó. Chính phủ Trung Quốc cũng chính thức phê chuẩn Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực – RCEP, thể hiện sự coi trọng liên kết với bên ngoài và yêu cầu cải cách mở cửa cấp độ cao. Bên cạnh đó, trong kỳ họp thứ 4 Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc Trung Quốc (Quốc hội) và Chính hiệp khóa 13 từ ngày 03/03/2021 11/03/2021 cũng đã thảo luận, đề xuất các chính sách tuần hoàn kép thể hiện sự coi trọng đối với nội địa hóa và khu vực hóa; đề ra cải cách, mở cửa cấp độ cao, mở rộng thể chế, mở rộng tiếp cận; đồng thời, để xây dựng mục tiêu phát triển mới, không chỉ xây dựng thị trường nội địa có chất lượng cao và lớn nhất thế giới mà vẫn cần có thị trường bên ngoài để tạo đà, thúc đẩy thị trường trong nước phát triển. Trong tương lai, Trung Quốc sẽ tiếp tục đàm phán hiệp định thương mại tự do (FTA) với nhiều nước (Nhật Bản, Hàn Quốc) và nhiều liên kết khu vực khác (dự kiến xem xét tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương – CPTPP), thúc đẩy quan hệ kinh tế với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cũng như xây dựng nhiều khu vực thương mại tự do và mở rộng tăng cường hợp tác kinh tế hơn nữa.
Về hoạt động đối ngoại, Chính hiệp giữ nguyên chính sách đối ngoại như các kỳ họp trước đây, tuy nhiên, năm 2021 có phần nhấn mạnh đến việc tham gia các liên kết khu vực và FTA, xem xét chuẩn bị tham gia CPTPP và thúc đẩy hơn nữa Sáng kiến “Vành đai, Con đường” (BRI) nhằm thực hiện tham vọng bước vào thập niên thứ ba của thế kỷ XXI. Trong quan hệ với Mỹ, Trung Quốc, Chính hiệp thảo luận và đề ra chủ trương hạ nhiệt căng thẳng, vẫn tiếp tục duy trì khuôn khổ vừa đấu tranh, vừa hợp tác, vạch “lằn ranh đỏ” đối với một số lĩnh vực gây bất đồng giữa hai bên và có những động thái sẵn sàng hợp tác trên một số lĩnh vực… Trước những chiến lược ngoại giao này, Chính hiệp Trung Quốc đang định hướng theo đuổi các chính sách dựa trên thực lực kinh tế và quân sự đang ngày càng lớn mạnh, trong khi đó sức mạnh và tầm ảnh hưởng của Mỹ trên trường quốc tế bị giảm sút trong những năm qua.
Trong quá trình hoạt động của Chính hiệp, các uỷ viên Chính hiệp đã đóng góp rất nhiều ý kiến trên tinh thần xây dựng và thúc đẩy sự phát triển một cách toàn diện trên tất cả các lĩnh vực tại Trung Quốc. Gần đây nhất kỳ họp thứ hai Ủy ban toàn quốc khóa 13 Chính hiệp, các ủy viên Chính hiệp toàn quốc đã đóng góp 5.113 đề án và các ý kiến, kiến nghị quan trọng chung quanh các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội và văn minh sinh thái; nhất là các vấn đề nổi cộm được xã hội quan tâm như: phòng ngừng biến động bất thường của thị trường tài chính, xử lý rủi ro về nợ công của các địa phương; thúc đẩy kết hợp giữa giảm nghèo với phát triển nông thôn; thúc đẩy xây dựng mạng lưới quan trắc môi trường sinh thái; duy trì phát triển ổn định, lành mạnh nền kinh tế, nhất là phát triển chất lượng cao các ngành sản xuất; thúc đẩy cải cách cơ cấu nguồn cung; bảo đảm và cải thiện tốt hơn đời sống người dân; thúc đẩy chiến lược phát triển xanh và xây dựng môi trường sinh thái…
Thời gian qua, Chính hiệp luôn tập đẩy mạnh công tác xây dựng lý luận tư tưởng, kiên trì định hướng chính trị đúng đắn; làm tốt công tác tham mưu về các chính sách đi sâu cải cách toàn diện, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện các giải pháp cải cách quan trọng; đóng góp rất lớn cho sự phát triển ổn định của nền kinh tế; làm tốt công tác cải thiện đời sống của nhân dân, củng cố sự hòa hợp và ổn định trong xã hội; không ngừng nâng cao hiệu quả của công tác hiệp thương chính trị; làm sâu sắc thêm mối quan hệ đoàn kết và gắn bó chặt chẽ với đồng bào Hồng Kông, Ma Cao, Đài Loan và kiều bào ở ngoài nước; mở rộng quan hệ ngoại giao nhân dân, tạo môi trường bên ngoài thuận lợi cho sự phát triển của đất nước; không ngừng cải tiến và nâng cao chất lượng công tác, từng bước nâng cao trình độ khoa học trong công tác chính hiệp; phát huy vai trò quan trọng của chính hiệp nhân dân trong phát triển hiệp thương dân chủ xã hội chủ nghĩa.
Trước thềm kỷ niệm 100 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc (tháng 7-2021), kỳ họp Chính hiệp năm 2021 mang ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với Trung Quốc. Đây cũng là giai đoạn chuẩn bị tổng kết và đánh giá thực hiện các mục tiêu được đề ra tại Đại hội XIX, trước khi diễn ra Đại hội XX của Đảng Cộng sản Trung Quốc dự kiến vào năm 2022. Những vấn đề nghị sự quan trọng tác động sâu rộng tới đời sống chính trị, kinh tế, xã hội của Trung Quốc, cùng với những điều chỉnh từ nền tảng luật pháp đến cơ cấu bộ máy của Chính phủ Trung Quốc đã được xem xét và thông qua. Theo đó, Trung Quốc đang quyết tâm thực hiện mục tiêu xây dựng đất nước hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa toàn diện.
Cột mốc 100 năm của Đảng Cộng sản Trung Quốc được xem là “khúc dạo đầu” của thập niên mới. Do đó, thời kỳ 5 năm lần thứ 14 là 5 năm đầu tiên sau khi Trung Quốc hoàn thành xây dựng xã hội khá giả toàn diện và thực hiện mục tiêu 100 năm lần thứ nhất, bắt đầu hành trình mới xây dựng nhà nước hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa toàn diện và phấn đấu vì mục tiêu 100 năm lần thứ hai. Tinh thần đó được thể hiện rõ thông qua những động thái mới đây của Trung Quốc theo hướng tăng cường sức mạnh từ bên trong, mở rộng ra bên ngoài. Với vị thế là nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới, sự phát triển của Trung Quốc sẽ tác động mạnh mẽ tới khu vực và thế giới.
Bên cạnh sự thành công trong thực tiễn hoạt động, Hội nghị hiệp thương chính trị nhân dân Trung Quốc cũng gặp phải một số hạn chế, đặc biệt là đối với chức năng giám sát dân chủ. Chức năng này bị thiếu thể chế hóa và luật hóa. Như đã trình bày ở trên, việc giám sát dân chủ mới chỉ được quy định bởi các văn bản của Đảng Cộng sản Trung Quốc và các văn bản của Chính hiệp nhưng lại không có văn bản quy phạm pháp luật quy định về chức năng này. Việc thiếu luật hóa quyền giám sát dân chủ của Chính hiệp là một lý do quan trọng dẫn đến việc thiếu cơ chế kiểm soát quyền lực của Nhà nước. Hoạt động giám sát dân chủ của Chính hiệp thiếu quy phạm thống nhất về nội dung, phạm vi, hình thức, mục tiêu, thủ tục, quy trình chưa rõ ràng dẫn đến việc thực hiện giám sát dân chủ chưa chặt chẽ, cụ thể, hoạt động còn hạn chế, linh hoạt. Điều này làm suy yếu chức năng giám sát của Chính hiệp.
Ngoài ra tổ chức Chính hiệp không phải là một cơ quan có quyền lực nhà nước và không có các thủ tục luật định phải tuân theo cũng như các đảm bảo khác để thực hiện giám sát. Hình thức giám sát dân chủ của Chính hiệp cho thấy tổ chức là một cơ cấu phi quyền lực nhà nước. Chính hiệp không có “quyền lập pháp” như Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc, cũng không có “quyền hành pháp” như Quốc vụ viện, chỉ có “quyền lợi” giám sát lập pháp và hành chính. Nhưng “quyền lợi” không bằng “quyền lực”, nghĩa là cũng có thể từ bỏ quyền giám sát. Giám sát dân chủ là giám sát phi quyền lực nhà nước, chủ yếu hỗ trợ các cơ quan đảng và nhà nước cải tiến công việc, nâng cao hiệu quả công việc, khắc phục bệnh quan liêu bằng cách góp ý. Không có sự ràng buộc của pháp luật và sự bắt buộc của kỷ luật, ý nghĩa và chức năng của nó thường không được mọi người hiểu và thường bị một số lãnh đạo các cơ quan nhà nước phớt lờ.