Kiểu dáng công nghiệp là hình dáng bên ngoài của một sản phẩm nào đó, ví dụ như hình dáng bên ngoài của ô tô, họa tiết trên các sản phẩm thông dụng ... Vậy theo quy định của pháp luật hiện nay, các đối tượng nào sẽ không được bảo hộ dưới danh nghĩa kiểu dáng công nghiệp?
Mục lục bài viết
1. Các đối tượng không được bảo hộ kiểu dáng công nghiệp:
Ngoài các điều kiện được đặt tra ra để để một hình dạng bên ngoài của sản phẩm có thể được bảo hộ là kiểu dáng công nghiệp, có một số đối tượng luôn không được bảo hộ với danh nghĩa là kiểu dáng công nghiệp mà không cần xem xét về các điều kiện đó. Pháp luật Việt Nam quy định cụ thể những đối tượng không có khả năng được bảo hộ dưới danh nghĩa kiểu dáng công nghiệp tại Điều 64 của Văn bản hợp nhất Luật sở hữu trí tuệ năm 2022 bao gồm:
– Hình dáng bên ngoài của sản phẩm do đặc tính kỹ thuật, đặc tính cơ bản mà sản phẩm đó bắt buộc phải có. Trên thực tế, có nhiều sản phẩm mà kiểu dáng của chúng không mới và được sản xuất bởi những nhà sản xuất khác nhau, ví dụ như: Đinh, ốc vít, pit-tong … Hình dáng bên ngoài của sản phẩm do đặc tính kĩ thuật của sản phẩm bắt buộc phải có nếu được bảo hộ kiểu dáng công nghiệp sẽ dẫn tới hậu quả hạn chế sáng tạo thay vì mục đích khuyến khích sáng tạo của pháp luật về bảo hộ kiểu dáng công nghiệp. Bởi những hình dạng này là tất yếu và bất buộc đối với bất kì sản phẩm nào có đặc tính kĩ thuật tương tự. Nếu cho phép độc quyền bảo hộ các hình dáng này sẽ dẫn tới những vấn đề không phù hợp, như không đảm bảo về điều kiện về tính sáng tạo của kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ, những chủ thể khác khi áp dụng tính chất kĩ thuật tương tự đối với các sản phẩm của mình sẽ không thể thực hiện được … Quy định này phù hợp với quy định mà thế giới đang áp dụng chẳng hạn tại Điều 25 của Hiệp định TRIPs quy định về việc, các thành viên có thể quy định rằng việc bảo hộ đó không áp dụng cho những kiểu dáng mà hình dáng chủ yếu do các đặc tính kĩ thuật và chức năng quyết định;
– Hình dáng bên ngoài của công trình xây dựng dân dụng hoặc hình dáng bên ngoài của các công trình công nghiệp. Theo quy định của Văn bản hợp nhất Luật sở hữu trí tuệ năm 2022 thì chỉ những bản vẽ, thiết kế sơ đồ của các công trình xây dựng mới được bảo hộ đưới góc độ của quyền tác giả, còn hình đáng bên ngoài của chúng thì không được bảo hộ. Về cơ bản, hình dáng bên ngoài của các đối tượng này không phải là kiểu dáng của các đối tượng đó và cũng không đáp ứng được yêu cầu về tính sản xuất công nghiệp. Do đó, đối tượng được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ ở đây là bản vẽ, thay vì sản phẩm được tạo ra từ bản vẽ …;
– Hình dáng của sản phẩm không thể nhìn thấy được trong quá trình sử dụng các sản phẩm. Do đó, hình dáng của các chi tiết bên trong của một sản phẩm cấu thành nên sản phẩm mà không thể nhìn thấy được khi sử dụng mà phải tháo rời các bộ phận cũng không được bảo hộ là kiểu dáng công nghiệp. Ví dụ như: Hình dáng động cơ bên trong của một chiếc xe ô tô, hình dáng các lĩnh kiện bên trong của một chiếc máy giặt … sẽ không được bảo hộ là kiểu dáng công nghiệp.
Ngoài ra, đối với các loại sản phẩm mà khi đưa vào sử dụng thì không còn giữ được hay bị mất đi hình dáng bên ngoài như lúc ban đầu thì cũng sẽ không đáp ứng được yêu cầu bảo hộ. Chủ yếu các sản phẩm mang đặc tính của vật không tiêu hao thì mới có thể được yêu cầu bảo hộ hình dáng bên ngoài của sản phẩm. Ngoài ra các đối tượng trái với đạo đức xã hội, trật tự công cộng có hại cho quốc phòng, an ninh cũng không được bảo hộ dưới danh nghĩa kiểu dáng công nghiệp.
2. Điều kiện bảo hộ kiểu dáng công nghiệp bao gồm những gì?
Căn cứ theo quy định tại Điều 63 của Văn bản hợp nhất luật sở hữu trí tuệ năm 2022, để có thể được đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp, kiểu dáng công nghiệp cần phải đắp ứng được các điều kiện cơ bản sau:
– Tính mới;
– Tính sáng tạo;
– Khả năng áp dụng công nghiệp.
Cụ thể như sau:
Thứ nhất, tính mới của kiểu dáng công nghiệp. Tính mới là một trong những đặc điểm quan trọng để xem xét bảo hộ kiểu dáng công nghiệp đối với một đối tượng nào đó. Tính mới của kiểu dáng công nghiệp phải đạt được 03 tiêu chí sau đây:
– Kiểu dáng công nghiệp được công nhận là có tính mới nếu tính đến ngày nộp đơn tại cơ quan có thẩm quyền, kiểu dáng công nghiệp đó có sự khác biệt đáng kể với những kiểu dáng đã bị bộc lộ công khai, không được đồng nhất hoặc không được tương tự gần giống đến mức gây nhầm lẫn với những kiểu dáng đã tồn tại trước đó. Khác biệt đáng kể được hiểu là kiểu dáng công nghiệp đó không trùng với những kiểu dáng công nghiệp đã được công bố công khai trước toàn nộp đơn tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền, hoặc trước ngày ưu tiên của đơn;
– Kiểu dáng công nghiệp sẽ không được coi là khác biệt đáng kể, nếu các đặc điểm về chi tiết, màu sắc, hình dáng … không dễ dàng nhận biết và ghi nhớ được cũng như không thể phân biệt tổng thể hai kiểu dáng công nghiệp với nhau. Trong trường hợp quan sát tổng thể một kiểu dáng công nghiệp nhận thấy ngay những đặc điểm để phân biệt với các kiểu dáng công nghiệp khác thì đó được coi là đặc điểm tạo dáng cơ bản, ngược lại những đặc điểm không có khả năng phân biệt với kiểu dáng công nghiệp khác thì không được coi là đặc điểm tạo dáng cơ bản. Các kiểu dáng công nghiệp bị coi là tương tự khi các kiểu dáng công nghiệp đó được dùng cho sản phẩm cùng loại có một số đặc điểm tạo dáng cơ bản giống nhau;
– Tính đến ngày nộp đơn tại cơ quan có thẩm quyền, kiểu dáng công nghiệp yêu cầu bảo hộ chưa bị bộc lộ công khai ở bất cứ đâu, dưới bất kỳ hình thức nào. Bộc lộ công khai kiểu dáng công nghiệp là bất kỳ ai mong muốn tiếp cận đều có thể tiếp cận được một cách dễ dàng. Có nhiều cách để bộc lộ một kiểu dáng công nghiệp như: Sử dụng kiểu dáng công nghiệp, mô tả bằng văn bản dưới nhiều hình thức khác nhau … hoặc có thể được bộc lộ dưới bất kỳ hình thức nào trước ngày nộp đơn. Kiểu dáng công nghiệp được coi là chưa bộc lộ công khai nếu được công khai với một nhóm đối tượng có nghĩa vụ bảo mật thông tin và kiểu dáng công nghiệp đó.
Thứ hai, tính sáng tạo của kiểu dáng công nghiệp. Tính sáng tạo của kiểu dáng công nghiệp được hiểu là khả năng gây ấn tượng thẩm mỹ về thị giác đối với sản phẩm mang kiểu dáng công nghiệp hoặc gây ấn tượng tổng thể đối với người sử dụng được thông báo trước trong số bất kỳ các kiểu dáng nào khác đã bộc lộ cho công chứng và kiểu dáng đó không thông thường đổi với những người sáng tạo tại thời điểm tạo ra kiểu dáng hoặc không này sinh một cách hiển nhiên đối với những người có trình độ trung bình trong lĩnh vực tương ứng trên cơ sở thông tin về kiểu dáng đã được bộc lộ ở bất kỳ nơi nào trên thế giới.
Thứ ba, khả năng áp dụng công nghiệp của kiểu dáng công nghiệp. Kiểu dáng công nghiệp phải được thể hiện ở hình dáng tồn tại ổn định, và phải có khả năng tạo ra sản phẩm hàng loạt bằng phương pháp công nghệ hoặc phương pháp thủ công nghiệp, nhằm mục đích đem lại lợi ích kinh tế cao cho nhà sản xuất và người tiêu dùng trong xã hội. Việc đặt ra yếu tố “có khả năng áp dụng công nghiệp” của kiểu dáng công nghiệp còn hướng tới mục đích phân biệt bảo hộ kiểu dáng công nghiệp với bảo hộ bản quyền khi mà bảo hộ bản quyền chỉ đơn giản là hoạt động quan tâm đến những sáng tạo mang tính nghệ thuật, tuy nhiên không phải lúc nào ranh giới cũng rõ ràng như vậy. Trên thực tế có những kiểu dáng mang bản chất công nghiệp, tuy nhiên nếu được sử dụng vào mục đích khác thì hoàn toàn có thể mang bản chất khác, trong số đó kiểu dáng dệt may là một ví dụ điển hình và tiêu biểu. Một sản phẩm thời trang ra đời có hai xu hướng, đó là tung ra thị trường và sản xuất hàng loạt, mục đích thứ hai là được đưa ra các triển lãm hay sàn diễn thời trang và coi như những tác phẩm nghệ thuật. Với xu hướng thứ nhất, thường sản phẩm sẽ được bảo hộ dưới danh nghĩa kiểu dáng công nghiệp, còn xu hướng thứ hai thì sẽ được bảo hộ theo luật bản quyền.
3. Thời hạn của bảo hộ kiểu dáng công nghiệp là bao lâu?
Theo quy định tại Điều 12 Hiệp định về các khía cạnh liên quan tới thương mại của quyền sở hữu trí tuệ (Hiệp định TRIPs), thời hạn bảo hộ đối với kiểu dáng công nghiệp tối thiểu là 10 năm. Việt Nam một nước thành viên của Hiệp định TRIPS, nên pháp luật cũng được xây dụng phù hợp với quy định này. Cụ thể, tại Khoản 4 Điều 93 Luật quyền sở hữu trí tuệ năm 2022 có quy định về việc, bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp có hiệu lực từ ngày cấp và kéo dài đến hết 05 năm kể từ ngày nộp đơn, có thể gia hạn 02 lần liên tiếp, tuy nhiên mỗi lần gia hạn không được vượt quá 05 năm.
Như vậy, thời hạn bảo hộ đôi với kiểu dáng công nghiệp ở Việt Nam tối đa là 15 năm kể từ ngày cấp bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp, tuỳ thuộc vào yêu cầu xin gia hạn của chủ sở hữu. Để gia hạn hiệu lực của bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp, chủ văn bằng bảo hộ phải nộp lệ phí gia hạn hiệu lực. Trường hợp kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ có nhiều phương án thì bằng độc quyền có thể được gia hạn đôi với tất cả hoặc một số phương án, trong đó phải có phương án cơ bản.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Văn bản hợp nhất số 11/VBHN-VPQH Luật Sở hữu trí tuệ;
– Nghị định 17/2023/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan;
– Nghị định 65/2023/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp, bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng và quản lý Nhà nước về sở hữu trí tuệ.