Quan điểm và phương hướng bảo đảm quyền con người trong ứng dụng công nghệ sinh học.
Mục lục bài viết
1. Quan điểm đánh giá tác động của công nghệ sinh học đối với luật nhân quyền:
Quan điểm về quyền con người, việc đánh giá tác động của công nghệ sinh học đối với luật nhân quyền quốc tế đòi hỏi nhiều phương pháp tiếp cận theo từng giai đoạn và các mức độ điều tra khác nhau. Ở cấp độ đầu tiên, người ta cần bắt đầu bằng sự thừa nhận về nhận thức rộng rãi rằng khoa học sinh học hiện đại đang đặt các quốc gia vào tình thế khó khăn khi phải đối mặt với “một cái gì không rõ ràng”, không nắm bắt được đầy đủ các rủi ro và các tác động xã hội liên quan đến quá trình phát triển sản phẩm và dịch vụ của các công nghệ sinh học mới. Trong bối cảnh này, cách tiếp cận nhân quyền dựa trên tính minh bạch, thông tin và quyền tham gia thể hiện sự trao quyền của mọi người, nâng cao nhận thức về quyền của cá nhân và tập thể đối với những sự tác động của khoa học và công nghệ.
Ở một cấp độ khác, nhìn công nghệ sinh học qua lăng kính nhân quyền sẽ ngay lập tức đòi hỏi sự thừa nhận quyền tự do cơ bản của nghiên cứu khoa học và quyền được hưởng những lợi ích của tiến bộ khoa học, đặc biệt là các ứng dụng của nó (Điều 15 của ICESCR) nhưng đồng thời chúng không phải là tuyệt đối. Chúng phải được cân bằng dựa trên các tiêu chuẩn nhất định về đạo đức sinh học, tôn trọng điều kiện của tính hợp pháp của tuyên bố về quyền tự do nghiên cứu khoa học. Chính việc áp dụng các chuẩn mực nhân quyền quốc tế có khả năng cung cấp một tập hợp các giá trị chung, được xác định một cách khách quan, vì chúng phản ánh các giá trị được chia sẻ rộng rãi về sự tôn trọng cuộc sống, tự do, tư cách con người, không phân biệt đối xử và có thể cụ thể hơn các giá trị xã hội, chẳng hạn như: quyền được thông tin và tham gia vào các quyết định chính sách, quyền chia sẻ tiến bộ khoa học và các lợi ích của chúng, lựa chọn chính sách hoặc các quyết định cụ thể liên quan đến ứng dụng khoa học hiện đại. Khía cạnh này đặc biệt có liên quan trong lĩnh vực công nghệ sinh học. Trái ngược với quan điểm cũ cho rằng quyền con người phụ thuộc vào việc các quốc gia không làm gì cả, tức là không can thiệp vào quyền tự trị cá nhân, trong lĩnh vực này, các chính phủ có nghĩa vụ tích cực đối với lĩnh vực hoạt động khoa học, công nghệ và kinh tế để đảm bảo quyền tự do nghiên cứu và ứng dụng không được thực thi hoặc bóp méo theo cách có thể gây ra những ảnh hưởng xấu đến quyền con người. Chức năng này nhất quán với quy định chung của Điều 28 của Tuyên ngôn Thế giới về Nhân quyền, bằng cách đặt ra quyền đối với một “trật tự xã hội và quốc tế, nơi các quyền và tự do nêu trong Tuyên bố này có thể được thực hiện đầy đủ”, kêu gọi chính phủ thực hiện các bước tích cực hướng tới sự phát triển của một cấu trúc xã hội trong đó các quyền con người có thể hình thành và được bảo vệ.
Công nghệ sinh học là một trong những “vấn đề biên giới”, phát triển và mang tính cách mạng nhanh nhất trong thời đại của chúng ta. Nó mang tính cách mạng ở khả năng tự biến đổi cuộc sống để tạo ra những sản phẩm và dịch vụ mới, với những tác động tiềm ẩn về đạo đức, xã hội và kinh tế ngang bằng với những tác động sau cuộc cách mạng thông tin và truyền thông. Nó có tiềm năng chuyển đổi to lớn đặc biệt là liên quan đến công việc hỗ trợ đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs).
Được chứng minh tại Hội nghị thượng đỉnh Rio+20, nhiệm vụ phát triển bền vững về kinh tế, xã hội và môi trường hiện có tầm quan trọng toàn cầu, thay thế mô hình khai thác không giới hạn tài nguyên thiên nhiên của chúng ta. Hơn nữa, những phản ánh sơ bộ về chương trình nghị sự phát triển sau năm 2015 diễn ra trong hệ thống Liên Hợp quốc nhấn mạnh rõ ràng sự cần thiết phải khai thác sức mạnh của khoa học và công nghệ để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững và xóa nghèo. Do đó, thúc đẩy tổng thể cho phát triển bền vững, đặc biệt là thông qua các giải pháp khoa học và công nghệ nói chung và công nghệ sinh học nói riêng, phải được đồng hành chặt chẽ với các mô hình quản trị toàn cầu, khu vực và quốc gia.
Luật Nhân quyền quốc tế cung cấp một khuôn khổ rõ ràng và phổ quát cho việc thúc đẩy và bảo vệ quyền con người, bao gồm cả trong nước và ngoài lãnh thổ. Tuy nhiên, thực tiễn ở nhiều quốc gia đã cho thấy sự thiếu hụt pháp luật hoặc thực thi pháp luật quốc gia chưa đầy đủ, các thủ tục bảo vệ yếu kém và giám sát không hiệu quả trong lĩnh vực bảo đảm quyền con người nói chung và bảo đảm quyền con người trước ứng dụng công nghệ sinh học nói riêng. Tất cả đều đã góp phần vào việc thiếu trách nhiệm giải trình cho các can thiệp tùy tiện hoặc bất hợp pháp vào quyền con người của các ứng dụng công nghệ sinh học. Một mặt là cơ hội và một mặt là mối quan tâm, bất kỳ công nghệ sinh học nào, chúng cần phải được kiểm tra cẩn thận, được đánh giá về các hậu quả có thể xảy ra, về mặt xã hội, kinh tế và sinh thái. Nhận thức được tầm quan trọng đó, việc quản lý và kiểm soát công nghệ sinh học nhằm tìm ra biện pháp an toàn nhất để nghiên cứu và ứng dụng công nghệ sinh học để giảm thiểu nguy cơ đối với con người, đối với quyền con người và tối đa hoá lợi ích từ chúng là điều vô cùng quan trọng.
Tại Việt Nam, bên cạnh công nghệ thông tin, công nghệ vật liệu mới (công nghệ Nano), công nghệ tự động hoá thì công nghệ sinh học là một trong bốn lĩnh vực khoa học công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển. Nhà nước khuyến khích hoạt động ứng dụng công nghệ sinh học phù hợp với chính sách của nhà nước quy định của pháp luật. Nó được thể hiện rõ trong những quy định và chính sách thúc đẩy và phát triển công nghệ sinh học được nêu trong
2. Phương hướng bảo đảm quyền con người trong công nghệ sinh học:
(i) Phương hướng về thúc đẩy phát triển ứng dụng công nghệ sinh học nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của con người, thúc đẩy quyền con người
Từ những lợi thế, ưu điểm vượt trội mà công nghệ sinh học đã và đang mang lại, từ phương diện quốc tế đến từng quốc gia cần có các chính sách phù hợp và thúc đẩy hơn nữa việc phát triển để công nghệ sinh học phát huy vai trò chủ đạo của lĩnh vực công nghệ cao, góp phần hoàn thiện các mục tiêu về phát triển bền vững.
Thứ nhất, các quốc gia cần huy động các nguồn lực đầu tư, áp dụng đồng bộ các cơ chế, biện pháp khuyến khích, ưu đãi ở mức cao nhất (về đất đai, thuế và ưu đãi khác) cho hoạt động công nghệ sinh học nhằm phát huy vai trò chủ đạo của chúng trong phục vụ phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng cuộc sống của con người. Đẩy nhanh việc ứng dụng, nghiên cứu, làm chủ và tạo ra công nghệ, sản phẩm công nghệ sinh học mới, nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm, tham gia vào những khâu có giá trị gia tăng cao trong hệ thống cung ứng toàn cầu.
Thứ hai, cần tập trung đầu tư phát triển nhân lực công nghệ cao đạt trình độ khu vực và quốc tế; áp dụng cơ chế, chính sách ưu đãi đặc biệt để đào tạo, thu hút, sử dụng có hiệu quả nhân lực công nghệ cao trong nước và ngoài nước, lực lượng trẻ tài năng trong hoạt động nghiên cứu, giảng dạy, ươm tạo công nghệ sinh học mới, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ sinh học.
Thứ ba, khuyến khích doanh nghiệp nâng cao năng lực ứng dụng, đầu tư phát triển công nghệ sinh học; tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia hình thành mạng lưới cung ứng sản phẩm, dịch vụ phụ trợ cho ngành công nghiệp công nghệ sinh học.
Thứ tư, dành ngân sách quốc gia và áp dụng cơ chế tài chính đặc thù để thực hiện nhiệm vụ, chương trình, dự án về công nghệ sinh học, nhận chuyển giao một số công nghệ sinh học có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh của quốc gia mình đang còn thiếu.
Thứ năm, mở rộng hợp tác quốc tế trong nghiên cứu, ứng dụng và phát triển công nghệ sinh học, đặc biệt là với quốc gia, vùng lãnh thổ, tổ chức, cá nhân nước ngoài, tập đoàn kinh tế đa quốc gia, tập đoàn kinh tế nước ngoài có trình độ khoa học và công nghệ tiên tiến trên nguyên tắc phù hợp với pháp luật quốc gia và điều ước quốc tế mà quốc gia đó là thành viên. Cũng như, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân trong nước tham gia các chương trình, dự án hợp tác quốc tế, hội, hiệp hội quốc tế và tổ chức khác về công nghệ sinh học; thu hút tổ chức, cá nhân nước ngoài, thực hiện hoạt động công nghệ sinh học tại quốc gia mình.
(ii) Phương hướng về quản lý, kiểm soát ứng dụng công nghệ sinh học nhằm hạn chế rủi ro đến quyền con người
Việc kiểm soát ứng dụng công nghệ sinh học không đơn giản chỉ là áp dụng những biện pháp như kiểm soát hành vi vi phạm quyền của con người, để có thể kiểm soát chúng nhằm bảo đảm quyền con người, các quốc gia và cộng đồng quốc tế cần xây dựng, thực hiện và phát triển các giải pháp kiểm soát theo nguyên tắc sau đây:
Thứ nhất, kiểm soát để đảm bảo các nhà nghiên cứu công nghệ sinh học tạo ra các ứng dụng an toàn, không vi phạm các quyền con người.
Hiện nay, các nhà nghiên cứu sinh học thường không được đào tạo về luật nhân quyền, dù rằng với mỗi nghiên cứu họ có thể diễn giải, áp dụng và thậm chí vi phạm nhân quyền mà họ không hề hay biết. Vì vậy, để đảm bảo các nghiên cứu tạo ra ứng dụng an toàn, không vi phạm các quyền con người thì việc giảng dạy luật nhân quyền cho các nhà nghiên cứu là điều quan trọng, cần triển khai thực hiện. Việc có kiến thức tốt hơn về luật nhân quyền có thể giúp các nhà nghiên cứu và phát triển công nghệ sinh học hiểu được sự phức tạp và những rủi ro có thể xâm phạm đến quyền con người, hiểu được việc tại sao lại có những hạn chế, ngăn cấm của pháp luật đến việc nghiên cứu, từ đó có thể tạo ra các lựa chọn sáng suốt, cẩn trọng hơn trong hoạt động nghiên cứu của mình.
Thứ hai, kiểm soát được gắn trong nội tại chính bản thân các công nghệ sinh học như là ý thức, giá trị đạo đức, quy trình nghiên cứu và ứng dụng, nguyên tắc quyết định
Điều này được hiểu là trong quá trình nghiên cứu và phát triển công nghệ sinh học cần có những điều luật để quản lý tác động của những công nghệ này đến con người. Những tiêu chuẩn và yêu cầu cho công nghệ sinh học bao gồm nhu cầu để quản lý và giám sát chúng. Những ứng dụng công nghệ sinh học không được đe dọa hay gây ra mối nguy hại đến sức khỏe, sự an toàn, phẩm giá và sự tự do của bất cứ con người nào. Đồng thời, không được gây ra những tác động vi phạm pháp luật và những quy chuẩn xã hội trong xã hội mà nó được phát triển. Hoạt động công nghệ sinh học phải có thể kiểm soát được và phải dựa vào kiểm soát thường xuyên để đảm bảo sự tuân thủ đối với những điều nêu trên. Bên cạnh đó, cần thiết lập khuôn khổ đạo đức cho các công nghệ sinh học nhằm bảo đảm những ứng dụng công nghệ sinh học phải phù hợp đạo đức với những tiêu chuẩn thông thường của xã hội con người nói chung, và những tiêu chuẩn đạo đức của Liên hợp quốc và UNESCO nói riêng.
Để được xét là phù hợp đạo đức, những nghiên cứu và ứng dụng của công nghệ sinh học phải: phải tôn trọng đầy đủ nhân phẩm, tự do và quyền con người, cũng như nghiêm cấm mọi hành vi trái với phẩm giá con người. Lấy con người làm trung tâm: hành động vì con người, bởi con người và phục vụ lợi ích của con người; phục vụ đạo đức của cá nhân và xã hội.
Thứ ba, kiểm soát được đưa vào trong những hệ thống bao trùm mà công nghệ sinh học sẽ hoạt động trong đó, như là: quy trình nghiên cứu, ứng dụng, hệ thống giám sát, cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực.
Liên quan đến hoạt động xây dựng luật pháp cho công nghệ sinh học sẽ tập trung vào chính sách, luật pháp và lập pháp mang tính quốc gia và quốc tế. Luật pháp sẽ quản lý sự sáng tạo và sử dụng công nghệ sinh học, đồng thời đảm bảo công nghệ sinh học mang lại lợi ích cho cộng đồng, không được sử dụng cho những mục đích xấu, xâm phạm các quyền con người. Trong thời đại công nghệ sinh học, quá trình nghiên cứu và phát triển chúng nếu thiếu những quy tắc đạo đức và khuôn khổ luật pháp sẽ dẫn đến nhiều nguy cơ xâm phạm quyền con người. Trong việc xây dựng luật pháp cho công nghệ sinh học nhằm bảo đảm quyền con người, việc xây dựng các quy định và cơ chế về quản lý an toàn sinh học, đạo đức sinh học, cấm phát triển và sử dụng vũ khí sinh học, việc sửa đổi các điều luật hiện hành hoặc ban hành các điều luật mới nhằm tạo ra lá chắn toàn diện để bảo vệ con người cũng cần được quan tâm sâu sắc hơn nữa. Đặc biệt, cần có sự đồng thuận toàn cầu trong việc thực hiện những biện pháp kiểm soát công nghệ sinh học, bảo vệ quyền con người. Những quy ước, quy chuẩn và thỏa thuận quốc tế nhằm kiểm soát công nghệ sinh học trong việc hỗ trợ bảo vệ quyền con người thế hệ mới là rất cần thiết. Thực tế cho thấy rằng, công nghệ sinh học có được sự phát triển và sử dụng một cách có trách nhiệm, hướng đến bảo vệ quyền con người hay không là phụ thuộc vào cộng đồng toàn cầu. Nếu một cá nhân hoặc tổ chức sử dụng công nghệ sinh học một cách vô trách nhiệm vào mục đích xấu, có thể gây ra mối nguy hại rất lớn cho con người, đe dọa các quyền con người không những ở phạm vi quốc gia mà thậm chí cả trên bình diện quốc tế.
Để có thể hoàn thiện được các phương hướng kể trên, chúng ta cần đưa ra những giải pháp cụ thể, đó là phải hoàn thiện thể chế pháp luật quốc tế và quốc gia về bảo đảm quyền con người trong ứng dụng công nghệ sinh học, hoàn thiện cơ chế, bộ máy bảo đảm, tăng cường năng lực thực thi. Đồng thời, cần tăng cường hợp tác quốc tế, chia sẻ kinh nghiệm bảo đảm quyền con người trong ứng dụng công nghệ sinh học.