Đăng ký kiểu dáng công nghiệp là thủ tục hành chính được thực hiện tại Cục Sở hữu trí tuệ, với mong muốn cấp văn bằng bảo hộ độc quyền cho kiểu dáng. Vậy có những lưu ý gì khi đăng ký kiểu dáng công nghiệp?
Mục lục bài viết
1. Điều kiện bảo hộ đối với kiểu dáng công nghiệp:
1.1. Cần biết về các trường hợp không được bảo hộ kiểu dáng công nghiệp:
– Hiện nay, các đối tượng được thực hiện bảo hộ chỉ diễn ra trong một số trường hợp nhất đinh và bên cạnh đó vẫn có các đối tượng không được bảo hộ kiểu dáng công nghiệp, cụ thể được ghi nhận tại Điều 64 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, như sau:
+ Nếu nhận thấy hình dáng bên ngoài của sản phẩm được cấu thành xuất phát từ đặc tính kỹ thuật của sản phẩm bắt buộc phải có;
+ Bên cạnh đó, nếu yêu cầu bảo hộ kiểu dáng công nghiệp là hình dáng bên ngoài của công trình xây dựng dân dụng hoặc công nghiệp thì cũng không được chấp thuận;
+ Hình dáng của sản phẩm không nhìn thấy được trong quá trình sử dụng sản phẩm.
1.2. Phải lưu ý về điều kiện đăng ký kiểu dáng công nghiệp:
kiểu dáng công nghiệp chỉ được bảo hộ nếu đáp ứng đồng thời các điều kiện sau đây:
– Thứ nhất, đảm bảo điều kiện về tính mới:
Kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ phải có tính mới là một trong những điều kiện quan trọng đầu tiên cần phải nhắc tới khi yêu cầu đăng ký kiểu dáng công nghiệp. Một sản phẩm có kiểu dáng công nghiệp sẽ được coi là có tính mới nếu tồn tại những yếu tố thể hiện sự khác biệt đáng kể với những kiểu dáng công nghiệp đã bị bộc lộ công khai dưới hình thức sử dụng, mô tả bằng văn bản hoặc bất kỳ hình thức nào khác ở trong nước hoặc ở nước ngoài trước ngày nộp đơn hoặc trước ngày ưu tiên nếu đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp được hưởng quyền ưu tiên;
Lưu ý: Tồn tại hai kiểu dáng công nghiệp KHÔNG được coi là khác biệt đáng kể với nhau nếu chỉ khác biệt về: đặc điểm tạo dáng không dễ dàng nhận biết, ghi nhớ và không thể dùng để phân biệt tổng thể hai kiểu dáng công nghiệp đó;
Kiểu dáng công nghiệp có thể tồn tại với trường hợp là CHƯA bị bộc lộ công khai nếu chỉ có một số người có hạn được biết và có nghĩa vụ giữ bí mật về kiểu dáng công nghiệp đó;
Kiểu dáng công nghiệp sẽ không bị coi là mất tính mới nếu được công bố trong các trường hợp sau đây với điều kiện đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp được nộp trong thời hạn sáu tháng kể từ ngày công bố:
– Nếu có trường hợp kiểu dáng công nghiệp bị người khác công bố nhưng hành động này không nhận được sự cho phép của người có quyền đăng ký quy định tại Điều 86 của Luật Sở hữu trí tuệ;
– Đối với trường hợp kiểu dáng công nghiệp được công bố dưới dạng báo cáo khoa học thông qua những cá nhân có quyền đăng ký quy định tại Điều 86 của Luật Sở hữu trí tuệ 2005 thì sẽ không bị coi là mất tính mới;
– Bên cạnh đó, nếu kiểu dáng công nghiệp được người có quyền đăng ký quy định tại Điều 86 của Luật Sở hữu trí tuệ trưng bày tại cuộc triển lãm quốc gia của Việt Nam hoặc tại cuộc triển lãm quốc tế chính thức hoặc được thừa nhận là chính thức thì cũng nằm trong trường hợp này.
– Thứ hai, Cần đảm bảo điều kiện về tính sáng tạo:
Kiểu dáng công nghiệp được coi là có tính sáng tạo nếu căn cứ vào các kiểu dáng công nghiệp đã được bộc lộ công khai dưới hình thức sử dụng, mô tả bằng văn bản hoặc bất kỳ hình thức nào khác ở trong nước hoặc ở nước ngoài trước ngày nộp đơn hoặc trước ngày ưu tiên của đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp trong trường hợp đơn được hưởng quyền ưu tiên, kiểu dáng công nghiệp đó không thể được tạo ra một cách dễ dàng đối với người có hiểu biết trung bình về lĩnh vực tương ứng.
Kiểu dáng công nghiệp nêu trong đơn được coi là KHÔNG có tính sáng tạo khi thuộc các trường hợp sau:
– Kiểu dáng công nghiệp được thể hiện dưới sự kết hợp đơn thuần của các đặc điểm tạo dáng đã biết (có thể nhắc đến các đặc điểm tạo dáng đã được bộc lộ công khai được sắp đặt hoặc lắp ghép với nhau một cách đơn thuần như thay thế, thay đổi vị trí, tăng giảm số lượng…);
– Đối với trường hợp kiểu dáng công nghiệp là hình dáng sao chép/mô phỏng một phần hoặc toàn bộ hình dáng tự nhiên vốn có của cây cối, hoa quả, các loài động vật… hình dáng của các hình hình học (hình tròn, hình elip, hình tam giác, hình vuông, chữ nhật, hình đa giác đều, các hình lăng trụ có mặt cắt là các hình kể trên…) đã được biết rộng rãi;
– Bên cạnh đó với kiểu dáng công nghiệp là sự sao chép đơn thuần hình dáng các sản phẩm, công trình đã nổi tiếng hoặc được biết đến một cách rộng rãi ở Việt Nam hoặc trên thế giới;
– Nếu nhận thấy kiểu dáng công nghiệp mô phỏng kiểu dáng công nghiệp thuộc lĩnh vực khác, và việc mô phỏng này đã được nhiều cá nhân tiếp cận và thậm chí là đã phổ biến rộng rãi trên thực tế;
– Thứ ba, cần đáp ứng điều kiện về khả năng áp dụng công nghiệp:
Kiểu dáng công nghiệp nêu trong đơn đăng ký bảo hộ được coi là có khả năng áp dụng công nghiệp là một trong những điều kiện không thể thiếu để được bảo hộ. Thể hiện trong trường hợp nếu dựa vào các thông tin về kiểu dáng công nghiệp được trình bày trong đơn thì người có hiểu biết trung bình về lĩnh vực tương ứng có thể áp dụng kiểu dáng công nghiệp đó làm mẫu để chế tạo bằng phương pháp công nghiệp hoặc thủ công nghiệp sản phẩm có hình dáng bên ngoài trùng với kiểu dáng công nghiệp đó.
2. Lưu ý đối với đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp:
Để có thể đăng ký kiểu dáng công nghiệp thì hồ sơ hay thủ tục thực hiện cũng cần được tìm hiểu kỹ để thực hiện đáp ứng yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền. Đối với đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp, chủ sở hữu cần đảm bảo các yêu cầu sau:
– Những tài liệu xác định kiểu dáng công nghiệp cần bảo hộ trong đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp phải chứa đựng các tài liệu như: bản mô tả kiểu dáng công nghiệp và bộ ảnh chụp, có thể sử dụng bản vẽ kiểu dáng công nghiệp. Bản mô tả kiểu dáng công nghiệp gồm phần mô tả kiểu dáng công nghiệp và phạm vi bảo hộ kiểu dáng công nghiệp.
– Một số lưu ý trong phần mô tả kiểu dáng công nghiệp phải đáp ứng các điều kiện sau đây:
+ Bản mô tả khi được trình bày trong hồ sơ đăng ký kiểu dáng công nghiệp thì cần thể hiện được đầy đủ tất cả các đặc điểm tạo dáng thể hiện bản chất của kiểu dáng công nghiệp và cùng với đó là nêu rõ các đặc điểm tạo dáng mới, những điểm khác biệt so với kiểu dáng công nghiệp ít khác biệt đã biết, phù hợp với bộ ảnh chụp hoặc bản vẽ;
Đối với trường hợp đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp gồm nhiều phương án thì trong phần mô tả phải thể hiện đầy đủ các phương án và chỉ rõ các đặc điểm khác biệt giữa phương án cơ bản với các phương án còn lại;
+ Trường hơp kiểu dáng công nghiệp nêu trong đơn đăng ký là kiểu dáng của bộ sản phẩm thì phần mô tả cần thể hiện những nội dung chi tiết, thể hiện đầy đủ kiểu dáng của từng sản phẩm trong bộ sản phẩm đó.
Cũng cần lưu ý với phạm vi bảo hộ kiểu dáng công nghiệp, đó là nêu rõ các đặc điểm tạo dáng cần được bảo hộ, bao gồm thông tin thể hiện đặc điểm mới, chứa đựng sự khác biệt với các kiểu dáng công nghiệp tương tự đã được công bố.
3. Thời hạn xử lý đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp:
Việc được chấp thuận đăng ký kiểu dáng công nghiệp phải thực hiện qua các giia đoạn vô cùng kỹ lưỡng nên thơi gian để xử lý đơn yêu cầu không thể hoàn tất trong một vài ngày. Hiện nay, Cục Sở hữu trí tuệ tiếp nhận, đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp được xem xét theo trình tự sau:
– Tiến hành các hoạt động thẩm định hình thức của đơn: có thể được diễn ra trong vòng 01 tháng kể từ ngày nộp đơn;
– Cần tuân thủ giai đoạn Công bố đơn: trong trường hợp này thì sẽ thực hiện trong thời hạn 02 tháng kể từ ngày đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp có Quyết định chấp nhận đơn hợp lệ;
– Thời gian được bỏ ra để thẩm định nội dung: Thông thường sẽ không được vượt quá 07 tháng, kể từ ngày công bố đơn.
Trên đây là mốc thời gian theo quy định còn trên thực tế thì thời gian này có sự linh động, thậm chí là lâu hơn đáng kể do khối lượng hồ sơ Cục Sở hữu trí tuệ xử lý là rất lớn, thời gian giải quyết có thể là 18-25 tháng từ ngày nộp đơn.
Văn bản pháp luật được sử dụng:
Văn bản hợp nhất số 11/VBHN-VPQH 2022 Luật Sở hữu trí tuệ.