Khái quát chung về quyền con người. Khái niệm quyền con người. Những nguyên tắc, đặc điểm của quyền con người.
Mục lục bài viết
1. Khái niệm quyền con người:
Trong lời nói đầu Tuyên ngôn về Nhân quyền và Dân quyền năm 1789 của nước Pháp đã viết: “Sự không hiểu biết, sự lãng quên hay sự coi thường quyền con người, là nguyên nhân duy nhất của những nỗi bất hạnh công cộng, là sự thất bại của các chính phủ”. Chính vì vậy, bảo vệ và phát triển các quyền cơ bản của con người phải là trọng tâm và là đích cuối cùng của mỗi cuộc cách mạng của mỗi thể chế xã hội tiến bộ.
Khái niệm về quyền con người (từ đồng nghĩa trong từ điển Hán Việt là “nhân quyền”) được xác định một cách chính thức trên phạm vi toàn cầu là trong “Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền” năm 1948 của Liên Hợp quốc, đây là sự khởi đầu của ngành luật quốc tế về quyền con người. Bản Tuyên ngôn là thỏa thuận pháp lý quốc tế đầu tiên về quyền con người, được đại đa số các quốc gia chấp nhận, ký kết, thông qua, thừa nhận tính phổ quát của các quyền con người, dựa trên việc thừa nhận phẩm giả vốn có, các quyền bình đẳng của mọi thành viên trong gia đình nhân loại là nền tảng của tự do, công lý và hòa bình thế giới. Đây là thành quả của sự phát triển, sự tiến bộ và văn minh của lịch sử nhân loại, không chỉ mang tính tất yếu khách quan mà còn thể hiện nguyện vọng chủ quan của con người trên toàn thế giới, ai cũng có quyền tồn tại, có quyền phát triển và có quyền mưu cầu hạnh phúc.
Quyền con người là một phạm trù phức tạp, đa dạng và biểu hiện các đặc điểm, thuộc tính quan trọng cũng như nhân cách của con người. Vì vậy, để đưa ra một định nghĩa về quyền con người dưới hình thức cô đọng mà nêu bật được các thuộc tính và đặc điểm cơ bản, quan trọng của con người là một điều không dễ dàng.
Ở cấp độ quốc tế, định nghĩa của Văn phòng Cao ủy Liên Hợp quốc về quyền con người thường được trích dẫn bởi các nhà nghiên cứu. Theo định nghĩa này, quyền con người được hiểu là những bảo đảm pháp lý toàn cầu có tác dụng bảo vệ các cá nhân và các nhóm chống lại những hành động hoặc sự bỏ mặc làm tổn hại đến nhân phẩm, những sự được phép và tự do cơ bản của con người.
Ở Việt Nam, chưa có một văn bản pháp lý nào quy định về quyền con người như một định nghĩa. Trên phương diện nghiên cứu khoa học pháp lý, theo “Giáo trình Lý luận và pháp luật về Quyền con người” của Khoa Luật Đại học Quốc gia Hà Nội (2015) thì “Quyền con người là những nhu cầu, lợi ích tự nhiên, vốn có và khách quan của con người được ghi nhận và bảo vệ trong pháp luật quốc gia và các thỏa thuận pháp lý quốc tế”. Trong “Giáo trình Luật quốc tế” của Đại học Luật Hà Nội định nghĩa: “Về pháp lý, quyền con người là phẩm giá, năng lực, nhu cầu và lợi ích hợp pháp của con người được thể chế, bảo vệ bởi luật quốc gia và luật quốc tế”.
Như vậy, nhìn ở khía cạnh nào và ở cấp độ nào thì quyền con người cũng được xác định như là những chuẩn mực được cộng đồng quốc tế thừa nhận và tuân thủ. Nhờ có những chuẩn mực này, mọi thành viên trong gia đình nhân loại mới được bảo vệ nhân phẩm và mới có điều kiện phát triển đầy đủ năng lực của cá nhân với tư cách là một con người. Cho dù cách nhìn nhận có những khác biệt nhất định, một điều rõ ràng là quyền con người là những giá trị cao cả cần được tôn trọng và bảo vệ trong mọi xã hội và trong mọi giai đoạn lịch sử.
2. Nguyên tắc, đặc điểm quyền con người:
2.1. Các nguyên tắc của quyền con người (human rights principles):
(i) Thứ nhất, nguyên tắc phổ quát, bao hàm (inclusive)
Nguyên tắc phổ quát của quyền con người là nền tảng của luật nhân quyền quốc tế, điều này có nghĩa là tất cả chúng ta đều được hưởng các quyền con người của mình một cách bình đẳng. Nhân quyền được khẳng định là một giá trị cao quý có ý nghĩa phổ quát đối với toàn thể loài người. Nguyên tắc này, như được nhấn mạnh lần đầu trong Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền và được lặp lại trong nhiều công ước, tuyên bố và nghị quyết quốc tế về quyền con người.
(ii) Thứ hai, không phân biệt đối xử, không lựa chọn (non-selection)
Điều 1 của Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền nêu rõ: “Tất cả con người sinh ra đều tự do và bình đẳng về phẩm giá và quyền.” Quyền tự do không bị phân biệt đối xử, được quy định trong Điều 2, là điều đảm bảo sự bình đẳng này. Theo đó, mọi cá nhân đều bình đẳng như nhau và dựa trên phẩm giá vốn có của mỗi con người. Do đó, không ai phải chịu sự phân biệt đối xử dựa trên chủng tộc, màu da, dân tộc, giới tính, tuổi tác, ngôn ngữ, khuynh hướng tính dục, tôn giáo, quan chính trị, nguồn gốc quốc gia, xã hội hoặc địa lý, khuyết tật, tài sản, sinh đẻ hoặc tình trạng khác như được thiết lập bởi các tiêu chuẩn nhân quyền. Nguyên tắc này có mặt xuyên suốt trong tất cả các hiệp ước về nhân quyền. Nó cũng đưa ra chủ đề trọng tâm bởi hai công cụ cốt lõi đó là: Công ước quốc tế về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc và Công ước xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ. (ii) Thứ ba, nguyên tắc Pháp quyền (rule of law)
Nguyên tắc pháp quyền trong nhân quyền được hiểu rằng tất cả mọi người, các tổ chức và thực thể, nhà nước và tư nhân phải chịu trách nhiệm trước pháp luật được ban hành công khai, thực thi như nhau và xét xử độc lập, đồng thời phù hợp với các chuẩn mực và tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế. Nó cũng đòi hỏi các biện pháp bảo đảm tuân thủ các nguyên tắc thượng tôn pháp luật, bình đẳng trước pháp luật, chịu trách nhiệm trước pháp luật, công bằng trong việc áp dụng pháp luật, phân quyền, tham gia vào quá trình ra quyết định, tính chắc chắn của pháp luật, tính tránh về su tùy tiện và minh bạch về thủ tục pháp lý. Bên cạnh đó, pháp luật có tính tối thượng mà mọi chủ thể bao gồm cả người dân và nhà nước đều bị điều chỉnh bởi pháp luật và đều phải tuân thủ pháp luật; pháp luật đó phải là pháp luật bảo vệ công lý, công bằng và lẽ phải, bảo vệ quyền con người, quyền công dân và pháp luật đó được hình thành một cách dân chủ, chứa đựng các giá trị của quốc gia, dân tộc và quốc tế.
2.2. Đặc điểm/Tính chất quyền con người:
Đặc điểm hay còn gọi là các tính chất cơ bản của quyền con người, theo nhận thức chung của cộng đồng quốc tế thể hiện trong cuốn “Hiểu biết chung của Liên hợp quốc về các cách tiếp cận phát triển dựa trên quyền con người”, bao gồm: tính phổ biến (universal), tính không thể chuyển nhượng (inalienable), tính không thể phân chia (indivisible), tính liên hệ và phụ thuộc lẫn nhau (interrelated, interdependent), cụ thể như sau:
(i). Tính phổ quát (universal)
Thông qua bản Tuyên ngôn toàn thế giới về quyền con người, tính phổ quát của quyền con người được cộng đồng quốc tế thừa nhận thể hiện ở chỗ quyền con người là những gì bẩm sinh, vốn có của con người. Quyền con người được áp dụng bình đẳng cho mọi người, không có sự phân biệt đối xử bởi bất kỳ lý do nào về chủng tộc, dân tộc, màu da, giới tính, tôn giáo, thành phần xuất thân…Như vậy, quyền con người là một giá trị chung của nhân loại, là mục đích vươn tới của nhân loại.
Liên quan đến tính chất này, cần lưu ý là bản chất của sự bình đẳng về quyền con người không có nghĩa là cào bằng mức độ hưởng thụ các quyền, mà là bình đẳng về tư cách chủ thể của quyền con người. Ở đây, mọi thành viên của nhân loại đều có được công nhận có các quyền con người, song mức độ hưởng thụ các quyền phụ thuộc vào năng lực của cá nhân từng người, cũng như vào hoàn cảnh chính trị, kinh tế, xã hội, văn hoá…mà người đó đang sống.
(ii). Tính không thể chuyển nhượng – tước bỏ (inalienable)
Tính không thể tước bỏ của nhân quyền thể hiện ở chỗ các quyền con người không thể bị tước đoạt hay hạn chế một cách tùy tiện bởi bất cứ chủ thể nào, kể cả các cơ quan và quan chức nhà nước. Ở đây, khía cạnh “tuỳ tiện” nói đến giới hạn của vấn đề. Nó cho thấy không phải lúc nào nhân quyền cũng “không thể bị tước bỏ”. Trong một số trường hợp đặc biệt, chẳng hạn như khi một người phạm một tội ác thì có thể bị tước tự do theo pháp luật, thậm chí bị tước quyền sống.
Mỗi con người tự do tham gia vào đời sống xã hội, có quyền tự do ý chí, thể hiện nguyện vọng của bản thân và tự chịu trách nhiệm về hành vi, hoạt động của mình và mọi hậu quả pháp lý của những hành vi, hoạt động đó. Bất kỳ một chủ thể nào bao gồm cơ quan công quyền hay công chức nhà nước cũng không có quyền tước đoạt một cách tùy tiện các quyền tự do ý chí, thể hiện nguyện vọng đó của mỗi cá nhân trong xã hội.
(iii). Tính không thể phân chia (indivisible)
Các mối quan hệ về chính trị, kinh tế, xã hội ngày càng phong phú, phức tạp và đa dạng trong sự vận động phát triển của xã hội, làm tiền để bổ sung cho sự phát triển các quyền con người, đáp ứng các nhu cầu của con người, đó là các quyền kinh tế, quyền chính trị, quyền dân chủ, quyền văn hóa…Trong các văn kiện pháp lý quốc tế, về nguyên tắc, các quyền con người này quan trọng như nhau, không có quyền nào được xem là cao hơn, quan trọng hơn. Các quyền đều ngang nhau về mặt giá trị.
Tuy nhiên, liên quan đến tính chất không thể phân chia của quyền con người, cần chú ý trong thực tế, tùy những bối cảnh cụ thể và với những đối tượng cụ thể, có thể ưu tiên thực hiện một số quyền nhất định, miễn là phải dựa trên những cơ sở và yêu cầu thực tế của việc bảo đảm các quyền đó chứ không phải dựa trên sự đánh giá về giá trị của các quyền đó. Đối với những ưu tiên trong việc thực hiện quyền con người, nếu như cần thiết thì phải xác định phù hợp với những khái niệm và nguyên tắc cốt lõi trên lĩnh vực này, như nguyên tắc không phân biệt đối xử, nguyên tắc bình đẳng và tham gia.
(iv). Tính liên hệ và phụ thuộc lẫn nhau (interrelated, interdependentl)
Tính liên hệ và phụ thuộc lẫn nhau của nhân quyền thể hiện ở chỗ việc bảo đảm các quyền con người, toàn bộ hoặc một phần, nằm trong mối liên hệ phụ thuộc và tác động lẫn nhau. Sự vi phạm một quyền sẽ trực tiếp hoặc gián tiếp gây ảnh hưởng tiêu cực đến việc bảo đảm các quyền khác. Ngược lại, tiến bộ trong việc bảo đảm một quyền sẽ trực tiếp hoặc gián tiếp tác động tích cực đến việc bảo đảm các quyền khác. Do vậy, chỉ có thể thực sự thành công trong việc bảo đảm quyền con người khi chúng được tiến hành một cách toàn diện và tổng thể chú trọng thực thi đầy đủ các quyền, không thể bảo đảm riêng quyền con người này mà không chú ý tới các quyền khác.