Đánh giá chung về thực trạng vai trò của báo chí và truyền thông xã hội trong phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam: Những thành tựu đạt được và những hạn chế còn tồn đọng.
Mục lục bài viết
1. Những kết quả đạt được và nguyên nhân:
1.1. Những kết quả đạt được:
Thứ nhất, báo chí trong thời gian qua là lực lượng chủ lực trong công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục và nâng cao nhận thức cũng như tạo sự chuyển biến tích cực trong lời nói và hành động của đội ngũ đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân đối với công tác PCTN. Trong thời gian qua báo chí đã không ngừng tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước về PCTN bao gồm: Luật PCTN, Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; các Nghị quyết của Đảng, và các văn bản hướng dẫn thi hành; Luật tiếp công dân;
Thứ hai, báo chí đã phát huy được vai trò là một nguồn cung cấp thông tin hàng đầu của các cơ quan chức năng để điều tra, làm rõ các vụ án tham nhũng. Trên thực tế, báo chí Việt Nam trong thời gian qua đã luôn đi đầu trong cuộc chiến chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí. Trong những năm qua đã có hàng nghìn tác phẩm báo chí điều tra, phát hiện, giám sát đưa ra ánh sáng hàng nghìn đối tượng và vụ án liên quan đến tham nhũng, tiêu cực, được đưa ra xét xử. Các vụ án điển hình đã được báo chí phát hiện và bám sát nhằm đưa tin kịp thời, không để các vụ việc bị chìm xuống như: vụ án Năm Cam, vụ án Lã Thị Kim Oanh, Đề án 112, Vinashin, Phạm Công Danh, Hà Văn Thắm, PMU 18, Nguyễn Đức Kiên, Huỳnh Thị Huyền Như, Mai Văn Dâu,… Và gần đây nhất là hàng loạt các sai phạm, tham nhũng lớn tại các ngân hàng đều được đưa tin và đã được xét xử dưới sự quan sát của báo chí. Đa phần các vụ án tiêu cực, tham nhũng lớn dù được che đậy một cách tinh vi song cuối cùng đều được đưa ra trước ánh sáng, trước công lý và nhân dân trong thời gian qua là do nguồn tin tố cáo với các cơ quan báo chí, thông qua báo chí.
Thứ ba, báo chí đã góp phần định hướng truyền thông và dư luận xã hội và góp phần hoàn thiện các chính sách về PCTN của nước ta. Thông tin báo chí đưa ra đã góp phần tạo dư luận xã hội, báo chí phát huy vai trò PCTN thông qua việc phát hiện, chỉ rõ, phân tích các sự kiện, hiện tượng, con người có liên quan, từ đó chỉ rõ bản chất của vấn đề, giúp nâng cao nhận thức và định hướng dư luận. Qua phản ánh của báo chí, lãnh đạo Đảng, Nhà nước và lãnh đạo các cơ quan, ban, ngành, từ Trung ương đến địa phương… đã kịp thời chỉ đạo các cơ quan chức năng xem xét, giải quyết nhiều vụ việc tham nhũng khá hiệu quả. Ngoài ra, báo chí và TTXH cũng làm tốt chức năng góp ý, phản biện trong việc xây dựng, bổ sung, hoàn thiện về cơ chế, chính sách, luật pháp về PCTN. Nhờ đó mà Đảng, Nhà nước và các cơ quan chức năng có thêm một kênh thông tin quan trọng, hữu ích để triển khai, thực hiện hiệu quả hơn nhiệm vụ đấu tranh PCTN, tiêu cực.
Thứ tư, TTXH đã góp một phần không nhỏ trong công cuộc PCTN bởi các thông tin tại đây có thể là nguồn tin, manh mối ban đầu để báo chí điều tra và phanh phui các vụ án tham nhũng. Bên cạnh đó, truyền thông xã hội cũng giúp cho các bài báo về tham nhũng được lan tỏa và ngay lập tức kết nối gần hơn giữa người viết với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền vào cuộc. Đồng thời, sự chia sẻ thông tin và cho phép công chúng đánh giá vấn đề được TTXH đưa ra đã tạo ra áp lực dư luận để các cơ quan có thẩm quyền giải quyết một cách nhanh chóng, đảm bảo tuân thủ pháp luật dưới sự giám sát của người dân.
1.2. Nguyên nhân:
Một là, cơ sở pháp lý về báo chí trong PCTN ở Việt Nam đã tương đối đầy đủ. Luật PCTN tại Điều 75 đã quy định cụ thể trách nhiệm của cơ quan báo chí và nhà báo trong PCTN. Bên cạnh đó, Điều 13 còn quy định cụ thể về việc họp bảo, phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí; khoản 1 Điều 14 đã quy định về trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, tổ chức, đơn vị cung cấp thông tin về tổ chức và hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị đó cho cơ quan báo chí; khoản 1 Điều 15 của Luật này đã quy định về trách nhiệm giải trình của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc người được phân công, người được ủy quyền hợp pháp để thực hiện trách nhiệm giải trình. Nhằm triển khai thi hành Luật PCTN Chính phủ đã ban hành Nghị định số 59/2019/NĐ-CP quy định rõ hơn về việc trao đổi thông tin giữa Thanh tra Chính phủ với các tổ chức khác về công tác PCTN. Ngoài ra, trách nhiệm của Báo chí trong PCTN còn được quy định tại các văn bản pháp luật khác.
Hai là, báo chí đã chú trọng đề cao tính khách quan, tính trung thực, tính nhân văn, tính chuyên nghiệp trong công tác truyền thông về PCTN. Với nhận thức của xã hội, của nhà báo đối với tham nhũng và sự tham gia của báo chí và TTXH vào PCTN ngày càng được nâng cao. Tham nhũng là “quốc nạn”, là ung nhọt của xã hội. Với nhận thức ngày càng cao về tham nhũng và những biểu hiện của nó, các nhà báo đã có cái nhìn bao quát hơn, nhạy bén hơn, phản ánh kịp thời, chính xác hơn về tham nhũng. Cuộc chiến chống tham nhũng hiện nay không chỉ là vấn đề cấp bách của Việt Nam, mà còn là vấn đề toàn cầu. Báo chí đã trở thành phương tiện quan trọng góp phần nâng cao nhận thức của toàn Đảng, toàn dân và xã hội về tham nhũng và đấu tranh PCTN.
Bên cạnh đó, các cơ quan báo chí luôn chủ động phòng ngừa tình trạng lợi dụng thông tin, tuyên truyền về cuộc đấu tranh PCTN để có những hành vi vụ lợi trong chính cơ quan báo chí và những người làm báo, từ đó làm giảm uy tín, sức mạnh của báo chí trên mặt trận đấu tranh này. Ngoài ra, việc phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm minh những nhà báo có biểu hiện lợi dụng cuộc đấu tranh chống tham nhũng đã góp phần xây dựng báo chí PCTN vững mạnh, hiệu quả hơn.
Ba là, các cơ quan báo chí, các cấp Hội Nhà báo phát huy vai trò, trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà báo, hội viên chân chính trong tác nghiệp PCTN. Có cơ chế khen thưởng, khích lệ, động viên kịp thời, xứng đáng với những người làm báo có tinh thần dấn thân, đóng góp tích cực, hiệu quả trong công tác tuyên truyền, đấu tranh PCTN.
Bốn là, sự tham gia của TTXH trong việc đưa tin về tham nhũng đã dẫn đến sự thay đổi đáng kể về công tác PCTN ở nước ta. TTXH và báo chí đã hoạt động cùng nhau nhằm lan tỏa một cách nhanh chóng và rộng rãi các thông tin liên quan đến vấn đề tham nhũng qua đó giúp cho công chúng hiểu được nguyên nhân, tác hại và yêu cầu của việc PCTN.
Năm là, báo chí và TTXH với thể loại phong phú, đa dạng đã phản ánh, phân tích, lý giải sâu sắc các khía cạnh của tham nhũng và cuộc đấu tranh PCTN. Đồng thời chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong công tác PCTN và nguyên nhân để các cơ quan chức năng nhận thức sâu sắc và đưa ra các giải pháp khắc phục kịp thời.
2. Những hạn chế và nguyên nhân:
2.1. Hạn chế:
Thứ nhất, có thể nói hạn chế lớn nhất của báo chí và TTXH trong PCTN đó là việc chưa phản ánh được một cách đầy đủ, kịp thời những hiện tượng, vụ việc tham nhũng tiêu cực, lãng phí mà nhân dân đã phát hiện, đã cung cấp thông tin. Bên cạnh đó, nhiều vụ việc được báo chí và TTXH phát hiện, đưa tin song lại lại không các cơ quan có thẩm quyền theo đuổi đến cùng dẫn tới sự suy giảm lòng tin của người tố cáo, cung cấp thông tin cho báo chí, trông cậy vào báo chí.
Thứ hai, sự phát triển mạnh mẽ của TTXH đã tạo ra những giá trị tích cực trong cộng đồng, thay đổi cách tiếp cận thông tin của đông đảo người dân. Song, TTXH cũng tồn tại không ít những yếu tố tiêu cực, ảnh hưởng trực tiếp đến công tác PCTN như việc phản ánh không chính xác, thiếu khách quan, thậm chí lệch lạc bản chất vụ việc, phản ánh vụ án tham nhũng mang tính chắp vá, thiếu hệ thống. Thay vì chỉ đưa tin và phản ánh khách quan, một số bài báo, mạng xã hội đưa ra những nhận định, bình luận, nhận định vượt quá thẩm quyền. Gây khó khăn cho các cơ quan bảo vệ pháp luật, nhiều khi còn xâm hại đến quyền và lợi ích của cá nhân, cơ quan, tổ chức…
Thứ ba, hạn chế về thể chế tạo động lực để báo chí, TTXH tham gia PCTN. Báo chí và TTXH ở nước ta hiện nay ngoài việc phản ánh các vấn đề của đời sống xã hội, nêu gương điển hình… còn là lực lượng tiên phong trong đấu tranh PCTN, tiêu cực. Song do hạn chế về thể chế nên trong thời gian qua có lúc, có nơi chúng ta chưa phát huy được hết vai trò của báo chí, TTXH trong công tác PCTN. Bên cạnh những kết quả đạt được, chúng ta cũng phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, sự tham gia của báo chí trong PCTN, tiêu cực còn khá hạn chế.
Thứ tư, sự thiếu hụt các cơ chế phối hợp giữa báo chí và các cơ quan liên quan để cùng báo chí giải quyết các vụ việc. Hoạt động cung cấp các thông tin về PCTB cho báo chí và TTXH còn nhiều hạn chế, nhiều thông tin được coi là mật dẫn tới báo chí và TTXH không được biết, không có điều kiện tiếp cận. Thậm chí, người, cơ quan cung cấp thông tin cũng không đảm bảo an toàn cho báo chí
Thứ năm, trong công tác tuyên truyền, phổ biến quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các sản phẩm báo chí trên nhiều tờ báo còn mang tính hình thức, khô khan, sáo rỗng, không phong phú, thiếu hấp dẫn. Trình độ của một bộ phận nhà báo và đặc biệt là những người đưa tin trên các phương tiện TTXH còn nhiều hạn chế. Bản lĩnh và đạo đức nghề nghiệp của người làm báo trong thời gian qua cũng là vấn đề cần quan tâm. Trong điều kiện kinh tế thị trường, nhiều nhà báo, phóng viên có biểu hiện suy thoái đạo đức, trục lợi cá nhân, tham nhũng. Họ bị các đối tượng tham nhũng mua chuộc, sa ngã, đưa và nhận hối lộ, bẻ cong ngòi bút, đưa tin sai sự thật… Và thực tế, nhiều nhà báo đã trở thành tội phạm và xét xử về hành vi vi phạm của họ. Nhiều cá nhân tổ chức lợi dụng TTXH đưa thông tin sai sự thật cũng bị xử lý. Các hiện tượng Nhiều tờ báo điện tử “Sáng đăng, trưa gặp, chiều gỡ” hoặc thay đổi ruột bài đang là hiện tượng phổ biến. Trong năm 2020 đã có 18 cơ quan báo chí bị xử phạt, với tổng số tiền gần 430 triệu đồng; 13 trường hợp trang thông tin điện tử với tổng số tiền trên 600 triệu đồng; tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động báo chí đối với 2 cơ quan báo chí và thu hồi thẻ nhà báo của 2 trường hợp do có sai phạm nghiêm trọng.
2.2. Nguyên nhân của hạn chế:
Những hạn chế trên đây của việc phát huy vai trò của báo chí và TTXH trong PCTN xuất phát từ một số nguyên nhân cơ bản sau:
Thứ nhất, cơ chế pháp lý làm tiền đề cho việc thực hiện chức năng giám sát và phản biện xã hội nói chung và PCTN nói riêng vẫn chưa đủ để bảo đảm thực hiện hiệu quả hoạt động này. Cơ sở pháp lý cho báo chí trong PCTN ở Việt Nam tương đối đầy đủ, nhưng hầu hết các quy định mới chỉ dừng lại ở mức nguyên tắc, thiếu cụ thể, rõ ràng. Không những vậy, các quy định này còn thiếu nhiều hướng dẫn kỹ thuật thực hiện, thiếu quy định bảo đảm để triển khai trên thực tế.
Thứ hai, nguyên nhân là do nhận thức của xã hội, của các nhà báo đối với tham nhũng và sự vào cuộc của báo chí trong PCTN còn hạn chế. Trong phản ánh tiêu cực, nhất là về tham nhũng, đôi khi bản thân những người làm báo không phải lúc nào cũng có đủ nhận thức, kiến thức và kỹ năng tác nghiệp để tham gia hiệu quả vào công cuộc đấu tranh PCTN, vừa bảo đảm an toàn nghề nghiệp cho bản thân và cho cơ quan báo chí.
Thứ ba, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ giúp một người có thể dễ dàng tham gia đưa tin trên TTXH mà không phải bỏ ra khoản chi phí nào, dẫn đến làm gia tăng lực lượng tạo dựng, phát tán tin giả liên quan đến tham nhũng và PCTN và việc kiểm soát các tin giả là vấn đề không đơn giản. Bên cạnh đó, các đối tượng từ nghiệp dư đến chuyên nghiệp đều có thể sản xuất và phát tán tin giả liên quan đến tham nhũng và PCTN trực tuyến một cách nhanh chóng song việc phát hiện và xử lý với các đối tượng này đang còn nhiều khó khăn. Điều này đã phần nào làm giảm lòng tin của xã hội vào báo chí và TTXH trong công cuộc PCTN và gây khó khăn cho hoạt động PCTN.
Thứ tư, đội ngũ cán bộ quản lý báo chí, TTXH vừa thiếu, vừa hạn chế về kinh nghiệm quản lý, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác kiểm soát thông tin báo chí, TTXH chưa theo kịp sự phát triển của hoạt động báo chí và TTXH.
Thứ năm, ở mức độ nhất định, thể chế, pháp luật hiện hành của nước ta đã ghi nhận quyền tiếp cận thông tin của công dân nói chung, báo chí nói riêng, song có nơi, có lúc vẫn khó khăn, thậm chí có thể nói không tiếp cận được. Hiện nay, pháp luật đã ghi nhận quyền tiếp cận thông của công chúng nói chung và báo chí nói riêng song trên thực tế có lúc, có nơi việc tiếp cận thông tin của báo chí và TTXH còn nhiều hạn chế, thậm chí là không thể tiếp cận được. Thực tế cho thấy, báo chí và TTXH hiện nay rất khó tiếp cận các nguồn thông tin, tài liệu liên quan đến tham nhũng. Vì có rất nhiều cá nhân, tổ chức, đơn vị đã có hành vi bưng bít thông tin. Nhiều đơn vị được thanh tra, kiểm tra đã có kết luận nhưng thông đồng, ngăn cản báo chí, truyền thông tiếp cận nguồn thông tin nên sai phạm sau thanh tra, hồ sơ vụ việc không đến được tay của nhà báo, phóng viên.
Thứ sáu, sự phối hợp giữa các cơ quan báo chí, giữa cơ quan báo chí với các cơ quan chức năng khác trong PCTN chưa chặt chẽ. Thời gian qua, vì nhiều nguyên nhân, công tác phối hợp giữa báo chí, cơ quan quản lý báo chí và các cơ quan chức năng trong công tác PCTN chưa đạt kết quả như mong muốn. Bên cạnh đó, vẫn còn xu hướng thương mại hóa ở một số cơ quan báo chí, tình trạng câu khách, câu view, đăng tin giật gân, phản ánh quá nhiều mặt xấu của xã hội vẫn còn tồn tại. Đặc biệt, trong thực tế, những vấn đề, hiện tượng cá biệt của đời sống xã hội khi qua lăng kính báo chí, TTXH đôi khi bị phóng đại, phản tác dụng trong khâu tuyên truyền.