Để được cấp bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp thì kiểu dáng công nghiệp phải đáp ứng được 3 điều kiện: tính mới, tính sáng tạo và khả năng áp dụng công nghiệp. Vậy tiêu chí để đánh giá tính sáng tạo của kiểu dáng công nghiệp là gì?
Mục lục bài viết
1. Tiêu chí đánh giá tính sáng tạo của kiểu dáng công nghiệp:
– Theo quy định tại Điều 66 Luật Sở hữu trí tuệ năm, kiểu dáng công nghiệp được coi là có tính sáng tạo nếu kiểu dáng công nghiệp đó không thể tạo ra một cách dễ dàng đối với người có trình độ hiểu biết trung bình về lĩnh vực tương ứng, căn cứ vào các kiểu dáng công nghiệp đã được bộc lộ công khai, bao gồm việc được sử dụng, mô tả bằng văn bản hoặc bất kỳ hình thức nào khác ở trong nước hoặc ở nước ngoài trước ngày nộp đơn hoặc trước ngày ưu tiên của đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp được hưởng quyền ưu tiên.
– Để đánh giá tính sáng tạo của một kiểu dáng công nghiệp được nêu trong đơn, Cục Sở hữu Trí tuệ cần thực hiện việc so sánh tập hợp các đặc điểm cơ bản của kiểu dáng đó với tập hợp các đặc điểm cơ bản của các kiểu dáng công nghiệp đối chứng đã được tiết lộ công khai trước đó, và tìm kiếm các trùng lặp hoặc sự tương tự trong quá trình tra cứu thông tin.
– Trong các trường hợp sau đây, kiểu dáng công nghiệp được nêu trong đơn bị coi là không có tính sáng tạo:
● Kiểu dáng công nghiệp là hình dáng sao chép và/hoặc mô phỏng toàn bộ hoặc một phần hình dáng tự nhiên vốn có của hình dáng của các hình hình học (hình elip, hình tròn, hình vuông, hình tam giác, hình đa giác đều, chữ nhật, các hình lăng trụ có mặt cắt là các hình kể trên…), hoa quả, cây cối, các loài động vật… đã được biết rộng rãi;
● Kiểu dáng công nghiệp là sự kết hợp đơn thuần của các đặc điểm tạo dáng đã biết, nghĩa là các đặc điểm tạo dáng đã được bộc lộ công khai được lắp ghép hoặc sắp đặt với nhau một cách đơn thuần như thay đổi vị trí, thay thế, tăng giảm số lượng…);
● Kiểu dáng công nghiệp mô phỏng kiểu dáng công nghiệp thuộc lĩnh vực khác, nếu sự mô phỏng đó đã được biết đến rộng rãi trên thực tế (ví dụ: đồ chơi mô phỏng ô tô, xe máy…);
● Kiểu dáng công nghiệp là sự sao chép đơn thuần hình dáng các công trình, sản phẩm nổi tiếng hoặc đã được biết đến một cách rộng rãi ở Việt Nam hoặc trên toàn thế giới.
Kiểu dáng công nghiệp được coi là có tính sáng tạo nếu không thuộc các trường hợp nêu trên.
2. Đăng ký kiểu dáng công nghiệp:
2.1. Quy trình đăng ký kiểu dáng công nghiệp:
Trước khi thực hiện đăng ký kiểu dáng công nghiệp, người nộp đơn cần tra cứu khả năng bảo hộ kiểu dáng công nghiệp. Sau khi đã tra cứu, chủ sở hữu kiểu dáng công nghiệp thực hiện quy trình đăng ký kiểu dáng công nghiệp như sau:
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ
Hồ sơ đăng ký kiểu dáng công nghiệp bao gồm những tài liệu sau:
– Một bản mô tả kiểu dáng công nghiệp bao gồm cả hình vẽ (nếu có): Bản mô tả kiểu dáng công nghiệp phải trình bày rõ ràng, đầy đủ bản chất của kiểu dáng công nghiệp, bản mô tả phải tương ứng với bộ ảnh chụp hoặc bộ hình vẽ. Bản mô tả sẽ gồm các nội dung sau:
- Tên sản phẩm hoặc bộ phận sản phẩm mang kiểu dáng công nghiệp;
-
Lĩnh vực sử dụng của sản phẩm mang kiểu dáng công nghiệp;
-
Chỉ số phân loại kiểu dáng công nghiệp quốc tế (theo Thoả ước Locarno);
-
Các kiểu dáng công nghiệp tương tự đã biết;
-
Ảnh chụp hoặc hình vẽ.
– Hai tờ khai đăng ký kiểu dáng công nghiệp. Trong trường hợp có nhiều người sở hữu chung kiểu dáng công nghiệp, đánh dấu x vào nội dung yêu cầu cấp phó văn bằng bảo hộ cho các chủ đơn khác trên Tờ khai đăng ký kiểu dáng công nghiệp.
– Nếu người nộp đơn thụ hưởng quyền đăng ký từ người khác thì phải cung cấp tài liệu chứng minh quyền đăng ký; nếu có yêu cầu hưởng quyền ưu tiên thì phải cung cấp tài liệu chứng minh quyền ưu tiên.
– Bốn bộ ảnh chụp/bản vẽ. Ảnh chụp phải đáp ứng được yêu cầu sau đây:
-
Phải theo cùng một tỉ lệ.
-
Phải rõ ràng và sắc nét. Không được lẫn các sản phẩm khác với sản phẩm mang kiểu dáng công nghiệp yêu cầu bảo hộ.
-
Phải thể hiện đầy đủ bản chất của kiểu dáng công nghiệp như đã được mô tả nhằm xác định phạm vi bảo hộ kiểu dáng công nghiệp đó.
-
Kích thước mỗi ảnh chụp/hình vẽ không được nhỏ hơn (90 x 120) mm và không được lớn hơn (210 x 297) mm.
–
– Chứng từ nộp phí, lệ phí (nếu có).
Bước 2: Nộp hồ sơ
Người đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp có thể nộp đơn thông qua 2 cách đó là nộp trực tiếp hoặc gửi qua bưu điện tới trụ sở Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT) tại Hà Nội hoặc 02 Văn phòng đại diện của Cục tại TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng theo các địa chỉ sau đây:
– Cục Sở hữu trí tuệ: Số 384-386, đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội;
– Văn phòng đại diện tại TP. Hồ Chí Minh: Lầu 7, tòa nhà Hà Phan, số 17 – 19 Tôn Thất Tùng, phường Phạm Ngũ Lão, quận 1, TP. Hồ Chí Minh;
– Văn phòng đại diện tại Đà Nẵng: Tầng 3, số 135 đường Minh Mạng, phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng.
Bước 3: Xử lý hồ sơ tại Cục Sở hữu trí tuệ
1. Thẩm định hình thức đơn
Kiểm tra tính hợp lệ của đơn theo các yêu cầu về hình thức, về quyền nộp đơn, về đối tượng loại trừ… làm căn cứ để ra kết luận đơn có hợp lệ hay không.
– Trường hợp đơn hợp lệ, Cục SHTT ra quyết định chấp nhận đơn hợp lệ;
– Trường hợp đơn không hợp lệ, Cục SHTT ra thông báo dự định từ chối chấp nhận đơn đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp và nêu rõ các lý do từ chối đơn. Người nộp đơn có thời hạn 2 tháng để có ý kiến phản hồi hoặc sửa chữa thiếu sót.
Nếu người nộp đơn không sửa chữa thiếu sót, sửa chữa thiếu sót không đạt yêu cầu hoặc không có ý kiến phản đối hoặc ý kiến phản đối không xác đáng thì Cục SHTT ra quyết định từ chối chấp nhận đơn đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp.
Thời gian thẩm định hình thức là 01 tháng kể từ ngày nộp đơn.
2. Công bố đơn
Sau khi có Quyết định chấp nhận đơn hợp lệ, đơn sẽ được công bố trên Công báo Sở hữu công nghiệp trong thời hạn 2 tháng kể từ ngày được chấp nhận là đơn hợp lệ.
Nội dung công bố đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp là các thông tin liên quan đến đơn hợp lệ ghi trong thông báo chấp nhận đơn hợp lệ, bộ ảnh chụp hoặc bản vẽ kiểu dáng công nghiệp.
3. Thẩm định nội dung đơn
Các điều kiện bảo hộ kiểu dáng công nghiệp như có tính mới, có tính sáng tạo, có khả năng áp dụng công nghiệp chính là căn cứ để đánh giá khả năng được bảo hộ của đối tượng nêu trong đơn, qua đó xác định phạm vi bảo hộ tương ứng.
Thời hạn thẩm định nội dung là 07 tháng kể từ ngày công bố đơn.
Bước 4: Ra Quyết định cấp/từ chối cấp văn bằng bảo hộ
– Cục SHTT sẽ ra quyết định từ chối cấp văn bằng bảo hộ trong trường hợp đối tượng nêu trong đơn không đáp ứng được các yêu cầu về bảo hộ.
– Nếu đối tượng nêu trong đơn đáp ứng được các yêu cầu về bảo hộ, và người nộp đơn nộp phí, lệ phí đầy đủ, đúng hạn thì Cục SHTT ra quyết định cấp văn bằng bảo hộ, ghi nhận vào Sổ đăng ký quốc gia về kiểu dáng công nghiệp và công bố trên Công báo Sở hữu công nghiệp.
2.2. Phí, lệ phí đăng ký kiểu dáng công nghiệp:
Căn cứ theo quy định tại Thông tư 263/2016/TT-BTC quy định về các mức phí, lệ phí đăng ký kiểu dáng công nghiệp như sau:
– Lệ phí nộp đơn: 150.000 đồng;
– Phí phân loại kiểu dáng công nghiệp: 100.000 đồng/phân loại;
– Phí thẩm định đơn: 700.000 đồng/đối tượng;
– Phí công bố đơn: 120.000 đồng;
– Phí công bố từ hình thứ 2 trở đi: 60.000 đồng/hình;
– Phí tra cứu thông tin nhằm phục vụ quá trình thẩm định: 480.000 đồng/đối tượng;
– Phí thẩm định yêu cầu hưởng quyền ưu tiên (nếu có): 600.000 đồng/đơn ưu tiên.
Lưu ý:
Đối với trường hợp kiểu dáng công nghiệp thuộc sở hữu chung của nhiều cá nhân tổ chức thì chỉ cấp văn bằng bảo hộ cho người đầu tiên trong danh sách những người nộp đơn chung.
3. Hành vi xâm phạm quyền đối với kiểu dáng công nghiệp?
Các hành vi bị coi là xâm phạm quyền của chủ sở hữu kiểu dáng công nghiệp được quy định tại Điều 126 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 như sau:
– Sử dụng kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ hoặc kiểu dáng công nghiệp không khác biệt đáng kể với kiểu dáng đó;
-Sử dụng kiểu dáng công nghiệp mà không trả tiền đền bù theo quy định về quyền tạm thời.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 sửa đổi năm 2022;
– Thông tư 263/2016/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí sở hữu công nghiệp;
– Thông tư 63/2023/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số điều của một số thông tư quy định về phí, lệ phí của Bộ trưởng Bộ Tài chính nhằm khuyến khích sử dụng dịch vụ công trực tuyến.