Trên thực tế, nhu cầu chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ cũng được thực hiện một cách phổ biến. Dưới đây là quy định về chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ mới nhất.
Mục lục bài viết
1. Quy định về chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ mới nhất:
1.1. Quy định về chuyền giao quyền sở hữu công nghiệp:
Có thể kể đến các hình thức chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp như sau: chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp, chuyển giao quyền sử dụng đối tượng của sở hữu công nghiệp;
– Trong quá trình chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp, cần phải đáp ứng được một số điều kiện nhất định. Có thể kể đến các điều kiện hạn chế việc chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp như sau:
+ Chủ sở hữu quyền sở hữu công nghiệp sẽ chỉ được phép tiến hành hoạt động chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp của mình trong phạm vi được bảo hộ;
+ Quyền đối với chỉ dẫn địa lý theo quy định của pháp luật sẽ không được phép tiến hành hoạt động chuyển nhượng;
+ Quyền đối với tên thương mại sẽ chỉ được phép thực hiện thủ tục chuyển nhượng cùng với quá trình chuyển nhượng toàn bộ cơ sở kinh doanh và hoạt động sản xuất kinh doanh dưới tên thương mại đó;
+ Quá trình thực hiện hoạt động chuyển nhượng quyền đối với nhãn hiệu sẽ không được phép gây ra sự nhầm lẫn về đặc tính, gây ra quá trình nhầm lẫn về nguồn gốc của hàng hóa và dịch vụ mang nhãn hiệu;
+ Quyền đối với nhãn hiệu theo quy định của pháp luật sẽ chỉ được phép thực hiện thủ tục chuyển nhượng cho các tổ chức và cá nhân đáp ứng đầy đủ điều kiện đối với người có quyền đăng ký nhãn hiệu đó.
– Điều kiện hạn chế việc chuyển nhượng quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp được quy định cụ thể như sau:
+ Quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý, quyền sử dụng tên thương mại theo quy định của pháp luật sẽ không được phép chuyển giao;
+ Quyền sử dụng đối với nhãn hiệu tập thể theo quy định của pháp luật sẽ không được phép thực hiện thủ tục chuyển giao cho các tổ chức và cá nhân không phải là thành viên của chủ sở hữu nhãn hiệu tập thể đó;
+ Bên được chuyển quyền sẽ không được phép thực hiện hoạt động ký kết hợp đồng thứ cấp với bên thứ ba dưới bất kỳ hình thức nào, ngoại trừ trường hợp được bên chuyển quyền cho phép và đồng ý;
+ Bên được chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu sẽ cần phải tuân thủ đầy đủ nghĩa vụ ghi chỉ dẫn trên các loại hàng hóa và bao bì hàng hóa, về việc hàng hóa đó được sản xuất theo hợp đồng sử dụng nhãn hiệu;
+ Bên được chuyển quyền sử dụng sáng chế theo hợp đồng độc quyền sẽ cần phải tuân thủ đầy đủ nghĩa vụ sử dụng sáng chế giống như chủ sở hữu sáng chế.
1.2. Quy định về chuyển giao quyền tác giả – quyền liên quan đến quyền tác giả:
Thứ nhất, quy định về chuyển nhượng quyền tác giả và quyền liên quan. Căn cứ theo quy định tại Điều 45 của Văn bản hợp nhất luật sở hữu trí tuệ năm 2022 có quy định về điều kiện chuyển nhượng quyền tác giả và quyền liên quan. Cụ thể như sau:
– Chuyển nhượng quyền tác giả và quyền liên quan là việc chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan tiến hành thủ tục chuyển giao quyền sở hữu cho các tổ chức và cá nhân khác theo hợp đồng hoặc theo quy định của pháp luật có liên quan;
– Tác giả sẽ không được phép thực hiện hoạt động chuyển nhượng các quyền nhân thân như quyền đặt tên cho tác phẩm, quyền bút danh trên tác phẩm, quyền được nêu tên thật khi tác phẩm được công bố hoặc sử dụng trên thị trường, quyền công bố tác phẩm hoặc cho người khác công bố tác phẩm, quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho người khác sửa chữa hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào tránh trường hợp gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả;
– Trừ quyền công bố tác phẩm, người biểu diễn trên thực tế sẽ không được phép thực hiện thủ tục chuyển nhượng các quyền nhân thân như quyền được giới thiệu tên, bảo vệ sự toàn vẹn hình tượng biểu diễn, không cho người khác sửa chữa hoặc xuyên tạc dưới bất kỳ hình thức nào để có thể gây phương hại đến danh dự và uy tín của người biểu diễn;
– Trong trường hợp tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm ghi hình, các chương trình phát sóng có sự hiện diện của đồng sở hữu, thì quá trình chuyển nhượng cần phải có sự thỏa thuận với tất cả các đồng sở hữu đó;
– Hợp đồng chuyển nhượng quyền tác giả và quyền liên quan cần phải tuân thủ theo quy định của pháp luật, cần phải được lập thành văn bản bao gồm các nội dung chủ yếu như sau: tên và địa chỉ của bên chuyển nhượng, tên và địa chỉ của bên nhận chuyển nhượng, căn cứ chuyển nhượng, phương thức thanh toán, giá thanh toán, quyền và nghĩa vụ của các bên, trách nhiệm của các bên khi vi phạm hợp đồng.
Thứ hai, quy định về chuyển quyền sử dụng quyền tác giả và quyền liên quan. Căn cứ theo quy định tại Điều 47 của Văn bản hợp nhất luật sở hữu trí tuệ năm 2022 có quy định, để thực hiện hoạt động chuyển quyền sử dụng quyền tác giả và quyền liên quan thì cần phải đáp ứng được các điều kiện sau:
– Chuyển quyền sử dụng quyền tác giả, quyền liên quan là việc chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan cho phép tổ chức và cá nhân khác sử dụng quyền đó trong một khoảng thời gian nhất định;
– Tác giả sẽ không được phép chuyển quyền sử dụng đối với các quyền nhân thân, trong đó ngoại trừ quyền công bố tác phẩm, người biểu diễn sẽ không được phép thực hiện hoạt động chuyển quyền sử dụng các quyền nhân thân của mình;
– Trong trường hợp các tác phẩm, các cuộc biểu diễn, các cuộc ghi âm ghi hình, các chương trình phát sóng có sự xuất hiện của đồng sở hữu thì trong quá trình chuyển quyền sử dụng quyền tác giả và quyền liên quan cần phải có sự thỏa thuận và đồng ý của tất cả các đồng sở hữu đó;
– Tổ chức và cá nhân được chuyển quyền sử dụng quyền tác giả, quyền liên quan sẽ có thể chuyển quyền sử dụng cho các tổ chức và cá nhân khác trong xã hội nếu được sự đồng ý và cho phép của chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan;
– Quá trình chuyển quyền sử dụng quyền tác giả, quyền liên quan cần phải tuân thủ hình thức theo quy định của pháp luật, cần phải được lập thành văn bản. Văn bản chuyển quyền sử dụng quyền tác giả và quyền liên quan cần phải bao gồm các nội dung chủ yếu sau: tên và địa chỉ của bên chuyển quyền, tên và địa chỉ của bên được chuyển quyền, căn cứ chuyển quyền, phạm vi chuyển quyền, phương thức thanh toán, giá thanh toán, quyền và nghĩa vụ của các bên, trách nhiệm của các bên do vi phạm hợp đồng.
2. Quy trình chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ:
Có thể kể đến trình tự và thủ tục chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ như sau:
Bước 1: Xem xét điều kiện của chủ thể có quyền sử dụng, cần phải đảm bảo rằng bên chuyển giao quyền là chủ thể có quyền sử dụng quyền sở hữu trí tuệ. Việc chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ chỉ có thể xảy ra khi bên chuyển giao được pháp luật công nhận là chủ sở hữu hợp pháp đối với đối tượng được chuyển giao. Trong trường hợp bên chuyển giao cũng là bên nhận chuyển quyền tự chủ sở hữu thì cần phải đảm bảo rằng, các đối tượng đó đã được chủ sở hữu cho phép chuyển giao thứ cấp cho một bên thứ ba.
Bước 2: Chuẩn bị hồ sơ và giấy tờ để thực hiện thủ tục chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ. Xác định phạm vi chuyển quyền và lập hợp đồng chuyển quyền sở hữu trí tuệ. Hợp đồng chuyển quyền sở hữu trí tuệ cần phải bao gồm đầy đủ các nội dung theo quy định của pháp luật như: tên và địa chỉ của bên chuyển quyền, tên và địa chỉ của bên được chuyển quyền, căn cứ chuyển quyền, phạm vi chuyển quyền, phương thức và giá thanh toán, quyền và nghĩa vụ của các bên, trách nhiệm của các bên khi vi phạm hợp đồng. Kèm theo một số giấy tờ và tài liệu khác liên quan đến đối tượng quyền sở hữu trí tuệ.
Bước 3: Đăng ký hợp đồng chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Cơ quan có thẩm quyền trong trường hợp này được xác định là Cục Sở hữu trí tuệ. Đây được xem là điều kiện bắt buộc để hợp đồng có hiệu lực đối với bên thứ ba.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Văn bản hợp nhất số 11/VBHN-VPQH Luật Sở hữu trí tuệ;
– Nghị định 17/2023/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan;
– Nghị định 65/2023/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp, bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng và quản lý Nhà nước về sở hữu trí tuệ.