Cách đặt tên nhãn hiệu là một trong hoạt động có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển hoạt động kinh doanh thương mại. Vậy, Luật Dương gia sẽ cung cấp thông tin thể hiện những ưu nhược điểm của các cách đặt tên nhãn hiệu hiện nay.
Mục lục bài viết
- 1 1. Ưu nhược điểm của các cách đặt tên nhãn hiệu hiện nay:
- 2 2. Lưu ý cần tránh khi tiến hành đặt tên nhãn hiệu:
- 2.1 2.1. Không lựa chọn đặt tên đăng ký nhãn hiệu có chứa tên danh nhân, lãnh tụ trên thế giới:
- 2.2 2.2. Doanh nghiệp không lựa chọn đặt tên đăng ký nhãn hiệu trùng với địa danh:
- 2.3 2.3. Không nên lựa chọn các hình quốc kỳ, quốc huy của các nước:
- 2.4 2.4. Không lựa chọn và sử dụng những từ khó có thể ghi nhớ và nhận biết
- 2.5 2.6. Không đặt tên gây nhầm lẫn với các nhãn hiệu của người khác đã đăng ký:
1. Ưu nhược điểm của các cách đặt tên nhãn hiệu hiện nay:
Đặt tên thương hiệu là một trong những thủ tục đầu tiên phải được thực hiện khi doanh nghiệp bắt đầu kinh doanh. Đây cũng được xác định là một trong những điều gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp bởi thương hiệu kinh doanh có vai trò quan trọng để tạo nên dấu ấn cho người tiêu dùng nên rất cần một cái tên ấn tượng, độc đáo và ý nghĩa. Mục đích cao nhất là xác lập quyền sở hữu hợp pháp thương hiệu tại cơ quan có thẩm quyền để bảo vệ quyền lợi khi gặp phải trường hợp đối tượng khác xâm phạm quyền sở hữu.
Hiện nay có nhiều cách đặt tên thương mại khác nhau và mỗi cách sẽ chứa đựng những nội dung ưu điểm và nhược điểm, trong bài viết này chỉ ra 3 cách tiêu biểu sau đây:
– Lựa chọn việc đặt tên theo từng sản phẩm riêng biệt: Theo quy định khi tạo ra các sản phẩm khác nhau thì mỗi loại cần có những tên gọi khác để phân biệt dễ dàng hơn. Việc gắn tên riêng cho các loại sản phẩm của công ty như vậy sẽ không ràng buộc uy tín của công ty với các loại sản phẩm cụ thể. Đây được xác định là ưu điểm lớn nhất đối với cách thức đặt tên này. Tuy nhiên, nhược điểm của cách đặt tên này là dẫn đến phát sinh thêm chi phí của công ty cho việc quảng cáo khi giới thiệu các sản phẩm mới với những tên mới;
Ví dụ: Cách đặt tên hoãng điện thoại Nokia, đã đặt tên cho các sản phẩm khác nhau của mình như: 1200, Lumina 800,….
– Cách đặt một tên cho tất cả sản phẩm: Khi tiến hành đặt tên chung cho tất cả các sản phẩm cùng thuộc một công ty sản xuất thì liên quan đến khoản chi phí quảng cáo, bao bì sẽ được tiết kiệm và giảm bớt đi. Nếu lựa chọn cách đặt tên này thì các sản phẩm ra sau sẽ thừa hưởng uy tín của sản phẩm ra trước.
Nhược điểm cần được nhắc đến trong trường hợp này đó là nếu thất bại thì cũng ảnh hưởng uy tín đến những sản phẩm khác bởi người tiêu dùng sẽ có những so sánh nhất định về các mặt hàng cùng hãng với nhau, cùng công ty sản xuất. Đồng thời, việc nhầm lẫn tên sản phẩm cũng có thể diễn ra trên thực tế vì người sử dụng cũng chưa thể cập nhập hết tất cả các sản phẩm hoặc các sản phẩm này có cấu tạo tương tự nhau.
– Có sự kết hợp tên doanh nghiệp và tên nhãn hiệu:
Khi lựa chọn cách đặt tên theo cách kết hợp nêu trên có lợi ích là vừa mang được uy tín của công ty cho sản phẩm, đồng thời cũng tránh được các ảnh hưởng xấu cho các loại sản phẩm khác nếu một loại sản phẩm không đạt được hiệu quả như nhà sản xuất mong muốn.
Ví dụ: Yamaha đã đặt tên cho các nhãn hiệu sản phẩm xe máy của mình như: Yamaha Grande, Yamaha Janus,…
Có thể thấy với mỗi việc lựa chọn đặt tên nhãn hiệu khác nhau đều tồn tại những ưu điểm và nhược điểm nên cần căn cứ vào đặc điểm của doanh nghiệp, thị trường mục tiêu và nhu cầu của người tiêu dùng để có thể lựa chọn cách đặt tên phù hợp với nhu cầu.
– Cho dù sử dụng cách đặt tên nhãn hiệu như thế nào thì cũng phải chứa đựng những đặc điểm chung của một tên thương hiệu đảm bảo tiêu chuẩn, hợp pháp, đồng thời là dễ nhớ, dễ sử dụng:
+ Nhãn hiệu sử dụng phải có ý nghĩa: Khi lựa chọn tên thương hiệu thì cần thể hiện bản chất thương hiệu của doanh nghiệp, đồng thời cũng phải gợi lên hình ảnh, chất lượng sản phẩm;
+ Phải có sự khác biệt: Tên thương hiệu là yếu tố tiếp cận người tiêu dùng đầu tiên khi thực hiện hoạt động kinh doanh nên khi tiến hành việc đặt tên phải đảm bảo yếu tố là duy nhất, đáng nhớ và nổi bật so với các đối thủ cạnh tranh của bạn;
+ Cần phải dễ hiểu: Yếu tố dễ hiểu ở đây được thể hiện thông qua cách là dễ dàng diễn giải, có thể thực hiện bằng lời nói,..
+ Có thể đăng ký bảo hộ: Tên thương hiệu hoàn toàn có thể đăng ký nhãn hiệu, đăng ký tên miền (bảo hộ cả về mặt pháp lý và ý thức chung);
+ Tên thương hiệu xây dựng đi cùng thời gian: Lựa chọn tên thương hiệu mà có thể phát triển cùng với công ty và duy trì mức độ liên quan là một trong những thành công lớn trong hoạt động xây dựng phát triển công ty nên đây cũng là một trong những yếu tố luôn được doanh nghiệp lưu tâm.
2. Lưu ý cần tránh khi tiến hành đặt tên nhãn hiệu:
Nhãn hiệu nên được đặt tên như thế nào? Đây là vấn đề rất đáng lưu tâm khi bạn bắt tay gây dựng một thương hiệu riêng cho mình. Ngoài việc tạo ra một tên gọi độc đáo, dễ nhớ, dễ đọc, không có nghĩa xấu trong các ngôn ngữ thông dụng hay bản địa nhằm thu hút khách hàng, bạn còn cần quan tâm đến các quy định pháp luật, làm sao để khi đăng ký nhãn hiệu thì sẽ được bảo hộ.
2.1. Không lựa chọn đặt tên đăng ký nhãn hiệu có chứa tên danh nhân, lãnh tụ trên thế giới:
Có thể thấy, thông tin như tên của các lãnh tụ, anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa…là người có công sức đóng góp xây dựng gìn giữu bảo vệ tổ quốc được cả dân tộc tôn trọng, nên việc lấy các thông tin của cá nhân này để làm động lực, nguồn cảm hứng để doanh nghiệp là chính đáng nhưng việc đặt tên nhãn hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với tên thật, biệt hiệu, bút danh, hình ảnh của những người này sẽ bị từ chối bảo hộ. Vì trong hoạt động kinh doanh có thể xuất hiện bất kỳ rủi ro nào về chất lượng sản phẩm hay yếu tố khác làm ảnh hưởng đến danh tiếng của các vị này.
2.2. Doanh nghiệp không lựa chọn đặt tên đăng ký nhãn hiệu trùng với địa danh:
Việc lựa chọn tên một địa danh cụ thể để tạo đáu ấn hay thể hiện niềm tự hào với sản phẩm của địa danh mình nhưng nhưng khi đăng ký nhãn hiệu chỉ chứa duy nhất tên địa danh hay hình ảnh của một địa danh ở Việt Nam hay nước khác; ví dụ “Hải Dương”; “Đà Lạt”. “Liverpool”, “California”,… cũng sẽ bị từ chối bảo hộ.
2.3. Không nên lựa chọn các hình quốc kỳ, quốc huy của các nước:
Quốc kỳ, quốc huy được xem là hình ảnh biểu tượng đặc trưng, mang đậm bản sắc cho một quốc gia, dân tộc nên không một quốc gia nào lại chấp thuận những hình ảnh, biểu tượng quốc gia lại được thể hiện để sử dụng với mục đích thương mại, để phân biệt hàng hóa, dịch vụ. Nếu có lên ý tưởng hay đã hình thành xong nhãn hiệu của doanh nghiệp thì bạn đọc nên chỉnh sửa lại, hoặc nếu chứa hình ảnh là có dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với quốc huy, quốc kỳ của một nước khác thì cũng nên có sự điều chỉnh phù hợp, tránh bị Cục sở hữu trí tuệ từ chối cấp Văn bằng bảo hộ.
2.4. Không lựa chọn và sử dụng những từ khó có thể ghi nhớ và nhận biết
Việc lựa chọn một tập hợp từ mà người tiêu dùng có hiểu biết thông thường không thể dễ dàng nhận biết và ghi nhớ vừa đem lại bất lợi trong việc tiếp cận nguồn khách hàng mà còn có thể bị từ chối khi đăng ký nhãn hiệu vì lý do không có khả năng phân biệt. Ví dụ nếu có dùng các ký tự thuộc ngôn ngữ không có nguồn gốc La-tinh như chữ Phạn, chữ Hán, chữ Thái…, hay tập hợp quá nhiều chữ cái (và chữ số) không được sắp xếp theo một trật tự, quy luật xác định, chẳng hạn JHJYGFGHT thì đương nhiên sẽ bị cơ quan có thẩm quyền từ chối thực hiện.
2.6. Không đặt tên gây nhầm lẫn với các nhãn hiệu của người khác đã đăng ký:
Có thể thấy mục đích quan trọng nhất của nhãn hiệu đó là sự phân biệt với những sản phẩm khác nên đăng ký nhãn hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu của người khác đã đăng ký cho hàng hoá, dịch vụ trùng hoặc tương tự sẽ không được bảo hộ. Sự khác biệt được thể hiện qua việc so sánh về cấu trúc, cách phát âm, ý nghĩa và hình thức thể hiện; so sánh về bản chất, công dụng, đối tượng sử dụng và kênh phân phối.
Để có thể kiểm tra được nhãn hiệu của bạn có trùng hay dễ bị nhầm lẫn hay không thì có thể tra cứu nhãn hiệu thông qua cơ sở dữ liệu quốc gia của Cục Sở hữu trí tuệ và dữ liệu quốc tế của WIPO hoặc có thể sử dụng dịch vụ tra cứu thông tin mà Công ty sở hữu trí tuệ có kinh nghiệm, uy tín thực hiện.