Khái niệm biện pháp tạm giam trong tố tụng hình sự. Khái niệm biện pháp ngăn chặn trong tố tụng hình sự.
1. Khái niệm biện pháp ngăn chặn trong tố tụng hình sự:
Trong hệ thống pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam, biện pháp ngăn chặn được quy định cụ thể tại mục 1, chương VII
Bàn về khái niệm biện pháp ngăn chặn, trong khoa học luật TTHS đã có nhiều tài liệu nghiên cứu đưa ra các khái niệm khác nhau về biện pháp ngăn chặn.
Trong từ điển Luật học, biện pháp ngăn chặn được giải thích như sau:
Biện pháp ngăn chặn là biện pháp cưỡng chế về mặt tố tụng hình sự áp dụng khi có đủ căn cứ đối với bị can, bị cáo hoặc người chưa bị khởi tố trong trường hợp khẩn cấp hoặc phạm tội quả tang để ngăn chặn hành vi nguy hiểm cho xã hội của họ, ngăn ngừa họ tiếp tục phạm tội, trốn tránh pháp luật hoặc có hành động gây cản trở cho việc điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Điệp cho rằng:
Biện pháp ngăn chặn là những biện pháp cưỡng chế cần thiết về mặt tố tụng hình sự, do các cơ quan và những người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật áp dụng đối với bị can, bị cáo hoặc người chưa bị khởi tố khi có căn cứ do Bộ luật tố tụng hình sự quy định nhằm ngăn chặn tội phạm, bảo đảm cho việc điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án. Các biện pháp ngăn chặn bao gồm: bắt người, tạm giữ, tạm giam, cấm đi khỏi nơi cư trú, bảo lĩnh, đặt tiền hoặc tài sản có giá trị để bảo đảm.
Thạc sĩ Đào Minh Dũng cho rằng:
Biện pháp ngăn chặn là những biện pháp cưỡng chế TTHS được quy định trong BLTTHS do người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật TTHS áp dụng đối với bị can, bị cáo hoặc đối với người phạm tội quả tang hoặc người bị nghi là phạm tội khi có căn cứ do pháp luật quy định nhằm ngăn chặn họ tiếp tục phạm tội, bỏ trốn hoặc gây khó khăn cho quá trình điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự.
Trong giáo trình Luật tố tụng hình sự Việt Nam của Trường Đại học luật Hà Nội đã đưa ra khái niệm biện pháp ngăn chặn như sau:
Biện pháp ngăn chặn là biện pháp cưỡng chế trong tố tụng hình sự được áp dụng đối với bị can, bị cáo người bị truy nã hoặc đối với những người chưa bị khởi tố (trong trường hợp khẩn cấp hoặc phạm tội quả tang), nhằm ngăn chặn những hành vi nguy hiểm cho xã hội của họ, ngăn ngừa họ tiếp tục phạm tội, trốn tránh pháp luật hoặc có hành động cản trở cho việc điều tra, truy tố xét xử và thi hành án hình sự.
Theo đó, các tác giả đã chia các biện pháp ngăn chặn thành ba nhóm đối tượng:
– Nhóm 1 gồm những biện pháp nhằm ngăn chặn tội phạm, ngăn ngừa người có hành vi phạm tội bỏ trốn hoặc có hành vi gây khó khăn cho quá trình giải quyết vụ án như giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt, tạm giữ, tạm giam, bảo lĩnh, đặt tiền để bảo đảm, cấm đi khỏi nơi cư trú, tạm hoãn xuất cảnh.
Nhóm 2 gồm những biện pháp bảo đảm cho việc thu thập chứng cứ như khám xét, khám nghiệm hiện trường, xem xét dấu vết trên thân thể …
Nhóm 3 gồm những biện pháp bảo đảm thuận lợi cho hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án như kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản, tạm đình chỉ có thời hạn hoạt động của pháp nhân có liên quan đến hành vi phạm tội của pháp nhân, buộc pháp nhân nộp một khoản tiền để bảo đảm thi hành án, áp giải bị can, bị cáo, người bị kết án, dẫn giải người làm chứng, những biện pháp xử lý do chủ tọa phiên tòa áp dụng đối với người có hành vi vi phạm nội quy phiên tòa.
Có thể nói, các tác giả đã đưa ra nhiều khái niệm về biện pháp ngăn chặn ở những góc độ khác nhau, nhưng nhìn chung đều có những điểm chung. Theo các định nghĩa trên thì biện pháp ngăn chặn trong TTHS có những yếu tố nội hàm sau:
Thứ nhất, biện pháp ngăn chặn trong TTHS là một trong các biện pháp cưỡng chế của TTHS. Trong quá trình giải quyết vụ án hình sự, các cơ quan tiến hành tố tụng được áp dụng nhiều biện pháp cưỡng chế trong đó có biện pháp ngăn chặn. Tuy nhiên, biện pháp ngăn chặn có mục đích, căn cứ, thẩm quyền và thủ tục khác với các biện pháp cưỡng chế khác. Nếu như biện pháp điều tra, có mục đích thu thập chứng cứ để chứng minh làm rõ các tình tiết của vụ án thì biện pháp ngăn chặn lại có mục đích ngăn chặn không cho tội phạm xảy ra và tạo điều kiện để các Cơ quan tiến hành tố tụng tiến hành giải quyết vụ án. Vì vậy, căn cứ áp dụng, thẩm quyền và thủ tục tiến hành cũng khác nhau. Mặc dù khác nhau nhưng tất cả các biện pháp cưỡng chế là một thể thống nhất, có mối liên hệ với nhau và cùng các chế định khác của TTHS hướng tới thực hiện có hiệu quả mục đích của tố tụng hình sự.
Thứ hai, các biện pháp ngăn chặn được áp dụng với mục đích ngăn chặn không cho tội phạm tiếp tục xảy ra gây thiệt hại cho xã hội, không để người phạm tội tiếp tục thực hiện tội phạm hoặc cản trở điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án trốn tránh sự trừng phạt của pháp luật. Đồng thời, việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn còn nhằm mục đích tạo điều kiện thuận lợi để các cơ quan tiến hành tố tụng giải quyết vụ án như không để người phạm tội có thể xóa bỏ dấu vết phạm tội, tiêu huỷ chứng cứ, làm giả chứng cứ, thông cung giữa những người phạm tội hoặc với người làm chứng, đảm bảo sự có mặt của bị can, bị cáo, bị án khi có yêu cầu của cơ quan tiến hành tụng…Với mục đích như vậy, biện pháp ngăn chặn trong tố tụng hình sự khác với biện pháp cưỡng chế khác và với hình phạt trong Luật hình sự.
Thứ ba, biện pháp cưỡng chế của Luật TTHS là những biện pháp đảm bảo cho công tác điều tra, truy tố, xét xử và thi hành bản án hình sự nhanh chóng, khách quan theo quy định của pháp Luật tố tụng hình sự. Biện pháp cưỡng chế mà Luật TTHS quy định bao gồm: Các biện pháp ngăn chặn; Các biện pháp thu thập chứng cứ như: khám xét nhà, đồ vật, thư tín; xét hỏi bị can; lấy lời khai người làm chứng; nhận dạng, đối chất … những biện pháp đảm bảo cho các hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án như: Kê biên tài sản, áp giải bị can…Như vậy, biện pháp cưỡng chế trong TTHS có nội dung và phạm vi rộng hơn so với biện pháp ngăn chặn và không chỉ nhằm mục đích ngăn chặn tội phạm, tạo điều kiện thuận lợi cho việc giải quyết vụ án của các cơ quan tiến hành tố tụng mà còn nhằm mục đích răn đe …
Thứ tư, đối tượng bị áp dụng các biện pháp ngăn chặn là bị can, bị cáo, người phạm tội quả tang hoặc người mà cơ quan tiến hành tố tụng có tài liệu, chứng cứ nghĩ là họ phạm tội. Khi áp dụng biện pháp ngăn chặn các cơ quan có thẩm quyền chỉ được tiến hành trong phạm vi, giới hạn cũng như thủ tục mà Luật tố tụng hình sự quy định. Ngoài các đối tượng kể trên, không ai có thể bị áp dụng các biện pháp ngăn chặn, mọi hành vi áp dụng biện pháp ngăn chặn không đúng đối tượng, thẩm quyền, căn cứ cũng như thủ tục đều bị coi là vi phạm pháp luật, người có hành vi vi phạm tùy theo tính chất và mức độ có thể bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Thứ năm, thẩm quyền áp dụng biện pháp ngăn chặn là những người tiến hành tố tụng có thẩm quyền của các cơ quan Điều tra, Viện kiểm sát,
Trên cơ sở những quy định của BLTTHS về các BPNC và những khái niệm nghiên cứu nêu trên, tác giả đưa ra khái niệm về BPNC như sau:
Biện pháp ngăn chặn là một trong những biện pháp cưỡng chế Nhà nước được quy định trong Bộ luật tố tụng hình sự, do cơ quan hoặc người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật áp dụng đối với bị can, bị cáo, người bị truy nã hoặc có thể đối với người chưa bị khởi tố khi có căn cứ do pháp luật quy định nhằm ngăn chặn tội phạm hoặc các hành vi khác gây nguy hiểm khác cho xã hội, gây khó khăn cho công tác điều tra, truy tố, xét xử và bảo đảm thi hành án.
Quy định về các biện pháp ngăn chặn được xem là một trong những công cụ nhằm đảm bảo hoạt động tư pháp được thực hiện thuận lợi, đảm bảo kết quả trong toàn bộ quá trình tố tụng, góp phần nâng cao hiệu quả trong công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm. Đảm bảo việc thực thi pháp luật một cách toàn diện, các quyền, lợi ích hợp pháp của của công dân được đảm bảo và các quan hệ xã hội được Nhà nước bảo vệ tối ưu nhất.
2. Khái niệm tạm giam:
Tạm giam được hiểu là biện pháp cách ly bị can, bị cáo với xã hội trong một thời gian nhất định nhằm ngăn chặn hành vi trốn tránh pháp luật, cản trở việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc có thể tiếp tục phạm tội của bị can, bị cáo, bảo đảm cho việc điều tra, truy tố, xét xử được diễn ra thuận lợi.
Trong giáo trình Luật tố tụng hình sự Việt Nam, tác giả đã đưa ra khái niệm tạm giam như sau: Tạm giam là biện pháp ngăn chặn trong tố tụng hình sự do cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án áp dụng đối với bị can, bị cáo về tội rất nghiêm trọng hoặc phạm tội đặc biệt nghiêm trọng hay bị can, bị cáo phạm tội ít nghiêm trọng theo quy định của pháp luật.
Đây là biện pháp ngăn chặn mang tính chất cưỡng chế nghiêm khắc nhất trong số các biện pháp ngăn chặn được quy định trong Bộ luật tố tụng hình sự, nhằm tước bỏ quyền tự do thân thể của một người và hạn chế một số quyền, lợi ích hợp pháp của họ. Nếu như các biện pháp ngăn chặn khác như: Cấm đi khỏi nơi cư trú, bảo lĩnh, đặt tiền hoặc tài sản có giá trị để bảo đảm, việc giám sát đối với người chưa thành niên phạm tội chỉ hạn chế một số quyền của người bị áp dụng biện pháp thì đối với biện pháp ngăn chặn tạm giam, hình thức này hạn chế quyền của người bị áp dụng ở mức cao hơn. Việc áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giam nhất thiết phải tuân thủ các căn cứ, trình tự, thủ tục theo pháp luật, do người có thẩm quyền quyết định và thuộc các trường hợp do pháp luật quy định. Do vậy, việc áp dụng BPNC tạm giam trong pháp luật tố tụng hình sự của Nhà nước ta từ trước cho đến nay luôn luôn được xây dựng theo hướng kế thừa có chọn lọc và từng bước hoàn thiện.
Theo Điều 119 của BLTTHS năm 2015 những đối tượng có thể bị áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giam gồm:
– Bị can, bị cáo là về tội đặc biệt nghiêm trọng, tội rất nghiêm trọng;
– Bị can, bị cáo về tội nghiêm trọng, tội ít nghiêm trọng mà Bộ luật hình sự quy định hình phạt tù trên 02 năm khi có căn cứ xác định người đó thuộc một trong các trường hợp: Đã bị áp dụng biện pháp ngăn chặn khác nhưng vi phạm;Không có nơi cư trú rõ ràng hoặc không xác định được lý lịch của bị can; Bỏ trốn và bị bắt theo quyết định truy nã hoặc có dấu hiệu bỏ trốn;Tiếp tục phạm tội hoặc có dấu hiệu tiếp tục phạm tội; Có hành vi mua chuộc, cưỡng ép, xúi giục người khác khai báo gian dối, cung cấp tài liệu sai sự thật; tiêu hủy, giả mạo chứng cứ, tài liệu, đồ vật của vụ án, tẩu tán tài sản đến vụ án; đe dọa, khống chế, trả thù người làm chứng, bị hại, liên quan người tố giác tội phạm và người thân thích của những người này.
– Bị can, bị cáo về tội ít nghiêm trọng mà Bộ luật hình sự quy định hình phạt tù đến 02 năm nếu họ tiếp tục phạm tội hoặc bỏ trốn và bị bắt theo quyết định truy nã.
Như vậy, trong những trường hợp trên, bị can, bị cáo có thể bị áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giam. Tuy nhiên, pháp luật loại trừ một số đối tượng mặc dù có đủ điều kiện để áp dụng nhưng không được áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giam đối với họ. Đó là những bị can, bị cáo là phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, là người già yếu, người bị bệnh nặng mà có nơi cư trú và lý lịch rõ ràng. Pháp luật dành cho những đối tượng trên sự ưu tiên, tuy nhiên, trong một số trường hợp do pháp luật quy định thì họ vẫn bị áp dụng BPNC tạm giam theo quy định của pháp luật.
Như vậy, biện pháp ngăn chặn tạm giam có thể được định nghĩa như sau:
Biện pháp ngăn chặn tạm giam là một trong những biện pháp ngăn chặn cách ly người được áp dụng trong thời hạn nhất định được quy định trong Bộ luật tố tụng hình sự, do người có thẩm quyền áp dụng đối với bị can, bị cáo phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, tội rất nghiêm trọng hoặc phạm tội nghiêm trọng, ít nghiêm trọng những thuộc một trong các trường hợp được quy định trong luật tố tụng hình sự, nhằm ngăn chặn họ tiếp tục phạm tội, trốn tránh pháp luật hoặc cản trở điều tra, truy tố, xét xử và bảo đảm thi hành án.