Theo quy định của pháp luật hiện nay, phân loại nhóm sản phẩm và dịch vụ đăng ký nhãn hiệu là việc xác định phạm vi bảo hộ của nhãn hiệu đó. Vậy phân loại nhóm hàng hóa và dịch vụ đăng ký nhãn hiệu được thực hiện như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Phân loại nhóm hàng hóa, dịch vụ đăng ký nhãn hiệu:
Thực tế hiện nay, trong quá trình phân loại nhóm hàng hóa và dịch vụ đăng ký nhãn hiệu, sẽ bao gồm 34 nhóm sản phẩm hàng hóa và 11 nhóm dịch vụ. Cụ thể như sau:
Thứ nhất, về nhóm hàng hóa:
Nhóm 1. Sản phẩm hóa học, các loại nhựa nhân tạo, hợp chất chữa cháy và phân bón, chế phẩm bảo quản thực vật.
Nhóm 2. Thuốc màu, thuốc nhuộm, sơn, chất chống rỉ, kim loại dạng lá/bột dùng cho nghệ sĩ.
Nhóm 3. Chất tẩy, xà phòng, nước hoa.
Nhóm 4. Dầu mỡ công nghiệp và chất bôi trơn.
Nhóm 5. Chất tẩy uế, chất diệt nấm, chế phẩm y tế.
Nhóm 6. Các loại kim loại và quặng.
Nhóm 7. Các loại máy móc và công cụ, nông cụ.
Nhóm 8. Các loại dụng cụ cầm tay thủ công.
Nhóm 9. Các loại thiết bị và dụng cụ hàng hải, trắc địa.
Nhóm 10. Thiết bị và dụng cụ phẫu thuật, chỉnh hình.
Nhóm 11. Thiết bị chiếu sáng, sưởi ấm, tạo hơi phục vụ cho mục đích vệ sinh.
Nhóm 12. Phương tiện giao thông trên bộ, trên không hoặc dưới nước.
Nhóm 13. Vũ khí, đạn dược, chất nổ và pháo hoa.
Nhóm 14. Kim loại quý, đồng hồ và trang sức.
Nhóm 15. Dụng cụ âm nhạc.
Nhóm 16. Các loại văn phòng phẩm.
Nhóm 17. Cao su và các sản phẩm làm từ những loại vật liệu này và không được xếp ở các nhóm khác; vật liệu để bao gói, bịt kín, cách ly; ống mềm phi kim loại.
Nhóm 18. Các loại da và giả da.
Nhóm 19. Vật liệu xây dựng phi kim loại, đài kỷ niệm phi kim loại.
Nhóm 20. Ðồ đạc, khung ảnh, gương; sản phẩm bằng gỗ, lau, sậy, cói, liễu, xương, ngà voi, sừng, râu cá voi, vẩy, hổ phách, bọt biển, xà cừ, thế phẩm của các vật liệu này, hoặc bằng chất dẻo.
Nhóm 21. Dụng cụ và đồ chứa dùng cho gia đình, đồ thuỷ tinh, sành, sứ không xếp vào các nhóm khác..
Nhóm 22. Các loại vật liệu dùng cho hoạt động du lịch.
Nhóm 23. Các loại sợi dùng để dệt.
Nhóm 24. Vải và hàng dệt không xếp vào các nhóm khác; khăn trải bàn và trải giường.
Nhóm 25. Quần áo, đồ đi chân, đồ đội đầu.
Nhóm 26. Ðồ thêu, ruy băng và dải; khuy và hoa nhân tạo.
Nhóm 27. Thảm, chiếu, thảm chùi chân, vải sơn và các vật liệu trải sàn khác, giấy dán tường.
Nhóm 28. Trò chơi, đồ chơi; dụng cụ thể dục thể thao không xếp trong các nhóm khác; đồ trang hoàng cây noel.
Nhóm 29. Sản phẩm khô.
Nhóm 30. Các loại hạt và gia vị.
Nhóm 31. Sản phẩm nông nghiệp sống/tươi.
Nhóm 32. Bia và đồ uống có cồn/không có cồn.
Nhóm 33. Ðồ uống có cồn (trừ bia).
Nhóm 34. Thuốc lá; vật dụng cho người hút thuốc; diêm.
Thứ hai, nhóm dịch vụ đăng ký nhãn hiệu:
Nhóm 35. Quảng cáo; quản lý kinh doanh; quản lý giao dịch; hoạt động văn phòng.
Nhóm 36. Bảo hiểm; tài chính; tiền tệ; bất động sản.
Nhóm 37. Xây dựng và lắp đặt.
Nhóm 38. Dịch vụ viễn thông.
Nhóm 39. Vận tải và du lịch.
Nhóm 40. Xử lý vật liệu.
Nhóm 41. Giáo dục và giải trí, văn hóa thể thao.
Nhóm 42. Dịch vụ khoa học và công nghệ.
Nhóm 43. Dịch vụ chỗ ở.
Nhóm 44. Dịch vụ y tế.
Nhóm 45. Dịch vụ pháp lý.
2. Nguyên tắc phân loại nhóm hàng hóa, dịch vụ đăng ký nhãn hiệu:
Đầu tiên, nguyên tắc chung để phân nhóm hàng hóa dịch vụ khi đăng ký nhãn hiệu sẽ bao gồm:
– Cần phải căn cứ vào bảng danh mục nhóm chứa đầy đủ các tiêu đề, và đi kèm với mỗi tiêu đề là phần giải thích cụ thể và rõ ràng, nhằm mục đích làm rõ hơn tiêu chí phân loại của nhóm hàng hóa và dịch vụ đăng ký nhãn hiệu. Các chủ thể hoàn toàn có thể xác định được những nhóm hàng hóa và dịch vụ mà các hàng hóa, dịch vụ đó được phân vào;
– Sau khi xác định được nhóm hàng hóa và dịch vụ đăng ký nhãn hiệu, cần phải căn cứ vào bảng danh mục theo vần chữ cái, chủ thể hoàn toàn có thể phân loại được một sản phẩm hoặc một dịch vụ cụ thể theo từng nhóm nhất định. Trong trường hợp các loại hàng hóa và dịch vụ không được nêu trực tiếp trong bản danh mục theo vần chữ cái, thì theo quy định của pháp luật sẽ áp dụng các nguyên tắc phân loại riêng. Có thể kể đến những nguyên tắc phân loại riêng cụ thể như sau:
Thứ nhất, về nguyên tắc phân loại đối với hàng hóa. Cụ thể như sau:
– Hoàn toàn có thể phân loại hàng hóa dựa vào vật liệu tạo ra sản phẩm hoặc phân loại hàng hóa dựa vào phương thức hoạt động;
– Sản phẩm có nhiều mục đích sử dụng trên thực tế thì sẽ được phân loại vào nhóm tương ứng về chức năng và công dụng của sản phẩm đó;
– Đối với tất cả các loại vật liệu thô chưa qua thủ tục chế biến thì các loại vật liệu đó sẽ được phân loại vào nhóm hàng hóa dựa trên vật liệu cấu tạo nên sản phẩm đó;
– Tất cả các loại hàng hóa có chức năng tạo nên một bộ phận cho một sản phẩm nhất định mà không được sử dụng với mục đích khác thì các loại hàng hóa đó sẽ được phân loại cùng nhóm với sản phẩm đó;
– Nếu các loại sản phẩm được sản xuất từ nhiều nguồn nguyên liệu khác nhau thì các loại sản phẩm đó sẽ được phân loại vào nhóm dựa trên nguyên vật liệu chứa đựng trong sản phẩm;
– Hộp đựng theo quy định của pháp luật sẽ được phân nhóm cùng với sản phẩm mà hộp đựng chúa.
Thứ hai, về nguyên tắc phân loại đối với dịch vụ. Cụ thể như sau:
– Các chủ thể có thẩm quyền hoàn toàn có thể phân loại dịch vụ dựa theo dịch vụ tương tự trong nhóm, dựa vào bảng chữ cái;
– Đối với các loại hình dịch vụ cho thuê thì sẽ được phân loại cùng với nhóm dịch vụ cung cấp bởi các phương tiện cho thuê trên thực tế;
– Dịch vụ tư vấn, dịch vụ thông tin sẽ được phân loại vào nhóm dịch vụ tương ứng với lĩnh vực tư vấn và tương ứng với lĩnh vực thông tin cụ thể;
– Đối với dịch vụ siêu thị hoặc dịch vụ mua bán hàng hóa sản phẩm thì sẽ được phân loại vào nhóm dịch vụ tương ứng.
Nhìn chung thì có thể nói, quá trình phân loại nhóm hàng hóa và dịch vụ đăng ký nhãn hiệu là một trong những vấn đề vô cùng phức tạp, không hề dễ dàng, vì vậy các chủ thể trong quá trình phân loại nhóm hàng hóa và dịch vụ đăng ký nhãn hiệu cần phải nắm bắt được đầy đủ các nguyên tắc chung và các nguyên tắc riêng để có thể phân loại được một cách hoàn thiện, đúng nhất.
3. Lưu ý khi phân loại nhóm hàng hóa, dịch vụ đăng ký nhãn hiệu:
Trong quá trình thực hiện thủ tục phân loại nhóm hàng hóa và dịch vụ đăng ký nhãn hiệu, cần phải lưu ý một số vấn đề như sau:
– Chủ thể có thẩm quyền cần phải xác định một cách đúng đắn về bản chất của hoạt động kinh doanh nhằm phân loại vào các nhóm phù hợp, sao cho chính xác nhất theo quy định của pháp luật;
– Có nhiều loại sản phẩm thoạt nhìn thì sẽ có điểm tương đồng và có sự giống nhau, tuy nhiên trên thực tế thì chúng sẽ không được xếp vào cùng một nhóm, vì vậy cần phải tìm hiểu kỹ lưỡng và cần có sự tư vấn pháp luật cụ thể, đầy đủ trước khi thực hiện thủ tục xếp loại để tránh trường hợp xảy ra nhầm lẫn khi thực hiện hoạt động đăng ký nhãn hiệu;
– Mỗi nhãn hiệu theo quy định của pháp luật sẽ không đương nhiên được bảo hộ cho tất cả các lĩnh vực, mà sẽ chỉ được bảo hộ trong những sản phẩm đã liệt kê trong đơn đăng ký nộp tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
– Mỗi nhóm sản phẩm cụ thể sẽ có nhiều sản phẩm khác nhau, vì vậy trong quá trình soạn đơn, chúng ta sẽ không thể viết chung tất cả các sản phẩm thuộc nhóm bao nhiêu một cách chung chung và khái quát, mà cần phải liệt kê những sản phẩm và dịch vụ cụ thể.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Văn bản hợp nhất số 11/VBHN-VPQH Luật Sở hữu trí tuệ;
– Nghị định 65/2023/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp, bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng và quản lý Nhà nước về sở hữu trí tuệ.