Hiện nay, theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ, có những tác phẩm sẽ thuộc đối tượng được bảo hộ quyền tác giả. Vậy tác phẩm báo chí có được bảo hộ quyền tác giả không?
Mục lục bài viết
1. Tác phẩm báo chí có được bảo hộ quyền tác giả không?
Căn cứ Điều 14 Văn bản hợp nhất số 11/VBHN-VPQH 2022 Luật sở hữu trí tuệ quy định các loại hình tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả bao gồm:
– Tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học, cụ thể là:
+ Tác phẩm văn học, khoa học, sách giáo khoa, giáo trình và tác phẩm khác được thể hiện dưới dạng chữ viết hoặc ký tự khác.
+ Tác phẩm báo chí: bao gồm phóng sự, ghi nhanh, tường thuật, phỏng vấn, phản ánh, điều tra, bình luận, xã luận, chuyên luận, ký báo chí và các thể loại báo chí khác nhằm đăng, phát trên báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử hoặc các phương tiện khác.
+ Bài giảng, bài phát biểu và bài nói khác.
+ Tác phẩm âm nhạc: được hiểu là những tác phẩm thể hiện dưới dạng nhạc nốt trong bản nhạc hoặc các ký tự âm nhạc khác có hoặc không có lời, không phụ thuộc vào việc trình diễn hay không trình diễn.
+ Tác phẩm sân khấu.
+ Tác phẩm điện ảnh, trong đó bao gồm cả những tác phẩm được tạo ra theo phương pháp tương tự.
+ Tác phẩm tạo hình, mỹ thuật ứng dụng.
+ Tác phẩm nhiếp ảnh.
+ Tác phẩm kiến trúc.
+ Bản họa đồ, sơ đồ, bản đồ, bản vẽ liên quan đến địa hình, kiến trúc, công trình khoa học.
+ Tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian.
+ Chương trình máy tính, sưu tập dữ liệu.
– Các tác phẩm phái sinh nếu như đảm bảo không gây phương hại đến quyền tác giả đối với tác phẩm được dùng để làm tác phẩm phái sinh.
Như vậy, theo quy định trên thì tác phẩm báo chí thuộc đối tượng sẽ được bảo hộ quyền tác giả theo quy định.
2. Tác giả tác phẩm báo chí được bảo hộ quyền tác giả sẽ có quyền gì?
Hiện nay theo quy định quyền tác giả sẽ gồm quyền nhân thân và quyền tài sản.
(1) Về quyền nhân thân bao gồm:
– Quyền được đặt tên cho tác phẩm của mình.
– Quyền được đứng tên hoặc ghi nhận bút danh trên tác phẩm.
– Quyền được phép nêu tên thật hoặc bút danh khi tác phẩm được công bố, sử dụng.
– Quyền được công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác được công bố tác phẩm.
– Quyền được bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức với mục đích nhằm gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả.
(2) Về quyền tài sản bao gồm:
– Quyền làm tác phẩm phái sinh.
– Quyền biểu diễn tác phẩm trước công chúng.
– Quyền được sao chép tác phẩm.
– Quyền được phân phối, nhập khẩu bản gốc hoặc bản sao tác phẩm.
– Được quyền truyền đạt tác phẩm đến công chúng bằng phương tiện hữu tuyến, vô tuyến, mạng thông tin điện tử hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào khác.
– Được quyền mang bản gốc hoặc bản sao tác phẩm điện ảnh, chương trình máy tính đi thuê.
Các quyền trên sẽ do tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả thực hiện hoặc cho phép người khác thực hiện. Cá nhân, tổ chức khi khai thác, sử dụng một hoặc một số quyền nói trên sẽ phải xin phép và chi trả tiền nhuận bút, thù lao, các quyền lợi vật chất khác cho chủ sở hữu quyền tác giả.
3. Hồ sơ, thủ tục đăng ký quyền tác giả đối với tác phẩm báo chí:
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ gồm:
– Tờ khai đăng ký quyền tác giả, đăng ký quyền liên quan theo mẫu quy định.
Lưu ý: khi làm mẫu tờ khai phải chú ý những điều sau:
+ Ngôn ngữ sử dụng bằng tiếng Việt, ghi nhận đầy đủ thông tin về người nộp hồ sơ, tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả hoặc chủ sở hữu quyền liên quan.
+ Thời gian hoàn thành.
+ Tóm tắt nội dung tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình hoặc chương trình phát sóng.
+ Tên tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, tác phẩm được sử dụng làm tác phẩm phái sinh nếu tác phẩm đăng ký là tác phẩm phái sinh.
+ Thời gian, địa điểm, hình thức công bố.
+ Thông tin về cấp lại, cấp đổi (nếu có), cam đoan về trách nhiệm đối với các thông tin ghi trong tờ khai.
– Hai bản sao tác phẩm đăng ký quyền tác giả hoặc hai bản sao bản định hình đối tượng đăng ký quyền liên quan.
– Trường hợp có ủy quyền thì cần phải có văn bản ủy quyền.
– Các tài liệu, giấy tờ để chứng minh bản thân là chủ sở hữu quyền do tự sáng tạo hoặc do giao nhiệm vụ sáng tạo, giao kết hợp đồng sáng tạo, được thừa kế, được chuyển giao quyền.
– Nếu tác phẩm có đồng tác giả thì cần có văn bản đồng ý của các đồng tác giả.
– Nếu quyền tác giả, quyền liên quan thuộc sở hữu chung thì phải có văn bản đồng ý của các đồng chủ sở hữu.
Bước 2: Nộp hồ sơ:
Người có nhu cầu chuẩn bị hồ sơ bao gồm các giấy tờ trên tiến hành nộp hồ sơ tại cơ quan có thẩm quyền. Cụ thể nộp đến Cục Bản quyền tác giả hoặc Văn phòng đại diện của Cục Bản quyền tác giả:
– Cục Bản quyền tác giả: Số 33 Ngõ 294/2 Kim Mã, Ba Đình, Hà Nội, TP. Hà Nội.
– Văn phòng đại diện tại TP. Hồ Chí Minh: Số 170 Nguyễn Đình Chiểu, Phường 6, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh.
– Văn phòng đại diện tại Thành phố Đà Nẵng: Số 58 Phan Chu Trinh, Quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng.
Tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả có thể lựa chọn nộp trực tiếp hoặc nộp qua đường bưu điện.
Bước 3: Tiếp nhận hồ sơ và giải quyết:
Sau khi nhận được hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền tiến hành thẩm định hồ sơ và xác nhận hồ sơ đầy đủ và hợp lệ.
Sau đó, Cục bản quyền tác giả sẽ cấp giấy chứng nhận đăng ký cho chủ sở hữu để ghi nhận quyền sở hữu cho chủ sở hữu.
Cục Bản quyền tác giả cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả cho người nộp hồ sơ trong thời hạn là 30 ngày làm việc, tính từ ngày nhận được đủ hồ sơ được nộp và được thẩm định là hợp lệ, đầy đủ.
Nếu như trường hợp hồ sơ không đầy đủ, có sai sót thì Cục Bản quyền tác giả sẽ có thông báo cho tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả hoặc người được ủy quyền nộp hồ sơ bằng văn bản và nêu rõ lý do.
4. Khi nào sử dụng tác phẩm báo chí không cần phải xin phép tác giả:
Theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ, khi cá nhân, tổ chức muốn sử dụng tác phẩm báo chí nhưng không cần phải xin tác giả trong những trường hợp sau:
– Tự sao chép một bản nhằm mục đích nghiên cứu khoa học, giảng dạy của cá nhân.
– Thực hiện trích dẫn tác phẩm mà không làm sai ý tác giả để viết báo, dùng trong ấn phẩm định kỳ, trong chương trình phát thanh, truyền hình, phim tài liệu.
– Thực hiện trích dẫn hợp lý tác phẩm mà không làm sai ý tác giả để bình luận hoặc minh họa trong tác phẩm của mình.
– Thực hiện trích dẫn tác phẩm để giảng dạy trong nhà trường mà không làm sai ý tác giả, không nhằm mục đích thương mại.
– Thực hiện chuyển tác phẩm sang chữ nổi hoặc ngôn ngữ khác cho người khiếm thị.
– Thực hiện sao chép tác phẩm để lưu trữ trong thư viện với mục đích nghiên cứu.
Do đó, nếu tổ chức, cá nhân sử dụng tác phẩm trong trường hợp nói trên không được làm ảnh hưởng đến việc khai thác bình thường tác phẩm, không gây phương hại đến các quyền của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả; phải thông tin về tên tác giả và nguồn gốc, xuất xứ của tác phẩm.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
Văn bản hợp nhất số 11/VBHN-VPQH Luật sở hữu trí tuệ.
Nghị định 22/2018/NĐ-CP về hướng dẫn Luật sở hữu trí tuệ năm 2005 và Luật sở hữu trí tuệ sửa đổi năm 2009 về quyền tác giả, quyền liên quan.
Thông tư 211/2016/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan đến tác giả do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành.