Một số kiến nghị hoàn thiện Bộ luật hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017) về các loại người đồng phạm.
Mục lục bài viết
1. Sự cần thiết phải hoàn thiện những quy phạm của Bộ luật hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017) về các loại người đồng phạm:
Tình hình tội phạm ở nước ta đang có xu hướng gia tăng mạnh. Số lượng các vụ án, các bị cáo bị xét xử về tội phạm có đồng phạm chiếm tỷ lệ lớn trong tổng số các vụ án, các bị cáo xét xử. Trong đó, tội phạm có đồng phạm thường tập trung trong các tội xâm phạm sở hữu, các tội xâm phạm tính mạng, sức khoẻ của con người, các tội xâm phạm trật tự công cộng. Tính chất các vụ án có đồng phạm ngày càng phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi, đa dạng, ngày càng lớn về quy mô. Hành vi của các loại người đồng phạm như người tổ chức, người xúi giục, người giúp sức ngày càng khó phát hiện, ngăn chặn.
Thực tiễn công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm đã đạt được nhiều kết quả nhất định. Các vụ án đã được khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử kịp thời, đúng pháp luật, đảm bảo được sự nghiêm minh của pháp luật. Tuy nhiên, công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế như vẫn còn tình trạng bỏ lọt người đồng phạm khác trong vụ án, nhiều vụ án còn bị kéo dài thời hạn giải quyết, vẫn còn tình trạng áp dụng pháp luật chưa chính xác, thiếu sự công bằng trong việc quyết định hình phạt đối với từng người đồng phạm, Ngoài nguyên nhân từ tính chất phức tạp của vụ án và sự hạn chế của các cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án thì những thiếu sót của PLHS Việt Nam, điển hình là các quy phạm về các loại người đồng phạm của BLHS cũng là một nguyên nhân đáng kể.
BLHS năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017) mới được ban hành nhưng đã bộc lộ nhiều điểm hạn chế, không có nhiều sửa đổi, bổ sung đối với chế định đồng phạm, chưa khắc phục được những điểm hạn chế của chế định này của các BLHS trước đó và chưa đáp ứng được những đòi hỏi của thực tiễn áp dụng pháp luật. Do đó, việc tiếp tục hoàn thiện các quy định của BLHS về các loại người đồng phạm là cần thiết và vẫn mang tính cấp bách.
Ngoài ra, Việt Nam hiện nay đang hội nhập quốc tế và đã tham gia nhiều tổ chức quốc tế và khu vực Đông Nam Á, là thành viên của nhiều Công ước quốc tế như Công ước của Liên hợp quốc về phòng, chống ma tuý (Công ước thống nhất về các chất ma túy năm 1961, sửa đổi năm 1972; Công ước về các chất hướng thần năm 1971 và Công ước của Liên Hợp quốc về chống buôn bán bất hợp pháp các chất ma túy và các chất hướng thần năm 1988); Công ước chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia; Công ước chống tham nhũng; Nghị định thư về phòng chống buôn bán người; các điều ước quốc tế về chống khủng bố, rửa tiền, Hơn nữa, Việt Nam còn ký các Hiệp định tương trợ tư pháp hình sự với nhiều quốc gia trên thế giới. Do đó, để thực hiện các cam kết của mình, nước ta phải tiến hành việc nội luật hoá, tiếp thu các giá trị mới về lý luận, các quy định của PLHS được thừa nhận chung trên thế giới. Điều này cũng đòi hỏi việc hoàn thiện hệ thống pháp luật và nâng cao hiệu quả áp dụng pháp luật trong thực tiễn.
Chính vì vậy, việc hoàn thiện những quy phạm của BLHS năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017) về các loại người đồng phạm là rất cần thiết và mang tính cấp thiết trong giai đoạn hiện nay.
2. Nội dung sửa đổi, bổ sung Bộ luật hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017) về các loại người đồng phạm:
Thứ nhất, cần có định nghĩa chính xác, có sự khái quát cao về người đồng phạm và các loại người đồng phạm. Đồng thời, cần có quy định về mức độ TNHS của từng loại người đồng phạm, đặc biệt là cần có định nghĩa về hành vi vượt quá của người thực hành.
Về vấn đề này, khi đưa ra mô hình khoa học của Phần chung BLHS tương lai, GS.TSKH. Lê Văn Cảm đã đưa ra kiến giải lập pháp như sau:
Điều 38. Người đồng phạm và các loại người đồng phạm…
1. Người đồng phạm là người trực tiếp thực hiện tội phạm với tư cách là người thực hành, cũng như những người khác tham gia vào việc thực hiện tội phạm với tư cách là người tổ chức, người xúi giục, người giúp sức trong vụ đồng phạm (trên cơ sở sửa đổi, bổ sung đoạn 1 khoản 3 Điều 17 BLHS năm 2015).
2. Người thực hành là người trực tiếp thực hiện tội phạm, cũng như trực tiếp tham gia vào việc thực hiện tội phạm cùng với những người khác hoặc thực hiện tội phạm bằng thủ đoạn sử dụng người mà theo các quy định của Bộ luật này không phải chịu TNHS (trên cơ sở sửa đổi, bổ sung đoạn 2 khoản 3 Điều 17 BLHS năm 2015). 3. Người tổ chức là người chủ mưu, cầm đầu hay chỉ huy việc thực hiện tội phạm hoặc thành lập hay lãnh đạo tổ chức tội phạm (trên cơ sở sửa đổi, bổ sung đoạn 3 khoản 3 Điều 17 BLHS năm 2015). 4. Người xúi giục là người kích động, dụ dỗ, mua chuộc, đe doạ hoặc bằng thủ đoạn khác thúc đẩy người khác thực hiện tội phạm (trên cơ sở sửa đổi, bổ sung đoạn 4 khoản 3 Điều 17 BLHS năm 2015).
3. Người giúp sức là người tạo điều kiện cho việc thực hiện tội phạm bằng cách cung cấp các thông tin, phương tiện hay công cụ thực hiện tội phạm hoặc hứa hẹn trước về việc che dấu người phạm tội hay các dấu vết của tội phạm hoặc những tài sản hay đồ vật do phạm tội mà có, cũng như hứa hẹn trước về việc mua, bán hoặc tiêu thụ những tài sản hay đồ vật đó (trên cơ sở sửa đổi, bổ sung đoạn 5 khoản 3 Điều 17 BLHS năm 2015).
Điều 39: Hành vi thái quá của người thực hành (mới)
1. Hành vi thái quá của người thực hành là việc tự thực hiện tội phạm của bản thân người đó mà không có sự cố ý cùng tham gia của những người đồng phạm khác.
2. Những người đồng phạm khác không phải chịu TNHS về hành vi thái quá của người thực hành….
Tác giả cơ bản đồng ý với quan điểm trên. Tuy nhiên, theo tác giả chỉ cần định nghĩa về người đồng phạm ngắn gọn như quan điểm sau: Người đồng phạm “là người cố ý cùng tham gia vào việc thực hiện tội phạm do cố ý với những người khác và đóng vai trò là người thực hành, người tổ chức, người xúi giục hoặc người giúp sức”. Bởi lẽ, nếu định nghĩa “ là người trực tiếp thực hiện tội phạm với tư cách là người thực hành ” thì không thể hiện hết nội hàm của người thực hành (trường hợp người thực hành là người thực hiện tội phạm bằng thủ đoạn sử dụng người mà theo các quy định của BLHS không phải chịu TNHS).
Ngoài ra, theo tác giả thì cần sửa đổi, bổ sung thêm trong định nghĩa của người giúp sức trong quan điểm trên như sau (phần bôi đậm là phần bổ sung của tác giả): Người giúp sức là người tạo điều kiện cho việc thực hiện tội phạm bằng cách cung cấp các thông tin, phương tiện hay công cụ thực hiện tội phạm; hoặc loại trừ, khắc phục các trở ngại ngăn cản việc thực hiện tội phạm; hoặc hứa hẹn trước về việc che dấu người phạm tội hay các dấu vết của tội phạm hoặc những tài sản hay đồ vật do phạm tội mà có, cũng như hứa hẹn trước về việc mua, bán hoặc tiêu thụ những tài sản hay đồ vật đó.
Đối với quy định về hành vi vượt quá của người thực hành, tác giả không có ý kiến gì đối với việc BLHS năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017) sử dụng từ “vượt” mà không dùng từ “thái”. Tuy nhiên, tác giả thấy cần phải định nghĩa rõ về hành vi vượt quá của người thực hành và thiết nghĩ rằng định nghĩa của GS.TSKH. Lê Văn Cảm là chuẩn xác và cần ghi nhận để hoànthiện BLHS trong tương lai.
Thứ hai, cần có Điều luật quy định về các nguyên tắc xác định TNHS đối với những người đồng phạm trong đồng phạm.
Về vấn đề này, tác giả Phí Thành Chung đã có kiến giải lập pháp như sau: Điều … Các nguyên tắc xác định trách nhiệm hình sự trong đồng phạm. Việc xác định trách nhiệm hình sự trong đồng phạm phải căn cứ trên các nguyên tắc sau đây:
a) Nguyên tắc chịu trách nhiệm chung về toàn bộ tội phạm trong đồng phạm.
b) Nguyên tắc chịu trách nhiệm độc lập về hành vi tham gia thực hiện tội phạm trong đồng phạm.
c) Nguyên tắc cá thể hóa trách nhiệm hình sự của những người đồng phạm.
Tất cả những người đồng phạm phải chịu trách nhiệm chung về toàn bộ tội phạm trong đồng phạm, đều bị xét xử về cùng một tội phạm tương ứng của BLHS, chịu trách nhiệm về những tình tiết tăng nặng liên quan đến hành vi phạm tội chung nếu họ cùng cố ý thực hiện. Những nguyên tắc chung về truy cứu trách nhiệm hình sự, quyết định hình phạt, về thời hiệu quy định đối với tội phạm tương ứng thực hiện bằng đồng phạm được áp dụng cho tất cả những người đồng phạm.
Những người đồng phạm không phải chịu trách nhiệm về hành vi vượt quá ý định phạm tội chung của người đồng phạm khác. Những tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ, miễn trách nhiệm hình sự thuộc về riêng người đồng phạm nào thì chỉ áp dụng đối với người đồng phạm đó. Việc miễn trách nhiệm hình sự hoặc miễn hình phạt đối với người đồng phạm này không loại trừ trách nhiệm hình sự cho những người đồng phạm khác.
Việc xác định trách nhiệm hình sự đối với người đồng phạm phải tương xứng với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội của mỗi người đồng phạm, phù hợp với đặc điểm nhân thân của từng người đồng phạm.
Trên cơ sở tham khảo quan điểm trên, theo tác giả nên chăng cần sắp xếp lại cấu trúc điều luật theo hướng đưa nội dung nguyên tắc vào trong cùng một điểm (hoặc khoản) với tên nguyên tắc; đồng thời bổ sung thêm mức độ phân hoá TNHS của từng loại người đồng phạm vào nguyên tắc cá thể hóa TNHS của những người đồng phạm như sau (phần bôi đậm là phần bổ sung của tác giả):
Điều …. Các nguyên tắc xác định trách nhiệm hình sự trong đồng phạm Việc xác định trách nhiệm hình sự trong đồng phạm phải căn cứ trên các nguyên tắc sau đây:
Nguyên tắc chịu trách nhiệm chung về toàn bộ tội phạm trong đồng phạm.
Tất cả những người đồng phạm phải chịu trách nhiệm chung về toàn bộ tội phạm trong đồng phạm, đều bị xét xử về cùng một tội phạm tương ứng của BLHS, chịu trách nhiệm về những tình tiết tăng nặng liên quan đến hành vi phạm tội chung nếu họ cùng cố ý thực hiện. Những nguyên tắc chung về truy cứu trách nhiệm hình sự, quyết định hình phạt, về thời hiệu quy định đối với tội phạm tương ứng thực hiện bằng đồng phạm được áp dụng cho tất cả những người đồng phạm.
Nguyên tắc chịu trách nhiệm độc lập về hành vi tham gia thực hiện tội phạm trong đồng phạm.
Những người đồng phạm không phải chịu trách nhiệm về hành vi vượt quá ý định phạm tội chung của người đồng phạm khác. Những tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ, miễn trách nhiệm hình sự thuộc về riêng người đồng phạm nào thì chỉ áp dụng đối với người đồng phạm đó. Việc miễn trách nhiệm hình sự hoặc miễn hình phạt đối với người đồng phạm này không loại trừ trách nhiệm hình sự cho những người đồng phạm khác.
Nguyên tắc cá thể hóa trách nhiệm hình sự của những người đồng phạm.
Việc xác định trách nhiệm hình sự đối với người đồng phạm phải tương xứng với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội của mỗi người đồng phạm, phù hợp với đặc điểm nhân thân của từng người đồng phạm. Trong đó, người tổ chức và người xúi giục phải chịu trách nhiệm hình sự với mức độ tăng nặng hơn người thực hành; người giúp sức chịu trách nhiệm hình sự với mức độ giảm nhẹ hơn người thực hành.
Thứ ba, cần có điều luật quy định về việc tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội của người tổ chức, người xúi giục, người giúp sức.
Về vấn đề này, GS.TSKH. Lê Văn Cảm đã đưa ra mô hình sửa đổi BLHS như sau:
Điều 32. Tự nguyện chấm dứt tội phạm …
1. Tự nguyện chấm dứt tội phạm là trường hợp mà trong đó mặc dù chủ thể phạm tội có đầy đủ điều kiện khách quan để thực hiện được tội phạm đến cùng nhưng đã tự mình đình chỉ hành vi chuẩn bị phạm tội hoặc/và hành vi cố ý để thực hiện tội phạm, tuy không có gì ngăn cản.
2. Chủ thể tự nguyện chấm dứt tội phạm không phải chịu TNHS về tội định phạm; nếu hành vi thực tế do chủ thể thực hiện có đủ tất cả các dấu hiệu cấu thành một tội phạm khác, thì chủ thể đó vẫn phải chịu TNHS về tội này.
3. Người tổ chức và người xúi giục không phải chịu TNHS nếu bằng các biện pháp mà họ đã áp dụng đã ngăn chặn được việc thực hiện tội phạm đến cùng của người thực hành (mới).
4. Nếu hành vi của người tổ chức hoặc người xúi giục được quy định tại khoản 3 Điều này đã không ngăn chặn được việc thực hiện tội phạm đến cùng của người thực hành, thì biện pháp mà họ đã áp dụng có thể được coi là tình tiết để miễn TNHS hoặc giảm nhẹ hình phạt (mới). 5. Người giúp sức không phải chịu TNHS nếu đã tích cực áp dụng tất cả các biện pháp phụ thuộc vào mình để ngăn chặn việc thực hiện tội phạm (mới).
Tác giả Phí Thành Chung lại có kiến giải lập pháp về tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội trong đồng phạm theo hướng tách riêng thành Điều luật riêng lẻ như sau:
Điều … Tự dừng việc phạm tội trong đồng phạm
1. Người tổ chức, người xúi giục, người giúp sức thực hiện tội phạm không phải chịu TNHS nếu họ tự dừng việc phạm tội ở giai đoạn chuẩn bị phạm tội, tuy không có gì ngăn cản.
2. Người tổ chức, người xúi giục, người giúp sức thực hiện tội phạm không phải chịu TNHS nếu họ tự dừng việc phạm tội ở giai đoạn phạm tội chưa đạt chưa hoàn thành và có hành động tích cực làm mất tác dụng của hành vi tổ chức, xúi giục, giúp sức việc phạm tội trước đó của mình.
Những hành động tích cực của người tổ chức, người xúi giục, người giúp sức thực hiện tội phạm nếu không làm mất tác dụng của hành vi tổ chức, xúi giục, giúp sức việc phạm tội trước đó của mình thì vẫn có thể được xem xét để giảm nhẹ TNHS.
Ngoài ra, PGS.TS. Trịnh Tiến Việt đã đưa ra mô hình lý luận về TNHS của các người tổ chức, người xúi giục và người giúp sức khi tự ý nửa chừng chấm dứt tội phạm của Điều 19 BLHS 1999 (mặc dù đây là quan điểm đối với BLHS 1999, chưa được các nhà làm luật ghi nhận trong BLHS năm 2015 nhưng theo tác giả đây là quan điểm có giá trị để tham khảo cho các BLHS sau này), cụ thể:
Điều … Miễn trách nhiệm hình sự cho người tự ý nửa chừng chấm dứt tội phạm
1. Giữ nguyên như quy định của
2. Người tổ chức, người xúi giục hoặc người giúp sức được miễn trách nhiệm hình sự nếu các biện pháp tích cực mà họ áp dụng đã ngăn chặn được việc thực hiện tội phạm đến cùng của người thực hành (mới).
Theo tác giả, vấn đề tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội trong đồng phạm và tội phạm độc lập được thể hiện trong cùng một điều luật như các quan điểm trên sẽ đảm bảo sự thống nhất, nhất quán, ngắn gọn và dễ dàng trong việc tra cứu, áp dụng pháp luật. Thiết nghĩ, quan điểm của GS.TSKH. Lê Văn Cảm là đầy đủ, phù hợp để nghiên cứu, sửa đổi những thiếu sót trong quy định của BLHS Việt Nam hiện hành.
Cuối cùng, thứ tư, cần có quy định về TNHS của ba loại người đồng phạm (người tổ chức, người xúi giục, người giúp sức) trong các giai đoạn thực hiện tội phạm có đồng phạm.
Về vấn đề này, tác giả Phí Thành Chung có kiến giải lập như sau:
Nếu những người đồng phạm không thực hiện được tội phạm đến cùng do những nguyên nhân khách quan thì người thực hiện tội phạm thực hiện đến giai đoạn nào, những người đồng phạm phải chịu trách nhiệm hình sự ở giai đoạn đó.
Trên cơ sở tham khảo quan điểm trên và các lý luận của luật hình sự Việt Nam, theo tác giả nên chăng có thể quy định như sau (phần bôi đậm là phần bổ sung của tác giả): Nếu những người đồng phạm không thực hiện được tội phạm đến cùng do những nguyên nhân khách quan thì người thực hành thực hiện tội phạm đến giai đoạn nào, những người đồng phạm khác phải chịu trách nhiệm hình sự ở giai đoạn đó.