Thử việc là một giai đoạn thời gian ngắn khi một người được tuyển dụng để làm việc tại một công ty hoặc ở tại một tổ chức nhưng vẫn chưa được coi là nhân viên chính thức. Hiện nay, cách lách luật với chiêu trò kéo dài thời gian thử việc được diễn ra như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Cách lách luật với chiêu trò kéo dài thời gian thử việc:
Thử việc là một giai đoạn thời gian ngắn khi một người được tuyển dụng để làm việc tại một công ty hoặc ở tại một tổ chức nhưng vẫn chưa được coi là nhân viên chính thức. Pháp luật lao động có quy định người sử dụng lao động và người lao động có thể thỏa thuận về những nội dung thử việc ghi trong hợp đồng lao động hoặc hai bên thỏa thuận về thử việc bằng việc giao kết hợp đồng thử việc. Điều 25 Bộ luật Lao động 2019 có quy định về thời gian thử việc, Điều này quy định rằng thời gian thử việc hoàn toàn do hai bên thỏa thuận căn cứ vào tính chất và mức độ phức tạp của chính công việc nhưng chỉ được thử việc một lần đối với một công việc và bảo đảm điều kiện sau đây:
– Không quá 180 ngày đối với công việc của người quản lý doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp, của Luật Quản lý, sử dụng vốn của nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp;
– Không quá 60 ngày đối với công việc có chức danh nghề nghiệp cần có trình độ chuyên môn, kỹ thuật từ cao đẳng trở lên;
– Không quá 30 ngày đối với công việc có chức danh nghề nghiệp cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật trung cấp, công nhân về kỹ thuật, nhân viên nghiệp vụ;
– Không quá 06 ngày làm việc đối với các công việc khác.
Khi kết thúc thời gian thử việc, người sử dụng lao động phải thông báo kết quả thử việc cho chính người lao động. Có hai trường hợp xảy ra khi kết thúc thời gian thử việc đó chính là thử việc đạt yêu cầu và thử việc không đạt yêu cầu, cụ thể:
– Trường hợp thử việc đạt yêu cầu thì người sử dụng lao động tiếp tục được thực hiện về hợp đồng lao động đã giao kết đối với trường hợp có thỏa thuận thử việc trong hợp đồng lao động hoặc phải giao kết hợp đồng lao động trong trường hợp giao kết hợp đồng thử việc.
– Trường hợp thử việc mà không đạt yêu cầu thì chấm dứt hợp đồng lao động đã giao kết hoặc hợp đồng thử việc.
Theo quy định trên, thời gian thử việc sẽ do người lao động thử việc và người sử dụng lao động thỏa thuận với nhau, nhưng sẽ chỉ được thử việc một lần đối với một công việc với thời gian đã vừa nêu trên. Tuy nhiên, có một số doanh nghiệp lại không thực hiện đúng với quy định của pháp luật về thời gian thử việc mà lại tìm đủ mọi cách để kéo dài thời gian thử việc của người lao động thông qua quy định “thử việc một lần đối với một công việc”.
Ví dụ, chị Nguyễn Mai Anh đang làm việc ở công ty TNHH X với vị trí là người lao động thử việc với công việc là nhân viên telesale thiết bị điện tử, tuy nhiên qua 30 ngày thử việc thì bên phía người sử dụng lao động căn cứ vào kết quả làm việc và sự thích ứng với văn hóa công ty của chị Mai Anh để đánh giá kết quả thử việc của chị, tuy nhiên theo đánh giá của công ty thì chị Mai Anh đã không đạt yêu cầu và tiêu chí của công ty nên chị không được nhận làm nhân viên chính thức của công ty. Nhưng khi đó, công ty đã đề xuất cho chị Mai Anh được tiếp tục thử việc với công việc là sale thiết bị điện tử (mặc dù ở công ty TNHH X thì tính chất của công việc telesale thiết bị điện tử và công việc sale thiết bị điện tử khá giống nhau). Như vậy, chị Mai Anh đã phải thử việc 02 tháng tại công ty X với 02 công việc khác nhau nhưng tính chất của hai công việc lại tương tự nhau.
2. Xử phạt đối với vi phạm của công ty lách luật với chiêu trò kéo dài thời gian thử việc:
Công ty có hành vi lách luật với chiêu trò kéo dài thời gian thử việc thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật. Căn cứ theo Điều 10 Nghị định 12/2022/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động bảo hiểm xã hội thì công ty có hành vi lách luật với chiêu trò kéo dài thời gian thử việc thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính như sau:
– Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong những hành vi sau đây:
+ Yêu cầu thử việc đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn mà dưới 01 tháng. Đồng thời người sử dụng lao động sẽ phải bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả đó là buộc phải trả đủ tiền lương của công việc đó cho người lao động.
+ Không thông báo kết quả thử việc cho người lao động theo đúng quy định.
– Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong những hành vi sau đây:
+ Yêu cầu người lao động thử việc quá 01 lần đối với một công việc nhất định. Đồng thời người sử dụng lao động sẽ phải bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả đó là buộc phải trả đủ tiền lương của công việc đó cho người lao động.
+ Thử việc quá thời gian pháp luật quy định. Đồng thời người sử dụng lao động sẽ phải bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả đó là buộc phải trả đủ tiền lương của công việc đó cho người lao động.
+ Trả lương cho người lao động trong thời gian thử việc thấp hơn 85% mức lương của chính công việc đó. Đồng thời người sử dụng lao động sẽ phải bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả đó là buộc phải trả đủ tiền lương của công việc đó cho người lao động.
+ Không giao kết hợp đồng lao động với người lao động khi thử việc đạt yêu cầu đối với trường hợp hai bên đã có giao kết về hợp đồng thử việc. Đồng thời người sử dụng lao động sẽ phải bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả đó là buộc phải giao kết hợp đồng lao động với người lao động.
3. Các cách bảo vệ quyền lợi khi công ty lách luật với chiêu trò kéo dài thời gian thử việc:
Các cách bảo vệ quyền lợi khi công ty lách luật với chiêu trò kéo dài thời gian thử việc bao gồm:
Cách 1: Khiếu nại
Thực hiện khiếu nại lần đầu:
– Khi người lao động cho rằng quyết định, hành vi của người sử dụng lao động là trái pháp luật, xâm phạm đến quyền của chính mình (người sử dụng lao động lách luật với chiêu trò kéo dài thời gian thử việc) thì người bị xâm phạm thực hiện khiếu nại đến người giải quyết khiếu nại lần đầu.
– Người giải quyết khiếu nại lần đầu chính là người sử dụng lao động.
Thực hiện khiếu nại lần hai:
– Người lao động khiếu nại lần hai khi người sử dụng lao động lách luật với chiêu trò kéo dài thời gian thử việc trong trường hợp:
+ Không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu của chính người sử dụng lao động.
+ Quá thời hạn quy định về giải quyết khiếu nại lần đầu mà việc khiếu nại không được giải quyết.
– Người lao động gửi khiếu nại lần hai về việc người sử dụng lao động lách luật với chiêu trò kéo dài thời gian thử việc đến Chánh Thanh tra Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi người sử dụng lao động đặt trụ sở chính.
Cách 2: Khởi kiện ra tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền
Bên cạnh việc khiếu nại về việc người sử dụng lao động lách luật với chiêu trò kéo dài thời gian thử việc thì người lao động có quyền khởi kiện tại Tòa án khi:
– Ngay từ đầu người lao động có thể chọn khởi kiện tại Tòa án;
– Không đồng ý với kết quả giải quyết khiếu nại lần đầu của người sử dụng lao động;
– Quá thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu mà người lao động vẫn chưa được giải quyết;
– Người lao động không đồng ý với kết quả giải quyết khiếu nại lần hai;
– Quá thời hạn để giải quyết khiếu nại lần hai mà người lao động chưa được giải quyết.
Những văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Bộ luật Lao động 2019.