Hội đồng thương lượng tập thể được biết đến là một tổ chức gồm các thành viên đại diện cho các bên tiến hành thương lượng tập thể theo pháp luật lao động. Vậy nhiệm vụ, chức năng của Hội đồng thương lượng tập thể được quy định thế nào?
Mục lục bài viết
1. Nhiệm vụ, chức năng của Hội đồng thương lượng tập thể:
Thương lượng tập thể thường xuất hiện phổ biến khi nhắc đến lĩnh vực lao động, hoạt động này có vai trò hết sức quan trọng trong việc duy trì ổn định quan hệ lao động, bởi thương lượng tập thể không chỉ bảo đảm quyền lợi các bên khi tham gia quan hệ lao động mà còn giúp các bên dung hòa được quyền và nghĩa vụ, đặc biệt là thống nhất được hướng giải quyết bất đồng về lợi ích. Khi những lợi ích của các bên được bảo đảm, quan hệ lao động được duy trì và phát triển hài hoà thì sẽ tạo nền tảng vững chắc để đơn vị sử dụng lao động tăng sức cạnh tranh và phát triển vững mạnh trên thị trường. Chính vì vậy, việc thành lập hội đồng thương lượng tập thể là điều tất yếu cần thực hiện. Căn cứ theo quy định tại Điều 7, 8 của Thông tư 10/2020/TT-BLĐTBXH thì chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng thương lượng tập thể được ghi nhận như sau:
– Chức năng của Hội đồng thương lượng tập thể: Hội đồng thương lượng tập thể có chức năng tổ chức cho đại diện của các bên tiến hành thương lượng tập thể theo quy định của Bộ luật Lao động;
– Nhiệm vụ của Hội đồng thương lượng tập thể:
+ Có trách nhiệm trong việc lập kế hoạch để tiến hành thương lượng tập thể trên cơ sở đề xuất của các bên và theo quyết định thành lập Hội đồng thương lượng tập thể;
+ Tiến hành việc tổ chức, điều phối các phiên họp để đại diện các bên thương lượng;
+ Tích cực hỗ trợ, cung cấp thông tin liên quan để đại diện các bên thương lượng với nhau khi xảy ra vấn đề cần thương lượng;
+ Trong giai đoạn lấy ý kiến về dự thảo thỏa ước thì cũng có sự đóng góp nhất định, thể hiện thông qua sự hỗ trợ để các bên tiến hành lấy ý kiến về nội dung dự thảo thỏa ước lao động tập thể nhiều doanh nghiệp theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 76 của Bộ luật Lao động;
+ Trực tiếp tổ chức ký kết thỏa ước lao động tập thể nhiều doanh nghiệp theo quy định tại khoản 4 Điều 76 của Bộ luật Lao động;
+ Bên cạnh đó, giám sát việc thực hiện thỏa ước lao động tập thể nhiều doanh nghiệp theo quyết định thành lập Hội đồng thương lượng tập thể, bảo đảm phù hợp với thời gian hoạt động của Hội đồng;
+ Việc báo cáo kết quả hoạt động của Hội đồng thương lượng tập thể với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, đồng thời gửi Sở Lao động – Thương binh và Xã hội cũng là một trong những nhiệm vụ quan trọng cần Hội đồng thương lượng tập thể nghiêm túc thực hiện;
+ Pháp luật cũng quy định về việc thực hiện các nhiệm vụ khác theo yêu cầu của các bên và nhiệm vụ theo quyết định thành lập Hội đồng thương lượng tập thể.
2. Quy định chung về hoạt động của Hội đồng thương lượng tập thể:
Hiện nay, căn cứ theo quy định tại Điều 9 Thông tư 10/2020/TT-BLĐTBXH thì đã ghi nhận các hoạt động của hội đồng thương lượng tập thể, cụ thể:
– Hội đồng thương lượng tập thể làm việc thông qua các phiên họp;
– Tiến hành đại diện thương lượng của bên người sử dụng lao động và bên tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở có trách nhiệm tiến hành thương lượng theo khoản 1 và khoản 2 Điều 72 của Bộ luật Lao động và quyết định kết quả thương lượng thông qua phiên họp của Hội đồng;
– Cá nhân đang là Chủ tịch Hội đồng thương lượng tập thể có trách nhiệm hỗ trợ trong hoạt động thương lượng tập thể như:
+ Trực tiếp chỉ đạo việc tổ chức, điều phối các phiên họp của Hội đồng để đại diện các bên thương lượng theo quy định;
+ Xem xét, quyết định bổ sung, thay thế người đại diện tham gia thương lượng của mỗi bên; chấp nhận đề nghị tham gia Hội đồng thương lượng tập thể của các doanh nghiệp khác sau khi được sự đồng thuận của đại diện các bên trong Hội đồng thương lượng tập thể;
+ Ban hành ra quyết định thành lập bộ phận giúp việc Hội đồng, Chủ tịch Hội đồng để hỗ trợ hoạt động thương lượng tập thể của các bên;
– Bên cạnh trách nhiệm của Hội đồng thương lượng tập thể thì cũng ghi nhận trách nhiệm cảu Đại diện Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm hỗ trợ, cung cấp các thông tin cần thiết để các bên tiến hành thương lượng;
– Hội đồng thương lượng tập thể không tồn tại vĩnh viễn chỉ đươc thành lập khi có yêu cầu hoặc thực trạng trên thực tế bắt buộc phải có sự tham gia của hội đồng. Chính vì vậy, Hội đồng này sẽ tự giải thể khi hết thời gian hoạt động theo quyết định thành lập Hội đồng thương lượng tập thể. Trường hợp các bên có thỏa thuận khác thì Chủ tịch Hội đồng thương lượng tập thể đề nghị Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định;
– Để duy trì được hoạt động thì kinh phí do người sử dụng lao động và tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở ở các doanh nghiệp tham gia thương lượng thỏa thuận đóng góp và huy động từ các nguồn hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.
3. Hội đồng thương lượng tập thể được thành lập như thế nào?
Căn cứ theo quy định tại Điều 6 Thông tư 10/2020/TT-BLĐTBXH thì hoạt động thành lập Hội đồng thương lượng tập thể được thể hiện thông qua những nội dung sau:
– Khi có nhu cầu thương lượng tập thể có nhiều doanh nghiệp tham gia thông qua Hội đồng thương lượng tập thể, trên cơ sở đồng thuận, người sử dụng lao động và các tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở của các doanh nghiệp tham gia thương lượng tập thể nhiều doanh nghiệp (sau đây gọi là các bên) cử một người đại diện gửi văn bản đề nghị thành lập Hội đồng thương lượng tập thể đến Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) nơi đặt trụ sở chính của các doanh nghiệp hoặc nơi được các bên lựa chọn theo quy định tại khoản 1 Điều 73 của Bộ luật Lao động;
– Văn bản đề nghị thành lập Hội đồng thương lượng tập thể phải có các thông tin chủ yếu sau:
+ Cần chứa đựng thông tin về danh sách dự kiến các doanh nghiệp tham gia thương lượng tập thể nhiều doanh nghiệp, trong danh sách này cần thể hiện đươc các nội dung tên doanh nghiệp; trụ sở chính; thông tin cá nhân là họ tên của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp; họ tên người đại diện của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở;
+ Đồng thời cá nhân được trở thành Chủ tịch Hội đồng thương lượng tập thể thông qua sự đồng thuận cử ra thì cần ghi Họ tên, chức vụ hoặc chức danh của người này; kèm theo văn bản đồng ý của người được đề nghị làm Chủ tịch Hội đồng thương lượng tập thể. Trường hợp trong văn bản không đề nghị người làm Chủ tịch Hội đồng thương lượng tập thể thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định;
+ Để bổ sung thêm trong nội dung văn bản đề nghị cần có Danh sách các thành viên đại diện của mỗi bên tham gia thương lượng trong Hội đồng thương lượng tập thể;
+ Đồng thời, có ghi nhận về dự kiến nội dung đã được các bên thống nhất về nội dung thương lượng, thời gian hoạt động của Hội đồng thương lượng tập thể, kế hoạch thương lượng tập thể, hoạt động hỗ trợ của Hội đồng thương lượng tập thể (nếu có);
– Theo quy định thì kể từ ngày nhận được văn bản yêu cầu của đại diện các bên thương lượng tập thể có nhiều doanh nghiệp, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm ban hành quyết định thành lập Hội đồng thương lượng tập thể. Thời gian để cơ quan này thực hiện trách nhiệm là không được quá 20 ngày làm việc. Trường hợp không quyết định thành lập Hội đồng thương lượng tập thể thì phải có văn bản trả lời nêu rõ lý do;
– Đề nghị thành lập Hội đồng thương lượng tập thể không chỉ là trách nhiệm của riêng bất kỳ đối tượng nào mà còn có sự phói hợp giữa các cơ quan với nhau. Theo đó, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Liên đoàn Lao động cấp tỉnh, tổ chức đại diện người sử dụng lao động cấp tỉnh, các doanh nghiệp đề nghị thành lập Hội đồng thương lượng tập thể và các tổ chức, doanh nghiệp có liên quan để tham mưu, trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phương án thành lập Hội đồng thương lượng tập thể.
– Trong quá trình hoạt động, nếu có lý do cần thay đổi Chủ tịch Hội đồng thương lượng tập thể thì Chủ tịch Hội đồng thương lượng tập thể đương nhiệm đề nghị Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định;
Thời gian tính từ khi tiếp nhận thông tin thay đổi Chủ tịch Hội đồng thương lượng tập thể đương nhiệm thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, sửa đổi, bổ sung quyết định thành lập Hội đồng thương lượng tập thể trong thời gian 7 ngày làm việc. Đối với trường hợp sau khi xem xét mà không sửa đổi, bổ sung thì phải có văn bản trả lời nêu rõ lý do.
Văn bản pháp luật được sử dụng:
– Bộ luật Lao động năm 2019;
– Thông tư 10/2020/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về nội dung của hợp đồng lao động, Hội đồng thương lượng tập thể và nghề, công việc có ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh sản, nuôi con.