Hoàn thiện pháp luật hình sự về quyết định hình phạt tù có thời hạn. Ban hành các văn bản hướng dẫn áp dụng pháp luật về quyết định hình phạt tù có thời hạn.
Mục lục bài viết
1. Hoàn thiện pháp luật hình sự về quyết định hình phạt tù có thời hạn:
Thứ nhất, Cần tăng mức phạt tù tối thiểu từ ba tháng lên sáu tháng.
Với thời hạn dưới sáu tháng cách ly người phạm tội ra khỏi xã hội là rất khó để có thể tổ chức cải tạo, giáo dục họ hiệu quả, trong khi đó hậu quả pháp lý của hình phạt tù lại rất nặng nề đối với người bị kết án, hạn chế khả năng tái hòa nhập cộng đồng của họ.
Thực tế cho thấy những trường hợp Tòa án tuyên hình phạt tù thời hạn dưới sáu tháng thường là những trường hợp xử phạt tù với thời hạn bằng thời hạn tạm giữ, tạm giam và trả tự do cho bị cáo ngay tại phiên tòa. Có thể nói rằng đây là biện pháp chữa cháy cho người phạm tội ít nghiêm trọng, có nhiều tình tiết giảm nhẹ mà đáng lẽ được áp dụng hình phạt khác.
Việc nâng mức tối thiểu của hình phạt tù tạo điều kiện cho người làm luật quy định chế tài các tội ít nghiêm trọng chỉ bao gồm các hình phạt không phải tù theo quan điểm mềm hóa hình phạt ở nước ta.
Cần giảm bớt tỷ lệ hình phạt tù đối với một số tội phạm thuộc loại tội không có tính nguy hiểm lớn cho xã hội và loại tội ít nghiêm trọng.
Cần quy định hình phạt không phải tù ở những chế tài độc lập hoặc chế tài lựa chọn giữa các loại hình phạt không phải tù đối với một số tội có tính chất nguy hiểm không lớn cho xã hội và các tội ít nghiêm trọng.
Cần sửa đổi BLHS theo hướng điều chỉnh chính sách hình sự, giảm hình phạt tù và mức hình phạt tù đối với một số loại tội phạm, đồng thời tăng việc áp dụng các loại hình phạt cải tạo không giam giữ, phạt tiền để giảm số người bị tạm giữ, tạm giam, thi hành hình phạt tù, mở rộng hơn việc giảm thời gian chấp hành hình phạt tù để làm giảm số lượng phạm nhân tồn đọng trong các trại giam.
Thứ hai, Sửa đổi, bổ sung quy định về QĐHP nhẹ hơn quy định của BLHS.
Quy định về tình tiết giảm nhẹ TNHS tại điểm x khoản 1 Điều 51 BLHS cần được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn, đảm bảo người bị QĐHP được hưởng quyền lợi phù hợp với chính sách pháp luật của Nhà nước, theo đó cần quy định điểm x như sau: “Người phạm tội là người có công với cách mạng hoặc là cha, mẹ, vợ chồng, con của liệt sĩ”; cần được sửa đổi, bổ sung thành: “Người phạm tội là người có công với cách mạng; là vợ, chồng, con của người có công với cách mạng hoặc là cha, mẹ, vợ chồng, con của liệt sĩ”. Cần ban hành hướng dẫn về cách hiểu tại Điều 54 BLHS năm 2015, theo hướng hai tình tiết giảm nhẹ có thể thuộc hai điểm khác nhau của khoản 1 Điều 51 hoặc cùng thuộc một điểm của khoản 1 Điều 51.
Cần mở rộng phạm vi áp dụng Điều 54 BLHS theo hướng nới lỏng điều kiện áp dụng. Không nên quy định phải có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ tại khoản 1 Điều 51 BLHS mới được áp dụng Điều 54 BLHS. Bởi vì: Các tình tiết giảm nhẹ chỉ là một trong bốn căn cứ QĐHP, trong đó các căn cứ như tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội; nhân thân người phạm tội cũng rất quan trọng cần được cân nhắc, đánh giá khi QĐHP nói chung, nhất là QĐHP nhẹ hơn.
Thứ ba, hoàn thiện chế tài các điều luật phần các tội phạm.
Việc hoàn thiện chế tài các điều luật phần các tội phạm cần được thực hiện theo các hướng sau đây: Tăng số lượng chế tài các tội ít nghiêm trọng không có phạt tù. Chế tài các khung hình phạt có quy định hình phạt tù từ ba tháng đến hai năm trong BLHS hiện hành, tùy theo tính chất có thể được thay thế bằng chế tài lựa chọn có hình phạt cảnh cáo, phạt tiền hoặc cải tạo không giam giữ mà không có hình phạt tù. Có như vậy, mới tạo ra cơ sở pháp lý để hạn chế hình phạt tù, tăng cường các hình phạt không phải tù.
Cần thu hẹp khoảng cách của hình phạt tù có thời hạn. Khoảng cách giữa mức hình phạt tối thiểu và tối đa của khung hình phạt được xác định tùy theo loại tội: Đối với loại tội đặc biệt nghiêm trọng khoảng cách này tối đa là tám năm; đối với loại tội rất nghiêm trọng khoảng cách này tối đa là sáu năm; đối với loại tội nghiêm trọng khoảng cách này tối đa là bốn năm và đối với loại tội ít nghiêm trọng khoảng cách này tối đa là hai năm.
Phân hóa tốt hơn mức chế tài tùy theo tính chất, hậu quả. Theo đó: Các tội có tính chất như: Kinh tế, xâm phạm trật tự quản lý hành chính…thì nên hạn chế hình phạt tù có thời hạn mà tăng cường phạt tiền là hình phạt chính để bắt buộc họ phải cố gắng kiếm tiền, chấp hành theo QĐHP đã tuyên.
Giảm hình phạt đối với các tội được thực hiện do lỗi vô ý. Đối với loại tội này, dù hậu quả có là rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng thì mức hình phạt tối đa cũng không nên quá mười hai năm tù. Điều này phù hợp với nguyên tắc phân hóa TNHS, quan điểm về tính hướng thiện của hình phạt, phù hợp với thực tiễn QĐHP tù ở nước ta hiện nay.
Thứ tư, hoàn thiện các quy định liên quan đến QĐHP.
Đây là nội dung quan trọng trong hoạt động xét xử. Khi QĐHP phù hợp mới có khả năng cải tạo và giáo dục người bị kết án trở thành người có ích cho xã hội, tạo được tác dụng răn đe, phòng ngừa chung. Ngược lại nếu QĐHP không đúng thì sẽ không đạt được mục đích của hình phạt đó. Từ thực tiễn công tác xét xử đặt ra yêu cầu khắc phục sự chênh lệch trong việc QĐHP tù có thời hạn và những loại hình phạt khác nhẹ hơn hình phạt tù, nhất là đối với những người phạm tội ít nguy hiểm, những người đồng phạm.
Các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần hoàn thiện pháp luật hình sự, TTHS; ban hành, sửa đổi, bổ sung, giải thích và hướng dẫn áp dụng pháp luật kịp thời để tạo ra hệ thống pháp luật đồng bộ, mang tính khả thi cao, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện. Đây là yêu cầu quan trọng làm cơ sở cho việc bảo đảm áp dụng pháp luật đúng đắn.
2. Ban hành các văn bản hướng dẫn áp dụng pháp luật về quyết định hình phạt tù có thời hạn:
Hầu hết các tình tiết tăng nặng và giảm nhẹ TNHS đều chỉ được nêu một cách khái quát mà không được mô tả cụ thể trong bộ luật, đồng thời việc hướng dẫn áp dụng những tình tiết này còn nhiều bất cập dẫn tới tình trạng “hiểu sao cũng được”, tạo khoảng trống tùy nghi xử lý trong QĐHP. Các tình tiết giảm nhẹ được bổ sung trong BLHS 2015 đã có hiệu lực ngay đó là tình tiết có lợi cho người phạm tội nhưng lại chưa được hướng dẫn áp dụng. Do vậy TAND tối cao cần có hướng dẫn chi tiết việc thi hành những điều này.
Bên cạnh đó, BLHS 2015 còn nhiều quy định mang tính định tính cần có hướng dẫn áp dụng rõ ràng, tránh việc áp dụng tùy tiện, không thống nhất. Ví dụ: Tại khoản 1 Điều 173 BLHS 2015 quy định về tội trộm cắp tài sản, cần hướng dẫn rõ về tình tiết định tội tại điểm c“Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội” và tình tiết định tội tại điểm d “Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; tài sản là kỷ vật, di vật, đồ thờ cúng có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại”.
Cần tăng cường ban hành án lệ và xây dựng án lệ để tạo lập căn cứ pháp lý cho việc giải quyết những vụ án tương tự trong tương lai.
Hiện nay, việc hướng dẫn của Tòa án cấp trên không bị bó hẹp bởi Nghị quyết hay Thông tư hướng dẫn mà đã mở rộng bằng nhiều cách mới như: Thông qua phiên tòa rút kinh nghiệm, hội nghị trực tuyến, các văn bản hướng dẫn, giải đáp vướng mắc và đặc biệt là án lệ. Án lệ được đánh giá như là một nguồn của luật hình sự, bởi vì nó bổ sung được những khiếm khuyết của văn bản quy phạm pháp luật. Việc ban hành án lệ về mặt hình thức cũng gần giống việc trước đây TAND tối cao xuất bản các bản án mẫu điển hình, nhưng vì là một nguồn luật chính thức buộc Tòa án phải cân nhắc khi QĐHP. Trong số các án lệ về hình sự được Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao thông qua hiện nay đã có một số án lệ hướng dẫn liên quan tới việc định tội danh. Yêu cầu đặt ra trong thời gian tới, việc ban hành án lệ hình sự cần được tăng cường để tạo lập căn cứ pháp lý cho việc giải quyết những vụ án tương tự trong tương lai.
Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ cải cách tư pháp, Đảng ta đã đưa ra quan điểm phải phát triển án lệ được xác định tại Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24-5-2005 của Bộ Chính trị “về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020” và giao cho TAND tối cao nhiệm vụ Phát triển án lệ được nêu rõ tại
Thứ nhất, cần xây dựng và hoàn thiện cơ sở pháp lý cho việc ban hành án lệ; cụ thể là cần bổ sung quy định của pháp luật tố tụng về giá trị pháp lý và nguyên tắc áp dụng, viện dẫn án lệ trong xét xử án hình sự; xây dựng Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao về quy trình ban hành và áp dụng án lệ, trong đó xác định cụ thể các tiêu chí đối với những bản án, quyết định có thể được lựa chọn, công nhận là án lệ; quy trình phát hiện, tuyển chọn án lệ; việc công bố các bản án có hiệu lực pháp luật dự kiến sẽ hình thành án lệ trong tương lai trên các diễn đàn khoa học và phương tiện truyền thông để các đại biểu các cơ quan dân cử, các chuyên gia, các nhà khoa học, các nhà hoạt động thực tiễn (như: Thẩm phán, Kiểm sát viên, Điều tra viên, Luật sư v.v…) và nhân dân tham gia ý kiến; đồng thời, phải tiến hành việc thẩm định, thông qua và công bố án lệ; nguyên tắc áp dụng án lệ trong xét xử; việc thay thế, hủy bỏ án lệ.
Thứ hai, cần chuẩn bị tổ chức bộ máy và cán bộ chuyên trách làm công tác tham mưu, giúp việc cho Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao trong công tác này theo hướng xác định rõ trách nhiệm và quan hệ phối hợp giữa các đơn vị chức năng trong việc giúp Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao thực hiện quy trình lựa chọn, ban hành và công bố án lệ trong từng lĩnh vực xét xử về án lệ hình sự; chuẩn bị đầy đủ các điều kiện, phương tiện để tuyển chọn và phát hành án lệ (trong đó cần phải tăng cường năng lực cho Cổng thông tin điện tử của TAND tối cao, Tòa án quân sự trung ương; mở các trang thông tin điện tử của các TAND cấp cao, TAND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, TAND quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh).
Thứ ba, tổ chức tập huấn, đào tạo kỹ năng viết bản án; kỹ năng biên tập án lệ; kỹ năng nghiên cứu, phân tích, áp dụng án lệ cho Thẩm phán, Hội thẩm và các chức danh tư pháp khác trong và ngoài TAND.
Như vậy, có thể nói việc thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển và áp dụng án lệ theo chủ trương, định hướng của Đảng và các quy định của pháp luật sẽ bảo đảm được việc áp dụng thống nhất pháp luật, nâng cao chất lượng xét xử án hình sự, hạn chế tình trạng oan, sai; góp phần tích cực trong việc bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân như
Thường xuyên thực hiện công tác giải thích và hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật: Đây là vấn đề rất quan trọng, cần thiết và cũng là công việc khó khăn, phức tạp, đòi hỏi nâng cao năng lực và trí tuệ ngang tầm với thực tiễn của đời sống kinh tế, xã hội luôn biến động và phong phú. TAND tối cao hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật thông qua khảo sát, nghiên cứu tổng kết thực tiễn, đổi mới tư duy nâng cao chất lượng của các văn bản giải thích, hướng dẫn góp phần bảo đảm sự thống nhất của pháp luật.