Khái niệm về hình phạt tù có thời hạn. Khái niệm quyết định hình phạt tù có thời hạn theo BLHS năm 2015.
Mục lục bài viết
1. Khái niệm về hình phạt tù có thời hạn:
Để có thể hiểu khái niệm về hình phạt tù có thời hạn, trước hết chúng ta cần nghiên cứu về khái niệm của hình phạt. Theo đó, khái niệm về hình phạt gắn liền với sự xuất hiện của Nhà nước và pháp luật. Ở Việt Nam, các nhà nghiên cứu pháp luật hình sự luôn đi theo tư tưởng tiến bộ, nhân đạo về hình phạt, nên đã đưa ra những quan niệm về hình phạt mà về cơ bản là thống nhất.
GS.TSKH Lê Văn Cảm (trong sách chuyên khảo Sau đại học) đưa ra khái niệm:
Hình phạt là biện pháp cưỡng chế nghiêm khắc nhất của Nhà nước được quyết định trong bản án kết tội có hiệu lực pháp luật của
GS.TS Võ Khánh Vinh cho rằng:
Hình phạt là biện pháp cưỡng chế do Tòa án quyết định trong bản án đối với người có lỗi trong việc thực hiện tội phạm và được thể hiện ở việc tước đoạt hoặc hạn chế các quyền và lợi ích do pháp luật quy định đối với người bị kết án.
Còn PGS.TS Trịnh Tiến Việt thì khẳng định:
Hình phạt là biện pháp cưỡng chế nghiêm khắc nhất của Nhà nước, do Tòa án quyết định trong Bản án có hiệu lực pháp luật đối với người hoặc pháp nhân thương mại bị kết án với nội dung tước bỏ hay hạn chế quyền, lợi ích của người, pháp nhân thương mại đó, qua đó nhằm giáo dục, cải tạo và phòng ngừa tội phạm.
Trong lịch sử lập pháp hình sự từ trước tới nay ở nước ta, khái niệm hình phạt lần đầu tiên được quy định tại Điều 26 BLHS năm 1999 như sau: “Hình phạt là biện pháp cưỡng chế nghiêm khắc nhất của Nhà nước nhằm tước bỏ hoặc hạn chế quyền, lợi ích của người phạm tội. Hình phạt được quy định trong Bộ luật hình sự và do Tòa án quyết định”. Theo cuốn từ điển Luật học của Viện khoa học pháp lý – Bộ Tư pháp thì Hình phạt là biện pháp cưỡng chế do Nhà nước quy định trong Luật hình sự, được Tòa án áp dụng cho chính người đã thực hiện tội phạm. Hình phạt không chỉ nhằm trừng trị người phạm tội nhằm cải tạo họ trở thành người có ích cho xã hội, có ý thức tuân theo pháp luật và các quy tắc của cuộc sống XHCN, ngăn ngừa họ phạm tội mới. Hình phạt còn nhằm giáo dục người khác tôn trọng pháp luật, đấu tranh chống và phòng ngừa tội phạm.
Dưới góc độ pháp luật, Tại Điều 30 BLHS năm 2015 (Sửa đổi bổ sung năm 2017) cũng đưa ra khái niệm về hình phạt, tạo căn cứ pháp lý cho việc triển khai các quy định khác về hình phạt cũng như áp dụng hình phạt trong thực tiễn. Theo đó:
Hình phạt là biện pháp cưỡng chế nghiêm khắc nhất của Nhà nước được quy định trong Bộ luật này, do Tòa án quyết định áp dụng đối với người hoặc pháp nhân thương mại phạm tội nhằm tước bỏ hoặc hạn chế quyền, lợi ích của người, pháp nhân thương mại đó.
Từ các khái niệm trên, chúng ta có thể thấy hình phạt là công cụ Nhà nước bảo đảm cho Luật hình sự thực hiện được nhiệm vụ bảo vệ các quan hệ xã hội quan trọng nhất thuộc các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội, chống các hành vi phạm tội, giáo dục mọi người có ý thức tôn trọng pháp luật, đấu tranh phòng, chống tội phạm.
Theo Điều 32 BLHS hiện hành, hình phạt bao gồm: Hình phạt chính và hình phạt bổ sung. Nếu như các hình phạt bổ sung chỉ đóng vai trò hỗ trợ nhằm đảm bảo, tăng cường hiệu quả của việc áp dụng hình phạt thì hình phạt chính đóng vai trò chủ đạo, thể hiện rõ nét nhất các đặc điểm của hình phạt. Theo đó, “Hình phạt chính bao gồm: a) Cảnh cáo; b) Phạt tiền; c) Cải tạo không giam giữ; d) Trục xuất; đ) Tù có thời hạn; e) Tù chung thân; g) Tử hình”.
Qua lịch sử của hình phạt cho thấy, hình phạt tù là một trong những loại hình phạt phổ biến, truyền thống nhất, có lịch sử lâu đời, hiện có mặt trong pháp luật của tất cả các quốc gia trên thế giới. Hình phạt tù tước bỏ quyền tự do, cách ly người phạm tội khỏi đời sống xã hội, buộc họ phải chấp hành hình phạt trong các cơ sở giam giữ tập trung do Nhà nước quản lý.
Hình phạt tù có thời hạn là một trong số bảy hình phạt chính, được sắp xếp theo thứ tự từ nhẹ đến nặng, có mức độ nghiêm khắc phù hợp với mức độ nghiêm trọng, nguy hiểm khác nhau của các loại tội phạm.
Trong hệ thống hình phạt, so với các hình phạt cảnh cáo, phạt tiền và cải tạo không giam giữ thì tù có thời hạn là hình phạt chính nghiêm khắc hơn. Bởi lẽ, hình phạt này buộc người bị kết án phải cách ly khỏi môi trường sống xã hội. Hình phạt tù có thời hạn có ảnh hưởng, tác động trực tiếp đến quyền và lợi ích và tước tự do của người bị kết án trong một thời gian nhất định. Cụ thể, người bị kết án phải bị giam giữ trong trại giam, trại cải tạo, nơi có chế độ giam giữ và cải tạo có kỷ luật chặt chẽ và nghiêm khắc. Theo quy định tại Điều 38 BLHS hiện hành “Tù có thời hạn là buộc người bị kết án phải chấp hành hình phạt tại cơ sở giam giữ trong một thời hạn nhất định. Tù có thời hạn đối với người phạm một tội có mức tối thiểu là 03 tháng và mức tối đa là 20 năm. Thời gian tạm giữ, tạm giam được trừ vào thời hạn chấp hành hình phạt tù, cứ 01 ngày tạm giữ, tạm giam bằng một ngày tù. Không áp dụng hình phạt tù có thời hạn đối với người lần đầu phạm tội ít nghiêm trọng do vô ý và nơi cư trú rõ ràng”. Còn trường hợp người phạm tội phạm nhiều tội thì theo quy định tại Điều 55 BLHS năm 2015, mức tối đa của hình phạt này khi tổng hợp hình phạt là không được vượt quá 30 năm.
Như vậy, qua các khái niệm trên, hình phạt tù có thời hạn là việc cách ly người phạm tội ra khỏi đời sống cộng đồng trong một thời hạn nhất định và tước bỏ quyền tự do của họ nhằm mục đích trừng trị người phạm tội, giáo dục, cải tạo người phạm tội tuân theo pháp luật, tôn trọng pháp luật để họ trở thành người có ích cho xã hội, không phạm tội mới.
2. Khái niệm quyết định hình phạt tù có thời hạn:
Vấn đề cần làm rõ thứ hai là khái niệm QĐHP tù có thời hạn. Trước hết, chúng ta cần tìm hiểu khái niệm về QĐHP.
Theo PGS.TS Trịnh Quốc Toản, “QĐHP là hoạt động nhận thức và áp dụng pháp luật hình sự, do Tòa án (HĐXX), nhân danh Nhà nước lựa chọn áp dụng biện pháp TNHS cụ thể đối với người phạm tội hoặc pháp nhân thương mại phạm tội trên cơ sở các căn cứ do Luật hình sự quy định nhằm đạt được các mục đích của TNHS” [32, tr.53]. Theo GS.TS Nguyễn Ngọc Hòa, khái niệm QĐHP cần được hiểu theo hai nghĩa: Nghĩa hẹp và nghĩa rộng. QĐHP theo nghĩa hẹp là QĐHP chính và QĐHP bổ sung. QĐHP cũng có thể hiểu theo nghĩa rộng bao gồm các hoạt động: Xác định người phạm tội có được miễn TNHS hay miễn hình phạt hay không, xác định khung hình phạt, xác định loại và mức hình phạt cụ thể trong phạm vi khung hình phạt hoặc dưới khung đó.
Hiện nay, chưa có một văn bản quy phạm pháp luật nào xác định khái niệm về QĐHP và QĐHP tù có thời hạn. Trong khoa học luật hình sự đã có khá nhiều tác giả đưa ra khái niệm QĐHP nhưng nhìn chung lại các tác giả đồng nhất với khái niệm: “Quyết định hình phạt là việc
Căn cứ vào bản chất của QĐHP là sự lựa chọn loại hình phạt và xác định mức hình phạt cụ thể trong phạm vi luật định để áp dụng đối với người phạm tội cụ thể. Hay có thể hiểu đây là hoạt động nhận thức, thực tiễn của Tòa án do HĐXX thực hiện căn cứ vào các quy định pháp luật hình sự, trên cơ sở kết quả của hoạt động định tội danh để xác định biện pháp xử lý tương ứng với tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội, các tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng TNHS của người phạm tội.
Từ bản chất pháp lý trên, có thể định nghĩa: QĐHP tù có thời hạn là hoạt động áp dụng pháp luật hình sự thể hiện ở việc Toà án có thẩm quyền lựa chọn khung và mức phạt tù cụ thể được quy định trong điều luật theo một thủ tục nhất định để áp dụng đối với người phạm tội thể hiện trong bản án buộc tội. HĐXX nhân danh Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam thực hiện sau khi đã định tội danh đối với người phạm tội, tùy thuộc vào từng trường hợp để quyết định khung hình phạt, mức hình phạt tù giam cụ thể áp dụng cho người phạm tội trong phạm vi giới hạn của khung hình phạt do luật định, phù hợp với tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội theo quy định của BLHS.
Có thể nói, QĐHP tù có thời hạn là QĐHP cơ bản, quan trọng trong hệ thống hình phạt và được áp dụng phổ biến nhất trong thực tiễn xét xử nước ta. Việc nghiên cứu đổi mới QĐHP có thời hạn có vai trò rất quan trọng trong đổi mới pháp luật hình sự nói riêng, cải cách tư pháp nói chung ở nước ta. Quan điểm của Đảng và Nhà nước ta về cải cách tư pháp cũng là quan điểm hoàn thiện pháp luật hình sự, trong đó có hình phạt tù. Hoàn thiện các quy định về QĐHP tù theo hướng “giảm hình phạt tù, mở rộng áp dụng hình phạt tiền, hình phạt cải tạo không giam giữ đối với một số loại tội phạm” là định hướng cơ bản theo Nghị quyết số 49/NQ-TW ngày 02/6/2005 về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020.