Thuế là một công cụ quan trọng để kiểm soát lạm phát, cân bằng ngân sách. Vì vậy mọi hành vi vi phạm pháp luật về thuế đều có thể bị xử phạt vi phạm hành chính. Dưới đây là các tình tiết giảm nhẹ, tình tiết tăng nặng trong vi phạm hành chính về thuế.
Mục lục bài viết
1. Tình tiết giảm nhẹ trong vi phạm hành chính về thuế
Trước hết, căn cứ theo quy định tại Điều 6 của Nghị định 125/2020/NĐ-CP của Chính phủ về việc quy định xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn, có quy định cụ thể về các tình tiết giảm nhẹ, tình tiết tăng nặng trong lĩnh vực thuế và hóa đơn. Theo đó, tình tiết tăng nặng và tình tiết giảm nhẹ sẽ được thực hiện theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính.
Đối chiếu với Điều 9 của Văn bản hợp nhất Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2022 có quy định về các tình tiết giảm nhẹ. Theo đó, các tình tiết giảm nhẹ có thể kể đến như sau:
– Người thực hiện hành vi vi phạm hành chính đã thực hiện mọi biện pháp cần thiết, mọi hành vi cần thiết trong khả năng của mình để ngăn chặn, làm giảm bớt hậu quả của hành vi vi phạm, hoặc người thực hiện hành vi vi phạm tự nguyện khắc phục hậu quả, tự nguyện bồi thường thiệt hại nếu có thiệt hại xảy ra trên thực tế;
– Người thực hiện hành vi vi phạm hành chính đã tự nguyện khai báo, thành thật ăn năn hối lỗi tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền, có hành vi tích cực giúp đỡ các cơ quan có thẩm quyền, giúp đỡ các cơ quan chức năng phát hiện ra hành vi vi phạm hành chính, xử lý vi phạm hành chính;
– Hành vi vi phạm hành chính của người thực hiện hành vi vi phạm xảy ra trong tình trạng người đó bị kích động mạnh về tinh thần, hiện tượng bị kích động về tinh thần của người thực hiện hành vi vi phạm do hành vi trái pháp luật của người khác gây ra, thực hiện hành vi vi phạm hành chính vượt quá giới hạn của phòng vệ chính đáng, vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết;
– Hành vi vi phạm hành chính của người vi phạm được thực hiện do ép buộc hoặc người đó bị lệ thuộc bởi người khác, có thể bị lệ thuộc về vật chất hoặc lệ thuộc về tinh thần;
– Người thực hiện hành vi vi phạm hành chính được xác định là phụ nữ có thai, những người già yếu, những người có bệnh hoặc những người khuyết tật theo quy định của pháp luật về khuyết tật, từ đó làm hạn chế khả năng nhận thức và khả năng điều khiển hành vi trong quá trình thực hiện hành vi vi phạm pháp luật;
– Vi phạm hành chính xuất phát từ hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đó không phải do lỗi của người vi phạm gây ra;
– Vi phạm hành chính xuất phát từ trình độ lạc hậu, và các tình tiết giảm nhẹ khác do Chính phủ quy định cụ thể.
2. Tình tiết tăng nặng trong vi phạm hành chính về thuế:
Căn cứ theo quy định tại Điều 10 của Văn bản hợp nhất Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2022 có quy định cụ thể về các tình tiết tăng nặng. Theo đó, có thể kể đến một số tình tiết tăng nặng trong lĩnh vực vi phạm hành chính về thuế như sau:
– Hành vi vi phạm hành chính được thực hiện có tổ chức;
– Hành vi vi phạm hành chính được thực hiện nhiều lần, có yếu tố tái phạm;
– Có hành vi xúi giục, lôi kéo, sử dụng người chưa thành niên dưới bất kỳ hình thức nào để người chưa thành niên thực hiện hành vi vi phạm, có hành vi ép buộc người bị lệ thuộc vào mình, có thể là lệ thuộc về vật chất hoặc lệ thuộc về tinh thần thực hiện hành vi vi phạm hành chính;
– Sử dụng người biết rõ đó là người đang bị tâm thần, đó là người đang bị bệnh dẫn đến khả năng hạn chế nhận thức hoặc khả hạn chế khả năng điều khiển hành vi, để người đó thực hiện hành vi vi phạm hành chính;
– Có hành vi lăng mạ, phỉ bán người đang thi hành công vụ dưới nhiều hình thức khác nhau, thực hiện hành vi vi phạm hành chính có tính chất côn đồ, có động cơ đê hèn;
– Lợi dụng chức vụ, lợi dụng quyền hạn trong quá trình thực hiện hành vi vi phạm hành chính;
– Lợi dụng hoàn cảnh đặc biệt, lợi dụng tình trạng chiến tranh, lợi dụng hoàn cảnh thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh hoặc những hoàn cảnh khó khăn đặc biệt khác của xã hội để thực hiện hành vi vi phạm hành chính;
– Vi phạm hành chính khi đang trong thời gian chấp hành hình phạt của một bản án hình sự hoặc đang trong quá trình chấp hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý vi phạm hành chính được ban hành bởi cơ quan có thẩm quyền;
– Tiếp tục thực hiện hành vi vi phạm hành chính, mặc dù cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã yêu cầu người đó chấm dứt hành vi vi phạm;
– Sau khi vi phạm, người thực hiện hành vi vi phạm hành chính đã có hành vi trốn tránh, che giấu hành vi vi phạm hành chính;
– Vi phạm hành chính có quy mô lớn, có số lượng lớn, giá trị hàng hóa lớn;
– Thực hiện hành vi vi phạm hành chính đối với nhiều người, trong đó có trẻ em, người già, người khuyết tật hoặc phụ nữ mang thai.
3. Nguyên tắc xử phạt vi phạm hành chính về thuế và hóa đơn:
Căn cứ theo quy định tại Điều 5 của Nghị định 125/2020/NĐ-CP, có quy định cụ thể về nguyên tắc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế và hóa đơn. Cụ thể như sau:
– Việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế và hóa đơn sẽ được thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý thuế, pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính;
– Các tổ chức và cá nhân sẽ chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính liên quan đến thuế và hóa đơn khi các tổ chức và cá nhân đó có hành vi vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn căn cứ theo quy định tại Nghị định 125/2020/NĐ-CP;
– Các tổ chức và cá nhân thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính, thì sẽ bị xử phạt về từng hành vi vi phạm hành chính cụ thể. Ngoại trừ các trường hợp sau đây:
+ Trường hợp cùng một thời điểm, người nộp thuế đã có hành vi khai sai một hoặc nhiều chỉ tiêu trong các hồ sơ khai thuế, của cùng một sắc thuế, thì hành vi khai sai sẽ thuộc trường hợp xử phạt vi phạm hành chính liên quan đến thủ tục thuế, chủ thể đó sẽ chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính về một hành vi đó là khai sai chỉ tiêu trên hồ sơ thuế, và áp dụng tình tiết tăng nặng đó là vi phạm nhiều lần;
+ Trường hợp vào cùng một thời điểm, người nộp thuế có hành vi chậm nộp nhiều hồ sơ khai thuế của nhiều kỳ tính thuế khác nhau tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhưng cùng một sắc thuế, thì chủ thể đó cũng sẽ chỉ bị xử phạt về một hành vi đó là chậm nộp hồ sơ khai thuế, đồng thời áp dụng tình tiết vi phạm nhiều lần. Trong trường hợp, trong số hồ sơ khai thuế chậm nộp, có hồ sơ khai thuế chậm nộp thuộc trường hợp trốn thuế, thì sẽ tách riêng hành vi đó để xử phạt về hành vi trốn thuế;
+ Trong trường hợp tại cùng một thời điểm, người nộp thuế có hành vi chậm nộp nhiều thông báo/báo cáo cùng loại về hóa đơn, thì người nộp thuế đó sẽ bị xử phạt về cùng một hành vi đó là chậm nộp thông báo/báo cáo về hóa đơn, đồng thời áp dụng tình tiết tăng nặng vi phạm nhiều lần.
– Trường hợp trong cùng một thủ tục hành chính, có nhiều thành phần hồ sơ được quy định nhiều hơn một hành vi vi phạm hành chính, thì các tổ chức và cá nhân khi vi phạm cũng sẽ chỉ bị xử phạt đối với từng hành vi vi phạm nhất định;
– Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế và hóa đơn, mức tiền phạt áp dụng đối với tổ chức sẽ được xác định bằng 02 lần mức tiền phạt áp dụng đối với cá nhân.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Văn bản hợp nhất 20/VBHN-VPQH 2022 Luật xử lý vi phạm hành chính;
– Nghị định 125/2020/NĐ-CP của Chính phủ về việc quy định xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn;
– Nghị định 102/2021/NĐ-CP của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế, hóa đơn; hải quan; kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh xổ số; quản lý, sử dụng tài sản công; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; dự trữ quốc gia; kho bạc Nhà nước; kế toán, kiểm toán độc lập.