Án treo là một chế định thể hiện tính nhân đạo của pháp luật hình sự Việt Nam. Nếu như bị cáo bị định khung vào khoản 2, khoản 3 thì có được xử án treo hay không?
Mục lục bài viết
1. Bị định khung khoản 2, khoản 3 được xử án treo không?
Căn cứ theo quy định tại Điều 2 của Nghị quyết 02/2018/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về việc hướng dẫn áp dụng Điều 65 của Bộ luật Hình sự về án treo (sửa đổi tại Nghị quyết 01/2022/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết 02/2018/NQ-HĐTP ngày 15/5/2018 hướng dẫn áp dụng Điều 65 của Bộ luật Hình sự về án treo), có quy định cụ thể về điều kiện để người bị kết án phạt tù có thể được hưởng án treo. Theo đó, người bị xử phạt tù có thể sẽ được xem xét cho hưởng án treo khi người đó đáp ứng được đầy đủ các điều kiện sau đây:
– Đã bị xử phạt tù không vượt quá khoảng thời gian 03 năm tù;
– Người bị xử phạt tù có nhân thân phù hợp với quy định của pháp luật, tức là ngoài lần phạm tội này thì người phạm tội đã chấp hành đầy đủ chính sách pháp luật, thực hiện và tuân thủ đầy đủ các nghĩa vụ của công dân tại nơi cư trú và nơi làm việc;
– Có từ hai tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho nên căn cứ theo quy định tại Điều 51 của Bộ luật hình sự năm 2015, trong đó có ít nhất 01 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự được quy định cụ thể tại khoản 1 Điều 51 của Bộ luật hình sự năm 2015, đồng thời không có các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự căn cứ theo quy định tại Điều 52 của Bộ luật hình sự năm 2015;
– Người phạm tội có nơi cư trú rõ ràng, có địa điểm cụ thể, nơi làm việc ổn định để cơ quan có thẩm quyền, tổ chức có thẩm quyền dễ dàng giám sát và giáo dục;
– Cơ quan nhà nước có thẩm quyền xét thấy không cần phải áp dụng biện pháp bắt chấp hành hình phạt tù, người phạm tội hoàn toàn có khả năng tự cải tạo, việc cho họ hưởng án treo không gây nguy hiểm cho xã hội và không gây nguy hiểm cho cộng đồng, việc cho các đối tượng đó vừa dán treo cũng không ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự và an toàn xã hội.
Như vậy có thể nói, người bị xử phạt tù hoàn toàn có thể được xem xét cho hưởng án treo khi đáp ứng được đầy đủ các điều kiện nêu trên.
Trong trường hợp, nếu bị định khung tại khoản 2, khoản 3, thì đó mới chỉ là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền là tòa án xác định khung hình phạt, tòa án chưa ra quyết định về hình phạt cụ thể. Có những trường hợp, bị cáo bị định khung vào khoản 2 hoặc khoản 3, tuy nhiên thuộc một trong những trường hợp sau:
– Khung hình phạt đó có mức hình phạt dưới 03 năm, và đã được tòa án quyết định hình phạt dưới 03 năm;
– Đó là khung hình phạt từ trên 03 năm tù, tuy nhiên bị cáo đáp ứng đầy đủ điều kiện để được tòa án áp dụng quy định về quyết định hình phạt dưới khung căn cứ theo quy định tại Điều 54 của Bộ luật hình sự năm 2015, với hình phạt cuối cùng tòa án tuyên là không vượt quá 03 năm tù;
– Tòa án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp hơn không hình phạt được áp dụng, tuy nhiên vẫn trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật khi người phạm tội đó có ít nhất 02 tình tiết giảm nhẹ căn cứ theo quy định tại Điều 51 Bộ luật hình sự năm 2015.
Như vậy có thể nói, việc bị định khung chưa phải là quyết định hình phạt cuối cùng, đó chỉ là việc xác định khung hình phạt sẽ được áp dụng đối với bị cáo. Vì vậy, trong trường hợp bị cáo bị định khung vào khoản 2 hoặc khoản 3, tuy nhiên có nhiều tình tiết giảm nhẹ, dẫn đến việc tòa án tuyên hình phạt cuối cùng là không vượt quá 03 năm tù, đồng thời đáp ứng được đầy đủ các điều kiện khác của án treo, thì vẫn có thể sẽ được xem xét để hưởng án treo. Như vậy có thể nói, để có thể xem xét được hưởng án treo hay không, không căn cứ vào khung hình phạt, mà sẽ cần phải căn cứ vào mức hình phạt cuối cùng mà tòa án tuyên.
2. Bị cáo được hưởng án treo sẽ được trả tự do ngay tại phiên tòa đúng không?
Căn cứ theo quy định tại Điều 328 của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 có quy định về việc trả tự do cho bị cáo. Theo đó, nếu thuộc một trong những trường hợp sau đây, hội đồng xét xử sẽ cần phải tuyên bố trả tự do cho bị cáo ngay tại phiên tòa nếu bị cáo đó đang bị tạm giam, cụ thể như sau:
– Thông qua quá trình điều tra, nhận thấy bị cáo không có tội;
– Bị cáo thuộc trường hợp được miễn trách nhiệm hình sự hoặc được miễn hình phạt;
– Bị cáo bị xử phạt bằng một hình phạt khác, không phải là hình phạt tù;
– Bị cáo bị xử phạt tù, tuy nhiên bị cáo đó được hưởng án treo;
– Thời hạn bị phạt tù bằng/hoặc ngắn hơn thời gian bị cáo đã bị tạm giam tại các cơ sở giam giữ.
Như vậy có thể nói, nếu bị cáo không bị tạm giam về một tội phạm khác, khi bị cáo được tiên hưởng án treo, hội đồng xét xử cần phải tuyên bố trả tự do cho bị cáo ngay tại phiên tòa.
3. Khi nào người được hưởng án treo đương nhiên được xóa án tích?
Căn cứ theo quy định tại Điều 70 của Bộ luật hình sự năm 2015 có quy định về vấn đề đương nhiên được xóa án tích. Cụ thể như sau:
– Đương nhiên được xóa án tích sẽ được áp dụng đối với những đối tượng bị kết án không phải về các tội quy định tại Chương XIII hoặc chương XXVI của Bộ luật hình sự năm 2015, khi các đối tượng đó đã chấp hành xong hình phạt chính, chấp hành xong thời gian thử thách án treo hoặc hết thời hiệu thi hành bản án, đáp ứng được đầy đủ các điều kiện dưới đây.
– Người bị kết án sẽ đương nhiên được xóa án tích, nếu những người đó đã chấp hành xong tất cả các hình phạt bổ sung cùng với các quyết định khác của bản án, không thực hiện các hành vi phạm tội mới trong thời hạn như sau:
+ 01 năm đối với trường hợp bị cáo bị phạt cảnh cáo, bị phạt tiền, bị phạt cải tạo không giam giữ, phạt tù tuy nhiên được hưởng án treo;
+ 2 năm đối với trường hợp bị cáo bị phạt tù lên đến 5 năm;
+ 3 năm đối với trường hợp bị cáo bị phạt tù trong khoảng thời gian từ 5 năm đến 15 năm;
+ 5 năm đối với trường hợp bị cáo bị phạt tù trên 15 năm, tù chung thân hoặc tử hình tuy nhiên được giảm án.
– Người bị kết án sẽ thuộc trường hợp đương nhiên được xóa án tích, nếu từ khi hết thời hiệu thi hành bản án trên thực tế, người đó không thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời gian nêu trên. Cơ quan quản lý dữ liệu về lý lịch tư pháp sẽ phải có nghĩa vụ cập nhật thông tin về tình hình án tích của người bị kết án, khi có yêu cầu thì cần phải cấp phiếu lý lịch tư pháp xác nhận không có án tích cho người yêu cầu.
Như vậy có thể nói, người được hưởng án treo sẽ đương nhiên được xóa án tích nếu sau khi hết thời gian thử thách án treo, hoặc sau 01 năm sau khi hết thời gian thử thách án treo, người đó đã chấp hành xong hình phạt bổ sung, các quyết định khác của bản án, đồng thời không thực hiện hành vi phạm tội mới.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi năm 2017);
– Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015;
– Nghị quyết 02/2018/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về việc hướng dẫn áp dụng Điều 65 của Bộ luật Hình sự về án treo;
– Nghị quyết 01/2022/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết 02/2018/NQ-HĐTP ngày 15/5/2018 hướng dẫn áp dụng Điều 65 của Bộ luật Hình sự về án treo.