Cảnh sát giao thông là lực lượng thực hiện hoạt động tuần tra, kiểm soát an toàn giao thông đường bộ, xử lý hành vi vi phạm khi phát hiện ra người, phương tiện giao thông vi phạm. Vậy cảnh sát giao thông có được vào đường làng để bắt xe vi phạm hay không?
Mục lục bài viết
1. CSGT có được vào đường làng bắt xe vi phạm không?
Căn cứ theo quy định tại Điều 6 của Thông tư 32/2023/TT-BCA của Bộ Công an quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung và quy trình tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ của Cảnh sát giao thông, có quy định cụ thể về các tuyến đường, địa bàn tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm giao thông của công an cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Cụ thể như sau:
– Phòng cảnh sát giao thông thuộc Công an cấp tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương sẽ có thẩm quyền bố trí lực lượng, tổ chức hoạt động tuần tra, xử lý vi phạm đối với các hành vi vi phạm trên các tuyến đường giao thông đường bộ trong phạm vi địa giới hành chính của địa phương. Cụ thể bao gồm các tuyến đường như sau:
+ Các tuyến đường cao tốc chỉ nằm trong một đơn vị địa giới hành chính của một tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương;
+ Các tuyến đường quốc lộ quan trọng, trọng điểm, các tuyến đường quốc lộ có tình hình an ninh trật tự an toàn giao thông phức tạp (bao gồm cả các đoạn đường tránh quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương, thị trấn thuộc huyện), các tuyến đường giao thông đường bộ có vị trí quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng, đảm bảo an ninh kinh tế của địa phương đó;
+ Các tuyến đường đô thị thuộc các thành phố trực thuộc Trung ương. Trong đó bao gồm: Các tuyến đường chính, các tuyến đường có tình hình an ninh trật tự an toàn giao thông phức tạp;
+ Trong các trường hợp cần thiết, công an cấp tỉnh có thể thực hiện hoạt động tổ chức lực lượng trực tiếp thực hiện hoặc phối hợp với công an cấp huyện, phối hợp với các lực lượng chức năng khác có liên quan để thực hiện hoạt động tuần tra, xử lý các vi phạm, kiểm soát trên các tuyến đường giao thông đường bộ theo kế hoạch của chủ thể có thẩm quyền đó là Giám đốc công an cấp tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương ban hành.
– Công an cấp huyện là cơ quan có thẩm quyền bố trí lực lượng, tổ chức các hoạt động tuần tra, xử lý đối với các hành vi vi phạm trên các tuyến đường giao thông đường bộ trong phạm vi địa giới hành chính cấp huyện. Bao gồm các tuyến đường sau:
+ Các tuyến đường quốc lộ, các đoạn đường quốc lộ không thuộc trường hợp được quy định tại điểm b khoản 1 Điều 6 của Thông tư 32/2023/TT-BCA của Bộ Công;
+ Các đoạn đường quốc lộ nằm trên các tuyến đường quốc lộ được quy định tại điểm b khoản 1 Điều 6 của Thông tư 32/2023/TT-BCA của Bộ Công, các đoạn đường này đi qua các thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương, các thị trấn thuộc huyện theo kế hoạch của cơ quan có thẩm quyền đó là giám đốc Công an cấp tỉnh ban hành;
+ Các tuyến đường cấp tỉnh, các tuyến đường cấp huyện, các đoạn đường xã, các đoạn đường khác thuộc địa bàn quản lý của công an cấp huyện, các đoạn đường chuyên dùng, các đoạn đường đô thị không thuộc các trường hợp được quy định tại điểm c khoản 1 Điều 6 của Thông tư 32/2023/TT-BCA của Bộ Công;
+ Phối hợp với các cơ quan chức năng, phòng cảnh sát giao thông đã tiến hành hoạt động tuần tra, kiểm soát, xử lý đối với các hành vi vi phạm trên các tuyến đường giao thông đường bộ trong phạm vi địa giới hành chính của mình quản lý, theo kế hoạch của giám đốc Công an cấp tỉnh.
Như vậy có thể nói, theo điều luật phân tích nêu trên, các tuyến đường làng/xã thuộc các tuyến đường và địa bàn kiểm soát của công an cấp huyện/quận/thị xã. Do đó có thể nói, cảnh sát giao thông hoàn toàn có quyền được vào đường làng để bắt và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật.
2. Quyền hạn của CSGT trong tuần tra, kiểm soát bao gồm những gì?
Căn cứ theo quy định tại Điều 8 của Thông tư 32/2023/TT-BCA của Bộ Công an quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung và quy trình tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ của Cảnh sát giao thông, có quy định cụ thể về quyền hạn của cảnh sát giao thông trong quá trình tuần tra và kiểm soát. Theo đó, cảnh sát giao thông trong quá trình tuần tra, kiểm soát có trách nhiệm và quyền hạn như sau:
– Được phép dừng các phương tiện tham gia giao thông đường bộ theo quy định Luật giao thông đường bộ năm 2019, Thông tư 32/2023/TT-BCA của Bộ Công an và quy định của các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan. Kiểm soát người, kiểm soát phương tiện giao thông, kiểm tra giấy tờ của người điều khiển phương tiện giao thông, kiểm tra giấy tờ của phương tiện giao thông trong quá trình tham gia giao thông đường bộ, kiểm tra giấy tờ tùy thân của người trên phương tiện giao thông đang kiểm soát theo quy định của pháp luật, kiểm soát việc thực hiện đầy đủ các quy định về an toàn giao thông đường bộ;
– Được áp dụng các biện pháp ngăn chặn, được phép áp dụng các biện pháp xử lý hành chính trong lĩnh vực an toàn giao thông đường bộ, an ninh trật tự xã hội, và xử lý vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm pháp luật khác theo quy định của pháp luật;
– Được quyền yêu cầu các cơ quan, tổ chức, cá nhân phối hợp và hỗ trợ giải quyết khi xảy ra tai nạn giao thông, un tắc giao thông, cản trở giao thông hoặc trường hợp khác gây mất an ninh trật tự an toàn giao thông đường bộ. Trong trường hợp cấp bách để bảo vệ an ninh quốc gia, đảm bảo an ninh trật tự an toàn xã hội, hoặc nhằm mục đích ngăn chặn hậu quả thiệt hại cho xã hội đã hoặc có thể xảy ra trên thực tế, các cán bộ cảnh sát giao thông đang thực hiện nhiệm vụ tuần tra sẽ được quyền huy động phương tiện giao thông, các phương tiện thông tin liên lạc, huy động các phương tiện khác của các cơ quan và cá nhân trong xã hội, người đang điều khiển phương tiện, người đang sử dụng phương tiện đó theo quy định của pháp luật về công an nhân dân. Việc huy động này sẽ được thực hiện dưới hình thức yêu cầu trực tiếp hoặc yêu cầu bằng văn bản;
– Được trang bị các loại phương tiện giao thông, được sử dụng phương tiện giao thông, phương tiện và kĩ thuật nghiệp vụ phục vụ cho quá trình công tác, trang bị các loại vũ khí, công cụ hỗ trợ theo quy định của pháp luật về công cụ hỗ trợ và vật liệu nổ, trang bị đầy đủ phương tiện thông tin liên lạc, các phương tiện kĩ thuật khác theo quy định của pháp luật về xử lý hành chính, phù hợp với quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, phù hợp với văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan và phù hợp với các quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đó là Bộ công an;
– Được quyền tạm thời đình chỉ hoạt động đi lại ở một số đoạn đường nhất định, có thẩm quyền phân luồng, phân loại tuyến đường đi, nơi tạm dừng đỗ phương tiện giao thông khi có tình huống un tắc giao thông xảy ra, khi xảy ra các hiện tượng tai nạn giao thông và khi có yêu cầu cần thiết khác nhằm mục đích đảm bảo an ninh trật tự và an toàn xã hội;
– Thực hiện các trách nhiệm, quyền hạn khác của lực lượng công an nhân dân theo quy định của pháp luật.
Như vậy có thể nói, theo điều luật phân tích nêu trên, lực lượng cảnh sát giao thông có nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, xử lý các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn giao thông đường bộ.
3. Nhiệm vụ của CSGT trong tuần tra, kiểm soát bao gồm những gì?
Căn cứ theo quy định tại Điều 7 của Thông tư 32/2023/TT-BCA của Bộ Công an quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung và quy trình tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ của Cảnh sát giao thông, có quy định cụ thể về nhiệm vụ của cảnh sát giao thông trong quá trình tuần tra, kiểm soát. Cụ thể như sau:
– Tuân thủ đầy đủ quy định của pháp luật, tuân thủ mệnh lệnh của chủ thể có thẩm quyền, kế hoạch kiểm tra và kiểm soát của cơ quan có thẩm quyền, xử lý nghiêm minh đối với các hành vi vi phạm;
– Tuần tra, kiểm soát, xử lý đối với các hành vi vi phạm, nhằm mục đích đảm bảo an ninh trật tự an toàn giao thông đường bộ trong phạm vi đến đường, địa bàn đã được phân công;
– Phát hiện và ngăn ngừa kịp thời các hành vi vi phạm, xử lý các hành vi vi phạm về an toàn giao thông đường bộ và các hành vi vi phạm pháp luật khác theo quy định của pháp luật;
– Phối hợp với các cơ quan chức năng có thẩm quyền để phát hiện, ngăn chặn các hành vi vi phạm quy định về công trình đường bộ, hành lang an toàn giao thông đường bộ;
– Điều tra và giải quyết tai nạn giao thông theo quy định của pháp luật;
– Trực tiếp phối hợp với các đơn vị trong và ngoài lực lượng công an nhân dân, đấu tranh phòng chống tội phạm, đấu tranh phòng chống các hành vi vi phạm pháp luật khác trên các tuyến đường giao thông. Tham gia vào hoạt động phòng chống khủng bố, biểu tình gây rối trật tự công cộng, phòng chống thiên tai, dịch bệnh, hỏa hoạn, cứu hộ trên các tuyến đường giao thông đường bộ;
– Hướng dẫn, tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia bảo đảm an ninh trật tự an toàn giao thông đường bộ, chấp hành đầy đủ pháp luật về giao thông đường bộ;
– Phát hiện các sai sót, bất cập, thiếu sót trong quá trình quản lý nhà nước về an ninh trật tự an toàn giao thông đường bộ, từ đó báo cáo và đưa ra đề xuất lên cơ quan có thẩm quyền, kiến nghị các biện pháp khắc phục kịp thời;
– Thực hiện các nhiệm vụ khác của lực lượng Công an nhân dân theo quy định của pháp luật.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Luật Giao thông đường bộ năm 2019;
– Thông tư 32/2023/TT-BCA của Bộ Công an quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung và quy trình tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ của Cảnh sát giao thông.