Các giải pháp hoàn thiện pháp luật, nâng cao hiệu quả áp dụng quy định của Bộ luật Hình sự về tội cướp giật tài sản.
Mục lục bài viết
- 1 1. Hoàn thiện các quy định pháp luật hình sự về tội cướp giật tài sản:
- 2 2. Các giải pháp nâng cao hiệu quả áp dụng quy định của Bộ luật Hình sự về tội cướp giật tài sản:
- 2.1 2.1. Tăng cường giải thích và áp dụng pháp luật hình sự:
- 2.2 2.2. Giải pháp nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn của những người tiến hành tố tụng:
- 2.3 2.3. Giải pháp tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng:
- 2.4 2.4. Cải thiện chất lượng cuộc sống, tăng cường công tác tuyên truyền pháp luật, phòng chống tội phạm trong nhân dân:
1. Hoàn thiện các quy định pháp luật hình sự về tội cướp giật tài sản:
1.1. Cụ thể hóa khái niệm Tội cướp giật tài sản trong Điều luật:
Cần hoàn thiện khoản 1 Điều 171 BLHS từ quy phạm giản đơn thành quy phạm mô tả, làm rõ được dấu hiệu pháp lý của tội cướp giật tài sản. Kiến nghị hoàn thiện khoản 1 Điều 171 BLHS như sau: “Người nào chiếm đoạt tài sản của người khác một cách công khai và nhanh chóng thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm”
1.2. Hoàn thiện các quy định về dấu hiệu định khung tăng nặng:
+ Hoàn thiện quy định về dấu hiệu định khung “Hành hung để tẩu thoát” theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 171 BLHS
+ Hướng dẫn về tình tiết định khung tăng nặng phạm tội với người già yếu theo quy định tại điểm g khoản 2 Điều 171 BLHS: Cần ban hành văn bản hướng dẫn theo hướng quy định giải thích tình tiết“Người già yếu” là người từ đủ 70 tuổi trở lên hoặc là người đủ 60 tuổi đến dưới 70 tuổi nhưng thường xuyên đau ốm, phải đi chữa trị, cấp phát thuốc định kỳ tại các cơ sở y tế.
+ Kiến nghị TANDTC cần có hướng dẫn về việc lấy kết quả giám định nào (kết quả giám định lần đầu, kết quả giám định lại lần thứ nhất,..) làm trong việc giám định tỷ lệ thương tích, tổn hại sức khỏe, qua đó tạo cơ sở cho việc áp dụng các tình tiết định khung tăng nặng “Gây thương tích hay gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tích từ 11%…”.
1.3. Hoàn thiện các quy định về tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ:
+ Kiến nghị hoàn thiện quy định về tình tiết tăng nặng “Xúi giục người dưới 18 tuổi phạm tội”: Cần sửa đổi điểm o khoản 1 Điều 52 BLHS năm 2015 theo hướng “Người đã thành niên xúi giục người dưới 18 tuổi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội đã được quy định trong BLHS”
+ Kiến nghị ban hành văn bản hướng dẫn khi áp dụng tình tiết Phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không lớn” được quy định tại điểm b khoản 1 Điều 51 BLHS như sau: “Nếu đã chiếm đoạt được tài sản thì phải xác định là thiệt hại tài sản đã xảy ra. Nếu tài sản bị mất, bị hư hỏng thì xác định thiệt hại tài sản đã xảy ra. Trường hợp chưa chiếm đoạt tài sản, tài sản không bị mất, không bị hư hỏng thì xác định thiệt hại tài sản chưa xảy ra. Nếu đã chiếm đoạt được tài sản mà bị quần chúng phát hiện, đuổi theo và bị bắt giữ hay được cơ quan điều tra thu hồi trong quá trình điều tra thì không thuộc trường hợp chưa gây thiệt hại”
1.4. Hoàn thiện các quy định về án treo:
Cần sửa đổi hướng dẫn tại Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP ngày 15/5/2018 của Hội đồng Thẩm phán
Lấy mức hình phạt tù trừ đi thời gian đã bị tạm giam để xác định mức hình phạt tù còn lại phải chấp hành. Thời gian thử thách trong trường hợp này bằng hai lần mức hình phạt tù còn lại phải chấp hành, nhưng không được dưới một năm và không được quá năm năm.
Hoặc trừ thời gian đã bị tạm giữ, tạm giam vào thời gian thử thách, cứ một ngày tạm giam bằng 03 ngày thử thách.
2. Các giải pháp nâng cao hiệu quả áp dụng quy định của Bộ luật Hình sự về tội cướp giật tài sản:
2.1. Tăng cường giải thích và áp dụng pháp luật hình sự:
Tăng cường công tác tổng kết thực tiễn xét xử, hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật và phát triển án lệ; thường xuyên tổ chức rút kinh nghiệm về công tác xét xử các vụ án cướp giật tài sản nhằm tổng hợp những sai sót và vướng mắc để kịp thời hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật.
Tòa án thông qua hoạt động xét xử các vụ án hình sự nói chung và các vụ án cướp giật tài sản nói riêng kịp thời phát hiện những sơ hở, mất cảnh giác của nhân dân, sơ hở trong quản lý Nhà nước, những thủ đoạn mới, tinh vi của tội phạm, qua đó góp phần thực hiện công tác phòng, chống loại tội phạm này, tuyên truyền giáo dục pháp luật rộng rãi trong nhân dân.
2.2. Giải pháp nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn của những người tiến hành tố tụng:
Cần xây dựng đội ngũ những người tiến hành tố tụng hình sự với phẩm chất đạo đức trong sạch, năng lực chuyên môn cao có khả năng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Có cơ chế thu hút, đãi ngộ đối với những người có năng lực, đủ đức, đủ tài vào cơ quan tư pháp. Hoàn thiện tiêu chuẩn của Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, tiêu chuẩn phải xuất phát từ nhiệm vụ đặt ra, rõ ràng cụ thể, phản ánh được về phẩm chất, đạo đức cũng như năng lực chuyên môn. Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân phải là những người có bản lĩnh chính trị, lập trường tư tưởng vững vàng, có tinh thần trách nhiệm với công việc, có kiến thức về pháp luật, nghiệp vụ sâu rộng, tránh tình trạng để đáp ứng về số lượng người tiến hành tố tụng mà không quan tâm đến hiệu quả lâu dài.
Thường xuyên giáo dục chính trị tư tưởng, bồi dưỡng năng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ những người tiến hành tố tụng. Tăng cường và nâng cao chất lượng công tác đào tạo, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, công chức; Cán bộ công chức cần tự nghiên cứu, học tập nâng cao trình độ chuyên môn, Tập trung tập huấn các văn bản pháp luật mới, bồi dưỡng chuyên môn về kỹ năng xét xử cho Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân.
Trong quá trình xét xử các vụ án,
Đảm bảo đủ số lượng những người tiến hành tố tụng, xây dựng chế độ tiền lương cũng như những chính sách khác một cách thỏa đáng cho những người tố tụng, bổ sung nhân lực có trình độ để giải quyết tình trạng quá tải, giảm áp lực giải quyết vụ án của cơ quan tiến hành tố tụng, giảm trừ những cán bộ có năng lực chuyên môn yếu kém, thiếu phẩm chất, đạo đức.
2.3. Giải pháp tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng:
Quá trình giải quyết vụ án hình sự nói chung và đối với vụ án cướp giật tài sản nói riêng không phải chỉ do một cơ quan tiến hành mà là hệ thống các cơ quan tiến hành tố tụng cùng giải quyết. Chính vì vậy, cần nâng cao vai trò của các cơ quan tiến hành tố tụng hình sự, đồng thời tăng cường mối quan hệ phối hợp của các cơ quan tiến hành tố tụng hình sự.
Cần làm tốt công tác phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng để trao đổi, thống nhất nhận thức về các quy định của pháp luật cũng như những vấn đề còn có ý kiến khác nhau trong quá trình đánh giá các tình tiết của vụ án, nhằm đảm bảo xét xử, giải quyết vụ án đúng pháp luật. Tăng cường bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng giải quyết các vụ án hình sự nói chung và các vụ án cướp giật tài sản nói riêng cho Thẩm phán.
Cần tăng cường phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng xây dựng phiên tòa rút kinh nghiệm về nâng cao chất lượng tranh tụng theo tinh thần cải cách tư pháp để rút kinh nghiệm trong công tác điều tra, truy tố, xét xử đối với Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Thư ký phiên tòa.
2.4. Cải thiện chất lượng cuộc sống, tăng cường công tác tuyên truyền pháp luật, phòng chống tội phạm trong nhân dân:
Một trong những nguyên nhân quan trọng của tội phạm cướp giật tài sản nói riêng và tội phạm nói chung là do chất lượng cuộc sống của người dân chưa được đảm bảo, mặt trái của kinh tế thị trường là sự phân hóa giàu nghèo trong xã hội, tình trạng thất nghiệp, các tệ nạn xã hội, đặc biệt là tội phạm ma túy làm nảy sinh mục đích chiếm đoạt để đáp ứng nhu cầu. Vì vậy, muốn giảm tội phạm cần cải thiện cuộc sống người dân, tạo công ăn việc làm, làm tốt công tác bài trừ các tệ nạn xã hội, bên cạnh đó cần thực hiện tốt công tác tuyên truyền pháp luật, phòng chống tội phạm trong nhân dân.
Cần làm tốt công tác tuyên truyền về phòng chống tội phạm,
Phát động các phong trào quần chúng nhân dân tham gia phòng chống tội phạm sâu rộng. Tăng cường sự giáo dục, quan tâm của nhà trường, gia đình, đặc biệt đối với bộ phận thanh thiếu niên.
Tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực về an ninh, trật tự, an toàn xã hội, tạo điều kiện cho nhân dân tham gia vào hoạt động phòng chống tội phạm. Xét riêng trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk thời gian qua, các cấp, các ngành đã thường xuyên quan tâm đến công tác quản lý hành chính, quản lý trật tự xã hội, kịp thời xử lý, trấn áp tội phạm, trong đó có tội phạm cướp giật tài sản, bảo vệ tính mạng, sức khỏe và tài sản cho Nhà nước, cho công dân, tạo được lòng tin trong nhân dân.