Trong một số trường hợp nguyên nhân xuất phát từ trạng thái tinh thần bị kích động mạnh, đã xảy ra hành vi giết người. Vậy nếu giết người khi bị kích động mạnh có được hưởng án treo? Cùng tìm hiểu bài viết dưới đây.
Mục lục bài viết
1. Điều kiện được hưởng án treo:
Căn cứ tại Điều 1 Văn bản hợp nhất 02/VBHN-TANDTC 2022 hợp nhất Nghị quyết hướng dẫn Điều 65 của Bộ luật Hình sự về án treo thì án treo được hiểu là biện pháp miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện. Theo đó căn cứ để Tòa áp dụng án treo đó là áp dụng đối với người phạm tội bị phạt tù không quá 03 năm, căn cứ vào nhân thân của người phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ Tòa xét thấy không cần bắt họ phải chấp hành hình phạt tù.
Đồng thời, căn cứ vào Văn bản hợp nhất 02/VBHN-TANDTC 2022 hợp nhất Nghị quyết hướng dẫn Điều 65 của Bộ luật Hình sự về án treo hướng dẫn những điều kiện để được hưởng án treo đó là: bị phạt tù không quá 03 năm, người bị xử phạt tù có nhân thân tốt, có từ 02 tình tiết giảm nhẹ trở lên trong đó có ít nhất 01 tình tiết giảm nhẹ thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự và không có tình tiết tăng nặng, có nơi cư trú rõ ràng, và xét thấy không cần phải bắt chấp hành hình phạt tù. Bên cạnh đó, khi xem xét, quyết định cho bị cáo hưởng án treo Tòa án phải xem xét thận trọng, chặt chẽ các điều kiện để bảo đảm việc cho hưởng án treo đúng quy định của pháp luật, và chú ý đến những trường hợp quy định không cho hưởng án treo theo quy định.
2. Cấu thành tội giết người trong trạng thái bị kích động mạnh:
Theo Từ điển tiếng Việt “trạng thái tinh thần bị kích động mạnh” là tình trạng tinh thần, tâm lý của con người bị chịu những tác động với cường độ lớn gây ra những trang thái cảm xúc mãnh liệt quá mức bình thường, vượt ngoài tầm kiểm soát.
Tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh là hành vi tước đoạt trái pháp luật tính mạng của người khác trong trạng thái người phạm tội không hoàn toàn tự chủ, tự kiềm chế được hành vi của mình do hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân đối với người phạm tôi hoặc người thân thích của người đó.
Tương tự các loại tội phạm khác tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh cũng được hợp thành bởi bốn yếu tố cấu thành khách thể của tội phạm, mặt khách quan của tội phạm, chủ thể của tội phạm và mặt chủ quan của tội phạm.
– Thứ nhất, về mặt khách thể của tội phạm:
Khách thể của tội phạm là một quan hệ xã hội được luật hình sự bảo vệ và bị tội phạm xâm hại. Bất cứ hành vi phạm tội nào cũng đều gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại cho quan hệ xã hội nhất định được luật hình sự bảo vệ. Nếu hành vi không gây thiệt hại hoặc không đe dọa gây thiệt hại cho quan hệ xã hội được luật hình sự bảo vệ thì hành vì đó không có tính gây thiệt hại và do vậy cũng không có tội phạm. Cũng như các tội trong nhóm tội xâm phạm tính mạng của con người, đối tượng tác động của tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh là người đang sống. Cụ thể hơn đối tượng của tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh không phải là bất kỳ ai mà chỉ có thể là người thực hiện hành vì trái pháp luật nghiêm trọng xâm hại đến lợi ích của người phạm tội, hoặc người thân thích của họ. Nói cách khác, người bị tước đoạt tính mạng ở đây bắt buộc phải chính là người đã gây nên trạng thái tình thần bị kích động mạnh ở người phạm tội chứ không thể là người nào khác.
– Thứ hai về mặt khách quan của tội phạm:
Đối với tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh, hành vi khách quan của tội phạm là hành vi cố ý tước đoạt trái pháp luật tính mạng của người đã làm cho chủ thể lâm vào trạng thái tinh thần bị kích động mạnh. Hành vi tước đoạt trái pháp luật tính mạng của người khác được hiểu là hành vi có khả năng gây ra cái chết cho con người, chấm dứt sự sống của con người. Hành vi đó có thể được thực hiện bằng những cách thức khác nhau như bắn, đâm, chém…Tuy nhiên, không phải mọi hành vi cố ý tước đoạt trái pháp luật tính mạng của người khác đều cấu thành tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh mà hành vi này chỉ được coi là hành vi khách quan của tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh nếu đáp ứng đủ các điều kiện như: chủ thể thực hiện hành vi phải đang ở trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh, nguyên nhân khiến chủ thể lâm vào trạng thái tinh thần bị kích động mạnh là do hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân gây ra, đối tượng mà hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân hướng đến có thể là chính chủ thể nhưng cũng có thể là đối với người thân thích của chủ thể, chủ thể ban đầu không chủ định thực hiện hành vi tước đoạt tính mạng của người khác mà hành vi này chỉ được nảy sinh và được thực hiện khi chủ thể rơi vào trạng thái tinh thần bị kích động mạnh.
Về hậu quả thiệt hại, hành vi giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh gây ra hoặc đe dọa gây ra thiệt hại cho quyền được tôn trọng và bảo vệ tính mạng của con người, cụ thể hậu quả của tội phạm là nạn nhân chết. Đây là dấu hiệu bắt buộc của CTTP. Hay nói cách khác tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh là tội có CTTP vật chất. Điều đó có nghĩa là chỉ khi nào nạn nhân chết thì tội giết người trong trạng thái tình thần bị kích động mạnh mới được coi là tội phạm hoàn thành. Nếu chủ thể có hành vi phạm tội nhưng chưa dẫn đến hậu quả nạn nhân chết thì tùy từng trường hợp chủ thể có thể bị truy cứu TNHS về tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh ở giai đoạn phạm tội chưa đạt hoặc tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh. Một người chỉ phải chịu TNHS về tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh nếu giữa hành vi khách quan và hậu quả chết người đó có mối quan hệ nhân quả với nhau. Hành vi giết người phải xảy ra tức thời ngay lúc có hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân.
Tóm lại, để xác định người phạm tội có ở trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh hay không chúng ta cần xem xét giữa hành vi giết người và hậu quả chết người có mối quan hệ nhân quả hay không. Nếu giữa chúng không có mối quan hệ nhân quả thì bị cáo không bị truy cứu TNHS về tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh mà phạm một tội khác. Ví dụ trường hợp A đánh con của B bị thương nặng, tức giận B chạy sang đánh A bị thương, sau đó A được mọi người đưa đi bệnh viện trên đường đi A bị tai nạn giao thông mà chết thì trường hợp này B không phạm tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh vì hậu quả A chết không phải do nguyên nhân trực tiếp là hành vi tước đoạt tính mạng của người khác của B khi B rơi vào trạng thái tinh thần bị kích động mạnh do hành vi trái pháp luật cảu A.
– Thứ ba về chủ thể của tội phạm:
Tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh đòi hỏi người phạm tội cũng phải là người có năng lực TNHS, tức là khi thực hiện hành vi phạm tội họ có khả năng nhận thức được hành vi tước đoạt trái pháp luật tính mạng của người khác là nguy hiểm cho xã hội, bị pháp luật ngăn cấm và họ có khả năng điều khiển, kiềm chế hành vi của mình để không thực hiện hành vi nguy hiểm đó nhưng họ vẫn thực hiện hành vi phạm tội.
Bên cạnh năng lực TNHS, chủ thể của tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh cũng phải là người đạt tới độ tuổi nhất định. Căn cứ vào tại khoản 2 điều 12, khoản 1 điều 8 và Điều 125 BLHS thì chủ thể của tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh là người có năng lực trách nhiệm hình sự và từ đủ 16 tuổi trở lên. Như vậy. những người chưa đạt đến độ tuổi này thực hiện hành vi được quy định tại Điều 125 BLHS gây ra hậu quả chết người thì cũng không phải chịu TNHS.
– Thứ tư về mặt chủ quan của tội phạm:
Đối với tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh thì lỗi của người phạm tội là lỗi cố ý. Lỗi của chủ thể được quy định có thể là lỗi cố ý trực tiếp hoặc lỗi cố ý gián tiếp. Có nghĩa là người phạm tội biết hoặc phải biết hành vi của mình là hành vi nguy hiểm cho xã hội và mong muốn hoặc có ý thức để mặc cho hậu quả nguy hiểm cho xã hội xảy ra.
3. Giết người khi bị kích động mạnh có được hưởng án treo không?
Tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh được quy định tại điều 125 Văn bản hợp nhất Bộ luật Hình sự năm 2017, theo đó nếu người phạm tội này thuộc khoản 1 Điều luật này thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. Đồng thời căn cứ vào những điều kiện được hưởng án treo đã phân tích ở mục 1 có thể thấy trường hợp người phạm tội tại khoản 1 Điều này có thể được hưởng án treo bởi dã đáp ứng được điều kiện là bị xử phạt tù dưới 03 năm, tuy nhiên Tòa án còn phải căn cứ thêm vào những điều kiện khác như nhân thân của người phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ, xét thấy không cần phải bắt chấp hành hình phạt tù, thì Tòa án sẽ cho hưởng án treo.
Những văn bản sử dụng trong bài viết:
Văn bản hợp nhất Bộ luật Hình sự năm 2017
Văn bản hợp nhất 02/VBHN-TANDTC 2022 hợp nhất Nghị quyết hướng dẫn Điều 65 của Bộ luật Hình sự về án treo