Thực tế, sau khi sinh con, người dân mới chỉ đi đăng ký khai sinh cho đứa trẻ mà không làm/quên làm thủ tục nhập khẩu. Vậy nếu đã đăng ký khai sinh cho trẻ em, nhưng chưa nhập khẩu thì có bị phạt hay không?
Mục lục bài viết
1. Đã khai sinh cho con mà chưa nhập khẩu có bị phạt không?
Trước hết, căn cứ theo quy định tại Điều 11 của Luật cư trú năm 2020 có quy định về nơi cư trú của công dân. Cụ thể như sau:
– Nơi cư trú của công dân theo quy định của pháp luật hiện nay sẽ bao gồm hai nơi, đó là nơi thường trú và nơi tạm trú;
– Trong trường hợp không xác định được nơi thường trú của công dân, nơi tạm trú của công dân thì nơi cư trú của công dân trong trường hợp này sẽ được xác định là nơi ở hiện tại căn cứ theo quy định tại Điều 19 của Luật cư trú năm 2020.
Bên cạnh đó, căn cứ theo quy định tại Điều 12 của Luật cư trú năm 2020 có quy định về nơi cư trú của người chưa thành niên. Theo đó, người chưa thành niên sẽ có nơi cư trú theo quy định của pháp luật như sau:
– Nơi cư trú của người chưa thành niên theo quy định của pháp luật hiện nay sẽ được xác định là nơi cư trú của cha mẹ, nếu cha mẹ của người chưa thành niên là những người có nơi cư trú khác nhau thì nơi cư trú của người chưa thành niên trong trường hợp này sẽ được xác định nơi cư trú của cha hoặc nơi cư trú của mẹ mà người chưa thành niên thường xuyên chung sống. Trong trường hợp không xác định được nơi thường xuyên xung sống của người chưa thành niên thì nơi cư trú của người chưa thành niên sẽ được xác định là nơi do cha, mẹ của người chưa thành niên tự thỏa thuận với nhau. Trong trường hợp cha mẹ của người chưa thành niên không thỏa thuận được thì nơi cư trú của người chưa thành niên sẽ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền đó là tòa án quyết định cụ thể;
– Người chưa thành niên có thể có nơi cư trú khác với nơi cư trú của cha, nơi cư trú của mẹ nếu như cha mẹ đồng ý hoặc pháp luật liên quan có quy định khác.
Ngoài ra, căn cứ theo quy định tại Điều 19 của Luật cư trú năm 2020 có quy định về nơi cư trú của người không có nơi thường trú và người không có nơi tạm trú. Như vậy, trong trường hợp người không có nơi thường trú, nơi tạm trú thì nơi cư trú sẽ được xác định như sau:
– Nơi cư trú của người không có nơi thường trú và không có nơi tạm trú do không đáp ứng đầy đủ điều kiện để thực hiện thủ tục đăng ký thường trú hoặc đăng ký tạm trú tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật hiện nay sẽ được xác định là nơi ở hiện tại của người đó. Trong trường hợp người đó không có địa điểm chỗ ở cụ thể thì nơi ở hiện tại theo quy định của pháp luật sẽ được xác định là đơn vị hành chính cấp xã nơi người đó đang sinh sống trên thực tế. Đối với người không có nơi thường trú, không có nơi tạm trú thì cần phải thực hiện thủ tục khai báo thông tin về nơi cư trú với cơ quan đăng ký cư trú tại nơi ở hiện tại của mình;
– Cơ quan đăng ký cư trú sẽ có nghĩa vụ và trách nhiệm hướng dẫn cụ thể để người dân thực hiện hoạt động khai báo thông tin về cư trú trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cơ sở dữ liệu về cư trú;
– Trong trường hợp người không có nơi thường trú phải không có nơi tạm trú chưa có thông tin ghi nhận trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu về cư trú thì trong khoảng thời gian 30 ngày được tính kể từ ngày nhận được thông tin khai báo, cơ quan đăng ký cư trú sẽ cần phải tiến hành hoạt động kiểm tra và xác minh thông tin. Trong trường hợp phức tạp thì có thể kéo dài khoảng thời gian nêu trên, tuy nhiên không được phép kéo dài quá 60 ngày;
– Trong trường hợp những người này đã có thông tin cập nhật trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu về cư trú, thì theo quy định của pháp luật hiện nay trong khoảng thời gian 05 ngày làm việc được tính kể từ ngày tiếp nhận thông tin khai báo, cơ quan đăng ký cư trú sẽ cần phải tiến hành hoạt động kiểm tra và xác minh thông tin;
– Sau khi thực hiện thủ tục kiểm tra, xác minh, cơ quan đăng ký cư trú sẽ cập nhật thông tin của công dân về nơi ở hiện tại và các thông tin khác có liên quan trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cơ sở dữ liệu về cư trú, sau đó thực hiện thủ tục thông báo ngay lập tức cho người đã khai báo về việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã cập nhật xong thông tin tại các cơ sở dữ liệu;
– Trong trường hợp có sự thay đổi thông tin về cư trú thì công dân cần phải ngay lập tức khai báo với cơ quan đăng ký cư trú, để cơ quan đăng ký cư trú thực hiện hoạt động ra soát và điều chỉnh thông tin của công dân trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cơ sở dữ liệu về cư trú. Khi đáp ứng được đầy đủ điều kiện theo quy định của pháp luật về cư trú thì người dân cần phải thực hiện thủ tục đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú trên thực tế.
Do đó có thể nói, mặc dù pháp luật hiện nay không quy định về thời gian bắt buộc trẻ em cần phải thực hiện thủ tục đăng ký thường trú sau khi đăng ký khai sinh. Tuy nhiên khi đáp ứng được đầy đủ điều kiện đăng ký thường trú cho trẻ em, mà cha mẹ không thực hiện thủ tục này cho trẻ em, thì cha mẹ hoàn toàn có thể bị xử phạt vi phạm hành chính.
2. Mức xử phạt khi cha mẹ đã khai sinh cho con mà chưa nhập khẩu:
Căn cứ theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 9 của Nghị định 144/2021/NĐ-CP của Chính phủ, có quy định cụ thể về mức xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định về đăng ký và quản lý cư trú. Cụ thể như sau:
– Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với các đối tượng thực hiện một trong những hành vi vi phạm quy định của pháp luật như sau:
+ Không thực hiện đầy đủ, thực hiện không đúng quy định về đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú theo quy định của pháp luật, xóa đăng ký thường trú hoặc xóa đăng ký tạm trú tại cơ quan có thẩm quyền phải tách hộ, hoặc điều chỉnh các thông tin liên quan đến cư trú trên Cơ sở dữ liệu về cư trú;
+ Không thực hiện đúng quy định của pháp luật về thông báo lưu trú hoặc khai báo tạm vắng;
+ Không xuất trình đầy đủ sổ tạm trú, sổ hộ khẩu, xác nhận thông tin về cư trú hoặc các loại giấy tờ, tài liệu khác có liên quan đến cư trú theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.
Như vậy có thể nói, sau khi đã thực hiện hoạt động đăng ký khai sinh cho con nhưng cha mẹ chưa nhập khẩu cho đứa trẻ, nếu đứa trẻ đó đã đáp ứng đầy đủ điều kiện để đăng ký thường trú, thì cha mẹ có thể sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng theo như phân tích nêu trên.
3. Thẩm quyền xử phạt hành vi cha mẹ đã khai sinh cho con nhưng chưa nhập khẩu:
Căn cứ theo quy định tại Điều 68 của Nghị định 144/2021/NĐ-CP của Chính phủ, có quy định cụ thể về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp. Cụ thể như sau:
– Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có thẩm quyền xử phạt như sau: Phạt cảnh cáo, phạt tiền đến 3.000.000 đồng đối với các đối tượng có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng chống bạo lực gia đình, phạt tiền đến 4.000.000 đồng đối với các đối tượng có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự và an toàn xã hội, phạt tiền đến 5.000.000 đồng đối với các đối tượng có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, tịch thu tang vật hoặc tịch thu phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá hai lần mức phạt tiền nêu trên, áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả trong trường hợp xét thấy cần thiết;
– Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có thẩm quyền xử phạt như sau: Phạt cảnh cáo, phạt tiền đến 15.000.000 đồng đối với các đối tượng có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng chống bạo lực gia đình, phạt tiền đến 20.000.000 đồng đối với các đối tượng có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự và an toàn xã hội, phạt tiền đến 25.000.000 đồng đối với các đối tượng có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, phạt tiền đến 37.500.000 đồng đối với các đối tượng có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng chống tệ nạn xã hội, tước quyền sử dụng giấy phép hoặc tước chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc ra quyết định đình chỉ hoạt động có thời hạn, tịch thu tang vật hoặc tịch thu phương tiện vi phạm hành chính, áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả trong trường hợp xét thấy cần thiết;
– Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền xử phạt như sau: Phạt cảnh cáo, phạt tiền đến 30.000.000 đồng đối với các đối tượng có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng chống bạo lực gia đình, phạt tiền đến 40.000.000 đồng đối với các đối tượng có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự và an toàn xã hội, phạt tiền đến 50.000.000 đồng đối với các đối tượng có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, phạt tiền đến 75.000.000 đồng đối với các đối tượng có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng chống tệ nạn xã hội, tước quyền sử dụng giấy phép hoặc tước chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc ra quyết định đình chỉ hoạt động có thời hạn, tịch thu tang vật hoặc tịch thu phương tiện vi phạm hành chính, áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả trong trường hợp xét thấy cần thiết.
Như vậy, thẩm quyền xử phạt hành chính đối với hành vi cha mẹ đã thực hiện thủ tục đăng ký khai sinh cho con nhưng chưa nhập khẩu, trong trường hợp trẻ em đáp ứng đầy đủ điều kiện để nhập khẩu, sẽ thuộc về chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Luật cư trú 2020;
– Nghị định 144/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình.