Cơ sở việc quy định tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng trong Bộ luật hình sự và ý nghĩa của việc quy định tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Mục lục bài viết
1. Cơ sở việc quy định tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng trong Bộ luật hình sự:
Khi một hành vi được xem xét quy định trong BLHS – văn bản pháp luật có tính răn đe cao nhất thức hành vi đó bản thân nó đã mang những tính chất vô cùng đặc biệt. Và việc quy định đó được dựa trên những cơ sở sau:
Thử nhất, so với những hành vi trái với quy chuẩn chung của xã hội khác của người có chức vụ, quyền hạn thì hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng có mức độ nguy hiểm cao vì không chỉ gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tài sản của con người mà còn ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của các cơ quan, chức. Những hành vi này không hiếm gặp mà ngày một xảy ra nhiều trên thực tiễn.
– Thứ hai, việc áp dụng các chế tài pháp lý của các ngành luật khác ít nghiêm khắc hơn luật hình sự không còn đủ sức ngăn chặn được hành vi này. Trong khi đó vì những hậu quả nghiêm trọng mà nó gây ra nên hành vi thiếu trách nhiệm bị lên án về mặt đạo đức lớn hơn và bị sự phản ứng của dư luận xã hội gay gắt hơn cả.
– Thứ ba, việc quy định hành vi này trong BLHS đáp ứng được tâm lý chung và tương xứng với ý thức pháp luật của đại đa số thành viên trong xã hội, đồng thời không những không có nguy cơ dẫn đến các hậu quả tiêu cực trong xã hội mà còn ngăn chặn được nhiều hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra.
– Thứ tư, quy định hành vi này trong BLHS là kết quả của việc tiếp thu những giá trị pháp luật truyền thống của nước ta từ sau Cách mạng tháng 8 năm 1945 đến nay, nó cũng không trái với các ngành luật khác trong hệ thống pháp luật quốc gia. Bên cạnh đó, hệ thống tư pháp hình sự của Nhà nước ta hoàn toàn có đủ khả năng đấu tranh chống lại hành vi này trong thực tiễn.
2. Ý nghĩa của việc quy định tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng:
Có thể nói việc quy định Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng trong BLHS Việt Nam là cần thiết và mang những ý nghĩa đặc biệt như sau:
– Thứ nhất, đây là sự thể hiện quan điểm của Nhà nước trong việc cần thiết phải bảo đảm sự hoạt động đúng đắn, bình thường của cơ quan, tổ chức; đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho công dân và trật tự xã hội. Đây cũng chính là một biểu hiện của bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa: Mọi hành vi xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tập thể và của công dân đều bị xử lý theo pháp luật.
– Thứ hai, góp phần thực hiện chức năng, nhiệm vụ quan trọng của luật hình sự là bảo vệ các quan hệ xã hội quan trọng thuộc mọi lĩnh vực trong đời sống xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho công dân và Nhà nước. Đồng thời cũng góp phần thực hiện chức năng đấu tranh phòng, chống các tội phạm về chức vụ bởi những hành vi do người có chức vụ gây ra thường có tính chất phức tạp, nhạy cảm và nguy hiểm cao. Nhiệm vụ này đã được quy định ngay tại điều 1 của BLHS năm 2015 như sau: “BLHS có nhiệm vụ bảo vệ….. quyền con người, quyền công dân, bảo vệ quyền bình đẳng giữa đồng bào các dân tộc, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, tổ chức, bảo vệ trật tự pháp luật, chống mọi hành vi phạm tội; giáo dục mọi người ý thức tuân theo pháp luật, phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm”.
– Thứ ba, là cơ sở pháp lý quan trọng để xử lý, trừng trị các hành vi phạm tội do “thiếu trách nhiệm” đã gây nên những hậu quả nghiêm trọng trong thực tiễn. Mỗi hành vi khi được quy định trong BLHS là một biểu hiện của việc lấp đầy những “lỗ hổng” trong việc xử lý hành vi vi phạm pháp luật trong thực tiễn. Quy định hành vi Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng giúp bao quát và mở rộng thêm phạm vi của đối tượng bị xử lý hình sự không chỉ dừng lại là những hành vi tham nhũng, hối lộ, cũng bị xem xét xử lý hình sự. mà cả khi không thực hiện hết nhiệm vụ được giao
– Thứ tư, là căn cứ pháp lý cơ bản và thống nhất để các cơ quan THTT nghiên cứu áp dụng trong việc định tội danh cũng như quyết định hình phạt đối với hành vi này trong thực tiễn đảm bảo đồng bộ, đúng pháp luật, không lạm quyền, cảm tính.
– Thứ năm, việc quy định để đảm bảo xử lý nghiêm minh hành vi Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng như một lời nhắc nhở mạnh mẽ, đặt ra một giới hạn để mỗi người (người có chức vụ) nâng cao ý thức cá nhân, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của mình phải cân nhắc, đúng mực và thực hiện đúng, đầy đủ chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, từ đó góp phần tạo nên môi trường làm việc an toàn, lành mạnh, kỷ luật và có trách nhiệm. Nhờ đó mà uy tín của các cơ quan, tổ chức được nâng cao, được nhân dân tín nhiệm và tin tưởng.