Khái niệm tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Trách nhiệm là gì? Thiếu trách nhiệm là gì? Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng là gì?
Từ trước đến nay Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến công tác quản lý cán bộ, coi trọng việc xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, coi đây là nguồn lực quan trọng để phát triển đất nước. Trải qua các cuộc kháng chiến trường kỳ gian khổ và cả thời kỳ đổi mới, nhiều cán bộ được Đảng, Nhà nước quản lý, quan tâm, bồi dưỡng tốt nên trưởng thành và có nhiều đóng góp cho đất nước. Do quản lý tốt cán bộ nên có nhiều tổ chức Đảng trong sạch, vững mạnh, nhiều cán bộ đảng viên nêu gương phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ, đặc biệt đã cổ vũ được sự phấn khởi, đoàn kết trong các tầng lớp nhân dân, góp phần tăng cường lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.
Tuy nhiên khi xã hội ngày một phát triển, điều kiện kinh tế chính trị văn hóa ngày một nâng cao thì lại có thêm nhiều những cám dỗ, lợi ích mà con người đặc biệt là những người “có chức, có quyền” phải đối mặt. Trong cơ chế mới, họ bị chi phối, tác động bởi nhiều mối quan hệ như quan hệ giữa quản lý với sử dụng, quan hệ giữa lợi ích cá nhân với lợi ích tập thể, quan hệ giữa trách nhiệm và quyền lợi, … nhiều hơn, mạnh hơn trước đây nên dễ bị sa ngã, vi phạm pháp luật. Đảng và Nhà nước ta đã và đang hết sức quan tâm đến vấn đề này, đã có nhiều đường lối chính sách được vạch ra để đảm bảo đội ngũ cán bộ có chất lượng, có trách nhiệm, sẵn lòng phục vụ nhân dân và xã hội.
Đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã khẳng định:
Không chỉ đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong lĩnh vực kinh tế, mà quan trọng hơn phải chống tiêu cực trong cả lĩnh vực tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Hai cái này có liên quan đến nhau, sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống thì mới dẫn đến tham nhũng, đây mới là cái gốc, cái cơ bản cần phải chống và Tham nhũng kinh tế làm mất tiền bạc, nhưng suy thoái, tiêu cực không chỉ làm mất cán bộ mà nặng hơn là làm giảm uy tin của Đảng, thậm chí có thể làm mất chế độ, Tiền mất có thể thu hồi lại. Cán bộ mất phẩm chất chính trị, có thể trở thành phản bội Đảng, nhân dân thì nguy hiểm vô cùng….
Do đó, đối với những hành vi vi phạm nghiêm trọng làm ảnh hưởng lớn đến hoạt động đúng đắn cũng như danh dự của nhà nước và tổ chức phải được xử lý một cách nghiêm minh. Một trong những cách thức xử lý mạnh mẽ và có tính răn đe cao nhất chính là xử lý bằng PLHS. Vì vậy mà các văn bản QPPL hình sự của nước ta từ trước đến nay đều quy định về những hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn hay những hành vi liên quan đến chức vụ, hối lộ, tham nhũng mặc dù thuật ngữ “tội phạm về chức vụ” phải đến khi pháp điển hóa BLHS lần thứ nhất năm 1985 mới xuất hiện.
Từ trước đến nay khi nhắc đến tội phạm về chức vụ, thông thường mọi người quan tâm nhiều hơn đến tội phạm tham nhũng, tuy nhiên bên cạnh loại tội này còn nhiều hành vi khác cũng có tính nghiêm trọng cao xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức, xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền và lợi ích của công dân, gây ra những hậu quả lớn cho xã hội. Các hành vi đó có thể là: hành vi thiếu trách nhiệm, hành vi làm lộ bí mật công tác, hành vi đào nhiệm, hành vi đưa hối lộ, … Việc quy định những hành vi này thuộc nhóm các tội phạm chức vụ đã giúp bao quát hết các hành vi tiêu cực, ảnh hưởng xấu đến hoạt động công vụ, thực hiện nhiệm vụ của những người có chức vụ, quyền hạn trong tất cả mọi lĩnh vực công và tư, từ đó không chỉ nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng chống các hành vi xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức mà còn là cơ sở để tạo một môi trường làm việc an toàn, lành mạnh tại các cơ quan, tổ chức, đảm bảo hiệu quả công việc, phục vụ được tốt nhất lợi ích chung của nhân dân, xã hội đúng với quan điểm chỉ đạo của Đảng là: “… Chuẩn hoá, siết chặt kỷ luật, kỷ cương đi đôi với xây dựng thể chế, tạo môi trường, điều kiện để thúc đẩy đổi mới, phát huy sáng tạo và bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung…”
Trong những hành vi đã nêu ở trên, có một loại hành vi đang ngày một xảy ra nhiều trên thực tiễn gây nên những hậu quả đáng tiếc, trong đó có nhiều vụ việc gây bức xúc dư luận và được liệt vào vào diện án thuộc Ban chỉ đạo của Trung ương. Đó chính là Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng được quy định tại Điều 360, thuộc Mục 2 Chương XXIII – Nhóm các tội phạm về chức vụ trong BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Để nắm bắt được rõ nhất khái niệm của loại tội này, tác giả tiếp cận từ những khái niệm nhỏ liên quan.
Mục lục bài viết
1. Trách nhiệm là gì?
Thuật ngữ “trách nhiệm” xuất hiện khá nhiều trong cuộc sống hàng ngày, trên mọi lĩnh vực, đối với mọi đối tượng, mọi lứa tuổi. Có rất nhiều cách hiểu khác nhau về thuật ngữ “trách nhiệm”.
Một số tác giả tiếp cận thuật ngữ “trách nhiệm” theo nghĩa là nghĩa vụ, nhiệm vụ, bổn phận, quyền hạn. Ví dụ, có tác giả hiểu trách nhiệm là “bổn phận phải thực hiện, nó còn là điều không được làm, được làm, phải làm và nên làm (…).
Trách nhiệm là những gì mà họ buộc phải làm và phải chịu sự giám sát của người khác”.
Tác giả khác cho rằng, trách nhiệm “thường được hiểu là khả năng của con người ý thức được những kết quả hoạt động của mình, đồng thời là khả năng thực hiện một cách tự giác những nghĩa vụ được đặt ra cho mình”.
Một tác giả khác lại cho rằng: “trách nhiệm là sự thực hiện bổn phận, nghĩa vụ của chủ thể đối với người khác, với xã hội một cách tự giác. Trách nhiệm đối lập với vô trách nhiệm, gắn liền với chịu trách nhiệm”.
Còn theo từ điển tiếng Việt định nghĩa: “Trách nhiệm là phần việc được giao cho hoặc coi như được giao cho, phải bảo đảm làm tròn, nếu kết quả không tốt thì phải gánh chịu phần hậu quả”.
Trên góc độ pháp luật, khi nghiên cứu các văn bản QPPL liên quan đến “trách nhiệm” của người có chức vụ, quyền hạn trong các cơ quan nhà nước, ví dụ như Luật Cán bộ, công chức năm 2019, hay các văn bản dành riêng để điều chỉnh trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị, hay các văn bản quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các chức danh cụ thể như Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân… có thể nhận thấy thuật ngữ “trách nhiệm” xuất hiện với tần suất cao. Tuy nhiên, thế nào là “trách nhiệm”của các chức danh này thì lại có nhiều cách hiểu khác nhau, chưa có sự thống nhất về nội hàm. Cùng một thuật ngữ “trách nhiệm”, nhưng một số văn bản hiểu “trách nhiệm” là những việc người đứng đầu phải làm, được làm, không được làm, một số văn bản hiểu là bị xử lý trách nhiệm (chịu trách nhiệm), và một số văn bản khác thì hiểu theo cả hai nghĩa trên.
“Trách nhiệm” mà tác giả muốn đề cập ở đây là trách nhiệm mang tính công vụ, nhiệm vụ, khái niệm này cần mang tính chính trị – xã hội, liên đến việc tạo dựng hình ảnh của chế độ nhà nước, hình ảnh một xã hội. Trách nhiệm này là việc cán bộ, công chức, người được giao thực hiện nhiệm vụ tự ý thức đầy đủ về quyền hạn, nghĩa vụ đối với nhiệm vụ được phân công cũng như bổn phận phải thực hiện các quyền và nghĩa vụ gắn liền với nhiệm vụ đó. Trách nhiệm này có mối quan hệ chặt chẽ với kết quả hoạt động công vụ, nhiệm vụ, gắn với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được trao cho trên cơ sở luật định. Từ đó mới có thể xác định được việc có đầy đủ trách nhiệm hay thiếu trách nhiệm có mối quan hệ như thế nào với kết quả thực hiện nhiệm vụ.
2. Thiếu trách nhiệm là gì?
Cũng như thuật ngữ trách nhiệm, đi kèm với nó thì thuật ngữ “thiếu trách nhiệm” cũng được nhắc đến thường xuyên đặc biệt trong hoàn cảnh cần nhận xét, đánh giá, truy cứu nguyên nhân, xử lý vi phạm, …. Thuật ngữ này bản thân nó đã mang sắc nghĩa tiêu cực, không tốt nên thường sẽ mang lại kết quả không như mong muốn.
Theo Từ điển tiếng việt thì “thiếu” có nghĩa là “chưa đạt được số lượng, mức độ cần thiết hoặc so với yêu cầu” hoặc “có hoặc chỉ đạt số lượng hay mức độ dưới mức cần thiết, dưới mức yêu cầu”.
Hiểu một cách đơn giản thì “thiếu” là có nhưng chưa đủ, do đó thiếu trách nhiệm là trong khi thực hiện nhiệm vụ được giao bản thân đã có trách nhiệm thực hiện các công việc, nhiệm vụ được giao nhưng không làm hết trách nhiệm đúng như được yêu cầu, được phân công; không làm hết có thể dưới hình thức: không làm hoặc làm không đủ, làm chưa tới. Trên góc độ pháp lý hình sự, thuật ngữ này đặc trưng cho những hành vi của những người có chức vụ, quyền hạn đã không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nhiệm vụ được giao.
Có một khoảng thời gian, cụm từ “thiếu trách nhiệm” xuất hiện dày đặc trên báo chí, đó là khi xảy ra vụ án của Ban quản lý PMU18, Bộ giao thông vận tải vào năm 2007. Đến khi đó, mới thật sự hiểu sâu sắc được ý nghĩa của việc thiếu trách nhiệm là như thế nào. Thiếu trách nhiệm không chỉ đơn thuần là kết luận của cơ quan điều tra, không chỉ là kết luận của cấp trên đối với cấp dưới, lại càng không chỉ là lời thú nhận của đương sự đối với những sai phạm mà mình đã gây ra. Nó chính xác là sự thoái lui của văn hoá trách nhiệm, là sự thụt lùi của đạo đức công chức. Đã có nhiều ý kiến cho rằng, thông qua những vụ án như vậy thì thiếu trách nhiệm là dấu hiệu cho sự lũng đoạn của tiền bạc, là sự liên kết của những thế lực ngầm, là su bất minh trong việc thực thi chính sách, là sự gian dối, là sự yếu kém trong quản lý, là sự cố tình không tuân thủ pháp luật, là hậu quả của một cung cách giáo dục nửa vời.
Do đó mà hành vi “thiếu trách nhiệm” nếu gây hậu quả nghiêm trọng không còn dừng lại là bị kỷ luật hay xử lý hành chính mà sẽ bị xử lý hình sự vì không chỉ gây hậu quả về mặt vật chất cho Nhà nước mà còn những hậu quả phi vật chất khác cho xã hội: đó là niềm tin của nhân dân, uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự của những người có chức vụ, quyền hạn.
3. Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng:
Khái niệm tội phạm luôn là vấn đề trung tâm của PLHS. Trong lịch sử, có những quan niệm khác nhau về khái niệm tội phạm. Việc đưa ra khái niệm này có ý nghĩa quan trọng trong việc phân biệt hành vi nào là tội phạm, hành vi nào không phải là tội phạm.
Khoản 1 Điều 8 BLHS năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 đã đưa ra khái niệm tội phạm như sau:
“1. Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong BLHS, do người có năng lực TNHS hoặc pháp nhân thương mại thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, xâm phạm chế độ chính trị, chế độ kinh tế, nền văn hóa, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, xâm phạm quyền con người, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, xâm phạm những lĩnh vực khác của trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa mà theo quy định của Bộ luật này phải bị xử lý hình sự. 2. Những hành vi tuy có dấu hiệu của tội phạm nhưng tính chất nguy hiểm cho xã hội không đáng kể thì không phải là tội phạm và được xử lý bằng các biện pháp khác. “
Về mặt khoa học pháp lý, thì tội phạm được hiểu là: “hành vi nguy hiểm cho xã hội, được quy định trong PLHS (hay còn gọi là trái PLHS hoặc bị PLHS cấm), do cá nhân (người) có năng lực TNHS và đủ tuổi chịu TNHS thực hiện một cách có lỗi (cố ý hoặc vô ý)”.
Về mặt khoa học pháp lý hay pháp luật thực định đều nhận thấy rằng, tội phạm có những đặc điểm sau: (1) Tính nguy hiểm cho xã hội; (2) Tính trái PLHS; (3) Tính chất lỗi; (4) Được thực hiện bởi người có năng lực TNHS; (5) Đủ tuổi chịu TNHS. Một số quan điểm khác cho rằng tội phạm có một đặc điểm nữa đó là “tính phải chịu hình phạt”. Tuy nhiên không thể coi đây là dấu hiệu cơ bản, bắt buộc và độc lập của tội phạm bởi ngoài hình phạt còn các hình thức khác của TNHS và cũng nhiều trường hợp tội phạm không phải chịu hình phạt trong thực tiễn xét xử. Do đó đối với đặc điểm này không nên coi là đặc điểm bắt buộc phải có của tội phạm mà phải là những dấu hiệu cơ bản nhất đã được đề cập ở trên. Bất kỳ hành vi nào phải thỏa mãn đồng thời 05 yếu tố này mới được coi là tội phạm. Do đó tất cả các hành vi phạm tội được quy định tại BLHS cũng mang đầy đủ những dấu hiệu pháp lý trên. Và hành vi “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” cũng không ngoại lệ.
Theo Điều 360 BLHS năm 2015 quy định về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng như sau:
1. Người nào có chức vụ, quyền hạn vì thiếu trách nhiệm mà không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao thuộc một trong các trường hợp sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 179, 308 và 376 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 05 năm:
a) Làm chết người
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%; d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Làm chết 02 người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%; c) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm:
a) Làm chết 03 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
c) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
4. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm,
Soi chiếu quy định của luật vào kiến thức của lý luận thấy rằng, hành vi trên đã bao gồm đầy đủ 05 dấu hiệu pháp lý đó là:
* Hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng được quy định trong BLHS do Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ban hành tức bị luật hình sự cám nên nghiễm nhiên hành vi này có tính trái pháp luật mà cụ thể là trái PLHS.
Hành vi “gây hậu quả nghiêm trọng” mà hậu quả này được lượng hóa chi tiết tại từng điều khoản đó là: làm chết người, gây tổn hại đến sức khỏe, gây thiệt hại về tài sản … tức gây hậu quả nguy hiểm đáng kể chứ không đơn thuần là gây hậu quả nên có tính nguy hiểm cho xã hội.
Hành vi này được thực hiện do người đã thành niên (đủ tuổi chịu TNHS theo quy định của pháp luật), có nhận thức, lý trí, ý chí và khả năng điều khiển hành vi với tâm lý có khả năng thấy trước hậu quả do hành vi của mình gây ra nên mang tính có lỗi, tính đủ tuổi chịu TNHS và tính có năng lực TNHS.
Cuối cùng, có thể xem xét thêm một khía cạnh đó là: hành vi này được quy định rõ về TNHS đối với chủ thể thực hiện như: phạt cải tạo không giam giữ, phạt tù, cấm đảm nhiệm chức vụ, nên nó mang tính phải chịu hình phạt. Đây có thể được xem xét là một đặc điểm nhỏ đối với loại tội này bởi mỗi loại tội phạm lại chịu một hình thức TNHS khác nhau.
Tuy nhiên nếu chỉ xét đơn thuần về tính chất của hành vi là thiếu trách nhiệm và khả năng gây hậu quả của hành vi đối với lợi ích của Nhà nước, của xã hội thì sẽ không phân biệt được hành vi Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại Điều 360 với các hành vi “Thiếu trách nhiệm gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp” quy định tại Điều 179 BLHS; hành vi “Thiếu trách nhiệm trong việc giữ vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ gây hậu quả nghiêm trọng” quy định tại Điều 308 BLHS và hành vi “Thiếu trách nhiệm để người bị bắt, người bị tạm giữ, tạm giam, người đang chấp hành án phạt tù trốn” quy định tại Điều 376 BLHS. Do đó trong điều văn của điều luật đã quy định rõ “nếu không thuộc trường hợp quy định tại các Điều 179, 308 và 376 của Bộ luật này” để loại trừ các hành vi tương tự, tập trung chủ yếu vào hành vi Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng ở những trường hợp còn lại.
Từ đây tác giả đưa ra khái niệm Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng như sau:
Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong BLHS do người có chức vụ, quyền hạn vì thiếu trách nhiệm đã không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức mà gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tài sản của con người và tài sản của cơ quan, tổ chức.
4. Điểm đặc trưng của tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng:
Nhìn vào khái niệm ở trên, có thể nhận ra 3 điểm đặc trưng của tội phạm này chính là:
– Một là, người thực hiện hành vi phạm tội phải là người có chức vụ, quyền hạn. Chức vụ là khái niệm gắn với sự đảm nhiệm một vai trò, một địa vị nào đó trong một tổ chức, tập thể. Chức vụ có được là do bổ nhiệm, do bầu cử, do hợp đồng hoặc một hình thức khác. Ví dụ như: Chủ tịch, Viện trưởng, Giám đốc, Trưởng phòng, … . Và khi chức vụ này được gắn với một cá nhân nào đó thì cá nhân đó được coi là người có chức vụ. Những người đó có thể là: Người đại diện chính quyền; Người thực hiện chức năng hành chính kinh tế; Người thực hiện chức năng tổ chức quản lý; Người làm công việc thuần túy chuyên môn kỹ thuật; .. . Chẳng hạn: Bác sĩ được giao nhiệm vụ khám sức khỏe để tuyển dụng cán bộ, viên chức; thủ kho được giao nhiệm vụ quản lý kho hàng của công ty, dân phòng đang đuổi bắt tội phạm…
– Hai là: Người này do thiếu trách nhiệm. Tức hành vi mà họ thực hiện được đặc trưng bởi tính “thiếu trách nhiệm” chứ không phải một hành vi thông thường. Tính chất này sẽ được tác giả phân tích tại Chương 2 của Luận văn.
– và Ba là Gây hậu quả nghiêm trọng (mà hậu quả này phải là những hậu quả do luật định). Đối với tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, thì việc xác định được thế nào là “hậu quả nghiêm trọng” là rất quan trọng, mang tính định tội.
Hậu quả nghiêm trọng là những thiệt hại được xác định và có cơ sở xác định là nghiêm trọng về tài sản, về vật chất hay tinh thần, thiệt hại về uy tín, danh dự, tài sản của CQNN, của tổ chức và cá nhân.
Nếu thiếu một trong 3 đặc điểm này sẽ không còn là hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng nữa mà có thể sẽ cấu thành một hành vi phạm tội khác hoặc không đủ cấu thành hành vi phạm tội.