Hiện nay, trong hoạt động của nhiều công ty, xảy ra một số trường hợp kế toán chiếm đoạt tiền tài sản của công ty. Vậy kế toán chiếm đoạt tiền của công ty sẽ bị phạt bao nhiêu năm tù?
Mục lục bài viết
1. Kế toán chiếm đoạt tiền công ty bị phạt tù bao nhiêu năm?
Kế toán của hành vi chiếm đoạt tiền của công ty hoàn toàn có thể bị xử lý về tội tham ô tài sản căn cứ theo quy định tại Điều 353 của Bộ luật hình sự năm 2015. Theo đó, tội phạm của tội tham ô đòi hỏi chủ thể phải là chủ thể đặc biệt, bởi vì chỉ những người có những dấu hiệu đặc biệt mới trở thành chủ thể của tội tham ô và mới thực hiện được những hành vi xâm phạm đến khách thể bộ luật hình sự quy định cho tội phạm này. Chủ thể của tội tham ô tài sản phải là những người có chức vụ, có quyền hạn nhất định trong quá trình quản lý tài sản, trong đó có kế toán. Những người không có chức vụ và quyền hạn quản lý tài sản của doanh nghiệp thì sẽ không thể trở thành chủ thể của tội tham ô tài sản, mà chỉ có thể là đồng phạm tham ô với vai trò là người xúi giục, người giúp sức hoặc người tổ chức.
Về chủ thể của tội tham ô tài sản, nói một cách khái quát thì đó là những người có trách nhiệm quản lý tài sản tại các doanh nghiệp hoặc tại các công ty. Trách nhiệm quản lý tài sản này có thể có được do chức vụ, quyền hạn hoặc do đối tượng phạm tội đảm nhiệm bất kỳ một chức trách công tác nhất định nào đó. Trách nhiệm quản lý tài sản có thể là trách nhiệm quản lý về mọi mặt như trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan, hoặc cũng có thể là trách nhiệm quản lý trên một số lĩnh vực nhất định như trách nhiệm giữ tài sản, bảo quản tài sản của thủ kho, thủ quỹ … hoặc quản lý trên các văn bản giấy tờ như kế toán.
Hành vi khách quan của tội tham ô tài sản được quy định là hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt tài sản mà mình đang quản lý. Người phạm tội đã lợi dụng trách nhiệm quản lý tài sản của mình để chiếm đoạt tài sản trái quy định của pháp luật. Thủ đoạn lợi dụng trách nhiệm quản lý tài sản có thể khác nhau nhưng suy cho cùng thì đều sử dụng chức vụ, quyền hạn của mình, đó là điều kiện bắt buộc để dễ dàng biến tài sản được giao thành tài sản của mình. Khi thực hiện xong hành vi chiếm đoạt, người phạm tội có thể có những thủ đoạn gian dối như là các loại giấy tờ giả, sửa chữa sổ sách, sửa chữa giấy tờ … tuy nhiên những thủ đoạn này không được quy định là dấu hiệu bắt buộc trong mặt khách quan của tội tham ô tài sản. Hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý sẽ cấu thành hành vi khách quan của tội tham ô tài sản trong các trường hợp sau:
– Tài sản chiếm đoạt có giá trị từ 2.000.000 đồng trở lên;
– Chủ thể đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này;
– Chủ thể đã bị kết án về một trong các tội được quy định từ Điều 353 đến Điều 359 của Bộ luật hình sự năm 2015 và chưa thực hiện thủ tục xóa án tích.
Theo đó thì có thể nói, kế toán có hành vi chiếm đoạt tài sản của công ty tùy vào mức độ phạm tội khác nhau mà có thể phải chịu các khung hình phạt như sau:
– Khung hình phạt cơ bản được quy định là phạt tù từ 02 năm đến 07 năm;
– Khung hình phạt tăng nặng thứ nhất được quy định là hình phạt tù từ 07 năm đến 15 năm;
– Khung hình phạt tăng nặng thứ hai được quy định là hình phạt tù từ 15 năm đến 20 năm;
– Khung hình phạt tăng nặng thứ ba được quy định là hình phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình;
– Khung hình phạt bổ sung có thể được áp dụng là hình phạt cấm đảm nhiệm chức vụ trong khoảng thời gian từ 01 năm đến 05 năm, hình phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Như vậy có thể nói, pháp luật hiện nay không quy định cụ thể về việc kế toán có hành vi chiếm đoạt tài sản của công ty thì sẽ bị phạt bao nhiêu năm tù. Tùy thuộc vào mức độ vi phạm và số tiền chiếm đoạt của kế toán tại công ty, kế toán đó sẽ bị xử phạt với khung hình phạt tương ứng. Tuy nhiên theo quy định nêu trên, mức hình phạt cao nhất cho hành vi này đó là án tử hình.
3. Kế toán chiếm đoạt tiền công ty được miễn trách nhiệm hình sự trong trường hợp nào?
Căn cứ miễn trách nhiệm hình sự hiện nay đang được quy định cụ thể tại Điều 29 của Bộ luật hình sự năm 2015. Cụ thể như sau:
– Người phạm tội theo quy định của pháp luật sẽ được miễn trách nhiệm hình sự khi có một trong những căn cứ cơ bản sau đây:
+ Trong quá trình tiến hành hoạt động điều tra, truy tố hoặc xét xử theo quy định của pháp luật, do có sự xuất hiện hoặc có sự thay đổi về chính sách pháp luật làm cho hành vi phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội;
+ Khi có quyết định đại xá bởi chủ thể có thẩm quyền.
– Người phạm tội có thể sẽ được miễn trách nhiệm hình sự khi có một trong những căn cứ cơ bản như sau:
+ Trong quá trình tiến hành hoạt động điều tra, truy tố, xét xử do biến chuyển của tình hình, mà người phạm tội không còn có khả năng gây nguy hiểm cho xã hội;
+ Trong quá trình tiến hành hoạt động điều tra, truy tố hoặc xét xử, người phạm tội mắc các chứng bệnh hiểm nghèo dẫn đến không còn khả năng gây nguy hiểm cho xã hội;
+ Trước khi hành vi phạm tội bị phát giác trên thực tế, người phạm tội đã có hành vi tự thú, khai rõ và trình báo rõ ràng về sự việc, góp phần nâng cao hiệu quả trong quá trình phát hiện và điều tra tội phạm của các lực lượng chức năng, cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả của tội phạm, có hành vi lập công lớn tại cơ quan có thẩm quyền, có công hiến đặc biệt và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền và xã hội thừa nhận.
– Người phạm tội thực hiện hành vi phạm tội nghiêm trọng xuất phát từ lỗi vô ý hoặc phạm tội ít nghiêm trọng, gây thiệt hại về tính mạng hoặc sức khỏe, danh dự và nhân phẩm, tài sản của người khác, đã tự nguyện sửa chữa và bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật, đã có hành vi khắc phục hậu quả trong phạm vi cần thiết, được người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của người bị hại tự nguyện và dài trên thực tế, những người đó đã có đơn đề nghị miễn trách nhiệm hình sự cho người phạm tội, thì theo quy định của pháp luật, trong trường hợp này người phạm tội cũng có thể sẽ được miễn trách nhiệm hình sự.
3. Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được quy định như thế nào?
Pháp luật hiện nay đã có quy định cụ thể về thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự. Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự hiện nay đang được thực hiện theo quy định tại Điều 27 của Bộ luật hình sự năm 2015. Cụ thể như sau:
– Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là khoảng thời gian do bộ luật hình sự năm 2015 quy định, khi hết thời hạn đó thì người phạm tội sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự trên thực tế với hành vi phạm tội của mình;
– Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ được quy định dựa trên loại tội phạm, cụ thể như sau:
+ 05 năm đối với loại tội phạm ít nghiêm trọng;
+ 10 năm đối với loại tội phạm nghiêm trọng;
+ 15 năm đối với loại tội phạm rất nghiêm trọng;
+ 20 năm đối với loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
– Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật sẽ được tính kể từ ngày tội phạm được thực hiện trên thực tế.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).