Hình phạt áp dụng với tội phạm hiếp dâm người dưới 16 tuổi. Đường lối xử lý đối với tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi.
Theo quy định tại Điều 142 BLHS năm 2015 thì người phạm tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi có thể bị áp dụng các hình phạt gồm: Hình phạt chính (tù có thời hạn, tù chung thân, tử hình) và hình phạt bổ sung (cấm đảm nhiệm cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định).
Mục lục bài viết
1. Hình phạt chính tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi:
* Khoản 1 Điều 142 BLHS năm 2015: Đây là khung cơ bản có mức hình phạt tù từ 07 năm đến 15 năm được áp dụng đối với các trường hợp người phạm tội thực hiện hành vi:
– Dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi trái với ý muốn của họ;
– Giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người dưới 13 tuổi không phụ thuộc vào việc có trái với ý muốn của nạn nhân hay không. Như vậy, trong trường hợp chỉ có một người hiếp một người mà nạn nhân đã đủ 13 tuổi nhưng chưa đủ 16 tuổi và không có tình tiết quy định tại khoản 2 Điều 142 thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 142 BLHS năm 2015 có khung hình phạt từ 07 năm đến 15 năm tù, là tội rất nghiêm trọng. Việc xác định trường hợp phạm tội này chủ yếu là xác định tuổi của người bị hại.
* Khoản 2 Điều 142 BLHS năm 2015: Đây là khung tăng nặng thứ nhất có khung hình phạt tù từ 12 năm đến 20 năm được áp dụng đối với các trường hợp có một trong các tình tiết định khung tăng nặng sau:
– Có tính chất loạn luân (điểm a khoản 2 Điều 142):
Theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị quyết 06/2019/NQ-HĐTP ngày 01/10/2019 của Hội đồng thẩm phán TANDTC hướng dẫn áp dụng một số quy định tại các điều 141, 142, 143, 144, 145, 146, 147 của BLHS và việc xét xử vụ án xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi thì có tính chất loạn luân là các hành vi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
+ Phạm tội đối với người cùng dòng máu về trực hệ, với anh chị em cùng cha mẹ, anh chị em cùng cha khác mẹ hoặc cùng mẹ khác cha; mẹ kế;
+ Phạm tội đối với cô ruột, dì ruột, chú ruột, bác ruột, cậu ruột, cháu ruột;
+ Phạm tội đối với con nuôi, bố nuôi, mẹ nuôi;
+ Phạm tội đối với con riêng của vợ, con riêng của chồng, bố dượng,
+ Phạm tội đối với con dâu, bố chồng, mẹ vợ, con rể.
Các hành vi thuộc trường hợp phạm tội có tính chất loạn luân nêu trên bị xã hội lên án gay gắt, không chỉ xâm phạm nghiêm trọng đến các giá trị đạo đức mang tính nền tảng trong mối quan hệ gia đình cũng như xã hội, đi ngược lại với đạo đức, luân lý, truyền thống, là biểu hiện của sự suy đồi, thoái hóa về đạo đức của người phạm tội, mà còn gây ra những ảnh hưởng đặc biệt tiêu cực tới sự phát triển của giống nòi do các đặc điểm về di truyền học. Do đó, mức hình phạt đối với hành vi này cũng rất nghiêm khắc là hết sức cần thiết và phù hợp.
– Làm nạn nhân có thai (điểm b khoản 2 Điều 142):
Tình tiết này đòi hỏi việc nạn nhân mang thai phải là kết quả của việc giao cấu giữa người phạm tội và nạn nhân. Trường hợp nạn nhân tuy có bị hiếp dâm nhưng việc nạn nhân có thai lại là kết quả của việc giao cấu giữa nạn nhân với người khác thì người phạm tội hiếp dâm không phải chịu tình tiết “làm nạn nhân có thai”. Nói chung, thực tiễn xét xử cho thấy trường hợp phạm tội này thường xảy ra đối với người người phạm tội thực hiện hành vi giao cấu với nạn nhân nhiều lần, người phạm tội không từ chối cái thai trong bụng nạn nhân là của mình nên rất ít khi phải trưng cầu giám định. Tuy nhiên, kết quả giám định cũng không phải là chứng cứ duy nhất để xác định cái thai trong bụng nạn nhân có phải là của người phạm tội không. Vì vậy, để xác định nạn nhân có thai có đúng là do hành vi hiếp dâm gây ra hay không, cần phải đánh giá một cách khách quan toàn diện; chỉ khi nào có đủ căn cứ xác định nạn nhân có thai là do hành vi hiếp dâm gây ra thì người phạm tội hiếp dâm mới phải chịu trách nhiệm về tình tiết định khung tăng nặng này. Ngoài ra, khi xác định nạn nhân có thai cần chú ý thời điểm có thai đối với nạn nhân bị hiếp dâm nhiều lần, trong đó có hai lần nạn nhân chưa đủ 16 tuổi, có lần nạn nhân đã đủ 16 tuổi và lần có thai lại là lần nạn nhân đã đủ 16 tuổi thì không thuộc trường hợp hiếp dâm trẻ em làm nạn nhân có thai mà thuộc trường hợp phạm tội nhiều lần quy định tại điểm g khoản 2 Điều 141 BLHS năm 2015.
– Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% (điểm c khoản 2 Điều 142)
Trước đây điểm c khoản 2 Điều 112 BLHS năm 1999 chỉ quy định “Gây tổn hại cho sức khoẻ của nạn nhân mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60%” nay điểm c khoản 2 Điều 142 BLHS năm 2015 quy định “Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%” tức là đã bổ sung thêm tình tiết gây thương tích … hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân”.
Như vậy, gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% là trường hợp để thực hiện hành vi khách quan của tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi, người phạm tội đã gây thương tích hoặc tổn hại cho sức khỏe của nạn nhân, tỷ lệ tổn thương có thể này là hậu quả của hành vi khách quan của hành vi hiếp dâm. Việc xác định thương tích hay tổn hại sức khỏe của nạn nhân phải căn cứ vào Kết luận giám định của Hội đồng giám định pháp y.
Vậy hiểu như thế nào là “hành vi của nạn nhân”? Việc quy định như trên quả là khó hiểu. Do đó, có ý kiến cho rằng “Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%” là đủ. Không cần phải quy định “và hành vi của nạn nhân” nữa; có ý kiến còn cho rằng có sự nhầm lẫn và cụm từ “và hành vi của nạn nhân” là thừa, vô nghĩa. Tuy nhiên, khi nhà làm luật đã quy định thì cần phải hiểu “Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân” là thế nào? Đúng là cụm từ “Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân” có thể có nhiều cách hiểu khác nhau: Cách hiểu thứ nhất: Là nạn nhân chỉ bị rối loạn tâm thần hoặc rối loạn hành vi; Cách hiểu thứ hai: Là nạn nhân phải bị rối loạn tâm thần, đồng thời rối loạn cả hành vi vì nhà làm luật dùng kết từ “và”. Nếu nạn nhân chỉ bị gây rối loạn tâm thần hoặc rối loạn hành vi thì nhà làm luật phải dùng kết từ “hoặc”. Thông thường nạn nhân bị rối loạn tâm thần thì đồng thời cũng bị rối loạn hành vi. Tuy nhiên có nhiều trường hợp nạn nhân không bị rối loạn tâm thần mà chỉ bị rối loạn hành vi thường là đối với nạn nhân ở độ tuổi chưa thành niên dưới 13 tuổi. Tác giả đồng ý với cách hiểu thứ hai này.
Đối với người mà người phạm tội có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh (điểm d khoản 2 Điều 142)
Đây là trường hợp người phạm tội có nghĩa vụ chăm sóc, giáo dục hoặc chữa bệnh đối với nạn nhân. Nghĩa vụ này xuất phát từ mối quan hệ chăm sóc như bố mẹ đối với con cái, quan hệ giáo dục như thầy cô giáo đối với học trò, quan hệ chữa bệnh như bác sĩ với bệnh nhân … Người phạm tội chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự đối với tình tiết định khung này trong trường hợp người phạm tội lợi dụng việc mình chăm sóc, giáo dục hoặc chữa bệnh cho nạn nhân để thực hiện hành vi hiếp dâm. Ngược lại, nếu việc thực hiện hành vi hiếp dâm không liên quan đến việc chăm sóc, giáo dục hoặc chữa bệnh thì người phạm tội không phải chịu tình tiết này.
– Phạm tội 02 lần trở lên (điểm đ khoản 2 Điều 142)
Là trường hợp 01 người hiếp 01 người từ 02 lần trở lên và mỗi lần hiếp dâm đều có đủ yếu tố cấu thành tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi. Nếu trong các lần có hành vi giao cấu hoặc quan hệ tình dục khác với nạn nhân nhưng chỉ có 01 lần cấu thành tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi thì không phải phạm tội 02 lần trở lên. Trường hợp có nhiều người phạm tội hiếp dâm 01 người, trong đó mỗi người hiếp dâm nạn nhân 01 lần thì không thuộc trường hợp này, mà tùy trường hợp người phạm tội bị áp dụng tình tiết hiếp dâm có tổ chức hoặc nhiều người hiếp 01 người.
Khi xác định tình tiết phạm tội 02 lần trở lên cần lưu ý tất cả các lần hiếp dâm nạn nhân đều dưới 16 tuổi, nếu chỉ có 01 lần nạn nhân dưới 16 tuổi còn các lần khác nạn nhân đã đủ 16 tuổi thì người phạm tội không phải chịu tình tiết định khung tăng nặng này. Tuy nhiên, trong trường hợp nhiều lần hiếp dâm 01 người nhưng chỉ có 01 lần nạn nhân dưới 16 tuổi, còn các lần khác nạn nhân đủ 16 tuổi vậy trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội trong trường hợp này như thế nào? Vấn đề này hiện nay về mặt lý luận và cả thực tiễn xét xử đang tồn tại các ý kiến khác nhau:
Quan điểm thứ nhất cho rằng, nếu phạm tội hiếp dâm 02 lần trong đó có 01 lần nạn nhân chưa đủ 16 tuổi, còn lần khác nạn nhân đã đủ 16 tuổi thì người phạm tội chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 142 BLHS năm 2015.
Quan điểm thứ hai cho rằng, chỉ cần truy cứu trách nhiệm hình sự người phạm về tội hiếp dâm có tình tiết phạm tội 02 lần trở lên.
Quan điểm thứ ba cho rằng, cần truy cứu trách nhiệm hình sự người phạm tội về cả hai tội: Tội hiếp dâm theo khoản 1 Điều 141 và tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi theo khoản 1 Điều 142 và tổng hợp hình phạt theo Điều 103 BLHS năm 2015 vì người phạm tội đã thực hiện 02 hành vi phạm tội vào 02 thời điểm khác nhau mặc dù cùng xâm phạm đến cùng 01 người bị hại và mỗi lần thực hiện hành vi hiếp dâm đều CTTP độc lập. Nếu hiếp 03 lần trở lên trong đó chỉ có 01 lần nạn nhân dưới 16 tuổi thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 142 và điểm d khoản 2 Điều 141 (phạm tội nhiều lần) sau đó tổng hợp hình phạt theo Điều 103 BLHS năm 2015. Tác giả đồng tình với lập luận và quan điểm thứ ba này.
– Đối với 02 người trở lên (điểm e khoản 2 Điều 142): Khi xác định hành vi phạm tội này cần phân biệt:
Nếu 01 người hiếp dâm 02 người trở lên và tất cả các nạn nhân chỉ bị hiếp dâm 01 lần thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điểm e khoản 2 Điều 142.
Nếu 01 người hiếp dâm 02 người trở lên, trong đó có nạn nhân bị hiếp dâm 01 lần, có nạn nhân bị hiếp dâm nhiều lần thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự cả 02 điểm đ, e khoản 2 Điều 142.
Nếu có nhiều người phạm tội (phạm tội có tổ chức hoặc đồng phạm thông thường) trong đó có nhiều người bị hiếp nhưng tất cả nạn nhân chỉ bị hiếp 01 lần thì tất cả người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điểm đ khoản 2 Điều 142, nếu là phạm tội có tổ chức còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điểm điểm a khoản 2 Điều 142, nếu có người bị hiếp nhiều lần còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điểm đ khoản 2 Điều 142.
Khi áp dụng tình tiết này cần chú ý là hiếp dâm 02 người trở lên thì tất cả những người bị hiếp dâm đều phải dưới 16 tuổi.
Tương tự như đối với trường hợp hiếp dâm 02 lần trở lên, nếu có 02 người bị hiếp nhưng chỉ có 01 người dưới 16 tuổi, còn 01 người trên 16 tuổi thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự về 02 tội và tổng hợp hình phạt theo Điều 103 BLHS năm 2015.
– Tái phạm nguy hiểm (điểm g khoản 2 Điều 142)
Theo quy định tại khoản 2 Điều 54 BLHS năm 2015, được coi là tái phạm nguy hiểm nếu thuộc một trong các trường hợp sau: Một là, đã bị kết án về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý mà cụ thể trong trường hợp này là thực hiện hành vi hiếp dâm người dưới 16 tuổi quy định tại khoản 1, 2 và 3 Điều 142; Hai là, đã tái phạm, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội do cố ý.
Như vậy, so với quy định tại khoản 2 Điều 111 BLHS năm 1999 thì khoản 2 Điều 142 BLHS năm 2015 nhẹ hơn mặc dù khung hình phạt đều là từ 12 năm tù đến 20 năm tù nhưng quy định tại khoản 2 Điều 142 BLHS năm 2015 không quy định các trường hợp “có tổ chức” và “nhiều người hiếp một người” là tình tiết định khung. Do đó, hành vi phạm tội được thực hiện trước 0giờ 00 phút ngày 01/01/2018 mà sau 0 giờ 00 phút ngày 01/01/2018 mới bị phát hiện, điều tra, truy tố và xét xử thì các cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng quy định của BLHS năm 2015 để truy cứu trách nhiệm hình sự người phạm tội.
* Khoản 3 Điều 142 BLHS năm 2015: Đây là khung tăng nặng thứ hai và là khung tăng nặng nhất của Điều luật, có khung hình phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình được áp dụng đối với các trường hợp có một trong các tình tiết định khung tăng nặng sau:
– Có tổ chức (điểm a khoản 3 Điều 142)
Hiếp dâm người dưới 16 tuổi có tổ chức là hình thức đồng phạm có sự câu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm. Tại Điều 17 BLHS năm 2015 ghi nhận: “Đồng phạm nghĩa là có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm”. Trong đó, người đồng phạm bao gồm: Người tổ chức, người thực hành, người xúi giục, người giúp sức (Khoản 2, 3 Điều 17 BLHS năm 2015). Nhưng phạm tội có tổ chức là hình thức đồng phạm có sự câu kết chặt chẽ hơn. Đối với tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi có tổ chức có thể tất cả những người tham gia đều là người thực hành, nhưng cũng có trường hợp người tham gia không phải là người thực hành mà có thể là người giúp sức hoặc chủ mưu …
Quy định tình tiết này trong khung tăng nặng này là cần thiết vì hành vi phạm tội có tổ chức thì mức độ nguy hiểm cao hơn, hậu quả để lại cho người bị hại cũng như xã hội cũng nghiêm trọng hơn. Tuy nhiên, trách nhiệm hình sự đối với mỗi người phụ thuộc vào tính chất, mức độ, cũng như vai trò của từng người trong việc thực hiện hành vi phạm tội.
– Nhiều người hiếp một người (điểm b khoản 3 Điều 142)
Nhiều người hiếp một người là trường hợp 02 người trở lên hiếp dâm 01 người. Cũng được coi là “nhiều người hiếp một người”, nếu có từ 02 người trở lên cùng bàn bạc, thống nhất sẽ thay nhau hiếp dâm 01 người, nhưng vì lý do ngoài ý muốn mới có 01 người thực hiện được hành vi hiếp dâm. Không coi là “nhiều người hiếp một người”, nếu từ 02 người trở lên câu kết với nhau tổ chức, giúp sức cho 01 người hiếp dâm (trường hợp này là đồng phạm).
Khác với trường hợp phạm tội có tổ chức thì trường hợp nhiều người hiếp 01 người thì tất cả những người tham gia đều thực hiện hành vi giao cấu hoặc quan hệ tình dục khác với nạn nhân là người dưới 16 tuổi. Trong số những người thực hiện có thể chỉ có 01 người thực hiện hành vi giao cấu với nạn nhân, còn những người còn lại thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với nạn nhân. Nếu trong vụ án phạm tội có tổ chức mà có từ 02 người trở lên giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với nạn nhân thì người giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với nạn nhân phải bị áp dụng 02 tình tiết định khung tăng nặng là “có tổ chức” và “nhiều người hiếp một người”.
– Đối với người dưới 10 tuổi (điểm c khoản 3 Điều 142)
Đây là trường hợp tăng nặng đặc biệt nghiêm trọng của tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi. Việc quy định hành vi hiếp dâm người dưới 10 tuổi là tình tiết định khung tăng nặng có ý nghĩa rất quan trọng, bởi lẽ ở độ tuổi này các em còn quá non nớt về tâm, sinh lý cũng như thể chất, chưa thể tự mình bảo vệ mình hoặc đưa ra cách hành xử đúng đắn và dễ bị dụ dỗ, mua chuộc hay chống cự lại các hành vi xâm hại, do đó, việc quy định như vậy nhằm bảo đảm tối ưu quyền bất khả xâm phạm về thân thể, danh dự, nhân phẩm và tình dục đối với người dưới 16 tuổi, đặc biệt là người dưới 10 tuổi. Vì vậy, quá trình điều tra, truy tố, xét xử cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng cần phải sử dụng mọi biện pháp nghiệp vụ để chứng minh được tuổi của người bị hại làm căn cứ định khung hình phạt đúng đối với người phạm tội. Việc xác định tuổi của bị hại có thể căn cứ vào giấy khai sinh của họ, nhưng trong một số trường hợp bị hại không có giấy khai sinh hoặc giấy khai sinh không đúng với tuổi thật của họ, do đó để xác định đúng tuổi của bị hại thì cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng có thể trưng cầu giám định xương hoặc sử dụng các biện pháp nghiệp vụ khác để làm rõ yếu tố này nhằm đảm bảo việc điều tra, truy tố cũng như xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Tuổi của nạn nhân là yếu tố khách quan không phụ thuộc vào ý chí của con người, vì vậy pháp luật hiện hành quy định người phạm tội thực hiện hành vi hiếp dâm đối với người dưới 16 tuổi mà cụ thể trong trường hợp này nạn nhân là người dưới 10 tuổi là đã phạm tội này mà không phụ thuộc vào việc người phạm tội có biết tuổi thật của bị hại hay không là phù hợp.
– Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên (điểm d khoản 3 Điều 142)
Trường hợp này tương tự trường hợp quy định tại điểm c khoản 2 Điều 142 BLHS năm 2015 chỉ khác tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên và người phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự với khung hình phạt cao hơn.
– Biết mình bị nhiễm HIV mà vẫn phạm tội (điểm đ khoản 3 Điều 142)
Đây là trường hợp người phạm tội biết mình bị nhiễm HIV nhưng vẫn thực hiện hành vi hiếp dâm đối với người dưới 16 tuổi, tức là người phạm tội bỏ mặc hậu quả xảy ra cho nạn nhân. Cũng có trường hợp người phạm tội mong muốn cho nạn nhân bị lây nhiễm HIV để trả thù. Tuy nhiên nếu không hiếp dâm mà dùng các thủ đoạn khác để lây truyền HIV cho nạn nhân thì thuộc trường hợp phạm tội “Lây truyền HIV cho người khác” theo quy định tại Điều 148 BLHS năm 2015. Khi áp dụng áp dụng tình tiết này đối với người phạm tội cần chú ý các điểm sau:
Nếu có căn cứ cho rằng người phạm tội biết mình bị nhiễm HIV mà vẫn hiếp dâm nạn nhân thì mới áp dụng tình tiết này, nếu người phạm tội bị nhiễm HIV nhưng họ không biết, sau khi phạm tội cơ quan y tế mới xét nghiệm thấy người phạm tội bị nhiễm HIV thì không áp dụng tình tiết này đối với người phạm tội. Đây là tình tiết thuộc ý thức chủ quan của người phạm tội nên các cơ quan tiến hành tố tụng cần phải xác định người phạm tội biết rõ mình bị nhiễm HIV thì mới thuộc trường hợp này.
Chỉ cần xác định người phạm tội biết mình bị nhiễm HIV mà vẫn hiếp dâm là thuộc trường hợp phạm tội này mà không cần phải xác định người bị hại có có bị nhiễm HIV hay không.
– Làm nạn nhân chết hoặc tự sát (điểm a khoản 3 Điều 142)
Đây là trường hợp nạn nhân chết hoặc tự sát do hành vi hiếp dâm của người phạm tội gây ra. Nếu nạn nhân chết hoặc tự sát không phải do nguyên nhân bị hiếp dâm mà do một nguyên nhân khác thì người phạm tội không phải chịu tình tiết định khung tăng nặng này. Trường hợp nạn nhân tự sát do hành vi hiếp dâm của người phạm tội thì hậu quả nạn nhân có chết hay không, không phải là dấu hiệu bắt buộc của tình tiết định khung tăng nặng này.
Khi quyết định hình phạt cụ thể đối với người phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 142 này, ngoài việc
2. Hình phạt bổ sung tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi:
Ngoài các hình phạt chính quy định tại khoản 1, 2 và 3 Điều 142 thì BLHS năm 2015 còn quy định thêm hình phạt bổ sung tại khoản 4 Điều 142 đối với tội này như sau: “Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”
Căn cứ quy định tại Điều 41, đối chiếu với quy định tại Điều 142 BLHS năm 2015 thì hình phạt bổ sung nêu trên chỉ áp dụng đối với người bị kết án về tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi mà hình phạt là phạt tù có thời hạn. Còn đối với người bị kết án chung thân hoặc tử hình thì không áp dụng hình phạt bổ sung này. Việc quy định thêm hình phạt bổ sung nêu nhằm mục đích hạn chế việc người phạm tội tiếp tục thực hiện hành vi phạm tội.