Khái quát lịch sử lập pháp Việt Nam về tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi: Từ Giai đoạn từ năm 1945 đến trước khi BLHS năm 1999 có hiệu lực pháp luật.
Mục lục bài viết
1. Giai đoạn từ năm 1945 đến trước khi BLHS năm 1985 có hiệu lực pháp luật:
Trong giai đoạn từ năm 1945 đến năm 1954: Tháng Tám năm 1945 nhân dân Việt Nam đã đứng lên làm cuộc Cách mạng tháng Tám vĩ đại xóa bỏ chế độ thực dân – phong kiến, lập nên chính thể Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Nhà nước Cộng hoà dân chủ nhân dân non trẻ vừa ra đời đã phải tổ chức cho nhân dân vừa kháng chiến, vừa kiến quốc. Nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam trong giai đoạn này là: Bảo toàn lãnh thổ, giành độc lập hoàn toàn và kiến thiết quốc gia. Với tình hình kinh tế, chính trị như trên việc pháp điển hóa luật hình sự vào thời điểm này là chưa thể thực hiện được nên ngày 10/10/1945, Chủ tịch Chính phủ lâm thời đã ban hành Sắc lệnh số 47/SL theo đó xác định nguyên tắc: “Cho đến khi ban hành những bộ luật pháp duy nhất cho toàn cõi nước Việt Nam, các luật lệ hiện hành ở Bắc, Trung và Nam bộ vẫn tạm thời giữ nguyên như cũ, nếu những luật lệ ấy không trái với những điều thay đổi ấn định trong sắc lệnh này”. Nhìn chung về pháp luật của nước ta trong giai đoạn này chưa có văn bản nào thể hiện định nghĩa về tội phạm, mà chỉ quy định một số tội phạm cụ thể, các biện pháp pháp lý hình sự đối với từng tội phục vụ nhu cầu kháng chiến của dân tộc.
Đến giai đoạn từ năm 1954 đến năm 1975: Đây là giai đoạn đất nước ta bị chia cắt làm hai miền, với hai chế độ chính trị khác nhau. Sau khi Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954 giành chiến thắng, ngày 10/10/1954, bộ đội Việt Nam tiến vào tiếp quản Thủ đô, miền Bắc hoàn toàn độc lập. Đất nước ta bị chia cắt thành hai miền, đồng thời tiến hành hai chiến lược cách mạng ở hai miền gồm: Cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam, tiến tới hòa bình thống nhất Tổ quốc. Do đó, việc áp dụng các luật lệ cũ không còn phù hợp với tình hình nước ta nữa, vì vậy, ở miền Bắc vào ngày 30/6/1955 Bộ tư pháp đã ban hành Thông tư số 19/VHH-HS yêu cầu
Trong báo cáo tổng kết từ năm 1961 đến năm 1969, TANDTC rút kinh nghiệm về việc xử lý Tội hiếp dâm, đồng thời hướng dẫn xử lý một số hình thức phạm tội mới mà pháp luật chưa điều chỉnh. Để giúp cho các quy định pháp luật ngày càng hoàn thiện, đầy đủ và việc xử lý các hành vi phạm tội được dễ dàng, ngày 11/5/1967, TANDTC đã thông qua Bản tổng kết số 329/HS2 hướng dẫn đường lối xét xử Tội hiếp dâm trẻ em và các tội phạm xâm hại tình dục khác (gồm 04 hình thức phạm tội gồm: Hiếp dâm (bao gồm hiếp dâm trẻ em), cưỡng dâm, giao cấu với người dưới 16 tuổi và dâm ô). Tại báo cáo này có viết:
Nếu hiếp dâm làm chết người hoặc làm nạn nhân tự sát thì xử phạt từ 5 năm đến 20 năm. Trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng thì có thể xử đến chung thân hoặc tử hình. Nếu kèm theo tội hiếp dâm là cướp của, cần xét xử cả hai tội và tổng hợp hình phạt. Nếu tội hiếp dâm kèm theo tội giết người (cũng như tội giết người kèm theo tội hiếp dâm), không cần xử tổng hợp tội và có thể xử phạt đến tử hình, giảm nhẹ đối với các trường hợp là phạm tội chưa hoàn thành, tác hại hạn chế hoặc bị cáo ít tuổi hoặc có các tình tiết nhân thân của bị can như có cống hiến, thái độ hối cải ….
Bản tổng kết này cũng đã phân hóa, đánh giá mức độ nghiêm trọng của hành vi hiếp dâm nói chung và hành vi hiếp dâm trẻ em nói riêng, đồng thời chỉ ra đường lối xử lý đối với tội hiếp dâm trẻ em nặng hơn so với hành vi hiếp dâm người đã thành niên. Trong bối cảnh đất nước chưa có BLHS để quy định về việc xử lý các hành vi nguy hiểm cho xã hội thì việc ban hành các văn bản tổng kết nêu trên của TANDTC nêu trên có ý nghĩa vô cùng quan trọng làm căn cứ pháp lý cho việc giải quyết các vụ án hiếp dâm và hiếp dâm trẻ em, để quản lý đất nước, giữ vững ổn định, trật tự trong xã hội.
Từ năm 1975 đến trước khi ban hành BLHS năm 1985: Ngày 30/4/1975, chiến thắng chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đánh dấu sự kết thúc công cuộc kháng chiến chống Mỹ, đất nước ta hai miền được thống nhất nên việc thống nhất pháp luật và xây dựng hệ thống pháp luật mới là một trong những nhiệm vụ cấp bách. Vì vậy, tại kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa VI, Hội đồng Chính phủ đã ban hành Nghị quyết ngày 02/7/1976 đã thông qua chủ trương: Những văn bản pháp luật hiện hành ở hai miền đều được áp dụng chung trong cả nước vì đều xuất phát từ đường lối, chủ trương của Đảng. Đối với các tỉnh phía Nam, những sắc luật mới được ban hành cũng như văn bản pháp luật khác của Chính phủ cách mạng lâm thời vẫn tiếp tục được áp dụng. Nhưng nếu có điều khoản nào đã được quy định quá tổng quát, thì có thể và cần thiết phải vận dụng luật lệ đã được thi hành ở miền Bắc. Đối với vấn đề nào mà ở miền Nam chưa có luật lệ mà miền Bắc đã có, thì vận dụng luật lệ đang được thi hành ở miền Bắc nhưng phải xem xét, vận dụng vào tình hình, đặc điểm của miền Nam cho phù hợp. Đối với miền Bắc chưa có hoặc tuy đã có nhưng chưa thích hợp mà miền Nam đã có và tiến bộ hơn thì áp dụng luật lệ ở miền Nam. Một trong những văn bản nổi bật phải kể đến trong giai đoạn này là Sắc luật số 03-SL/76 ngày 15/3/1976 quy định các tội phạm và hình phạt, trong đó có quy định về nhóm tội xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của con người (bao gồm trong đó cả tội hiếp dâm).
Nhìn chung, pháp luật hình sự trong giai đoạn từ năm 1945 đến trước khi BLHS năm 1985 có hiệu lực pháp luật của nước ta mang đậm chất lịch sử, trong bối cảnh mới giành được độc lập, thống nhất đất nước nên nhiệm vụ hàng đầu được đặt ra là chống thù trong, giặc ngoài và xây dựng, củng cố Nhà nước non trẻ, vì vậy việc pháp điển hóa luật hình sự chưa thể thực hiện, các quy định về tội phạm và hình phạt nói chung và quy định về tội hiếp dâm, hiếp dâm người dưới 16 tuổi trong giai đoạn này chưa được hoàn thiện và cụ thể hóa.
2. Giai đoạn BLHS năm 1985 có hiệu lực pháp luật:
BLHS năm 1985 là BLHS đầu tiên của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, là nguồn duy nhất quy định về tội phạm và hình phạt mà không còn quy định rời rạc, dàn trải trong nhiều văn bản như trước đây. Việc pháp điển hóa Luật hình sự này đánh dấu bước tiến mới vượt bậc trong kỹ thuật lập pháp hình sự của nước ta, phù hợp với thực tiễn của tình hình tội phạm thời kỳ đó. Tội hiếp dâm (bao gồm cả hiếp dâm người dưới 16 tuổi) cũng được quy định tại BLHS năm 1985 như sau:
1. Người nào dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác giao cấu với người khác trái ý muốn của họ thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm.
2. Phạm tội hiếp dâm người chưa thành niên từ 13 tuổi trở lên hoặc người mà người phạm tội có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:
a) Hiếp dâm có tổ chức hoặc nhiều người hiếp một người;
b) Hiếp nhiều người hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của nạn nhân; c) Tái phạm nguy hiểm;
3. Phạm tội làm nạn nhân chết, tự sát hoặc trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng khác thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình.
Mọi trường hợp giao cấu với trẻ em dưới mười ba tuổi đều là phạm tội hiếp dâm và người phạm tội bị phạt theo các khoản 2 và 3 Điều này.
Trong khoảng 15 năm tồn tại, BLHS năm 1985 đã được sửa đổi, bổ sung 4 lần vào các năm 1989, 1991, 1992 và 1997. Tội hiếp dâm cũng được sửa đổi, bổ sung để phù hợp và hoàn thiện hơn. Cụ thể: Ngày 12/8/1991 tại lần sửa đổi, sung BLHS năm 1985 lần thứ 2, Quốc hội đã sửa đổi, tăng và cụ thể hơn về khung hình phạt quy định tại khoản 4 Điều 112 nêu trên như sau:
Mọi trường hợp giao cấu với trẻ em dưới mười ba tuổi đều là phạm tội hiếp dâm và người phạm tội bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 2 và khoản 3 điều này bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, chung thân hoặc tử hình.
Để thể hiện thái độ xử lý nghiêm minh đối với nạn hiếp dâm trẻ em, bảo đảm răn đe, ngăn chặn tệ nạn xã hội nghiêm trọng này, ngày 10/5/1997, tại lần sửa đổi, bổ sung BLHS năm 1985 lần thứ tư, Quốc hội thông qua và sửa đổi, bổ sung Điều 112 nêu trên và tách đoạn 2 khoản 1 và khoản 4 thành một tội riêng quy định tại Điều 112a “Tội hiếp dâm trẻ em” với mức hình phạt rất nghiêm khắc mà mức hình phạt cao nhất của khung hình phạt là tử hình. Việc bổ sung tội này là cần thiết, cấp bách để trừng phạt các hành vi xâm phạm đến quyền bất khả xâm phạm về tình dục của trẻ em – đối tượng cần được bảo vệ đặc biệt. Cụ thể Điều 112a (Tội hiếp dâm người trẻ em), quy định như sau:
1. Người nào hiếp dâm trẻ em từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm:
a) Có tính chất loạn luân;
b) Làm nạn nhân có thai;
c) Gây tổn hại nặng cho sức khỏe nạn nhân;
d) Đối với người mà người phạm tội tội có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh;
đ) Tái phạm nguy hiểm;
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù chung thân hoặc tử hình:
a) Có tổ chức;
b) Nhiều người hiếp một người;
c) Phạm tội nhiều lần;
d) Gây tổn hại nặng cho sức khỏe nạn nhân;
đ) Làm nạn nhân chết hoặc tự sát;
Mọi trường hợp giao cấu với trẻ em dưới 13 tuổi đều là phạm tội hiếp dâm và người phạm tội bị phạt tù 20 năm, chung thân hoặc tử hình.
Hiếp dâm trẻ em từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi là hành vi dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác giao cấu trái với ý muốn của trẻ em. Riêng đối với trẻ em dưới 13 tuổi thì điều luật quy định mọi trường hợp giao cấu với đối tượng này (có dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác hay không, trái ý muốn hay với sự đồng ý của trẻ em) đều là phạm tội này.
Ngoài ra, để hướng dẫn áp dụng một số quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS năm 1985 thì ngày 02/01/1998
Khi áp dụng khoản 4 Điều 112a thì cần xử phạt người phạm tội mức án càng nghiêm khắc nếu độ tuổi của người bị hại càng nhỏ; cụ thể là:
a) Xử phạt tù hai mươi năm, nếu người bị hại là trẻ em từ đủ sáu tuổi đến chưa đủ mười ba tuổi.
b) Xử phạt tù chung thân hoặc tử hình, nếu người bị hại là trẻ em chưa đủ sáu tuổi,
c) Trong trường hợp có nhiều tình tiết tăng nặng quy định tại Điều 39 Bộ luật hình sự hoặc có tình tiết định khung quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 112a (Luật sửa đổi, bổ sung…), thì mặc dù người bị hại là trẻ em từ đủ sáu tuổi trở lên, cũng phải xử phạt tù chung thân hoặc tử hình
Việc tách Tội hiếp dâm trẻ em thành một tội độc lập với khung hình phạt cao hơn so với Tội hiếp dâm thể hiện thái độ quyết liệt của Nhà nước trong việc xử lý hành vi hiếp dâm người dưới 16 tuổi, một mặt thể hiện sự hoàn thiện pháp luật theo các chuẩn mực của khoa học luật hình sự, mặt khác cũng thể hiện sự vận động phù hợp với tình hình phát triển của xã hội cũng như diễn biến thực tế của tình hình tội phạm. Sự thay đổi có tính phát triển này tuy chưa có tính đồng bộ nhưng là hướng phát triển đúng và tiếp tục được duy trì trong giai đoạn tiếp theo nhằm đấu tranh, phòng chống tội hiếp dâm trẻ em đang ngày một gia tăng.
3. Giai đoạn BLHS năm 1999 có hiệu lực pháp luật:
BLHS năm 1985 sau khoảng 15 năm thi hành đã bộc lộ nhiều bất cập, thiếu sót cần sửa đổi, bổ sung để phù hợp với yêu cầu của công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm trong giai đoạn mới. Do đó, BLHS năm 1999 được xây dựng trên cơ sở sửa đổi, bổ sung một cách tương đối toàn diện BLHS năm 1985 nhưng có kế thừa những nội dung hợp lí, tích cực của BLHS năm 1985 qua bốn lần sửa đổi, bổ sung và đã được Quốc hội khóa 10 thông qua tại kỳ họp thứ 6 ngày 21/12/1999. Theo đó, BLHS năm 1999 được quy định về tội hiếp dâm trẻ em như sau:
1. Người nào hiếp dâm trẻ em từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm:
a) Có tính chất loạn luân;
b) Làm nạn nhân có thai;
c) Gây tổn hại cho sức khoẻ của nạn nhân mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60%;
d) Đối với người mà người phạm tội có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh;
đ) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Có tổ chức;
b) Nhiều người hiếp một người;
c) Phạm tội nhiều lần;
d) Đối với nhiều người;
đ) Gây tổn hại cho sức khoẻ của nạn nhân mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên;
e) Biết mình bị nhiễm HIV mà vẫn phạm tội;
g) Làm nạn nhân chết hoặc tự sát.
Mọi trường hợp giao cấu với trẻ em chưa đủ 13 tuổi là phạm tội hiếp dâm trẻ em và người phạm tội bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình.
Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.
Nhìn chung quy định về Tội hiếp dâm trẻ em của BLHS năm 1999 so với BLHS năm 1985 có sửa đổi, bổ sung nhưng không đáng kể. Tính đến thời điểm BLHS năm 1999 có hiệu lực pháp luật thì quy định về tội Hiếp dâm trẻ em về cơ bản đã có sự ổn định, phù hợp với điều kiện và tình hình tội phạm của nước ta.