HĐXX phúc thẩm huỷ bản án sơ thẩm để điều tra lại hoặc xét xử lại. Một trong những thẩm quyền của HĐXX phúc thẩm vụ án hình sự là huỷ án sơ thẩm.
1. Hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại:
Hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại là quyết định của
Thứ nhất, có căn cứ cho rằng cấp sơ thẩm bỏ lọt tội phạm, người phạm tội hoặc để khởi tố, điều tra về tội nặng hơn tội đã tuyên trong bản án sơ thẩm.
Việc HĐXX phúc thẩm nhận thấy cấp sơ thẩm bỏ lọt tội phạm, người phạm tội có thể xuất phát từ kháng cáo, kháng nghị hoặc qua quá trình nghiên cứu hồ SO, xét xử công khai tại phiên toà. Tuy nhiên, việc sử dụng từ “cấp sơ thẩm” là chưa chính xác bởi không phải mọi trường hợp bỏ lọt tội phạm, người phạm tội của cấp sơ thẩm đều là căn cứ để HĐXX phúc thẩm huỷ bản án sơ thẩm để điều tra lại. Chỉ những trường hợp việc bỏ lọt tội phạm, người phạm tội trong giai đoạn điều tra, truy tố có trách nhiệm của CQĐT, VKS mới là căn cứ để HĐXX phúc thẩm huỷ bản án sơ thẩm để điều tra lại. Nếu CQĐT đã tiến hành điều tra đầy đủ, VKS đã truy tố người phạm tội nhưng Toà án cấp sơ thẩm mắc sai lầm trong việc đánh giá chứng cứ, áp dụng pháp luật dẫn đến hậu quả bỏ lọt tội phạm, người phạm tội thì HĐXX phúc thẩm huỷ bản án sơ thẩm để xét xử lại. Bởi trường hợp này, việc bỏ lọt tội phạm và người phạm tội là do lỗi của Tòa án cấp sơ thẩm chứ không phải do lỗi của CQĐT và VKS.
Trường hợp tội phạm bị bỏ lọt độc lập, có thể tách riêng với tội phạm đã bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm thì HĐXX phúc thẩm không cần hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại mà có thể ra quyết định khởi tố hoặc yêu cầu VKS khởi tố vụ án hình sự theo quy định tại khoản 4 Điều 153 BLTTHS năm 2015.
Trường hợp HĐXX phúc thẩm nhận thấy có căn cứ để khởi tố, điều tra, truy tố bị cáo về tội nặng hơn tội đã tuyên trong bản án sơ thẩm, BLTTHS năm 2015 không quy định cụ thể trong trường hợp nào thì HĐXX phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm để khởi tố, điều tra về tội nặng hơn tội đã tuyên trong bản án sơ thẩm. Điều đó dẫn đến thực tế chưa có cách hiểu thống nhất trong trường hợp có kháng nghị của VKS hoặc kháng cáo của bị hại yêu cầu áp dụng điều, khoản của BLHS về tội nặng hơn. Theo quan điểm của tác giả, HĐXX phúc thẩm chỉ được huỷ bản án sơ thẩm để điều tra lại nếu không thể sửa bản án sơ thẩm theo hướng áp dụng điều, khoản của BLHS về tội nặng hơn đó theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 357 BLTTHS năm 2015, tức xét thấy hành vi phạm tội đó chưa được điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm. Nếu VKS truy tố bị can và Toà án cấp sơ thẩm xét xử bị cáo về cùng một tội nhưng có kháng cáo, kháng nghị yêu cầu áp dụng điều, khoản của BLHS về tội nặng hơn đối với bị cáo, nếu HĐXX phúc thẩm xét thấy cần xử lý bị cáo về tội nặng hơn thì không thể sửa bản án sơ thẩm mà phải hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại. Trường hợp VKS truy tố bị can về một tội nhưng Tòa án cấp sơ thẩm lại xét xử bị cáo về tội nhẹ hơn và có kháng cáo, kháng nghị yêu cầu áp dụng tội mà VKS đã truy tố, nếu HĐXX phúc thẩm nhận thấy có căn cứ chấp nhận kháng cáo, kháng nghị thì sửa bản án sơ thẩm theo hướng áp dụng điều, khoản của BLHS về tội nặng hơn đó mà không huỷ bản án sơ thẩm để điều tra lại.
Thứ hai, việc điều tra ở cấp sơ thẩm không đầy đủ mà cấp phúc thẩm không thể bổ sung được.
BLTTHS năm 2015 không có quy định giải thích thế nào là việc điều tra ở cấp sơ thẩm không đầy đủ. Tuy nhiên, có thể hiểu: Việc điều tra được coi là không đầy đủ nếu dựa vào kết quả điều tra đó thì không đủ cơ sở để xác định sự thật khách quan của vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ như: không lấy lời khai của những người mà lời khai của họ có ý nghĩa quan trọng đối với vụ án; không tiến hành giám định trong trường hợp bắt buộc phải trưng cầu giám định; không thu thập đầy đủ vật chúng có ý nghĩa quan trọng đối với vụ án, các tình tiết quan trọng về nhân thân bị can….
Để xác định việc điều tra ở cấp sơ thẩm có đầy đủ hay không, cần căn cứ vào những vấn đề phải chứng minh trong vụ án hình sự quy định tại Điều 85 và Điều 416 BLTTHS năm 2015, từ đó xác định trong giai đoạn điều tra, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng đã làm sáng tỏ các vấn đề cần phải chứng minh, xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, đầy đủ, toàn diện để giải quyết đúng đắn vụ án hay chưa. Bởi xác định sự thật của vụ án là nguyên tắc cơ bản của tố tụng hình sự. Những vấn đề phải chứng minh trong vụ án hình sự là những vấn đề có ý nghĩa xác định các dấu hiệu của tội phạm và tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của tội phạm, là cơ sở để giải quyết đúng đắn vấn đề trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội và pháp nhân thương mại phạm tội, bảo đảm xử lý đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không bỏ lọt tội phạm, người phạm tội và pháp nhân phạm tội, không làm oan người, pháp nhân vô tội. Việc điều tra không đầy đủ có thể dẫn đến việc Tòa án cấp sơ thẩm nhận định không chính xác về bản chất của vụ án.
Khoản 2 Điều 3 Thông tư liên tịch số 02/2017/TTLT-VKSNDTC-TANDTC- BCA-BQP ngày 22/12/2017 của VKSND tối cao,
Nếu việc điều tra ở cấp sơ thẩm không đầy đủ mà cấp phúc thẩm có thể bổ sung được thì không huỷ bản án sơ thẩm để điều tra lại. Việc bổ sung chứng cứ, tài liệu, đồ vật có thể được thực hiện trước khi xét xử hoặc tại phiên tòa phúc thẩm. VKS có thể tự mình hoặc theo yêu cầu của Tòa án bổ sung chứng cứ nhưng VKS không bổ sung được thì Tòa án có thể tiến hành xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ để giải quyết vụ án. Tòa án tiến hành xác minh, thu thập, bổ sung chứng cứ bằng các hoạt động quy định tại Điều 252 BLTTHS năm 2015. Trường hợp việc điều tra ở cấp sơ thẩm không đầy đủ thì HĐXX phúc thẩm chỉ quyết định huỷ bản án sơ thẩm để điều tra lại nếu việc điều tra không đầy đủ đó ảnh hưởng đến việc xác định sự thật khách quan của vụ án mà cấp phúc thẩm không thể bổ sung được.
Thứ ba, có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong giai đoạn điều tra, truy tố. Điểm a khoản 1 Điều 4 BLTTHS năm 2015 quy định:
Vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng là việc cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong quá trình khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ các trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và đã xâm hại nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người tham gia tố tụng hoặc làm ảnh hưởng đến việc xác định sự thật khách quan, toàn diện của vụ án.
Thông tư liên tịch số 02/2017/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BQP ngày 22/12/2017 của VKSND tối cao, TAND tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng quy định việc phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng trong thực hiện một số quy định của BLTTHS về trả hồ sơ để điều tra bổ sung có hướng dẫn các trường hợp được coi là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong điều tra, truy tố: lệnh, quyết định của CQĐT, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra mà theo quy định của BLTTHS phải có sự phê chuẩn của VKS nhưng không phê chuẩn của VKS hoặc việc ký lệnh, quyết định tố tụng không đúng thẩm quyền; không chỉ định, thay đổi, chấm dứt việc chỉ định người bào chữa cho người bị buộc tội theo quy định tại Điều 76 và 77 của BLTTHS; xác định không đúng tư cách tham gia tố tụng của người tham gia tố tụng trong quá trình điều tra, truy tố dẫn đến xâm hại nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của họ…. Quy định này góp phần tạo ra sự thống nhất trong nhận thức và áp dụng pháp luật của các cơ quan tiến hành tố tụng.
Trong thực tiễn, những vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng không phải là ít. Có những vi phạm có thể khắc phục được, không xâm hại nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người tham gia tố tụng hoặc làm ảnh hưởng đến việc xác định sự thật khách quan, toàn diện của vụ án. Trường hợp này không cần thiết phải hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại, gây lãng phí thời gian, công sức, tiền bạc. Tuy nhiên có những vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong giai đoạn điều tra, truy tố dẫn đến kết quả hoạt động của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng không có giá trị pháp lý, xâm hại nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người tham gia tố tụng hoặc làm ảnh hưởng đến việc xác định sự thật khách quan, toàn diện của vụ án. Đối với trường hợp này thì HĐXX phúc thẩm phải hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại.
So với BLTTHS năm 2003 thì khoản 1 Điều 358 BLTTHS năm 2015 đã quy định bổ sung các trường hợp HĐXX phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại: “Có căn cứ cho rằng cấp sơ thẩm bỏ lọt tội phạm, người phạm tội” và “Có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong giai đoạn điều tra, truy tổ”. Những quy định này đã mở rộng thẩm quyền của HĐXX phúc thẩm, tạo cơ sở pháp lý cho HĐXX phúc thẩm quyết định hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại phù hợp với nhu cầu của thực tiễn xét xử. Trước đây, HĐXX phúc thẩm không có đầy đủ thẩm quyền trong việc hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại nên nhiều trường hợp phải kiến nghị Tòa án cấp trên kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, làm kéo dài vụ án không cần thiết.
2. Hủy bản án sơ thẩm để xét xử lại:
Hủy bản án sơ thẩm để xét xử lại là quyết định của HĐXX phúc thẩm trực tiếp phủ nhận hoàn toàn kết quả xét xử ở cấp sơ thẩm để xét xử lại vụ án từ đầu theo thủ tục chung mà không cần phải điều tra lại, các lý do hủy bản án sơ thẩm không xuất phát từ hoạt động của các giai đoạn tố tụng trước đó. Theo quy định tại khoản 2 Điều 358 BLTTHS năm 2015, HĐXX phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm để xét xử lại ở cấp sơ thẩm với thành phần HĐXX mới trong các trường hợp:
Thứ nhất, HĐXX sơ thẩm không đúng thành phần mà BLTTHS quy định.
Đó là trường hợp HĐXX sơ thẩm không đúng về số lượng và cơ cấu thành phần theo quy định của BLTTHS.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 254 BLTTHS năm 2015, HĐXX sơ thẩm gồm một Thẩm phán và hai Hội thẩm; trường hợp vụ án có tính chất nghiêm trọng, phức tạp thì HĐXX sơ thẩm có thể gồm hai Thẩm phán và ba Hội thẩm; đối với bị cáo về tội mà BLHS quy định mức cao nhất của khung hình phạt là tù chung thân, tử hình thì HĐXX sơ thẩm gồm hai Thẩm phán và ba Hội thẩm. Theo quy định tại khoản 1 Điều 463 BLTTHS năm 2015, phiên tòa xét xử sơ thẩm theo thủ tục rút gọn do một Thẩm phán tiến hành. Tuy nhiên, hiện chưa có hướng dẫn cụ thể cách hiểu thế nào là “vụ án có tính chất nghiêm trọng, phức tạp”. Việc nhận thức tính chất nghiêm trọng, phức tạp của từng vụ án phụ thuộc vào nhận thức chủ quan của từng người tiến hành tố tụng, điều đó dẫn tới tình trạng áp dụng pháp luật không thống nhất. Hơn nữa, cụm từ “có thể” cũng gây khó khăn cho việc xác định mức độ cần thiết phải tăng số lượng thành viện trong HĐXX phúc thẩm, dẫn đến HĐXX phúc thẩm không có cơ sở pháp lý vững chắc để quyết định hủy bản án sơ thẩm để xét xử lại trong trường hợp này.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 423 BLTTHS năm 2015, đối với phiên tòa có bị cáo, bị hại hoặc người làm chứng là người dưới 18 tuổi, thành phần xét xử sơ thẩm vụ án phải có một Hội thẩm là giáo viên hoặc cán bộ Đoàn thanh niên hoặc người có kinh nghiệm, hiểu biết tâm lý người dưới 18 tuổi. Thông tư liên tịch số 06/2018/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BTP-BLĐTBXH ngày 21/12/2018 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Toà án nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội về phối hợp thực hiện một số quy định của BLTTHS về thủ tục tố tụng đối với người dưới 18 tuổi hướng dẫn:
Người có kinh nghiệm, hiểu biết tâm lý người dưới 18 tuổi là người có thâm niên công tác trong lĩnh vực tư pháp, quản lý, đào tạo, bảo vệ, chăm sóc và giáo dục người dưới 18 tuổi; người được đào tạo về giáo dục thanh, thiếu niên, nhi đồng hoặc những người khác có kinh nghiệm, hiểu biết tâm lý người dưới 18 tuổi.
Ví dụ: Thẩm phán chuyên trách xét xử các vụ án có người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi đã nghỉ hưu; giáo viên đã nghỉ hưu; cán bộ làm công tác bảo vệ trẻ em; cán bộ làm công tác xã hội, cộng tác viên trẻ em; người đã tham gia công tác tại cơ quan, tổ chức liên quan đến hoạt động đấu tranh phòng, chống tội phạm và giáo dục người dưới 18 tuổi; đại diện Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Hội bảo vệ quyền trẻ em có kinh nghiệm trong quản lý, giáo dục, giúp đỡ người phạm tội và người vi phạm pháp luật là người dưới 18 tuổi.
Bên cạnh đó, thành phần HĐXX sơ thẩm phải đảm bảo không thuộc trường hợp phải từ chối tham gia xét xử hoặc bị thay đổi theo quy định tại Điều 53 BLTTHS năm 2015 để đảm bảo tính độc lập, khách quan của thành viên HĐXX.
Ngoài ra, thành phần HĐXX sơ thẩm không đúng quy định của BLTTHS có thể là các trường hợp: Thẩm phán hoặc Hội thẩm đã hết nhiệm kỳ mà chưa được bổ nhiệm lại; thành viên HĐXX sơ thẩm không phải là Thẩm phán hoặc Hội thẩm của Tòa án cấp sơ thẩm.
Thứ hai, có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong giai đoạn xét xử sơ thẩm.
Vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng được giải thích tại điểm a khoản 1 Điều 4 BLTTHS năm 2015. Những trường hợp sau đây có thể được coi là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong giai đoạn xét xử sơ thẩm: Tòa án cấp sơ thẩm không yêu cầu cử người bào chữa cho bị cáo theo quy định tại Điều 76 của BLTTHS; xác định không đúng tư cách tham gia tố tụng của người tham gia tố tụng trong quá trình xét xử dẫn đến xâm hại nghiêm trọng quyền và lợi ích hợp pháp của họ; tại phiên tòa sơ thẩm không có người phiên dịch, người dịch thuật cho người tham gia tố tụng trong trường hợp họ không sử dụng được tiếng Việt hoặc họ là người câm, điếc hoặc có tài liệu tố tụng không thể hiện được bằng tiếng Việt theo quy định tại Điều 70 của BLTTHS….
Thứ ba, người được Tòa án cấp sơ thẩm tuyên không có tội nhưng có căn cứ cho rằng người đó đã phạm tội.
Trong trường hợp này, nếu HĐXX phúc thẩm thấy có căn cứ cho rằng người đó đã phạm tội thì phải hủy bản án sơ thẩm để xét xử lại, bảo đảm quyền kháng cáo của bị cáo đối với việc bị tuyên là có tội, đồng thời tránh oan sai, bỏ lọt tội phạm. Bởi nếu HĐXX phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm theo hướng tuyên bị cáo có tội thì bản án phúc thẩm có hiệu lực ngay sau khi tuyên án, làm cho bị cáo mất quyền kháng cáo đối với bản án kết tội cũng như mất quyền bào chữa đối với việc bị tuyên là có tội.
Thứ tư, miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt hoặc áp dụng biện pháp tư pháp đối với bị cáo không có căn cứ.
Trường hợp Tòa án cấp sơ thẩm miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt cho bị cáo không có căn cứ thì HĐXX phúc thẩm phải hủy bản án sơ thẩm để xét xử lại, bảo đảm quyền kháng cáo của bị cáo đối với việc bị áp dụng trách nhiệm hình sự, áp dụng hình phạt. BLTTHS năm 2015 quy định vấn đề này là căn cứ để HĐXX phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm để xét xử lại mà không phải là căn cứ sửa bản án sơ thẩm là hợp lý, đảm bảo quyền bào chữa cho bị cáo, đồng thời góp phần không bỏ lọt người phạm tội. Bởi nếu HĐXX phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm theo hướng không cho bị cáo được miễn trách nhiệm hình sự hoặc miễn hình phạt, đồng thời quyết định hình phạt và áp dụng các biện pháp cưỡng chế về hình sự khác đối với bị cáo thì bản án phúc thẩm có hiệu lực ngay sau khi tuyên án, làm cho bị cáo mất quyền kháng cáo đối với bản án sơ thẩm.
Trường hợp HĐXX phúc thẩm nhận thấy Tòa án cấp sơ thẩm đã sai lầm trong việc xác định, đánh giá tình tiết khách quan của vụ án dẫn đến áp dụng biện pháp tư pháp không có căn cứ thì hủy bản án sơ thẩm để xét xử lại.
Thứ năm, bản án sơ thẩm có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật nhưng không thuộc trường hợp HĐXX phúc thẩm sửa bản án theo quy định tại Điều 357 BLTTHS.
HĐXX phúc thẩm chỉ hủy bản án để xét xử lại nếu những sai lầm nghiêm trọng của Tòa án cấp sơ thẩm trong việc áp dụng pháp luật không thể khắc phục bằng việc sửa bản án sơ thẩm.
Hiện nay, chưa có văn bản hướng dẫn cách hiểu thế nào là “sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật”. Theo quan điểm của tác giả, đó là trường hợp HĐXX phúc thẩm nhận thấy bản án sơ thẩm đã tuyên không đúng với tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nhân thân bị cáo dẫn đến tuyên tội danh hoặc quyết định hình phạt quá nhẹ, không đảm bảo tính nghiêm khắc, răn đe của bản án tuy nhiên không có kháng cáo của bị hại, kháng nghị của VKS theo hướng không có lợi cho bị cáo, do đó không có cơ sở để sửa bản án sơ thẩm theo hướng không có lợi cho bị cáo. Khi đó, HĐXX phúc thẩm sẽ hủy bản án sơ thẩm để xét xử lại, tạo điều kiện cho Tòa án cấp sơ thẩm khắc phục sai lầm trong việc áp dụng pháp luật.
Việc bổ sung quy định này trong BLTTHS năm 2015 là một quy định mở của pháp luật, nhằm dự liệu trước đối với những trường hợp chưa được liệt kê, khắc phục tình trạng HĐXX phúc thẩm phát hiện bản án có sai lầm nghiêm trọng nhưng lại không có căn cứ để sửa, hủy bản án.
Khi hủy bản án sơ thẩm để xét xử lại, HĐXX phúc thẩm phải ghi rõ lý do của việc hủy bản án sơ thẩm, nhưng không quyết định trước những chứng cứ mà Tòa án cấp sơ thẩm cần phải chấp nhận hoặc bác bỏ cũng như không quyết định trước điểm, khoản, điều của BLHS và hình phạt mà Tòa án cấp sơ thẩm phải áp dụng. Quy định này nhằm đảm bảo nguyên tắc độc lập và chỉ tuân theo pháp luật của Thẩm phán và Hội thẩm khi xét xử sơ thẩm lại vụ án. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên hủy bản án sơ thẩm, hồ sơ vụ án phải được chuyển cho VKS hoặc Tòa án cấp sơ thẩm để giải quyết theo thủ tục chung.
So với BLTTHS năm 2003, BLTTHS năm 2015 đã quy định cụ thể hơn đồng thời bổ sung các trường hợp HĐXX phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm để xét xử lại: “Miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt hoặc áp dụng biện pháp tư pháp đối với bị cáo không có căn cứ” và “Bản án sơ thẩm có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật nhưng không thuộc trường hợp HĐXX phúc thẩm sửa bản án theo quy định tại Điều 357 của Bộ luật này”. Việc sửa đổi, bổ sung quy định về hủy bản án sơ thẩm để xét xử lại như trên đã khắc phục bất cập trước đây trong BLTTHS năm 2003 do chưa quy định rõ nên trong thực tế còn nhận thức không thống nhất, đồng thời mở rộng hơn thẩm quyền của HĐXX phúc thẩm, tạo cơ sở pháp lý cho HĐXX phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm để xét xử lại phù hợp với yêu cầu của thực tiễn.