Hiện nay, người khuyết tật được xác định là những người bị khiếm khuyết một hoặc một số bộ phận cơ thể, gặp khó khăn trong quá trình sinh hoạt và học tập. Vậy người khuyết tật có quyền được đăng ký kết hôn hay không?
Mục lục bài viết
1. Người khuyết tật có quyền được đăng ký kết hôn không?
Trước hết, căn cứ theo quy định tại Điều 36 của Hiến pháp năm 2013 có quy định về quyền bình đẳng giữa nam và nữ. Cụ thể như sau:
– Nam và nữ có quyền kết hôn, ly hôn theo quy định của pháp luật về hôn nhân gia đình. Hôn nhân theo nguyên tắc tự nguyện, tiến bộ, vợ chồng bình đẳng, một vợ một chồng, tôn trọng lẫn nhau trong quá trình chung sống, giúp đỡ lẫn nhau trong quan hệ hôn nhân gia đình;
– Nhà nước sẽ bảo hộ quan hệ hôn nhân và gia đình, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người mẹ và trẻ em.
Căn cứ theo quy định tại Điều 5 của Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 có quy định về các hành vi bị nghiêm cấm trong quan hệ hôn nhân gia đình. Cụ thể như sau:
– Kết hôn giả tạo, ly hôn giả tạo trái quy định của pháp luật;
– Tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, cản trở quá trình kết hôn tự nguyện và tiến bộ, lừa dối kết hôn;
– Những người đang có vợ hoặc đang có chồng tuy nhiên kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác, những người chưa có vợ hoặc chưa có chồng tuy nhiên kết hôn hoặc chung sống với người đang có vợ hoặc người đang có chồng;
– Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người có cùng dòng máu về trực hệ, kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người có họ trong phạm vi ba đời, giữa những người có mối quan hệ là cha mẹ với con nuôi, đã từng là cha mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ hoặc mẹ kế với con riêng của chồng.
Như vậy có thể nói, theo các điều cấm trong quan hệ hôn nhân gia đình, pháp luật không nghiêm cấm những người khuyết tật thực hiện hoạt động đăng ký kết hôn.
Đặc biệt, căn cứ theo quy định tại Điều 8 của Luật hôn nhân gia đình năm 2014 có quy định về điều kiện kết hôn. Theo đó, các cá nhân sẽ có quyền thực hiện hoạt động kết hôn nếu đáp ứng được đầy đủ các điều kiện như sau:
– Đáp ứng đầy đủ độ tuổi kết hôn theo quy định của pháp luật, cụ thể là nam từ đủ 20 tuổi trở lên và nữ từ đủ 18 tuổi trở lên;
– Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định, không bị ép buộc hoặc lừa dối dưới bất kỳ hình thức nào;
– Các chủ thể tham gia vào quá trình kết hôn không bị mất năng lực hành vi dân sự, có đầy đủ năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật;
– Việc kết hôn không thuộc một trong những trường hợp bị cấm kết hôn theo quy định của pháp luật. Cụ thể bao gồm:
+ Kết hôn giả tạo;
+ Tảo hôn, có hành vi cưỡng ép kết hôn, lừa dối kết hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ;
+ Người đang có vợ, người đang có chồng mà kết hôn với người khác, hoặc người chưa có vợ hoặc người chưa có chồng tuy nhiên kết hôn với người đã có vợ hoặc người đã có chồng;
+ Kết hôn giữa những người cùng dòng máu trực hệ, kết hôn giữa những người có họ trong phạm vi ba đời, giữa những người có mối quan hệ như cha mẹ nuôi với con ruột, giữa những người từng là cha mẹ nuôi với con nuôi, kết hôn giữa cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ hoặc mẹ kế với con riêng của chồng.
Theo quy định nêu trên thì có thể nói, nếu người khuyết tật ở dạng tâm thần dẫn đến không có khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi, mất năng lực hành vi dân sự, thì sẽ không được quyền kết hôn vì không đáp ứng được điều kiện kết hôn. Nhưng nếu người khuyết tật ở dạng khiếm khuyết bình thường trên cơ thể thì người đó vẫn được quyền kết hôn giống như người bình thường nếu đáp ứng được đầy đủ điều kiện kết hôn theo quy định của pháp luật.
2. Có được phép cản trở quyền kết hôn của người khuyết tật hay không?
Căn cứ theo quy định tại Điều 14 của Văn bản hợp nhất Luật người khuyết tật năm 2019 có quy định về các hành vi bị nghiêm cấm. Cụ thể như sau:
– Hành vi kỳ thị, phân biệt đối xử đối với những người được xác định là người khuyết tật;
– Xâm phạm đến thân thể, xâm phạm danh dự nhân phẩm, tài sản hoặc quyền lợi hợp pháp của người khuyết tật;
– Có hành vi dụ dỗ, lôi kéo, ép buộc người khuyết tật thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, trái đạo đức xã hội dưới bất kỳ hình thức nào;
– Có hành vi lợi dụng người khuyết tật, tổ chức của người khuyết tật, lợi dụng tổ chức vì người khuyết tật, lợi dụng hình ảnh hoặc thông tin cá nhân của người khuyết tật, lợi dụng tình trạng khó khăn của người khuyết tật để trục lợi cá nhân hoặc thực hiện các hành vi vi phạm quy định của pháp luật khác;
– Người có trách nhiệm nuôi dưỡng, chăm sóc người khuyết tật không thực hiện trách nhiệm nuôi dưỡng đó, hoặc có thực hiện tuy nhiên thực hiện không đầy đủ trách nhiệm nuôi dưỡng, chăm sóc theo quy định của pháp luật đối với người khuyết tật;
– Có hành vi cản trở quyền kết hôn, cản trở quyền nuôi con của những người khuyết tật;
– Gian dối trong việc xác định mức độ khuyết tật của người khuyết tật, cấp giấy xác nhận khuyết tật cho người khuyết tật trái quy định pháp luật.
Như vậy có thể nói, không được phép cản trở quyền kết hôn của người khuyết tật dưới bất kỳ hình thức nào. Người nào có hành vi cản trở quyền kết hôn của người khuyết tật sẽ bị xử lý vi phạm hành chính theo các điều luật tương ứng.
3. Mức xử phạt đối với hành vi cản trở quyền kết hôn của người khuyết tật:
Căn cứ theo quy định tại Điều 11 của Nghị định 130/2021/NĐ-CP của Chính phủ về việc quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo trợ, trợ giúp xã hội và trẻ em, có quy định về mức xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định liên quan đến các hành vi bị nghiêm cấm đối với người khuyết tật. Cụ thể như sau:
– Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với các đối tượng thực hiện một trong những hành vi vi phạm quy định của pháp luật như sau:
+ Có hành vi kỳ thị và phân biệt đối xử đối với người khuyết tật;
+ Cản trở quyền kết hôn, cản trở quyền nuôi con hợp pháp của những người khuyết tật;
+ Cản trở người khuyết tật sống độc lập và hòa nhập với cộng đồng;
+ Cản trở người khuyết tật tham gia bình đẳng vào các hoạt động trong xã hội;
+ Cản trở người khuyết tật thực hiện các quyền tiếp cận với công nghệ thông tin hiện đại.
– Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với các đối tượng không thực hiện đầy đủ trách nhiệm nuôi dưỡng và chăm sóc người khuyết tật theo quy định của pháp luật về khuyết tật;
– Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với các đối tượng có hành vi lợi dụng hình ảnh phải lợi dụng thông tin cá nhân, tình trạng khó khăn của người khuyết tật, lợi dụng tổ chức của những người khuyết tật, lợi dụng các tổ chức hoạt động vì mục đích bảo vệ người khuyết tật để trục lợi cá nhân hoặc thực hiện các hành vi vi phạm quy định của pháp luật khác;
– Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với các đối tượng có hành vi dụ dỗ, lôi kéo, ép buộc người khuyết tật dưới bất kỳ hình thức nào để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, tuy nhiên chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Do đó, bất kỳ chủ thể nào có hành vi cản trở quyền kết hôn của người khuyết tật thì sẽ bị coi là hành vi trái quy định của pháp luật, sẽ bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Văn bản hợp nhất 35/VBHN-VPQH 2019 Luật Người khuyết tật;
– Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014;
– Nghị định 130/2021/NĐ-CP của Chính phủ về việc quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo trợ, trợ giúp xã hội và trẻ em.