Miễn trừ áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại là một trong các nội dung được đề cập chi tiết trong văn bản pháp luật có liên quan. Pháp luật hiện hành quy định miễn trừ áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại với nội dung gì?
Mục lục bài viết
1. Quy định miễn trừ áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại:
– Cách hiểu về miễn trừ áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại:
Liên quan đến kinh doanh thương mại thì biện pháp phòng vệ thương mại thường được nhắc đến nhiều trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, pháp luật hiện hành vẫn chưa có quy định cụ thể cung cấp cách hiểu thống nhất về biện pháp phòng vệ thương mại.
Theo khoản 1 Điều 67 Luật Quản lý ngoại thương 2017 có đề cập đến các biện pháp phòng vệ thương mại bao gồm thực hiện các biện pháp chống bán phá giá, biện pháp chống trợ cấp và biện pháp tự vệ do Bộ trưởng Bộ Công Thương quyết định áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam trong những trường hợp cụ thể.
Từ quy định trên có thể hiểu biện pháp phòng vệ thương mại có thể được là việc áp dụng các biện pháp tạm thời về thương mại mục đích của hoạt động này là nhằm ngăn chặn, hạn chế hàng hóa nhập khẩu trong những trường hợp cụ thể, bảo vệ ngành sản xuất trong nước trước những đối thủ cạnh tranh nước ngoài.
– Những đối tượng được thực hiện đề nghị miễn trừ áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại:
Bên cạnh nội dung được xây dựng đề ra các trường hợp phải áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại thì vẫn có những quy định thể hiện nội dung miễn trừ áp dụng biện pháp phòng vệ thương mạ. Căn cứ Điều 12 Thông tư 37/2019/TT-BCT được sửa đổi bởi Thông tư số 42/2023/TT-BCT có quy định về đối tượng đề nghị miễn trừ áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại như sau:
+ Cần phải nhắc đến là tổ chức, cá nhân nhập khẩu hàng hóa bị điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại;
+ Phải nhắc đến trường hợp là tổ chức, cá nhân sử dụng hàng hóa bị điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại để sản xuất;
+ Các tổ chức, cá nhân khác do Bộ trưởng Bộ Công Thương quyết định;
– Những loại hàng hóa xem xét miễn trừ áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại:
Căn cứ Điều 10 Thông tư 37/2019/TT-BCT được sửa đổi bởi Thông tư số 42/2023/TT-BCT phạm vi hàng hóa xem xét miễn trừ áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại
Bộ trưởng Bộ Công Thương là cơ quan có thẩm quyền thực hiện việc xem xét miễn trừ áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại tạm thời, trường hợp phải sử dụng biện pháp phòng vệ thương mại chính thức đối với một số hàng hóa nhập khẩu bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại thuộc một trong các trường hợp sau:
+ Đầu tiên, cần kể đến trường hợp hàng hóa trong nước không sản xuất được;
+ Nếu có phát hiện hàng hóa có đặc điểm khác biệt với hàng hóa sản xuất trong nước mà hàng hóa sản xuất trong nước đó không thể thay thế được;
+ Xét đến trường hợp hàng hóa là sản phẩm đặc biệt của hàng hóa tương tự hoặc hàng hóa cạnh tranh trực tiếp được sản xuất trong nước;
+ Hàng hóa tương tự, hàng hóa cạnh tranh trực tiếp được sản xuất trong nước nhưng gặp phải tình trạng không được bán trên thị trường trong nước trong cùng điều kiện thông thường hoặc trong trường hợp bất khả kháng dẫn tới thiếu hụt nguồn cung của ngành sản xuất trong nước;
+ Bên cạnh đó, các loại hàng hóa tương tự, hàng hóa cạnh tranh trực tiếp được sản xuất trong nước không đáp ứng đủ lượng sử dụng trong nước;
+ Cuối cùng là hàng hóa nhập khẩu nằm trong tổng lượng đề nghị miễn trừ quy định từ khoản 1 đến khoản 5 Điều 10 phục vụ mục đích nghiên cứu, phát triển và các mục đích phi thương mại khác.
2. Tiêu chí xem xét để miễn trừ áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại là gì?
Theo khoản 2 Điều 13 Thông tư 37/2019/TT-BCT được sửa đổi bởi Thông tư số 42/2023/TT-BCT quy định về tiêu chí xem xét miễn trừ áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại như sau:
– Bộ trưởng Bộ Công Thương xem xét, quyết định miễn trừ đối với hàng hóa thuộc các trường hợp được miễn trừ áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại theo quy định tại Điều 10 Thông tư này trên cơ sở báo cáo thẩm định hồ sơ đề nghị miễn trừ của Cơ quan điều tra. Quy trình thẩm định hồ sơ đề nghị miễn trừ do Cơ quan điều tra ban hành và công bố công khai.
– Trong từng vụ việc cụ thể, việc xem xét hàng hóa được đề nghị miễn trừ áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại trong phạm vi quy định tại Điều 10 Thông tư này dựa trên một hoặc một số tiêu chí như sau:
+ Quy định về danh mục hàng hóa trong nước không sản xuất được, kết luận điều tra, quy chuẩn, tiêu chuẩn, ý kiến cơ quan, tổ chức, hiệp hội doanh nghiệp, ngành hàng, các tài liệu kỹ thuật liên quan khác;
+ Thành phần; đặc tính vật lý; đặc tính hóa học; tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; mục đích sử dụng;
+ Khả năng sản xuất hàng hóa tương tự hoặc hàng hóa cạnh tranh trực tiếp trong nước so với hàng hóa được đề nghị xem xét miễn trừ;
+ Khả năng thay thế của hàng hóa tương tự hoặc hàng hóa cạnh tranh trực tiếp được sản xuất trong nước với hàng hóa được đề nghị xem xét miễn trừ.
– Trong từng vụ việc cụ thể, việc xem xét miễn trừ áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại theo một trong các hình thức thực hiện sau:
+ Không giới hạn về đối tượng sử dụng, mục đích sử dụng, khối lượng, số lượng hàng hóa được miễn trừ trong trường hợp phân biệt được sự khác biệt giữa hàng hóa đề nghị miễn trừ và hàng hóa đang bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại;
+ Hạn chế về khối lượng, số lượng hàng hóa được miễn trừ, mục đích được miễn trừ.
– Bộ Công Thương xem xét không miễn trừ áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng hóa bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại trong các trường hợp sau:
+ Việc áp dụng miễn trừ biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng hóa đó có khả năng dẫn đến hành vi gian lận nhằm lẩn tránh việc bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại;
+ Tổ chức, cá nhân đã được miễn trừ áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng hóa đó bị kết luận không hợp tác hoặc hợp tác không đầy đủ theo yêu cầu của đoàn thanh tra, kiểm tra sau miễn trừ của cơ quan điều tra.
3. Hồ sơ miễn trừ áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại cần những loại giấy tờ nào?
Việc miễn trừ áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại không ngẫu nhiên mà được áp dụng bởi cũng phải nằm trong trường hợp đã nêu thì mới có cơ sở để thực hiện thủ tục đề nghị miễn trừ, trong đó là hồ sơ đề nghị đến cơ quan có thẩm quyền. Căn cứ Điều 14 Thông tư 37/2019/TT-BCT được sửa đổi bởi Thông tư số 42/2023/TT-BCT thì các loại giấy tờ trong hồ sơ đề nghị miễn trừ áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại gồm:
– Cần chuẩn bị đơn đề nghị miễn trừ áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại. Mẫu đơn này được thực hiện theo mẫu tại Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này;
– Ngoài ra, không thể thiếu được giấy tờ chứng minh hoạt động kinh doanh là hợp pháp, cụ thể là Bản sao giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy chứng nhận đầu tư của doanh nghiệp;
– Gửi kèm theo các thông tin mô tả về hàng hóa nhập khẩu đề nghị miễn trừ, bao gồm: tên khoa học, tên thương mại, tên thường gọi; các đặc tính vật lý, hóa học cơ bản; mục đích sử dụng chính; quy trình sản xuất; tiêu chuẩn, quy chuẩn của quốc tế và Việt Nam và mã số hàng hóa theo danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam;
– Liên quan đến các thông tin về hàng hóa như thông tin về khối lượng, số lượng và trị giá nhập khẩu hàng hóa đề nghị miễn trừ (trong 03 năm gần nhất và năm hiện tại);
– Cung cấp về các nội dung liên quan đến quy trình sản xuất sản phẩm sử dụng nguyên liệu đầu vào là hàng hóa đề nghị miễn trừ;
– Văn bản thể hiện nhu cầu tiêu thụ hoặc sử dụng hàng hóa nhập khẩu đề nghị miễn trừ (trong 03 năm gần nhất và năm hiện tại);
– Các nội dung về định mức tiêu hao theo quy định của pháp luật hoặc định mức sử dụng dự kiến của nguyên vật liệu là hàng hóa nhập khẩu đề nghị miễn trừ;
– Về việc chứng minh sự khác biệt giữa hàng hóa đề nghị miễn trừ và hàng hóa tương tự, hàng hóa cạnh tranh trực tiếp được sản xuất trong nước thì phải được thể hiện bằng văn bản, tài liệu hoặc mẫu mã cụ thể;
– Thông tin về cơ sở, dây chuyền sản xuất và sản lượng sản xuất hàng hóa đề nghị miễn trừ trong 03 năm gần nhất và năm hiện tại;
– Cung cấp thêm tài liệu chứng minh về nhu cầu sử dụng lượng hàng hóa đề nghị miễn trừ, bao gồm: có thể kể đến hợp đồng ký kết với khách hàng, phê duyệt các dự án đang triển khai hoặc các tài liệu khác có liên quan.
Văn bản pháp luật được sử dụng:
Thông tư số 42/2023/TT-BCT của Bộ Công thương: Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 37/2019/TT-BCT ngày 29 tháng 11 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định chi tiết một số nội dung về các biện pháp phòng vệ thương mại.