Dịch vụ bưu chính là dịch vụ chấp nhận, vận chuyển và phát bưu gửi bằng những phương thức từ địa điểm của người gửi đến địa điểm của người nhận thông qua mạng bưu chính. Vậy, Dịch vụ bưu chính KT1 là gì? Tiêu chí đánh giá dịch vụ KT1 được quy định ra sao?
Mục lục bài viết
1. Dịch vụ bưu chính KT1 là gì?
Dịch vụ bưu chính là dịch vụ chấp nhận, vận chuyển và phát bưu gửi bằng các phương thức từ địa điểm của người gửi đến địa điểm của người nhận qua mạng bưu chính, trừ phương thức điện tử. Dịch vụ bưu chính đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo dòng chảy vật chất và dòng chảy dữ liệu được thông suốt, hỗ trợ thương mại điện tử, đáp ứng nhu cầu kinh tế xã hội và ứng phó kịp thời với thiên tai, thảm họa và dịch bệnh. Hiện nay, dịch vụ bưu chính được chia thành nhiều loại khác nhau và trong bài viết này chỉ đề cập đến những nội dung liên quan đến dịch vụ bưu chính KT1. Theo quy định tại Điều 5 Quyết định 37/2021/QĐ-TTg thì dịch vụ bưu chính KT1 là việc chấp nhận, vận chuyển và phát thư, gói, kiện tài liệu; tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước (sau đây gọi là bưu gửi KT1) qua Mạng bưu chính KT1.
– Dịch vụ bưu chính KT1 được phân loại như sau:
+ Cung cấp dịch vụ KT1;
+ Dịch vụ KT1 theo độ mật: A, B, C;
+ Dịch vụ KT1 theo độ khẩn: Hỏa tốc, Hẹn giờ;
+ Dịch vụ KT1 theo độ mật (A, B, C) và độ khẩn (Hỏa tốc, Hẹn giờ).
Bên cạnh đó, tại Điều 3. Thông tư 15/2022/TT-BTTT thì các nội dung về Dịch vụ bưu chính KT1 cũng ghi nhận thêm các nội dung sau:
– Dịch vụ bưu chính KT1 theo phạm vi cung cấp dịch vụ được chia thành hai loại, đó là: dịch vụ bưu chính KT1 nội tỉnh và dịch vụ bưu chính KT1 liên tỉnh;
– Dịch vụ bưu chính KT1 theo đặc tính dịch vụ gồm:
+ Dịch vụ KT1: là dịch vụ bưu chính KT1 không có yêu cầu về độ mật và độ khẩn;
+ Dịch vụ KT1 theo độ mật (A, B, C): là dịch vụ bưu chính KT1 có yêu cầu về độ Tuyệt mật, Tối mật, Mật và yêu cầu cao về bảo đảm an toàn, an ninh;
+ Dịch vụ KT1 theo độ khẩn (Hỏa tốc, Hẹn giờ):
Dịch vụ KT1 Hỏa tốc: được hiểu là dịch vụ bưu chính KT1 có yêu cầu về tốc độ xử lý nhanh;
Dịch vụ KT1 Hẹn giờ: là dịch vụ bưu chính KT1 có yêu cầu phát đến địa chỉ nhận theo thời gian thỏa thuận giữa người gửi và đơn vị cung cấp dịch vụ.
+ Dịch vụ KT1 theo độ mật (A, B, C) và độ khẩn (Hỏa tốc, Hẹn giờ):
Liên quan đến Dịch vụ KT1 theo độ mật và Hỏa tốc: được hiểu là dịch vụ KT1 theo độ mật có yêu cầu về tốc độ xử lý nhanh;
Dịch vụ KT1 theo độ mật và Hẹn giờ: là dịch vụ KT1 theo độ mật có yêu cầu phát đến địa chỉ nhận theo thời gian thỏa thuận giữa người gửi và đơn vị cung cấp dịch vụ.
2. Tiêu chí đánh giá dịch vụ KT1?
Chất lượng dịch vụ bưu chính KT1 được đánh giá theo các tiêu chí theo quy định tại Điều 4 Thông tư 15/2022/TT-BTTTT, cụ thể như sau:
– Để đánh giá được phần nào chất lượng dịch vụ bưu chính KT1 thì phải xem xét đến an toàn bưu gửi: Cần đảm bảo rằng 100% bưu gửi được phát đến địa chỉ nhận trong tình trạng không bị suy suyển, hư hỏng làm ảnh hưởng đến nội dung bưu gửi, trừ trường hợp do sự kiện bất khả kháng theo quy định của pháp luật;
– Xem xét đến yếu tố là thời gian phục vụ: dịch vụ bưu chính KT1 phải được cung cấp liên tục 24 giờ trong một ngày và 07 ngày trong một tuần, kể cả ngày nghỉ lễ, Tết;
– Bên cạnh đó thì phải xem xét đến tần suất phát: bưu gửi KT1 thực hiện hoạt động phát bưu gửi tối thiểu 02 lần/ngày, riêng cấp xã tối thiểu 01 lần/ngày. Cần biết rằng, Tần suất phát ở địa bàn có sự khác nhau bởi những khu vực có điều kiện địa lý đặc biệt quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư 15/2022/TT-BTTTT;
– Liên quan đến thời gian toàn trình:
+ Cá nhân có nhu cầu tìm hiểu thời gian toàn trình dịch vụ bưu chính KT1 thì có thể hiểu là khoảng thời gian tính từ khi bưu gửi được chấp nhận cho đến khi được phát lần thứ nhất đến địa chỉ nhận ghi trên bưu gửi; Xét đến trường hợp bưu gửi sử dụng đồng thời nhiều dịch vụ bưu chính KT1 thì thời gian toàn trình được tính theo dịch vụ có thời gian toàn trình ngắn nhất;
+ Thời gian toàn trình dịch vụ bưu chính KT1 được xác định theo công thức Jến (trong đó J là ngày chấp nhận, được thể hiện bằng dấu ngày trên bưu gửi và n là số ngày làm việc);
+ Trong phạm vi nội tỉnh, thời gian toàn trình tối đa là: Dịch vụ KT1 và dịch vụ KT1 theo độ mật: J+1,5; Dịch vụ KT1 Hỏa tốc: J+1;
+ Trong phạm vi liên tỉnh, thời gian toàn trình tối đa là: Dịch vụ KT1 và dịch vụ KT1 theo độ mật: J+3,5; Dịch vụ KT1 Hỏa tốc: J+2,5;
+ Bưu gửi KT1 Hẹn giờ được phát theo thời gian yêu cầu của người gửi đến địa chỉ nhận trước hoặc đúng giờ hẹn ghi trên bưu gửi;
+ Đối với địa bàn thuộc danh mục vùng có điều kiện địa lý đặc biệt, thời gian toàn trình được cộng thêm tối đa 2,5 ngày so với thời gian toàn trình quy định điểm c, điểm d khoản 4 Điều 4, trừ trường hợp do sự kiện bất khả kháng theo quy định của pháp luật;
+ Quy định về việc phát bưu gửi KTT: Trong giờ làm việc: bưu gửi KT1 được phát tại địa chỉ nhận ghi trên bưu; Ngoài giờ làm việc, thứ Bảy, Chủ nhật và ngày nghỉ lễ, Tết: bưu gửi KT1 có độ khẩn được phát đến đầu mối do đối tượng sử dụng dịch vụ chỉ định theo quy định tại khoản 4 Điều 17 Thông tư 15/2022/TT-BTTTT;
+ Thời hiệu giải quyết khiếu nại: được ghi nhận là trong vòn 06 tháng, kể từ ngày kết thúc thời gian toàn trình của bưu gửi KT1;
+ Thời hạn giải quyết khiếu nại: cơ quan có thẩm quyền cần thực hiện không quá 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được khiếu nại.
3. Trách nhiệm của Cục Bưu điện Trung ương đối liên quan đến dịch vụ bưu chính KT1:
Dịch vụ bưu chính trở thành một ngành dịch vụ tham gia vào việc nâng cao chất lượng cuộc sống người dân và trở thành cơ sở hạ tầng thiết yếu của quốc gia, hỗ trợ nền kinh tế số, chủ yếu là thương mại điện tử và đóng góp vào sự phát triển của chính phủ số và xã hội số. Chính vì vậy, những cơ quan ban ngành liên quan đều có trách nhiệm hỗ trợ xây dựng, quản lý đến ngành dịch vụ này. Riêng đối với dịch vụ bưu chính KT1 thì Cục Bưu điện Trung ương cũng có trách nhiệm nhất định. Theo quy định tại Điều 14 Thông tư 15/2022/TT-BTTTT thì trách nhiệm của Cục Bưu điện Trung ương đối liên quan đến dịch vụ bưu chính KT1 quy định như sau:
– Thực hiện việc chủ trì trong kiểm tra, giám sát việc cung cấp dịch vụ bưu chính KT1 tại địa phương theo quy định tại Điều 10 Thông tư này; có các hoạt động hỗ trợ cho việc đánh giá về mức độ an toàn, an ninh và chất lượng dịch vụ trên toàn mạng; thực hiện các biện pháp phòng, tránh và khắc phục kịp thời khi xảy ra sự cố trong cung cấp dịch vụ bưu chính KT1;
– Việc bảo vệ an toàn cơ sở hạ tầng cung cấp dịch vụ bưu chính KT1 cần được được trú trọng hơn nữa và thẩm quyền để thực hiện việc này là được Cục Bưu điện Trung ương quản lý, điều hành, khai thác; đồng thời có những cách thức để phát hiện, ngăn chặn kịp thời trường hợp lợi dụng việc cung cấp dịch vụ bưu chính KT1 để hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội;
– Quy định thời gian toàn trình chi tiết các dịch vụ bưu chính KT1 (đến cấp xã) bảo đảm đáp ứng yêu cầu về an toàn, an ninh và chất lượng dịch vụ.
– Có những hoạt động tiến hành việc chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan đào tạo, không ngừng tổ chức các buổi tập huấn với mục đích là nâng cao trình độ nghiệp vụ, xây dựng nhận thức về an toàn, an ninh cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động tham gia trực tiếp vào quá trình cung cấp dịch vụ bưu chính KT1;
– Tuân thủ quy định về tuyển chọn người lao động, quy định nghiệp vụ và quy trình cung cấp dịch vụ bưu chính KT1;
– Bảo đảm bí mật các thông tin liên quan đến đối tượng sử dụng dịch vụ bưu chính KT1 theo quy định của pháp luật;
– Thông báo với cơ quan có thẩm quyền khi phát hiện hoặc nghi ngờ không bảo đảm an toàn, an ninh; hoặc khi xảy ra lộ, mất bí mật nhà nước trong việc cung cấp dịch vụ bưu chính KT1.
– Cục Bưu điện Trung ương có trách nhiệm báo cáo Bộ Thông tin và Truyền thông hoạt động cung cấp dịch vụ bưu chính KT1 theo quy định tại Điều 12 Thông tư này hoặc khi xảy ra sự cố về an toàn, an ninh.
Văn bản pháp luật được sử dụng:
– Quyết định số 37/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Về Mạng bưu chính phục vụ cơ quan Đảng, Nhà nước;
– Thông tư số 15/2022/TT-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông: Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Quyết định số 37/2021/QĐ-TTg về mạng bưu chính phục vụ cơ quan Đảng, Nhà nước.