Giải pháp hoàn thiện pháp luật bảo vệ quyền về bí mật thông tin cá nhân trong hoạt động báo chí ở Việt Nam hiện nay.
Mục lục bài viết
- 1 1. Hoàn thiện khuôn khổ pháp luật hiện hành của Việt Nam về bảo vệ quyền về bí mật thông tin cá nhân trong hoạt động báo chí:
- 2 2. Nâng cao năng lực, hiệu quả của các cơ quan quản lý báo chí:
- 3 3. Sửa đổi một số quy định pháp luật hiện hành của Việt Nam về bảo vệ quyền về bí mật thông tin cá nhân trong hoạt động báo chí:
- 4 4. Bổ sung một số quy định vào pháp luật hiện hành của Việt Nam về bảo vệ quyền về bí mật thông tin cá nhân trong hoạt động báo chí:
1. Hoàn thiện khuôn khổ pháp luật hiện hành của Việt Nam về bảo vệ quyền về bí mật thông tin cá nhân trong hoạt động báo chí:
Ở Việt Nam, việc xây dựng và hoàn thiện cơ chế bảo đảm quyền con người, quyền tự do, dân chủ của công dân nói chung và cơ chế bảo vệ quyền bí mật thông tin cá nhân nói riêng là phù hợp với yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân. Nhà nước cần tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền bí mật thông tin cá nhân. Mỗi công dân đều có quyền được Nhà nước vệ quyền bí mật thông tin cá nhân, đồng thời phải tôn trọng quyền của người khác. Mọi hành vi xâm phạm quyền bí mật thông tin cá nhân đều phải được xử lý nghiêm minh.
Trên cơ sở những hạn chế, vướng mắc, bất cập về tình trạng pháp luật và thực thi pháp luật về bảo vệ, bảo đảm thông tin/dữ liệu cá nhân ở Việt Nam cho thấy việc nghiên cứu, hoàn thiện khuôn khổ pháp luật bảo vệ quyền về bí mật thông tin cá nhân là hết sức cần thiết.
Một số yêu cầu đặt ra đối với việc hoàn thiện khuôn khổ pháp luật bảo vệ quyền về bí mật thông tin cá nhân là:
Thứ nhất, cần nghiên cứu một cách toàn diện, tổng thể các vấn đề lý luận, thực tiễn và kinh nghiệm quốc tế để xây dựng pháp luật bảo vệ quyền về bí mật thông tin cá nhân một cách đầy đủ và hiệu quả. Cơ chế bảo đảm thực hiện quyền này bao gồm các yếu tố về mặt thể chế, thiết chế và các điều kiện bảo đảm thực hiện quyền. Ba yếu tố chính này có mối quan hệ mật thiết, chặt chẽ với nhau.
Thứ hai, tiếp tục nghiên cứu luật hoá các quyền hiến định của công dân, trong đó có quyền bí mật thông tin cá nhân theo lộ trình phù hợp với điều kiện thực tiễn của đất nước. Nghiên cứu hoàn thiện pháp luật về bảo vệ thông tin cá nhân theo hướng quy định rõ nội hàm và phạm vi của quyền bí mật thông tin cá nhân; đồng thời, xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc bảo đảm thực hiện quyền này.
Thứ ba, cần chuẩn bị tốt các điều kiện cần thiết cho việc xây dựng, ban hành và tổ chức thực thi pháp luật về bảo vệ dữ liệu/thông tin cá nhân ở Việt Nam. Tiếp tục củng cố cơ sở pháp lý về trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc xây dựng, ban hành kịp thời, đồng bộ và tổ chức thực thi các văn bản quy phạm pháp luật, các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên về quyền con người, quyền công dân nói chung và về quyền bí mật thông tin cá nhân nói riêng.
Thứ tư, hoàn thiện pháp luật về quyền giám sát của các cơ quan dân cử, quyền giám sát, kiểm tra của công dân đối với hoạt động của các cơ quan, cán bộ, công chức nói chung và hoạt động bảo đảm thực hiện quyền bí mật thông tin cá nhân nói riêng. Tạo cơ chế, điều kiện cho người dân tham gia thực chất vào hoạt động quản lý nhà nước, từ việc tham gia ý kiến trong giai đoạn xây dựng chính sách, pháp luật đến việc tham gia giám sát cán bộ, công chức và cơ quan nhà nước trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ thông tin cá nhân.
Thứ năm, tiếp tục hoàn thiện pháp luật và các điều kiện bảo đảm thực hiện các quyền tự do, dân chủ và bình đẳng của công dân, cải thiện tốt mối quan hệ giữa Nhà nước và người dân; tạo điều kiện cho mọi người dân thực hiện các quyền của mình; duy trì, bảo đảm kỷ cương, trật tự công cộng, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm minh các hành vi xâm phạm quyền cơ bản của công dân, trong đó có quyền bí mật thông tin cá nhân.
2. Nâng cao năng lực, hiệu quả của các cơ quan quản lý báo chí:
– Thứ nhất, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước đối với các cơ quan báo chí. Báo chí là một loại hình truyền thông có tốc độ phát triển nhanh, mạnh nên Đảng ta cần có sự chỉ đạo thường xuyên, kịp thời, sát thực đối với các cơ quan báo chí trong từng giai đoạn cụ thể. Ngoài ra, Đảng, Nhà nước cần quan tâm, tạo điều kiện về môi trường làm việc hiện đại, năng động, bảo đảm cho các hoạt động báo chí diễn ra thuận lợi trên tinh thần tự do, dân chủ, sáng tạo. Các cơ quan, bộ, ngành có liên quan cần định hướng tốt công tác tuyên truyền; quản lý tốt thông tin, nhất là những thông tin trên mạng xã hội, internet. Xử lý nghiêm những trường hợp đi ngược lại tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí, xâm phạm và làm ảnh hưởng đến lợi ích của quốc gia, dân tộc; đến uy tín, hình ảnh của Đảng, của các cơ quan, đoàn thể.
– Thứ hai, các cơ quan quản lý báo chí, đặc biệt là Bộ, ngành Thông tin và Truyền thông đẩy mạnh quán triệt nhận thức, nâng cao nghiệp vụ cho cán bộ quản lý báo chí và xuất bản. Cán bộ thanh tra ngoài trau dồi kỹ năng nhận diện âm mưu, thủ đoạn tạo vỏ bọc “xã hội dân sự”, “diễn đàn dân chủ”… để chống phá; các website giả mạo, các trang mạng có nhiều nội dung thông tin xấu, độc, còn cần nắm chắc các thủ đoạn tấn công mạng như đánh sập các website; cài gắn vào máy tính cá nhân hoặc lấy tài khoản và mật khẩu; đánh cắp dữ liệu cá nhân (hình ảnh, video); tấn công bằng mã độc (theo tệp đính kèm trong email hoặc ẩn trong quảng cáo Skype); tấn công ẩn danh bằng những phần mềm độc hại (phần mềm diệt virus, các trình duyệt); tấn công qua USB, đĩa CD… Song song với đó là việc tăng cường phổ biến, tuyên truyền trong gia đình, người thân, bạn bè và nhân dân nơi cư trú các quy định của Luật An ninh mạng để mọi người nắm, hiểu và không thực hiện các hành vi vi phạm liên quan đến an ninh mạng, góp phần xây dựng “không gian mạng lành mạnh từ cơ sở”.
– Thứ ba, tăng cường công tác quản lý, xử lý thông tin vi phạm trên mạng xã hội, trong đó cần chủ động rà soát, kiên quyết xử lý các kênh livestream và nhóm chat có nội dung phản cảm, nhất là các hành vi xâm phạm đời sống riêng tư và bí mật thông tin cá nhân.
– Thứ tư, để chấm dứt hiện tượng phóng viên “hai mặt” dùng MXH để xâm phạm lợi ích của các tổ chức, cá nhân, ngành Thông tin Truyền thông đã tăng cường kiểm tra, đi sâu vào các trang mạng, trang thông tin điện tử của các tổ chức xã hội nghề nghiệp, chống tình trạng báo chí hóa tạp chí, báo chí hoạt động không đúng tôn chỉ, mục đích để lập lại trật tự kỷ cương.
– Thứ năm, các cơ quan quản lý báo chí cũng cần xây dựng chế tài đủ mạnh, nâng mức phạt nặng đối với tội vu khống, xúc phạm nhân phẩm danh dự của các cá nhân, tổ chức.
– Thứ sáu, về phía cơ quan quản lý nhà nước cũng cần chủ động, phát huy vai trò quản lý, chỉ đạo sát sao, quyết liệt công tác báo chí, xuất bản.
3. Sửa đổi một số quy định pháp luật hiện hành của Việt Nam về bảo vệ quyền về bí mật thông tin cá nhân trong hoạt động báo chí:
Thứ nhất, cần sửa đổi những quy định có liên quan để bảo đảm tính thống nhất trong các văn bản pháp luật bảo vệ quyền về bí mật thông tin cá nhân, bao gồm:
– Thống nhất về phạm vi quyền
Quyền được bảo vệ đời sống riêng tư, bí mật gia đình, bí mật cá nhân là một nhóm quyền nằm trong quyền con người. Tuy nhiên, việc xác định phạm vi và khái niệm về nhóm quyền trên trong pháp luật quốc tế và các quốc gia chưa thống nhất. Trong giới nghiên cứu cũng có nhiều quan điểm khác nhau. Trong hệ thống pháp luật Việt Nam, mặc dù đã trải qua nhiều giai đoạn phát triển, từ những đối tượng đơn lẻ như bảo mật về chỗ ở, thư tín, điện tín, phương tiện thông tin điện tử… rồi đến bí mật đời tư và theo pháp luật hiện hành là “đời sống riêng tư, bí mật gia đình, bí mật cá nhân”, nhưng vẫn chưa đưa ra hướng dẫn cụ thể về phạm vi các đối tượng thuộc “đời sống riêng tư..” được pháp luật bảo vệ. Ví dụ, đời sống riêng tư bao gồm những nội dung gì (Nơi thường trú, tạm trú, nơi công tác, các nơi đi du lịch, các mối quan hệ xã hội, sở thích, thói quen, học vấn, đặc điểm tâm sinh lý, thể chất, các vấn đề liên quan đến quá khứ, hiện tại, tương lai của cá nhân…). Bí mật gia đình được xét trong phạm vi gia đình một thế hệ hay nhiều thế hệ? Bí mật cá nhân có trùng với đời sống riêng tư? Xét cho đến cùng thì bí mật gia đình hay bí mật cá nhân có nằm trong phạm vi “đời sống riêng tư” hay không? Để xác định rõ các phạm vi trên, có lẽ các quy định pháp luật giai đoạn hiện nay cần tiếp tục được hoàn thiện và phát triển trên cơ sở nền tảng chính là quyền con người. Điều đó có nghĩa là tất cả những gì thuộc về cá nhân một cách hợp pháp thì phải được pháp luật bảo vệ và các chủ thể khác tôn trọng. Đây là các quyền không thể lượng hóa, nên việc đưa ra khái niệm mang tính tổng quát lấy con người làm trung tâm, trên cơ sở đó tập trung xây dựng các quy định pháp luật chuyên ngành, hướng tới các đối tượng cụ thể như trẻ em, người già, phụ nữ, an ninh mạng… sẽ mang lại hiệu quả thiết thực hơn.
– Thống nhất về nhóm các hành vi xâm phạm quyền
Về phương pháp xác định các nhóm hành vi: Xuất phát từ tính đặc thù của nhóm quyền nhân thân, tiếp thu các quy định của pháp luật quốc tế và đặc thù của quyền nhân thân, khi quy định các hành vi xâm phạm, pháp luật Việt Nam cần kết hợp cả hai phương pháp liệt kê và tổng hợp, bao quát. Điều này đảm bảo hiệu quả trong công tác thực thi pháp luật khi xác định các hành vi xâm phạm cụ thể, đồng thời tránh bỏ sót các hành vi khác chưa được liệt kê. Tuy nhiên, quy định về các hành vi xâm phạm cần có sự thống nhất trong các ngành luật, vì hiện nay có một số ngành luật chuyên ngành quy định một số hành vi cụ thể như pháp luật an ninh mạng, giao dịch điện tử, nhưng pháp luật dân sự, hình sự lại quy định khá chung chung.
Về phân loại nhóm hành vi: Trên cơ sở các quyền về đời sống riêng tư và bí mật cá nhân, bí mật gia đình, pháp luật nên có sự phân định cụ thể trên cơ sở tách biệt hai nhóm quyền trên, cụ thể: (1) Các hành vi xâm phạm đời sống riêng tư: Bao gồm các hành vi xâm phạm, tiếp cận chỗ ở, nơi làm việc, cản trở, ngăn cấm cá nhân thực hiện các nếp sinh hoạt, thói quen, sở thích hợp pháp mà không được pháp luật cho phép hoặc cá nhân đó đồng ý; (2) Các hành vi xâm phạm đến bí mật cá nhân, bí mật gia đình: Bao gồm các hành vi xâm phạm, tiếp cận, tiết lộ, sử dụng hoặc phát tán thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, cá nhân, gia đình mà không được pháp luật cho phép hoặc cá nhân đó đồng ý (đăng tải trên internet, tiết lộ bằng lời, văn bản hoặc các phương tiện liên lạc điện tử, cung cấp thông tin về cá nhân hoặc gia đình cá nhân đó cho cá nhân, tổ chức khác…).
Cần xác định cụ thể “đối tượng được bảo vệ” và “hành vi”: Việc xác định “đối tượng” và “hành vi” có mối quan hệ mật thiết với nhau và cần được xác định rõ ranh giới giữa việc có hay không hậu quả “bị xâm hại”. Ví dụ, hình ảnh là một trong các thông tin thuộc bí mật cá nhân, nhưng pháp luật lại cho phép việc ghi âm, ghi hình trong các cuộc họp công khai. Vậy thế nào là cuộc họp công khai thì pháp luật cần phải có hướng dẫn cụ thể, công khai đến đâu, thời gian nào, nội dung gì… Ví dụ, cuộc họp của tổ dân phố thì sẽ có tính công khai trong tổ dân phố đó. Nếu đưa cuộc họp đó đăng tải trên các trang mạng xã hội để tất cả mọi người đều xem được thì có bị coi là vi phạm pháp luật không. Bên cạnh đó, mặc dù cuộc họp là công khai, nhưng điều này không đồng nghĩa với việc hình ảnh cá nhân tham gia cuộc họp đó cũng bị công khai khi không được phép của người đó. Vì vậy, để đảm bảo quyền đời sống riêng tư song hành với quyền tiếp cận, cung cấp thông tin, thì pháp luật cần phải xây dựng được hành lang pháp lý phân định rõ phạm vi này. Đặc biệt, các yếu tố “riêng tư”, “bí mật”, “tập thể”, “công cộng”, “dịch vụ công” cũng cần được xác định cụ thể.
– Thống nhất về thuật ngữ
Pháp luật đã có bước tiến bộ lớn trong việc xác định các quyền nhân thân, quyền được bảo vệ đời sống riêng tư, bí mật thông tin cá nhân… từ phương diện “được Nhà nước trao quyền” tới sự thừa nhận các quyền này dựa trên bản chất tự nhiên và xã hội của con người. Bởi vậy, thay vì các quy định liệt kê như trước kia, pháp luật đang hướng tới các nội dung có tính bao quát nhất. Theo đó, tất cả những gì thuộc về con người một cách hợp pháp và tự nhiên đều thuộc đối tượng bảo vệ của pháp luật. Thuật ngữ “đời sống riêng tư, bí mật gia đình, bí mật cá nhân” mang phạm vi rộng và đầy đủ hơn so với các thuật ngữ trước kia. Không chỉ cá nhân, mà tất cả những gì gắn với cá nhân, các mối quan hệ, tâm tư, tình cảm, vật dụng, gia đình… đều có thể được coi là “đời sống riêng tư” của cá nhân đó.
Thứ hai, sửa đổi nội dung chồng chéo giữa các quy định tại Điều 21 và 22
Thứ ba, sửa đổi và thống nhất quy định về định nghĩa “thông tin cá nhân” trong Luật An toàn thông tin mạng năm 2015 (Khoản 15, Điều 3) và một số văn bản dưới Luật (chẳng hạn, Khoản 5, Điều 3
4. Bổ sung một số quy định vào pháp luật hiện hành của Việt Nam về bảo vệ quyền về bí mật thông tin cá nhân trong hoạt động báo chí:
Trên cơ sở nghiên cứu pháp luật của một số quốc gia về bảo vệ thông tin cá nhân và so sánh, đối chiếu với pháp luật thực định của Việt Nam, tác giả nhận thấy:
Một là, pháp luật quốc tế chú trọng tới việc bảo vệ dữ liệu, thông tin cá nhân, theo đó, nguyên tắc của bảo vệ dữ liệu cá nhân là mỗi người đều có thể tự quyết định là người nào, khi nào và dữ liệu cá nhân nào của mình được phép cho người khác xem. Pháp luật quốc tế với xu hướng tập trung bảo vệ cá nhân với những quyền cơ bản của họ, lấy con người là trung tâm nên trang bị nhiều quyền, cụ thể quyền của họ cũng như trách nhiệm của các chủ thể có liên quan. Về phía luật Việt Nam, mặc dù đã được xây dựng với tinh thần chung để bảo vệ thông tin cá nhân, bí mật cá nhân, nhưng trên thực tế, về mặt chính sách pháp luật, chưa có một quy định cụ thể, chính thức về “đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình” cũng như giới hạn của các thông tin này. Chính vì vậy, hoàn thiện hệ thống văn bản hướng dẫn pháp luật cụ thể những vấn đề thông tin đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình trong thời gian tới là điều hết sức quan trọng, trong đó cần lưu ý tới việc quy định thống nhất khái niệm “thông tin cá nhân”, từ đó cập nhật, bổ sung các thông tin cá nhân trong từng ngành, lĩnh vực, bảo đảm quy định đầy đủ những thông tin cá nhân cần được bảo vệ.
Hai là, cần thiết bổ sung các quy định cụ thể để bảo vệ thông tin cá nhân trong hoạt động báo chí đối với từng đối tượng chịu ảnh hưởng của Luật. Các quy định về bảo vệ thông tin cá nhân trong Luật báo chí kết hợp cùng Bộ luật Dân sự, Luật Bảo vệ người tiêu dùng và các văn bản pháp luật chuyên ngành khác như Luật Viễn thông, Luật Giao dịch điện tử sẽ tạo thành hệ thống pháp luật đồng bộ, đầy đủ cho công tác bảo vệ thông tin cá nhân trong hoạt động báo chí hiện nay, góp phần thúc đẩy hơn nữa hoạt động giao dịch điện tử phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Ba là, tiếp tục xây dựng, bổ sung và hoàn thiện các phương thức bảo vệ thông tin cá nhân trong các ngành, lĩnh vực nói chung, lĩnh vực báo chí nói riêng (các phương thức bảo mật thông tin tín dụng; vô danh hóa, mã hóa các thông tin; điều kiện về công nghệ đối với lĩnh vực báo chí…).
Bốn là, bổ sung quy định đối với một số đối tượng đặc thù chịu ảnh hưởng trực tiếp trong hoạt động báo chí, như: trẻ em, người khuyết tật, người nổi tiếng…
Năm là, cần chi tiết, cụ thể hơn trong các quy định của pháp luật, đặc biệt là Luật Báo chí. Cần có những quy định (quy ước) về hoạt động tác nghiệp của nhà báo đối với những vấn đề được coi là nhạy cảm như xâm hại đời tư, tiết lộ bí mật thông tin cá nhân. Ngoài ra, các cơ quan quản lý cần có các chế tài xử phạt nghiêm khi các phóng viên, nhà báo vi phạm quyền nhân thân, đặc biệt là liên quan đến đời tư của nhân vật hoặc người thân của nhân vật được phản ánh trong tác phẩm báo chí.
Sáu là, nghiên cứu tội phạm hóa đối với hành vi thu thập, sử dụng, khai thác, chuyển nhượng trái phép thông tin cá nhân gây hậu quả nghiêm trọng hoặc được thực hiện ở quy mô lớn, từ đó bổ sung các quy định về tội phạm hình sự có liên quan trong Bộ luật hình sự hiện hành với biện pháp chế tài áp dụng cho tất cả các cá nhân có hành vi vi phạm và pháp nhân thương mại có hành vi vi phạm.
Bảy là, cần nghiên cứu nêu ra định nghĩa pháp lý về một số khái niệm quan trọng, cụ thể như:
Đời sống riêng tư: Bao gồm nếp sinh hoạt, thói quen, sở thích, danh tính, đặc điểm thể chất, tâm sinh lý, trình độ, học vấn, vị trí, cấp bậc công việc, thông tin khác có tính định danh hoặc được cấp riêng cho cá nhân (chứng minh thư, điện thoại, tài khoản, thẻ ngân hàng…) và những mối quan hệ xã hội, quan hệ nhân thân, quan hệ tài sản của cá nhân.
Quyền đối với đời sống riêng tư: Cá nhân được bảo đảm và bảo vệ các quyền về đời sống riêng tư không bị xâm phạm bởi bất kỳ cá nhân, tổ chức nào, trừ những trường hợp do pháp luật quy định hoặc tình huống đặc biệt mà việc xâm phạm đến đời sống riêng tư của cá nhân đó nhằm bảo vệ hoặc mang lại quyền lợi lớn hơn cho cá nhân đó.
Bí mật cá nhân: Bao gồm tất cả những thông tin thuộc về đời sống riêng tư của cá nhân đó.
Bí mật gia đình: Để làm rõ hơn khái niệm bí mật gia đình, cần dựa trên định nghĩa về:
(1) Gia đình:
Gia đình là tập hợp những người gắn bó với nhau do hôn nhân, quan hệ huyết thống hoặc quan hệ nuôi dưỡng, làm phát sinh các quyền và nghĩa vụ giữa họ với nhau theo quy định của Luật này;
(2) Thành viên trong gia đình:
Thành viên gia đình bao gồm vợ, chồng; cha mẹ đẻ, cha mẹ nuôi, cha dượng, mẹ kế, cha mẹ vợ, cha mẹ chồng; con đẻ, con nuôi, con riêng của vợ hoặc chồng, con dâu, con rể; anh, chị, em cùng cha mẹ, anh, chị, em cùng cha khác mẹ, anh, chị, em cùng mẹ khác cha, anh rể, em rể, chị dâu, em dâu của người cùng cha mẹ hoặc cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha; ông bà nội, ông bà ngoại; cháu nội, cháu ngoại; cô, dì, chú, cậu, bác ruột và cháu ruột.
Theo nội dung trên, thành viên gia đình được pháp luật liệt kê trong phạm vi ba đời đối với quan hệ huyết thống, hai đời đối với quan hệ nuôi dưỡng (cha mẹ nuôi/con nuôi) và quan hệ hôn nhân (vợ/chồng/dâu/rể; bố mẹ chồng/bố mẹ vợ).
Trên cơ sở quy định của pháp luật hiện hành về gia đình và thành viên gia đình, tác giả đề xuất xây dựng khái niệm về bí mật gia đình như sau: Bí mật gia đình: Bao gồm tất cả các thông tin liên quan đến các thành viên gia đình gắn bó với nhau do hôn nhân, quan hệ huyết thống hoặc quan hệ nuôi dưỡng theo quy định của pháp
Về nội dung, theo tác giả, các thông tin thuộc bí mật cá nhân, bí mật gia đình cũng thuộc phạm vi đời sống riêng tư.
Về hành vi xâm phạm: Hành vi xâm phạm bí mật cá nhân, bí mật gia đình nhằm tác động đến các thông tin liên quan đến vấn đề trên. Còn hành vi xâm phạm đời sống riêng tư bao gồm các hành vi xâm phạm đến thông tin thuộc bí mật cá nhân, bí mật gia đình và các hành vi khác xâm phạm đến đời sống riêng tư.
Về thời gian: Hành vi xâm phạm đời sống riêng tư vốn là những vấn đề gắn với cuộc sống của cá nhân nên được gắn với giai đoạn hiện tại.
Việc phân định rõ các khái niệm trên sẽ tạo cơ sở cho việc xây dựng hành lang pháp lý bảo vệ quyền nhân thân liên quan đến đời sống riêng tư và bí mật gia đình, bí mật cá nhân được thể hiện đầy đủ và trọn vẹn từ hoạt động, nếp sinh hoạt đến các thông tin liên quan đến cá nhân, gia đình.
Quyền đối với bí mật cá nhân, bí mật gia đình: Cá nhân được bảo đảm và bảo vệ các thông tin thuộc về đời sống riêng tư, các thông tin được cấp riêng hoặc gắn với nhân thân cá nhân, các thông tin về gia đình, các thành viên trong gia đình khỏi sự xâm phạm của bất kỳ tổ chức, cá nhân nào, trừ trường hợp do pháp luật quy định, do cá nhân đó tự cung cấp hoặc việc tiết lộ, sử dụng thông tin về cá nhân, gia đình nhằm mục đích bảo vệ hoặc mang lại quyền lợi lớn hơn cho cá nhân đó. Việc tiết lộ, sử dụng thông tin phải đảm bảo tôn trọng và không xâm phạm quyền đối với đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của tất cả các thành viên gia đình.