Đặc điểm và tầm quan trọng của bảo vệ quyền bí mật thông tin cá nhân. Việc bảo vệ quyền bí mật thông tin cá nhân có ý nghĩa như thế nào? Vì sao phải chú trọng bảo vệ thông tin cá nhân?
Mục lục bài viết
1. Đặc điểm của việc bảo vệ quyền bí mật thông tin cá nhân:
Các đặc điểm của việc bảo vệ quyền bí mật thông tin cá nhân là những vấn đề gắn với trách nhiệm của các cá nhân, cơ quan, tổ chức liên quan trong việc bảo đảm thực hiện quyền bí mật thông tin cá nhân. Có thể khái quát một số đặc điểm quan trọng của việc bảo vệ quyền bí mật thông tin cá nhân, như sau:
Thứ nhất, thông tin cá nhân phải được thu thập hợp pháp: Cần có biện pháp bảo đảm độ tin cậy và tính chính xác của các thông tin tạo thành thông tin cá nhân. Trường hợp có sai sót hoặc bị xóa bỏ thì thông tin cá nhân cần được chỉnh sửa hoặc khôi phục. Thông tin cá nhân phải được thu thập, truy cập, sử dụng, xử lý hợp pháp. Chỉ những chủ thể hợp pháp mới có quyền được thu thập, tiếp cận, lưu giữ, sử dụng, xử lý thông tin cá nhân. Các hành động xử lý thông tin cá nhân (như thu thập, tiếp cận, lưu giữ, sử dụng…) phải được thực hiện đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật.
Thứ hai, quyền bí mật thông tin cá nhân trước tiên là quyền của cá nhân đối với thông tin của mình. Chủ thể chính có quyền đối với thông tin cá nhân là: cá nhân với tư cách là chủ thông tin và chủ thể nắm giữ, quản lý, khai thác, sử dụng thông tin cá nhân (chỉ những cơ quan, tổ chức, cá nhân nhất định theo quy định của pháp luật mới có quyền được tiếp cận, nắm giữ, quản lý, sử dụng, xử lý thông tin/dữ liệu cá nhân). Hai chủ thể này có phạm vi quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm bảo đảm bí mật thông tin cá nhân khác nhau.
Bên cạnh đó, việc bảo vệ bí mật thông tin cá nhân được thực hiện đối với mọi chủ thể của thông tin cá nhân mà không phụ thuộc vào việc họ có đủ năng lực hành vi dân sự hay không. Do đó, đối với các đối tượng như trẻ em, người có khiếm khuyết về thể chất hay tinh thần, họ vẫn là chủ thể của quyền bí mật thông tin cá nhân và thông tin cá nhân của họ cũng phải được pháp luật bảo vệ. Phạm vi mà chủ thể có trách nhiệm bảo vệ bí mật thông tin cá nhân không chỉ là các chủ thể có quyền đối với thông tin cá nhân, mà còn bao gồm các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác. Việc thực hiện nghĩa vụ này phù hợp với nguyên tắc “việc thực hiện quyền con người, quyền công dân không được xâm phạm lợi ích quốc gia, dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác”.
Thứ ba, quyền bí mật thông tin cá nhân là một quyền tương đối, bởi lẽ ngoài cá nhân có quyền đối với thông tin của mình, trong một số trường hợp, thông tin này còn được sử dụng bởi cơ quan, tổ chức hoặc chủ thể khác khi luật cho phép, bất luận chủ thông tin đó có đồng ý hay không. Tuy nhiên, các trường hợp này thường rất hạn chế và phải được quy định cụ thể trong các văn bản pháp luật.
Thứ tư, quyền bí mật thông tin cá nhân tồn tại ngay cả khi cá nhân chết. Quyền bí mật thông tin cá nhân được pháp luật ghi nhận và bảo vệ trong suốt cuộc đời của cá nhân. Tuy nhiên, trong một số trường hợp nhất định, khi cá nhân không thể tự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình (mất năng lực hành vi dân sự, không có năng lực hành vi dân sự) thì người đại diện theo pháp luật có thể thực hiện việc bảo vệ bí mật thông tin cá nhân bằng cách áp dụng các biện pháp theo quy định của pháp luật hoặc yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Thứ năm, quyền bí mật thông tin cá nhân có tính lịch sử và có sự khác biệt ở mỗi quốc gia. Trong mỗi giai đoạn lịch sử và dựa trên nền tảng về chính trị, tôn giáo, kinh tế, văn hóa, xã hội… mà các quốc gia thường có các quy định pháp luật khác nhau về thông tin cá nhân, phạm vi quyền bí mật thông tin cá nhân, quyền và trách nhiệm của các chủ thể liên quan trong việc bảo đảm thực hiện quyền bí mật thông tin cá nhân, cũng như cơ chế bảo đảm thực hiện quyền bí mật thông tin cá nhân.
Thử sáu, để bảo vệ quyền bí mật thông tin cá nhân, đòi hỏi cần có các cơ chế, biện pháp bảo đảm thực hiện quyền một cách hiệu quả, khả thi, phù hợp với đặc điểm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của mỗi quốc gia, dân tộc.
2. Tầm quan trọng của việc bảo vệ quyền bí mật thông tin cá nhân:
Bảo vệ quyền bí mật thông tin cá nhân tạo cơ hội để con người được là chính mình và sống một cách bình thường, thoải mái như một con người bình thường. Với trọng trách như vậy, quyền bí mật dữ liệu cá nhân có ý nghĩa quan trọng không chỉ đối với riêng cá nhân mà còn đối với toàn xã hội. Tầm quan trọng quyền bí mật thông tin cá nhân có thể thấy được qua các khía cạnh cụ thể sau đây:
Quyền bí mật thông tin cá nhân là công cụ hữu hiệu để cá nhân giữ được quyền tự chủ và tính cá nhân, bản ngã của mình. Con người chỉ có thể làm chủ được bản thân khi họ có thể kiểm soát được thông tin về bản thân họ và trong một xã hội dân chủ, nhà nước không đặt ra yêu cầu cá nhân phải đưa ra lựa chọn những thông tin gì về bản thân mình họ muốn chia sẻ hay giữ bí mật. Quyền bí mật thông tin cá nhân cũng hạn chế quyền lực của nhà nước và các chủ thể ngoài nhà nước trong việc thu thập, nắm giữ và sử dụng các thông tin, dữ liệu cá nhân. Cả lý thuyết và thực tiễn đều cho thấy nếu như một cơ quan, tổ chức hay cá nhân nào đó càng biết nhiều về một người cụ thể thì cơ quan, tổ chức, cá nhân đó lại càng có quyền kiểm soát đối với người đó hơn. Bằng việc đưa ra các giới hạn, quyền bí mật thông tin cá nhân chỉ cho phép thu thập, lưu giữ và sử dụng thông tin cá nhân trong những điều kiện nhất định luật định, ở một mức hợp lý và bảo đảm không gây tổn hại đến cá nhân có liên quan.
Quyền bí mật thông tin cá nhân giúp con người bảo toàn được danh dự, uy tín của mình. Thông tin của các cá nhân không chỉ được sử dụng vào việc đưa ra những quyết định có ý nghĩa rất quan trọng trong cuộc đời họ mà còn có thể bị sử dụng vào việc làm ảnh hưởng đến danh dự, uy tín của cá nhân hay gây tác động đến quyết định và cách ứng xử của họ. Phán xét của người khác về một cá nhân có ảnh hưởng quan trọng đến cơ hội, quan hệ và đời sống nói chung của cá nhân đó. Nếu như cá nhân không thể hoàn toàn kiểm soát được người khác phán xét gì về bản thân mình thì họ cũng phải có cơ hội để tránh những phán xét không công bằng đối với danh dự, uy tín của họ, tuy nhiên, điều này không liên quan việc họ cần phải chia sẻ thông tin về bản thân mình cho người khác. Người ta thường phán xét cực đoan do sự ganh ghét, đố kỵ, thiếu suy nghĩ hay không nhìn vào toàn bộ sự việc mà chỉ phán xét với sự áp đặt. Và do vậy, bảo vệ sự riêng tư, bí mật thông tin cá nhân chính là biện pháp hữu hiệu bảo vệ cá nhân khỏi những phán xét thiếu thiện chí.
Quyền bí mật thông tin cá nhân góp phần tạo ra và duy trì những giới hạn thích hợp về mặt xã hội. Mỗi cá nhân luôn có những giới hạn nhất định đối với người khác trong xã hội và các giới hạn này bao gồm cả về mặt không gian và thông tin. Cá nhân cần có không gian riêng để nghỉ ngơi, thư giãn mà không bị đặt dưới sự quan sát của những người khác. Cá nhân cũng cần có những thông tin riêng tư không phải chia sẻ với ai. Việc phá vỡ các giới hạn này có thể gây ra những tình huống phức tạp trong cuộc sống và hủy hoại các mối quan hệ. Quyền bí mật thông tin cá nhân không chỉ là cơ sở duy trì các giới hạn về mặt xã hội mà còn là công cụ làm hạn chế những câu chuyện thêu dệt về các cá nhân trong xã hội thông qua việc nâng cao nhận thức của con người về việc chia sẻ thông tin của chính mình cũng như tiếp nhận thông tin cá nhân của người khác.
Quyền bí mật thông tin cá nhân góp phần tăng cường niềm tin trong xã hội. Trong bất cứ mối quan hệ nào, dù là quan hệ cá nhân, quan hệ chuyên môn, quan hệ với nhà nước hay quan hệ thương mại thì niềm tin giữa các bên cũng đều rất quan trọng. Sự riêng tư, thông tin cá nhân nếu bị tiết lộ cũng sẽ đồng nghĩa với việc phá vỡ niềm tin và có thể dẫn tới chấm dứt mối quan hệ, chẳng hạn như chấm dứt mối quan hệ khách hàng giữa thân chủ và luật sư, giữa bệnh nhân và bác sĩ nếu như thông tin về khách hàng bị tiết lộ. Người ta cũng chỉ làm ăn, buôn bán kinh doanh với các công ty, doanh nghiệp mà họ tin tưởng.
Quyền bí mật thông tin cá nhân giúp cá nhân kiểm soát tốt hơn các vấn đề trong cuộc sống của họ. Các thông tin cá nhân được sử dụng trong nhiều quyết định liên quan đến họ, từ việc vay vốn, xin giấy phép, công việc đến uy tín cá nhân và uy tín nghề nghiệp. Thông tin cá nhân cũng được sử dụng khi nhà chức trách xử lý các vấn đề liên quan đến cá nhân như kiểm tra an ninh sân bay hay từ chối cấp giấy phép lái xe vì vấn đề sức khỏe. Các thông tin cá nhân có liên quan đến hầu hết các vấn đề của cá nhân, bao gồm cả các tin nhắn và các nội dung tìm kiếm trên Internet. Quyền bí mật thông tin cá nhân cho phép cá nhân biết được thông tin nào về mình đang được sử dụng và sử dụng như thế nào và họ có thể đưa ra các định chính, sửa đổi hay khiếu nại, khiếu kiện đối với việc sử dụng thông tin cá nhân đã hoặc có thể gây hại cho mình. Một trong những tiêu điểm quan trọng của sự tự do đối với con người là việc tự chủ và kiểm soát được cuộc sống của chính mình, do vậy, nếu cá nhân không thể tự chủ và không kiểm soát được việc thông tin về họ được sử dụng như thế nào trong các quyết định liên quan đến họ thì sự tự do thực sự đã bị hủy hoại.
Quyền bí mật thông tin cá nhân là một trong những nhân tố quan trọng thúc đẩy quyền tự do bày tỏ chính kiến và quyền tự do ngôn luận. Khi quyền bí mật thông tin cá nhân được bảo đảm, cá nhân có thể bày tỏ chính kiến, quan điểm của mình về các vấn đề dưới nhiều lăng kính khác nhau, kể cả những quan điểm, chính kiến thiểu số, trái chiều. Bí mật thông tin cá nhân là công cụ hữu hiệu bảo vệ những phát ngôn truyền tải các thông điệp mang tính thiểu số. Đặc biệt, nếu bí mật thông tin cá nhân được bảo đảm, cá nhân còn có thể thoải mái hơn khi tham gia thảo luận về những vấn đề mà gia đình, bạn bè hay đồng nghiệp của họ không ủng hộ. Tương tự, quyển bí mật thông tin cá nhân cũng thúc đẩy việc thực hiện các quyền khác của con người, quyền công dân như quyền bầu cử, quyền tự do tôn giáo hay quyền lập hội…