Hợp đồng là một trong những giao dịch dân sự phổ biến trên thị trường được nhiều người sử dụng. Tuy nhiên không phải bất cứ ai cũng có hiểu biết nhất định về hợp đồng. Dưới đây là một số vấn đề pháp lý cần phải lưu ý khi ký kết hợp đồng dân sự.
Mục lục bài viết
1. Một số vấn đề cần lưu ý khi ký kết hợp đồng dân sự:
Trước hết, căn cứ theo quy định tại Điều 385 của Bộ luật dân sự năm 2015, hợp đồng là sự thoả thuận của các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền và nghĩa vụ dân sự. Trên thực tế hiện nay, có rất nhiều loại hợp đồng dân sự được giao kết. Căn cứ theo quy định tại Điều 402 của Bộ luật dân sự năm 2015, các loại hợp đồng dân sự chủ yếu có thể kể đến như sau:
– Hợp đồng song vụ là hình thức hợp đồng mà mỗi bên đều có nghĩa vụ đối với nhau;
– Hợp đồng đơn vụ là hợp đồng mà chỉ có một bên có nghĩa vụ, bên còn lại sẽ không có nghĩa vụ;
– Hợp đồng chính là hợp đồng mà hiệu lực độc lập và không bị phụ thuộc vào hợp đồng phụ;
– Hợp đồng phụ là hợp đồng mà hiệu lực có sự phụ thuộc vào hợp đồng chính;
– Hợp đồng vì lợi ích của người thứ 03 là loại hợp đồng mà các bên giao kết hợp đồng đó đều phải thực hiện trách nhiệm và nghĩa vụ, từ đó người thứ 03 được hưởng lợi ích từ việc thực hiện nghĩa vụ đó;
– Hợp đồng có điều kiện là loại hợp đồng mà việc thực hiện hoàn toàn phụ thuộc vào việc phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt một sự kiện nhất định trên thực tế.
Trong quá trình ký kết hợp đồng dân sự, cần phải lưu ý một số vấn đề sau đây:
Thứ nhất, về năng lực chủ thể giao kết hợp đồng dân sự. Chủ thể ký kết hợp đồng dân sự phải là người có năng lực pháp lý, trong đó bao gồm năng lực pháp luật và năng lực hành vi dân sự. Năng lực pháp luật dân sự của cá nhân được xác định là khả năng mà cá nhân đó có quyền dân sự và có nghĩa vụ dân sự căn cứ theo quy định tại Điều 16 của Bộ luật dân sự năm 2015. Năng lực hành vi dân sự của cá nhân là khả năng của cá nhân bằng hành vi của mình xác lập, thực hiện quyền và nghĩa vụ dân sự căn cứ theo quy định tại Điều 19 của Bộ luật dân sự năm 2015. Điều kiện về năng lực chủ thể trong quá trình ký kết hợp đồng dân sự đóng vai trò vô cùng quan trọng. Nếu vi phạm điều kiện về năng lực chủ đề thì rất có thể sẽ dẫn đến khả năng hợp đồng dân sự đó sẽ bị vô hiệu.
Thứ hai, im lặng cũng sẽ được coi là đồng ý chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng trong một số trường hợp. Căn cứ theo quy định tại Điều 393 của Bộ luật dân sự năm 2015 có quy định, chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng được xem là sự trả lời của bên được đề nghị về việc bên được đề nghị chấp nhận toàn bộ nội dung đề nghị của bên đề nghị giao kết hợp đồng. Tuy nhiên trên thực tế, nếu như bên được đề nghị thể hiện thái độ im lặng trước lời đề nghị thì sự im lặng đó không được coi là chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác hoặc do thói quen đã được xác lập giữa các bên trong quá trình đề nghị giao kết hợp đồng căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 393 của Bộ luật dân sự năm 2015. Vậy nếu như các bên có thỏa thuận hoặc thói quen đã được xác lập trước đó giữa các bên thì khi đó, im lặng cũng sẽ được coi là đồng ý chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng.
Thứ ba, cần phải lưu ý về thời điểm có hiệu lực của hợp đồng dân sự. Căn cứ theo quy định tại Điều 401 của Bộ luật dân sự năm 2015 có quy định, những hợp đồng được giao kết một cách hợp pháp thì sẽ có hiệu lực kể từ thời điểm giao kết, trừ những trường hợp các bên có thỏa thuận khác hoặc pháp luật liên quan có quy định khác. Như vậy có thể nói, thời điểm có hiệu lực của hợp đồng dân sự là thời điểm hợp đồng đó được giao kết trên thực tế, là thời điểm các bên thỏa thuận trong hợp đồng hoặc là thời điểm được quy định theo các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan. Cụ thể;
– Thời điểm phát sinh hiệu lực của hợp đồng là thời điểm giao kết hợp đồng;
– Thời điểm phát sinh hiệu lực của hợp đồng là thời điểm theo sự thỏa thuận của các bên;
– Thời điểm phát sinh hiệu lực của hợp đồng được thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan.
Thứ tư, cần phải lưu ý về nội dung của hợp đồng trong quá trình ký kết hợp đồng dân sự. Căn cứ theo quy định tại Điều 398 của Bộ luật dân sự năm 2015 có quy định về nội dung của hợp đồng dân sự. Theo đó, các bên trong hợp đồng có quyền thỏa thuận về nội dung trong hợp đồng dân sự. Hợp đồng dân sự có thể bao gồm các nội dung sau: Đối tượng của hợp đồng, số lượng và chất lượng, giá cả và phương thức thanh toán, thời hạn thực hiện hợp đồng, phương thức thực hiện hợp đồng, địa điểm thực hiện hợp đồng, quyền và nghĩa vụ của các bên, trách nhiệm do vi phạm hợp đồng, phương thức giải quyết tranh chấp. Ngoài ra thì các bên có thể thỏa thuận thêm một số nội dung khác tuy nhiên cần phải phù hợp với quy định của pháp luật và không trái đạo đức xã hội.
Thứ năm, lưu ý về
Thứ sáu, hợp đồng vô hiệu. Bộ luật dân sự năm 2015 hiện nay quy định hợp đồng vô hiệu từ Điều 123 đến Điều 133. Hợp đồng phụ sẽ chấm dứt hiệu lực nếu như hợp đồng chính vô hiệu, tuy nhiên hợp đồng phụ có thể thay thế cho hợp đồng chính trong trường hợp các bên có thỏa thuận. Bên cạnh đó, khi hợp đồng phụ vô hiệu thì cũng không làm chấm dứt hợp đồng chính, trừ trường hợp là hợp đồng phụ được coi là một phần không thể tách rời của hợp đồng chính theo như các bên đã thỏa thuận.
2. Nguyên tắc cần phải tuân thủ trong quá trình ký kết hợp đồng dân sự:
Căn cứ theo quy định tại Điều 3 của Bộ luật dân sự năm 2015 có quy định về nguyên tắc trong quá trình ký kết hợp đồng dân sự. Theo đó, nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự bao gồm:
– Mọi cá nhân, pháp nhân đều bình đẳng, không được lấy bất kỳ lý do nào để thực hiện hành vi phân biệt đối xử, được pháp luật bảo hộ như nhau về các quyền nhân thân và quyền tài sản;
– Cá nhân, pháp nhân xác lập và thực hiện, chấm dứt quyền và nghĩa vụ dân sự của mình cần phải được thực hiện dựa trên cơ sở tự do, tự nguyện cam kết, tự nguyện thỏa thuận và thiện chí. Mọi cam kết và thỏa thuận không vi phạm điều cấm của pháp luật, không được trái đạo đức xã hội sẽ có hiệu lực thực hiện đối với các bên, các bên cần phải tôn trọng và tuân thủ;
– Cá nhân và pháp nhân xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền và nghĩa vụ dân sự của mình một cách trung thực và thiện chí;
– Việc xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền và nghĩa vụ dân sự sẽ không được xâm hại đến lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân và tổ chức khác trong xã hội;
– Các cá nhân và pháp nhân phải tự chịu trách nhiệm về việc không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ dân sự của mình.
3. Điều kiện có hiệu lực của hợp đồng dân sự:
Căn cứ theo quy định tại Điều 117 của Bộ luật dân sự năm 2015. Điều kiện có hiệu lực của hợp đồng dân sự được quy định như sau:
– Các chủ thể ký kết hợp đồng phải hợp pháp và đáp ứng được đầy đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật. Thông thường, các bên giao kết cần phải có đầy đủ năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật;
– Các chủ thể tham gia ký kết hợp đồng dân sự hoàn toàn tự nguyện, tức là phải xuất phát từ ý chí và sự tự do của các bên trong quá trình thỏa thuận hoạt động ký kết hợp đồng dân sự;
– Nội dung của hợp đồng dân sự phải phù hợp với quy định của pháp luật, không trái đạo đức xã hội. Đối tượng của hợp đồng dân sự không thuộc danh mục hàng hóa cấm giao dịch, công việc cấm thực hiện trên thực tế theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, nội dung của hợp đồng dân sự cần phải được thể hiện cụ thể, bởi vì việc xác lập nghĩa vụ của hợp đồng dân sự cần phải phản ánh tính khả thi trên thực tế. Những nghĩa vụ trong hợp đồng mà không thể thực hiện được thì hợp đồng đó cũng không được coi là có hiệu lực pháp lý và làm cơ sở để phát sinh quyền, nghĩa vụ của các bên;
– Thủ tục và hình thức của hợp đồng cần phải tuân thủ theo thể thức nhất định phù hợp với quy định của pháp luật đối với từng loại hợp đồng.
Hợp đồng không đáp ứng được một trong các điều kiện nêu trên thì sẽ dẫn đến vô hiệu.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Bộ luật Dân sự năm 2015.