Hiện nay, vấn đề bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng trong lĩnh vực tài chính đang được quan tâm rất nhiều tại các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Dưới đây là quy định của pháp luật về vấn đề bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong hợp đồng tín dụng.
Mục lục bài viết
1. Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong hợp đồng tín dụng:
Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong hợp đồng tín dụng đã được pháp luật quy định một cách cụ thể. Tuy nhiên, các văn bản quy phạm pháp luật hiện nay vẫn chưa quy định cụ thể thế nào là bảo vệ người tiêu dùng trong hợp đồng tín dụng. Tuy nhiên, có thể đưa ra một khái niệm thông thường về bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng trong hợp đồng tín dụng như sau: Bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng trong hợp đồng tín dụng là những biện pháp ngăn ngừa và phòng chống các hành vi vi phạm những lợi ích mà pháp luật bảo vệ cho người đi vay khi những đối tượng này thực hiện thủ tục ký kết hợp đồng tín dụng với các công ty tài chính hoặc với các tổ chức tín dụng khác nhằm mục đích phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt và tiêu dùng của người vay. Như vậy có thể nói, cho vay tiêu dùng được coi là sản phẩm cho vay dưới hình thức tín chấp (tức là hình thức cho vay được bảo đảm bằng sự tín nhiệm và uy tín, không cần có tài sản thế chấp) hoặc dưới hình thức thế chấp (tức là hình thức cho vay có tài sản đảm bảo) nhầm mục đích hỗ trợ nguồn tài chính giúp cho người tiêu dùng có thể trang trải các nhu cầu của cuộc sống như nhà ở, phương tiện đi lại, tiện nghi sinh hoạt, học tập, y tế, du lịch … và các nhu cầu thiết yếu khác trong cuộc sống trước khi họ có đủ khả năng về tài chính.
Trước hết, căn cứ theo quy định tại Điều 2 của Thông tư 39/2016/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng, có quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng. Theo đó, các tổ chức tín dụng cho vay phục vụ cho nhu cầu đời sống là việc các tổ chức đó cho vay đối với khách hàng là cá nhân để thanh toán các chi phí cho mục đích tiêu dùng, sinh hoạt của cá nhân đó, gia đình của cá nhân đó. Để bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng trong hoạt động tín dụng, pháp luật hiện nay cũng đã ban hành nghị định xử lý các hành vi có liên quan.
Căn cứ theo quy định tại Điều 47 của Nghị định 98/2020/NĐ-CP của Chính phủ về việc quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, có quy định về mức xử phạt hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, buôn bán hàng cấm và bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, có quy định mức xử phạt đối với hành vi vi phạm đó là không thông báo chính xác, đầy đủ cho người tiêu dùng về hợp đồng mẫu, điều kiện giao dịch chung trước khi tiến hành hoạt động giao dịch, che giấu các thông tin hoặc cung cấp thông tin không đầy đủ, cung cấp thông tin sai lệch không chính xác cho người tiêu dùng, có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng. Quy định này sẽ được áp dụng cho tất cả các tổ chức tín dụng, mức phạt trong trường hợp này đối với các tổ chức là phù hợp, có tính răn đe cao trên thực tế.
Ngoài ra, căn cứ theo quy định tại Điều 24 của Luật bảo vệ người tiêu dùng năm 2023 có quy định về nghĩa vụ giải thích hợp đồng trong quá trình giao kết hợp đồng với người tiêu dùng. Theo đó, trong trường hợp hiểu khác nhau về nội dung hợp đồng giao kết với người tiêu dùng, hợp đồng mẫu, điều kiện giao dịch chung thì có tổ chức tín dụng sẽ phải thực hiện nghĩa vụ giải thích và thực hiện theo hướng có lợi dành cho người tiêu dùng. Căn cứ theo quy định tại Điều 15 của Luật bảo vệ người tiêu dùng năm 2023 con có quy định cụ thể về nghĩa vụ bảo vệ thông tin của người tiêu dùng. Theo đó, các tổ chức tín dụng trong quá trình giao kết hợp đồng với người tiêu dùng thì cần phải có nghĩa vụ bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng thông qua hình thức bảo mật thông tin. Cụ thể như sau:
– Các tổ chức, cá nhân kinh doanh sẽ tự mình hoặc ủy quyền, thuê bên thứ ba thực hiện hoạt động thu thập, lưu trữ và sử dụng thông tin, cập nhật và bãi bỏ thông tin của người tiêu dùng cần phải đảm bảo tính an toàn và an ninh thông tin của người tiêu dùng theo quy định của pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan;
– Trường hợp tổ chức, cá nhân kinh doanh ủy quyền hoặc thuê bên thứ ba thực hiện hoạt động thu thập, sử dụng, sử dụng và hủy bỏ thông tin của người tiêu dùng cần phải được sự đồng ý của người tiêu dùng đó. Việc ủy quyền hoặc thuê bên thứ ba sẽ phải được thực hiện bằng văn bản, trong văn bản đó phải thể hiện rõ phạm vi, trách nhiệm của mỗi bên trong việc bảo vệ thông tin của người tiêu dùng theo quy định của pháp luật bảo vệ người tiêu dùng và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan;
– Trường hợp người tiêu dùng thực hiện giao dịch thông qua bên thứ ba, thì bên thứ ba sẽ phải có nghĩa vụ bảo vệ thông tin của người tiêu dùng theo quy định của pháp luật.
Như vậy có thể nói, chế định bảo vệ người tiêu dùng nói chung và bảo vệ người tiêu dùng trong hợp đồng tín dụng nói riêng đóng vai trò vô cùng quan trọng. Các tổ chức tín dụng cần phải nắm bắt cụ thể về vấn đề này để bảo vệ tối đa quyền lợi của người tiêu dùng trong quá trình giao kết hợp đồng và thực hiện hợp đồng.
2. Sự cần thiết của việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong hợp đồng tín dụng:
Việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong hợp đồng tín dụng xuất phát từ một số yêu cầu sau:
– Trong bất kỳ lĩnh vực nào, trong đó có lĩnh vực tài chính, người tiêu dùng luôn luôn được giả định là chủ thể yếu thế trong quan hệ với nhà cung cấp sản phẩm, dịch vụ, trong đó có tổ chức tín dụng. Cụ thể thì người tiêu dùng yếu thế trong việc tiếp cận và xử lý các thông tin liên quan đến dịch vụ tài chính. Mối quan hệ giữa bên cung cấp sản phẩm, tức là các tổ chức tín dụng với người tiêu dùng thông thường sẽ không tương xứng về thông tin và hiểu biết đối với chất lượng, cộng đồng và lợi ích của các dịch vụ tài chính. Người tiêu dùng sẽ không được trực tiếp tham gia vào quá trình tạo ra sản phẩm, dịch vụ, cũng như hạn chế về chuyên môn kĩ thuật cho nên không hiểu được đầy đủ tính chất, chất lượng và các rủi ro có liên quan đến quá trình sử dụng dịch vụ. Vì vậy cho nên cần phải bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng trong hợp đồng tín dụng;
– Người tiêu dùng được xác định là chủ thể yếu thế về khả năng chịu rủi ro trong hợp đồng tín dụng. Với tìm lực tài chính có hạn, khi xảy ra các rủi ro phát sinh trong quá trình sử dụng dịch vụ, người tiêu dùng rất khó khăn khi tự mình trang trải và tìm ra các chi phí để khắc phục các loại rủi ro. Trong khi đó, nếu gánh nặng chi phí ngăn ngừa, gánh nặng rủi ro trong quá trình tiêu dùng sản phẩm được chuyển giao cho các tổ chức tín dụng thì các khả năng trang trải này sẽ hiệu quả hơn rất nhiều.,
– Người tiêu dùng nói chung còn có thể gặp một số bất lợi khác trong quá trình giao kết hợp đồng tín dụng như: không nắm bắt được thông tin của các sản phẩm và dịch vụ, chất lượng của sản phẩm và dịch vụ, hiểu biết pháp luật thấp, không nắm bắt được các thông tin về các tổ chức tài chính trên thị trường.
3. Các hành vi bị nghiêm cấm trong bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng:
Căn cứ theo quy định tại Điều 10 của Luật bảo vệ người tiêu dùng năm 2023 có quy định về các hành vi bị nghiêm cấm trong bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Cụ thể như sau:
– Tổ chức và cá nhân kinh doanh sẽ bị nghiêm cấm thực hiện các hành vi sau đây:
+ Hành vi lừa dối hoặc gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng thông qua việc cung cấp thông tin sai lệch, không đầy đủ và không chính xác về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ mà các tổ chức và cá nhân đó buôn bán, cung cấp, cung cấp sai về uy tín, khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp các loại sản phẩm và hàng hóa dịch vụ, nội dung và đặc điểm giao dịch giữa người tiêu dùng với các tổ chức và cá nhân kinh doanh, các loại giấy tờ và tài liệu chứng nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về sản phẩm hàng hóa và dịch vụ kinh doanh;
+ Quấy rối người tiêu dùng thông qua hành vi tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp trái với ý muốn của người tiêu dùng để giới thiệu các loại sản phẩm hàng hóa, dịch vụ, đề nghị giao kết hợp đồng và có hành vi cản trở các công việc sinh hoạt bình thường của người tiêu dùng;
+ Ép buộc người tiêu dùng mua bán các loại sản phẩm hàng hóa, dịch vụ trái với ý muốn của người tiêu dùng thông qua việc thực hiện các hành vi dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực hoặc các hành vi có tính chất tương tự;
+ Có hành vi ép buộc người tiêu dùng thanh toán các loại sản phẩm hàng hóa, dịch vụ đã cung cấp tuy nhiên không có sự thỏa thuận trước với người tiêu dùng;
+ Không đền bù hoặc không đổi trả các loại sản phẩm hàng hóa, dịch vụ cho người tiêu dùng suất phát từ nỗi nhầm lẫn của các tổ chức và cá nhân kinh doanh;
+ Không đền bù và không đổi trả các loại sản phẩm hàng hóa, dịch vụ cho người tiêu dùng do các loại sản phẩm hàng hóa, dịch vụ đó không đúng với đăng ký, quảng cáo, giới thiệu, cam kết của các tổ chức và cá nhân kinh doanh;
+ Đánh tráo hoặc gian lận các loại sản phẩm hàng hóa, dịch vụ trong quá trình giao hàng và cung cấp cho người tiêu dùng;
+ Ép buộc người tiêu dùng phải mua thêm các loại sản phẩm hàng hóa, dịch vụ như là điều kiện bắt buộc để giao kết hợp đồng trái với ý muốn của người tiêu dùng;
+ Thu thập và sử dụng, cập nhật hoặc hủy bỏ thông tin của người tiêu dùng trái quy định của pháp luật.
– Các tổ chức và cá nhân bán hàng đa cấp sẽ bị nghiêm cấm thực hiện các hành vi như sau:
+ Yêu cầu người khác phải đặt cọc hoặc nộp một khoản tiền hoặc mua một số lượng hàng hóa nhất định để có thể tham gia bán hàng đa cấp;
+ Cung cấp các thông tin gian dối hoặc các thông tin gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng và cá nhân tham gia bán hàng đa cấp;
+ Kinh doanh theo phương thức đa cấp không có giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp được cấp bởi cơ quan có thẩm quyền;
+ Kinh doanh theo phương thức đa cấp đối với các loại hình dịch vụ và phương thức khác không phải là mua bán hàng hóa;
+ Phát triển mạng lưới bán hàng đa cấp không dựa trên các giao dịch mua bán hàng hóa.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023;
– Thông tư 39/2016/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng;
– Thông tư 10/2023/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ngưng hiệu lực thi hành một số nội dung của Thông tư 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng (đã được bổ sung tại Thông tư 06/2023/TT-NHNN ngày 28/6/2023 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam);
– Nghị định 98/2020/NĐ-CP của Chính phủ về việc quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.