Hiện nay, pháp luật nước ta không cấm người hút thuốc lá mà chỉ có một số biện pháp để hạn chế và phòng ngừa những tác hại do thuốc lá mang lại. Vậy có được phép quảng cáo thuốc lá trên mạng xã hội không?
Mục lục bài viết
1. Có được phép quảng cáo thuốc lá trên mạng xã hội không?
Hiện nay, việc quảng cáo xuất hiện trên mọi phương tiện, nhằm giới thiệu đến công chúng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ với mục đích sinh lợi hoặc không sinh lợi. Mạng xã hội là một công cụ nhằm kết nối với những người khác, theo đó mọi người có thể chia sẻ thông tin, hình ảnh, âm thanh… tìm kiếm bạn bè, kết nối với những người khác…Ví dụ như facebook, zalo, tiktok,…Việc truy cập vào mạng xã hội đã không còn xa lạ, số lượng người dùng xuất hiện ở mọi lứa tuổi, mọi khu vực,…bởi sự bùng bổ của công nghệ thông tin, tất cả mọi người đều có thể dễ dàng truy cập vào mạng xã hội bất kỳ thông qua điện thoại, máy tính, máy tính bảng…bằng việc tạo một tài khoản trên trang mạng xã hội. Như vậy, quảng cáo trên mạng xã hội là sử dụng những trang mạng xã hội này nhằm quảng bá, giời thiệu những thông tin về hàng hóa, dịch vụ tới người tiêu dùng nhằm tăng lượng tiêu thụ, bán được hàng hóa nhiều hơn.
Tuy nhiên, hiện nay tất cả các quy định của pháp luật đều nghiêm cấm hành vi quảng cáo thuốc lá dưới mọi hình thức, kể cả quảng cáo trên mạng xã hội. Căn cứ văn bản hợp nhất 15/VBHN-VPQH 2023 hợp nhất Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá thì tại Điều 7 quy định thuốc lá là sản phẩm cấm quảng cáo, tại Điều 9 quy định nghiêm cấm hành vi quảng cáo, khuyến mại thuốc lá; tiếp thị thuốc lá trực tiếp tới người tiêu dùng dưới mọi hình thức. Bên cạnh đó trong hợp tác quốc tế giữa nước ta với các nước cũng đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực cấm quảng cáo, khuyến mại và tài trợ thuốc lá xuyên biên giới.
Theo các quy định trên thì quảng cáo thuốc lá là hành vi bị nghiêm cấm dưới mọi hình thức. Do đó, quảng cáo thuốc lá trên mạng xã hội là hành vi bị nghiêm cấm. Sở dĩ có quy định cấm như vậy xuất phát từ những tác hại của thuốc lá gây ra đối với sức khỏe của con người.
Theo nghiên cứu, trong khói thuốc lá chứa hơn 7000 chất, trong đó có hàng trăm loại có hại cho sức khỏe, 69 chất gây ung thư, bao gồm chất gây nghiện và các chất gây độc, có cả sản phẩm tẩy rửa, thạch tím…không có một loại chất nào trong thuốc lá là an toàn cả. Chính vì có nhiều chất nguy hại nên việc hút thuốc lá hoặc hít phải khói thuốc lá gây ra những ảnh hưởng vô cùng nguy hiểm đến sức khỏe như: giảm thọ do hút thuốc, gây ra những nguy cơ đặc biệt đối với phụ nữ và trẻ sơ sinh như sẽ tăng nguy cơ bị bệnh về tim mạch, đột quỵ, thuyên tắc phổi, tăng nguy cơ bị sảy thai, thai lưu, sinh con nhẹ cân…Người hút thuốc thụ động còn nguy hiểm hơn người hút thuốc lá. Để bảo vệ sức khoẻ gia đình và cộng đồng, hãy dừng việc hút thuốc khi có thể.
Chính vì những tác hại nguy hiểm nêu trên của thuốc lá mà việc quảng cáo thuốc lá phải bị nghiêm cấm. Bởi lẽ, việc quảng cáo thuốc lá sẽ nâng mức độ tiêu thụ thuốc, bởi nhà nước ta hiện nay chưa có quy định cấm việc buôn bán, sản xuất thuốc lá, việc quảng cáo nhiều khi sẽ tạo ra những hấp dẫn, hứng thú đối với người xem được quảng cáo, bởi các công ty thuốc lá sẽ có những cách thức để kích cầu nhu cầu sử dụng thuốc của người tiêu dùng như giảm giá thuốc, bao bì nhãn mác đẹp, hào nhoáng, tìm mọi cách lách luật để quảng cáo hoặc đưa các hình ảnh lên các phương tiện thông tin cho thấy hút thuốc lá là sành điệu và là mốt thời thượng. Từ đó làm cho những người đang sử dụng hút nhiều hơn, đặc biệt là thanh thiếu niên bắt đầu hút thuốc và những người bỏ thuốc quay trở lại hút thuốc. Nguy hiểm hơn là việc quảng cáo có thể dẫn đến khuyến khích thanh thiếu niên bắt đầu sử dụng thuốc lá nên việc cấm hoàn toàn quảng cáo, khuyến mại thuốc lá là hết sức cần thiết.
2. Hành vi quảng cáo thuốc lá trên mạng xã hội bị xử phạt như thế nào?
Tốc độ lan truyền của mạng xã hội có thể nói là chóng mặt, một thông tin nhưng có thể được hàng nghìn người, thậm chí hàng trăm, hàng triệu người có thể tiếp cận. Theo đó, quảng cáo và khuyến mại thuốc lá đã bị cấm hoàn toàn. Tuy nhiên, trên thực tế, tình hình thực thi các quy định này vẫn còn nhiều bất cập. Các cá nhân, tổ chức lợi dụng những sở hở để để lách luật thực hiện việc quảng cáo thuốc lá, tại các điểm bán lẻ vẫn diễn ra khá phổ biến. Chính vì vậy cần đẩy mạnh hoạt động kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm minh đối với những hành vi vi phạm.
Căn cứ Điều 33 Văn bản hợp nhất 505/VBHN-BVHTTDL 2023 xử phạt VPHC lĩnh vực văn hóa và quảng cáo thì mức xử phạt đối với hành vi quảng cáo thuốc lá là phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng. Ngoài ra còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc tháo gỡ, tháo dỡ, xóa quảng cáo hoặc thu hồi sản phẩm báo, tạp chí in có quảng cáo đối với hành vi vi phạm quy định.
Bên cạnh đó hành vi này còn có thể bị xử phạt theo quy định tại Điều 29 Văn bản hợp nhất 01/VBHN-BYT 2022 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi tiếp thị thuốc lá trực tiếp tới người tiêu dùng dưới mọi hình thức;
Mức phạt tiền nêu trên là mức phạt tiền đối với cá nhân, với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
3. Chủ tịch ủy ban nhân dân các cấp có thẩm quyền xử phạt hành vi quảng cáo thuốc lá trên mạng xã hội không?
Căn cứ Điều 71 Văn bản hợp nhất 505/VBHN-BVHTTDL 2023 xử phạt VPHC lĩnh vực văn hóa và quảng cáo thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp xử phạt đối với các hành vi vi phạm hành chính quy định tại Chương II và Chương III Nghị định này. Mà hành vi quảng cáo thuốc lá thuộc các chương này nên thuộc thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch ủy ban nhân dân các cấp. Căn cứ Điều 64 thì thẩm quyền này được phân định cụ thể như sau:
– Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có thẩm quyền phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 5.000.000 đồng. Có quyền tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá 10.000.000 đồng. Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định.
– Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có quyền phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 50.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực quảng cáo, tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn. Có quyền Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính. Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định.
– Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có quyền phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 100.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực quảng cáo; tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn. Có quyền tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính. Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại Điều 4 Nghị định này.
Do mức xử phạt đối với hành vi quảng cáo thuốc lá là phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng. Nên chỉ có chủ tịch ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp tỉnh mới có thẩm quyền xử phạt hành vi này. Còn Chủ tích ủy ban nhân dân xã không có thẩm quyền xử phạt hành vi này.
Những văn bản sử dụng trong bài viết:
Văn bản hợp nhất 15/VBHN-VPQH 2023 hợp nhất Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá
Văn bản hợp nhất 47/VBHN-VPQH 2018 Hợp nhất Luật Quảng cáo
Văn bản hợp nhất 01/VBHN-BYT 2022 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế
Văn bản hợp nhất 505/VBHN-BVHTTDL 2023 xử phạt VPHC lĩnh vực văn hóa và quảng cáo