Nhiều biển quảng cáo cỡ lớn ngang nhiên đặt trên các hè phố có khả năng gây ra nhiều thiệt hại về tính mạng, sức khỏe hoặc tài sản của những người xung quanh. Vậy ai sẽ phải chịu trách nhiệm khi biển quảng cáo sập làm chết người?
Mục lục bài viết
1. Ai chịu trách nhiệm khi biển quảng cáo sập làm chết người?
Hiện nay, nhiều bảng quảng cáo cỡ lớn đã được lắp đặt và xây dựng hai bên đường giao thông, người ta còn thường xuyên gắn bảng quảng cáo tại các công trình, các khu nhà ở riêng lẻ trên các tuyến phố, đặc biệt là những tuyến phố thuộc trung tâm thành phố, đông đúc người qua lại để quảng bá cho thương hiệu cá nhân, hành vi này không những tạo ra sự mất mỹ quan đô thị mà còn trực tiếp đe dọa đến hành lang an toàn giao thông. Với kích thước lớn của những tấm biển quảng cáo, nhiều người đặt ra câu hỏi: Ai sẽ phải chịu trách nhiệm khi biển quảng cáo sập làm chết người? Để trả lời được câu hỏi này thì cần phải tìm hiểu quy định của pháp luật về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Những biển quảng cáo gây ra hậu quả tai nạn trên thực tế ảnh hưởng đến tính mạng và sức khỏe của người khác có lẽ đã không còn quá xa lạ trong đời sống hiện nay. Nhiều vụ việc tai nạn giao thông xảy ra, kéo theo những hậu quả nghiêm trọng gây bức xúc trong quần chúng dư luận. Trước thực trạng đó, đòi hỏi các cơ quan chức năng cần phải cần thiết vào cuộc rà soát, kiểm tra, siết chặt quản lý và xử phạt nghiêm trọng đối với những hành vi vi phạm quy định về lắp đặt biển quảng cáo, treo biển quảng cáo không đúng quy định của pháp luật và không đảm bảo an toàn cho người dân. Về phía chủ các cơ sở kinh doanh, họ cần phải tìm hiểu kỹ quy định của pháp luật như kiến thức và kỹ thuật lắp đặt biển quảng cáo, mức độ an toàn của biển quảng cáo, thường xuyên kiểm tra và sửa chữa bảo dưỡng biển quảng cáo để tự bảo vệ tài sản của mình và đảm bảo an toàn cho người khác, tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra.
Trước hết, trong trường hợp biển quảng cáo sập gây ra thiệt hại về tính mạng cho người khác, căn cứ theo quy định tại Điều 584 của Bộ luật dân sự năm 2015 có quy định về căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Cụ thể, có thể kể đến một số căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại như sau:
– Người nào có hành vi xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, người nào có hành vi xâm phạm đến danh dự và nhân phẩm, có hành vi xâm phạm đến uy tín, tài sản và quyền lợi hợp pháp của người khác mà gây ra thiệt hại trên thực tế, thì theo quy định của pháp luật sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác và pháp luật liên quan có quy định khác;
– Người gây ra thiệt hại sẽ không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại đối với những thiệt hại phát sinh xuất phát từ nguyên nhân do sự kiện bất khả kháng nằm ngoài ý chí chủ quan của con người, hoặc thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác hoặc pháp luật liên quan có quy định khác;
– Trong trường hợp tài sản gây thiệt hại thì những đối tượng được xác định là chủ sở hữu, người chiếm hữu tài sản hợp pháp sẽ phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp thiệt hại phát sinh xuất phát từ sự kiện bất khả kháng hoặc thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại.
Theo đó thì có thể nói, chủ sở hữu và các đơn vị quản lý biển quảng cáo sẽ phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp biển quảng cáo sập gây ra hậu quả chết người, Trừ những trường hợp thiệt hại phát sinh do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại theo như phân tích nêu trên. Quá trình bồi thường cần phải dựa trên thiệt hại thực tế. Tức là, thiệt hại đến đâu thì phải bồi thường đến đó, không bao gồm thiệt hại trong tương lai hay thiệt hại kéo theo mà phải là thiệt hại thực tế ngay tại thời điểm gây ra thiệt hại. Trách nhiệm khi biển quảng cáo sập làm chết người thuộc về chủ sở hữu biển quảng cáo hoặc đơn vị có trách nhiệm quản lý biển quảng cáo đó.
Về chi phí bồi thường, căn cứ theo quy định tại Điều 591 của Bộ luật dân sự năm 2015, các khoản chi phí phải bồi thường khi tính mạng của con người bị xâm phạm bao gồm:
– Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm căn cứ theo quy định tại Điều 590 của Bộ luật dân sự năm 2015;
– Các chi phí hợp lý phục vụ cho quá trình mai táng người bị hại;
– Tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại phải có nghĩa vụ cấp dưỡng;
– Thiệt hại khác do pháp luật quy định.
Ngoài các khoản tiền phải bồi thường khi tính mạng bị xâm phạm như phân tích nêu trên, người có trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp tính mạng bị xâm phạm sẽ cần phải bồi thường thêm một khoản tiền để bù đắp tổn thất về tinh thần cho người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại. Nếu như không có những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất, người bị thiệt hại phải có nghĩa vụ trực tiếp nuôi dưỡng một người khác Thì cũng sẽ phải thực hiện nghĩa vụ này thay cho người chết. Mức bù đắp tổn thất về tinh thần sẽ do các bên thỏa thuận với nhau, nếu như không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có tính mạng bị xâm phạm là không vượt quá 100 lần mức lương cơ sở do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định.
Như vậy có thể nói, về trách nhiệm dân sự, chủ sở hữu biển quảng cáo hoặc đơn vị quản lý biển quảng cáo sẽ là người chịu trách nhiệm khi để biển quảng cáo sập làm chết người, trừ những trường hợp loại trừ trách nhiệm dân sự căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 584 của Bộ luật dân sự năm 2015.
2. Biển quảng cáo sập làm chết người sẽ không phải chịu trách nhiệm khi nào?
Theo như phân tích nêu trên, những người là chủ sở hữu biển quảng cáo và các đơn vị có thẩm quyền quản lý biển quảng cáo sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường khi biển quảng cáo sập làm chết người. Tuy nhiên trong một số trường hợp, dù có thiệt hại xảy ra nhưng nạn nhân cũng sẽ không được bồi thường nếu như sự cố đổ biển quảng cáo xuất phát từ lỗi của người bị thiệt hại hoặc xuất phát từ các sự kiện bất khả kháng. Căn cứ theo quy định tại Điều 584 của Bộ luật dân sự năm 2015 có quy định, người gây thiệt hại sẽ không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại xảy ra xuất phát từ sự kiện bất khả kháng hoặc thiệt hại đó xảy ra hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác hoặc pháp luật liên quan có quy định khác. Về khái niệm sự kiện bất khả kháng, căn cứ theo quy định tại Điều 156 của Bộ luật dân sự năm 2015 thì sự kiện bất khả kháng là những sự kiện xảy ra một cách khách quan, con người không thể lường trước được các sự kiện đó, con người cũng không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng các biện pháp cần thiết và trong khả năng cho phép. Nếu lường trước được mà để xảy ra hậu quả thiệt hại thì vẫn sẽ phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật. Tính chất không lường trước được và tính chất không thể phòng tránh được, không thể chống đỡ được trong trường hợp này cần phải được xem xét và đánh giá cụ thể trong từng trường hợp khác nhau. Mặc dù pháp luật về dân sự đã quy định cụ thể, tuy nhiên trên thực tế để có thể xác định một sự kiện bất khả kháng thì vẫn còn rất nhiều tranh luận của giới chuyên gia.
Trong trường hợp biển quảng cáo gãy đổ, xuất phát từ lỗi kết cấu và không thể kiểm soát được, không duy tu bảo dưỡng của chủ sở hữu và các đơn vị quản lý, tùy từng mức độ khác nhau có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bồi thường thiệt hại dân sự hoặc thậm chí là sự phạt vi phạm hành chính. Tuy nhiên, mưa gió … lại được xem là hiện tượng tự nhiên, là thiên tai cho nên thường được xếp vào sự kiện bất khả kháng, thiệt hại xảy ra trong trường hợp này thì có thể sẽ thuộc trường hợp được miễn trách nhiệm dân sự. Tuy nhiên không phải mọi trường hợp vật hư hỏng, ngã đổ do mưa bão đều được xem là sự kiện bất khả kháng để loại trừ trách nhiệm của người chủ sở hữu và đơn vị quản lý đối với vật gây ra thiệt hại đó.
Khi xây dựng biển quảng cáo ngoài trời thì các đơn vị quản lý, thi công và chủ sở hữu biển quảng cáo đều cần phải tuân thủ đầy đủ nguyên tắc để đảm bảo an toàn trong giới hạn của thiên tai, cụ thể là biển quảng cáo đó có thể chịu được sức gió cấp bao nhiêu và có khả năng chịu đựng thiên tai như thế nào để có thể đưa ra các biện pháp xử lý phù hợp. Chỉ khi vượt quá mức độ quy định thì mới được xem là sự kiện bất khả kháng. Còn nếu như chỉ là mưa gió thông thường mà vẫn gãy đổ và gây ra hậu quả chết người thì vẫn sẽ phải chịu trách nhiệm dân sự, xử phạt hành chính, thậm chí là truy cứu trách nhiệm hình sự.
3. Biển quảng cáo sập làm chết người có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không?
Chủ sở hữu biển quảng cáo hoặc các đơn vị quản lý biển quảng cáo hoàn toàn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi có hành vi để cho biển quảng cáo sập làm chết người căn cứ theo quy định tại Điều 360 của Bộ luật hình sự năm 2015 về tội thiếu trách nhiệm gây ra hậu quả nghiêm trọng. Hành vi khách quan của loại tội phạm này được quy định là hành vi không thực hiện hoặc thực hiện không đúng chức năng, nhiệm vụ của mình được giao xuất phát từ nguyên nhân thiếu trách nhiệm. Không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ là do những đối tượng đó thiếu trách nhiệm, còn thực tế họ hoàn toàn có đầy đủ điều kiện khách quan có thể là thời gian, cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật, nhân lực, phương tiện … và có đầy đủ điều kiện chủ quan như trình độ, kinh nghiệm … để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Một trong những hậu quả của tội phạm được quy định đó là “hậu quả chết người”. Hậu quả thiệt hại xảy ra phải có mối quan hệ nhân quả với hành vi khách quan. Điều luật này quy định khung hình phạt cao nhất là có thể bị phạt tù lên đến 12 năm tù. Ngoài ra còn có thể bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là hình phạt cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định trong khoảng thời gian từ 01 năm đến 05 năm. Vì vậy cần phải nắm rõ quy định và yêu cầu lắp đặt biển quảng cáo để có thể thực hiện tốt chức năng quản lý, kiểm soát biển quảng cáo để không gây ra hậu quả ngoài ý muốn.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Bộ luật Dân sự năm 2015;
– Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).