Hiện nay, quảng cáo đã và đang trở thành hệ thống marketing hiệu quả đối với các doanh nghiệp, vì thế các hình thức quảng cáo diễn ra ngày càng đa dạng. Mức xử phạt đối với hành vi không có giấy phép quảng cáo là bao nhiêu?
Mục lục bài viết
1. Mức phạt khi không có giấy phép quảng cáo là bao nhiêu?
Quảng cáo hiện nay đóng vai trò vô cùng quan trọng, thị hiếu của người tiêu dùng ngày càng được đề cao thì doanh nghiệp ngày càng quan tâm đến hoạt động quảng cáo. Vì thế các công ty quảng cáo ngày càng được mở rộng và phát triển. Tuy nhiên, quá trình hoạt động cần phải tuân thủ theo quy định của pháp luật. Trong một số trường hợp nhất định, quảng cáo cần phải thực hiện thủ tục xin giấy phép tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền để đảm bảo an toàn sức khỏe cho người dân và đảm bảo an ninh trật tự an toàn xã hội trong quá trình quảng cáo, đặc biệt là an ninh quốc phòng và chủ quyền quốc gia. Pháp luật hiện nay đã có những quy định cụ thể về mức xử phạt với những đối tượng có hành vi không có giấy phép quảng cáo. Căn cứ theo quy định tại Điều 40 của Nghị định 38/2021/NĐ-CP của Chính phủ về việc quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo, có quy định về mức xử phạt đối với hành vi quảng cáo trên báo nói và báo hình. Cụ thể như sau:
– Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với các đối tượng có hành vi quảng cáo trên các phương tiện truyền thông báo nói hoặc quảng cáo trên các phương tiện báo hình tuy nhiên không có dấu hiệu được dùng để phân biệt với nội dung quảng cáo và các nội dung khác;
– Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với các đối tượng có hành vi quảng cáo sản phẩm dưới hình thức chạy chữ vật quảng cáo sản phẩm dưới hình thức chuỗi hình ảnh chuyển động trên các phương tiện thông tin đại chúng, tuy nhiên sản phẩm quảng cáo lại không được đặt phía dưới màn hình hoặc nội dung của sản phẩm quảng cáo vượt quá 10% chiều cao của màn hình, quá trình quảng cáo gây ảnh hưởng trực tiếp đến các nội dung chính trong chương trình;
– Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với các đối tượng thực hiện một trong những hành vi vi phạm quy định của pháp luật như sau:
+ Quảng cáo vượt quá 10 % tổng thời lượng chương trình phát sóng trong một ngày của các tổ chức phát sóng, các tổ chức đó không phải là cách quảng cáo vật chương trình chuyên phục vụ cho hoạt động quảng cáo;
+ Quảng cáo trong các chương trình thời sự trái quy định của pháp luật ảnh hưởng đến quá trình nắm bắt tin tức của người dân;
+ Quảng cáo trong các chương trình phát thanh truyền hình trực tiếp liên quan đặc biệt đến các sự kiện chính trị và kỷ niệm trong các ngày lễ lớn của dân tộc;
+ Quảng cáo vượt quá thời lượng 02 lần trong mỗi chương trình phim truyện được phát sóng trên đài truyền hình;
+ Quảng cáo vượt quá thời lượng 04 lần trong một chương trình vui chơi giải trí được phát thanh trên đài truyền hình;
+ Quảng cáo một lần quá thời lượng 05 phút theo quy định của pháp luật trong các chương trình phim truyện vui chơi giải trí được phát thanh trên các đài truyền hình;
+ Quảng cáo trên đài truyền hình trả tiền quá 5% tổng số thời lượng chương trình phát sóng trong một ngày của các tổ chức phát sóng, các tổ chức đó không phải là kênh chuyên quảng cáo hoặc các chương trình chuyên quảng cáo;
+ Chiếu toàn bộ nội dung phim để quảng cáo khi chưa có giấy phép phổ biến phim được cấp bởi các cơ quan có thẩm quyền trong lĩnh vực quản lý nhà nước hoặc chưa có quyết định phát sóng của người đứng đầu các đài truyền hình hoặc đài phát thanh truyền hình.
– Phạt tiền từ 150.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng đối với các kênh chuyên quảng cáo, các chương trình chuyên quảng cáo phát hành quảng cáo nhưng không có giấy phép bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
– Biện pháp khắc phục hậu quả có thể được áp dụng trong trường hợp này đó là bắt buộc phải nộp lại số lợi bất hợp pháp do thực hiện hành vi vi phạm quy định của pháp luật mà có.
Theo đó thì có thể nói, hành vi không có giấy phép quảng cáo có thể sẽ bị phạt tiền tối đa lên đến 200.000.000 đồng theo như phân tích nêu trên.
2. Quy định về điều kiện tiến hành quảng cáo được ghi nhận như thế nào?
Căn cứ theo quy định tại Điều 20 của Văn bản hợp nhất Luật quảng cáo năm 2018 có quy định về các điều kiện tiến hành hoạt động quảng cáo. Cụ thể như sau:
– Quảng cáo về hoạt động kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thì cần phải có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh được cấp bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
– Tiến hành hoạt động quảng cáo cho các loại sản phẩm và hàng hóa dịch vụ phải có các loại tài liệu chứng từ kèm theo đáp ứng đầy đủ điều kiện về hợp quy, hợp chuẩn của các loại sản phẩm và hàng hóa dịch vụ đó theo quy định của pháp luật;
– Quảng cáo tài sản mà pháp luật quy định tài sản đó cần phải có giấy chứng nhận quyền sở hữu hoặc giấy chứng nhận quyền sử dụng thì cần phải có các loại giấy tờ đó;
– Quảng cáo cho các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ đặc biệt thì cần phải đáp ứng được các điều kiện như sau:
+ Quảng cáo thuốc được phép quảng cáo theo quy định của pháp luật về y tế, phải có giấy phép lưu hành tại Việt Nam đang còn hiệu lực và tờ hướng dẫn sử dụng do Bộ Y tế phê duyệt;
+ Quảng cáo mỹ phẩm thì cần phải có phiếu công bố các loại sản phẩm mỹ phẩm theo quy định của pháp luật về y tế;
+ Quảng cáo hóa chất, quảng cáo các loại chế phẩm diệt côn trùng, quảng cáo các loại sản phẩm diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế phải có giấy chứng nhận đăng ký lưu hành do cơ quan có thẩm quyền là Bộ y tế cấp;
+ Quảng cáo thực phẩm, quảng cáo các loại phụ gia thực phẩm phải có giấy chứng nhận đăng ký chất lượng vệ sinh an toàn đối với thực phẩm, giấy chứng nhận đăng ký chất lượng vệ sinh an toàn đối với phụ gia thực phẩm thuộc danh mục phải đăng ký chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, hoặc giấy tiếp nhận hồ sơ công bố tiêu chuẩn của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với thực phẩm, phụ gia thực phẩm thuộc danh mục phải công bố tiêu chuẩn;
+ Quảng cáo dịch vụ khám bệnh, quảng cáo dịch vụ chữa bệnh thì cần phải có giấy chứng nhận đủ tiêu chuẩn hành nghề do cơ quan có thẩm quyền trong ngành y tế cấp theo quy định của pháp luật;
+ Quảng cáo trang thiết bị y tế phải có giấy phép lưu hành đối với thiết bị y tế sản xuất trong nước hoặc giấy phép nhập khẩu đối với thiết bị y tế nhập khẩu;
+ Quảng cáo thuốc bảo vệ thực vật, nguyên liệu thuốc bảo vệ thực vật, vật tư bảo vệ thực vật phải có giấy chứng nhận đăng ký thuốc bảo vệ thực vật. Quảng cáo sinh vật có ích dùng trong bảo vệ thực vật phải có giấy phép kiểm dịch thực vật do cơ quan có thẩm quyền là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp;
+ Quảng cáo thuốc thú y, quảng cáo đối với vật tư thú y phải có giấy phép lưu hành sản phẩm và bản tóm tắt đặc tính của sản phẩm;
+ Quảng cáo phân bón, quảng cáo các loại chế phẩm sinh học phục vụ trồng trọt, quảng cáo các loại thức ăn chăn nuôi, quảng cáo các loại chế phẩm sinh học phục vụ chăn nuôi phải có giấy chứng nhận chất lượng sản phẩm hoặc văn bản tự công bố chất lượng sản phẩm.
3. Vì sao cần phải xin giấy phép quảng cáo?
Trong một số trường hợp nhất định, thủ tục xin giấy phép quảng cáo tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền là một trong những yêu cầu bắt buộc đối với các doanh nghiệp kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc diện bắt buộc phải thực hiện hoạt động xin phép trước khi tổ chức các hoạt động quảng bá theo quy định của pháp luật về quảng cáo. Đây được xem là nghĩa vụ của các doanh nghiệp, do đó cho nên nếu như doanh nghiệp không có giấy phép hoặc thực hiện các nội dung khác với giấy phép đã được cấp bởi cơ quan có thẩm quyền thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính, hơn nữa mức xử phạt vi phạm hành chính đối với các doanh nghiệp này đã không hề dọa theo như phân tích nêu trên. Có thể kể đến một số lý do pháp luật quy định các doanh nghiệp bắt buộc cần phải thực hiện hoạt động xin giấy phép quảng cáo như sau:
– Việc xin giấy phép quảng cáo sẽ được coi là cơ sở để quản lý hoạt động quảng cáo của các doanh nghiệp đối với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, bắt buộc các doanh nghiệp quảng cáo cần phải tuân thủ theo quy định của pháp luật được ghi nhận trong giấy phép quảng cáo đã được cấp trước đó, đồng thời hoạt động xin cấp giấy phép quảng cáo còn tạo thuận lợi cho công tác thanh tra kiểm tra và xử lý vi phạm đối với các doanh nghiệp có hành vi vi phạm;
– Việc xin giấy phép quảng cáo của các doanh nghiệp được coi là cơ sở để người tiêu dùng có thể xác nhận nội dung quảng cáo đó đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, nội dung quảng cáo không trái với quy định của pháp luật và không xâm phạm đến quyền lợi của người tiêu dùng, người tiêu dùng hoàn toàn có thể yên tâm hơn trong quá trình lựa chọn sản phẩm quảng cáo;
– Việc xin giấy phép quảng cáo của các doanh nghiệp cũng được xem là nghĩa vụ và trách nhiệm mà pháp luật đã quy định cho doanh nghiệp đó. Có giấy phép quảng cáo và có nội dung quảng cáo quy định sẽ nâng cao uy tín và nâng cao chất lượng quảng cáo của doanh nghiệp. Việc thực hiện đúng giấy phép quảng cáo và xin giấy phép quảng cáo theo đúng quy định của pháp luật sẽ khiến cho doanh nghiệp tránh khỏi những rủi ro bị xử phạt.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Văn bản hợp nhất 47/VBHN-VPQH 2018 Luật Quảng cáo;
– Nghị định 38/2021/NĐ-CP của Chính phủ về việc quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo;
– Nghị định 128/2022/NĐ-CP của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 38/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực văn hóa và quảng cáo đã được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 129/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực du lịch; thể thao; quyền tác giả, quyền liên quan; văn hóa và quảng cáo.