Dạo gần đây, thị trường quảng cáo có những nội dung, thông điệp khiến cho người tiêu dùng hiểu lầm rất phổ biến. Vậy thế nào là quảng cáo gây hiểu lầm cho người tiêu dùng?
Mục lục bài viết
1. Thế nào là quảng cáo gây hiểu lầm cho người tiêu dùng?
Căn cứ khoản 2 Điều 2 Văn bản số 47/VBHN-VPQH quy định quảng cáo được hiểu là việc sử dụng các phương tiện với mục đích giới thiệu đến công chúng sản phẩm cũng như hàng hóa, dịch vụ để nhằm sinh lợi hay các sản phẩm, dịch vụ không có mục đích sinh lợi; cá nhân, tổ chức kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được giới thiệu, trừ tin thời sự; thông tin cá nhân; chính sách xã hội. Nhà nước luôn có những chính sách ưu đãi, khuyến khích các cá nhân, tổ chức phát triển các loại hình quảng cáo, nâng cao chất lượng quảng cáo.
Các phương tiện quảng cáo bao gồm:
– Báo chí.
– Các sản phẩm in, bản ghi âm, ghi hình và các thiết bị công nghệ khác.
– Phương tiện giao thông.
– Bảng quảng cáo, băng-rôn, biển hiệu, hộp đèn, màn hình chuyên quảng cáo.
– Trên các trang thông tin điện tử, thiết bị điện tử, thiết bị đầu cuối và các thiết bị viễn thông khác.
– Quảng cáo tại hội chợ, hội thảo, hội nghị, tổ chức sự kiện, triển lãm, chương trình văn hóa, thể thao.
– Vật thể quảng cáo.
– Người chuyển tải sản phẩm quảng cáo.
– Quảng cáo trên các phương tiện khác theo quy định.
Căn cứ khoản 1 Điều 9 Quyết định số 4149/QĐ-BCVTTDL quy định nội dung quảng cáo không được có các nội dung gây hiểu lầm cho người tiêu dùng:
– Giá trị của sản phẩm.
– Các đặc điểm của sản phẩm gây ảnh hưởng đến lựa chọn của người tiêu dùng như bản chất, thành phần, phương pháp sản xuất và ngày sản xuất, phạm vi sử dụng, sự hiệu quả và hiệu suất, số lượng, nguồn gốc thương mại hoặc địa lý, ảnh hưởng tới môi trường,…
– Số tiền mà người tiêu dùng phải trả khi mua sản phẩm đó.
– Các điều khoản về bảo hành sản phẩm.
– Các điều khoản về giao hàng, đổi hàng, trả hàng, sửa chữa và bảo trì.
– Sự tuân thủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn.
– Nội dung về bản quyền và quyền sở hữu công nghiệp như bằng sáng chế, thương hiệu, mẫu mã và tên thương mại.
– Nội dung về sự công nhận hoặc chấp thuận chính thức, các giải thưởng như huy chương, danh hiệu và bằng cấp.
– Mức độ đóng góp cho các mục đích từ thiện.
Như vậy, theo quy định trên, trường hợp quảng cáo có những nội dung trên truyền tải tới người dùng gây ra sự nhầm lẫn hoặc tạo ra những kết luận sai lệch cho người tiêu dùng được hiểu là quảng cáo gây hiểu lầm cho người tiêu dùng. Gần đây, hiện tượng gây nhầm lẫn trong quảng cáo tại Việt Nam rất phổ biến, đặc biệt là trong lĩnh vực thực phẩm, thuốc, mỹ phẩm, thời trang, đồ gia dụng, du lịch và bất động sản. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến người tiêu dùng khi nghe những tin quảng cáo gây hiểu lầm mà mua những sản phẩm không đúng nhu cầu, kém chất lượng.
2. Hành vi quảng cáo gây hiểu lầm cho người tiêu dùng là hành vi vi phạm:
Theo Điều 8 Văn bản hợp nhất số 505/VBHN-BVHTTDL, trong hoạt động quảng cáo cấm những hành vi sau đây:
– Đối tượng quảng cáo: cấm quảng cáo những sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ sau:
+ Thuốc lá.
+ Rượu có nồng độ cồn từ 15 độ trở lên.
+ Những hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh trên cơ sở quy định của pháp luật.
+ Sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ dùng cho trẻ dưới 24 tháng tuổi.
+ Sản phẩm dinh dưỡng bổ sung dùng cho trẻ dưới 06 tháng tuổi.
+ Các sản phẩm là bình bú và vú ngậm nhân tạo.
+ Loại thuốc kê đơn.
+ Loại thuốc không kê đơn nhưng được cơ quan nhà nước có thẩm quyền khuyến cáo hạn chế sử dụng hoặc sử dụng có sự giám sát của thầy thuốc.
+ Súng săn và đạn súng săn.
+ Các loại vũ khí thể thao và các loại sản phẩm, hàng hóa có tính chất kích động bạo lực.
+ Các loại sản phẩm, hàng hóa có tính chất kích dục.
– Nội dung quảng cáo:
+ Thiếu thẩm mỹ và vi phạm đạo đức, truyền thống văn hóa, lịch sử, thuần phong mỹ tục của Việt Nam.
+ Gây ảnh hưởng xấu đến sự tôn nghiêm đối với Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca, Đảng kỳ, anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa, lãnh tụ, lãnh đạo Đảng, Nhà nước.
+ Hoạt động quảng cáo thể hiện việc kỳ thị dân tộc, phân biệt chủng tộc, xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo, định kiến về giới, về người khuyết tật.
+ Hoạt động quảng cáo làm tiết lộ bí mật nhà nước, phương hại đến độc lập, chủ quyền quốc gia, an ninh, quốc phòng.
+ Xúc phạm uy tín, danh dự, nhân phẩm của tổ chức, cá nhân.
– Hoạt động quảng cáo gây ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị, trật tự an toàn giao thông, an toàn xã hội.
– Hoạt động quảng cáo có sử dụng lời nói, chữ viết, hình ảnh của một người khác và chưa được sự đồng ý, cho phép của người đó.
– Thực hiện quảng cáo nhưng không đúng hoặc gây nhầm lẫn về khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ.
Hoặc không đúng cũng như gây ảnh hướng đến số lượng, chất lượng, giá, công dụng, kiểu dáng, bao bì, nhãn hiệu, xuất xứ, chủng loại, phương thức phục vụ, thời hạn bảo hành của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đã đăng ký hoặc đã được công bố.
– Sử dụng từ ngữ như “nhất”, “duy nhất”, “tốt nhất”, “số một” hoặc từ ngữ có ý nghĩa tương tự mà không có tài liệu hợp pháp chứng minh.
– Nội dung quảng cáo cạnh tranh không lành mạnh trên cơ sở quy định của pháp luật về cạnh tranh.
– Sử dụng phương pháp so sánh trực tiếp về giá cả, chất lượng, hiệu quả sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của mình với giá cả, chất lượng, hiệu quả sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cùng loại của tổ chức, cá nhân khác.
– Vi phạm pháp luật về sở hữu trí tuệ.
– Có hành vi ép buộc cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện quảng cáo hoặc tiếp nhận quảng cáo trái ý muốn.
– Thực hiện hành vi treo, đặt, dán, vẽ các sản phẩm quảng cáo trên cột điện, trụ điện, cột tín hiệu giao thông và cây xanh nơi công cộng.
– Hoạt động quảng cáo có sự tác động tiêu cực đến trẻ em như tạo cho trẻ em suy nghĩ, lời nói, hành động trái với đạo đức, thuần phong mỹ tục.
– Hoạt động quảng cáo gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, an toàn hoặc sự phát triển bình thường của trẻ em.
Căn cứ theo quy định trên thì trường hợp cá nhân, doanh nghiệp quảng cáo nộ dung gây hiểu lầm cho người tiêu dùng là hàn vi vi phạm pháp luật về quảng cáo.
3. Hành vi quảng cáo gây hiểu lầm cho người tiêu dùng bị xử phạt như thế nào?
Căn cứ khoản 5 Điều 35 Văn bản hợp nhất số 505/VBHN-BVHTTDL quy định:
– Đối với hành vi quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; về số lượng, chất lượng, giá, công dụng, kiểu dáng, bao bì, nhãn hiệu, xuất xứ, chủng loại, phương thức phục vụ, thời hạn bảo hành của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đã đăng ký hoặc đã được công bố: xử phạt tiền từ 60 triệu đồng đến 80 triệu đồng.
– Ngoài bị phạt tiền như trên, đối tượng vi phạm còn bị tước quyền sử dụng Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm từ 05 đến 07 tháng; tước quyền sử dụng Giấy xác nhận nội dung quảng cáo từ 22 tháng đến 24 tháng.
– Bên cạnh đó phải áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là Buộc tháo gỡ, tháo dỡ, xóa quảng cáo hoặc thu hồi sản phẩm báo, tạp chí in quảng cáo.
CÁC VĂN BẢN PHÁP LUẬT ĐƯỢC SỬ DỤNG TRONG BÀI VIẾT:
Văn bản hợp nhất số 47/VBHN-VPQH Luật quảng cáo.
Văn bản hợp nhất số 603/VBHN-BVHTTDL quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật quảng cáo.
Văn bản hợp nhất số 505/VBHN-BVHTTDL quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hoá và quảng cáo.