“Doanh nghiệp vì nhà nông” là Danh hiệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tặng những doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế trong và ngoài nước đã có đóng góp trực tiếp vào việc phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Mục lục bài viết
1. Quy định về xét tặng Danh hiệu Doanh nghiệp vì nhà nông:
“Doanh nghiệp vì nhà nông” là Danh hiệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tặng những doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế trong và ngoài nước đã có đóng góp trực tiếp vào việc phát triển nông nghiệp, nông thôn, hỗ trợ nông dân phát triển về sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới. Danh hiệu “Doanh nghiệp vì nhà nông” sẽ được xét và tổ chức trao tặng 3 năm một lần, mỗi lần được xét tặng tối đa 100 doanh nghiệp; lần thứ nhất đã được tổ chức cùng Giải thưởng Bông lúa vàng Việt Nam lần thứ II và dịp kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Bộ Canh nông (ngày 14/11/2015).
Điều 2 tại Quy chế xét tặng danh hiệu “Doanh nghiệp vì nhà nông” đã được ban hành kèm theo Quyết định số 1266/QĐ-BNN-TCCB của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có quy định về nguyên tắc xét tặng Danh hiệu “Doanh nghiệp vì nhà nông”, Điều này quy định về nguyên tắc xét tặng Danh hiệu “Doanh nghiệp vì nhà nông” như sau:
– Danh hiệu “Doanh nghiệp vì nhà nông” được xét tặng đúng với đối tượng đạt tiêu chuẩn, được xem xét đúng với trình tự, thủ tục được quy định tại Quy chế này; đảm bảo chính xác, công bằng, công khai, dân chủ, khách quan.
– Việc xét chọn được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông báo bằng văn bản đến những cơ quan/đơn vị, doanh nghiệp, hiệp hội, các phương tiện thông tin đại chúng.
2. Tiêu chuẩn xét tặng Danh hiệu Doanh nghiệp vì nhà nông:
Tiêu chuẩn xét tặng Danh hiệu Doanh nghiệp vì nhà nông gồm có:
– Tiêu chuẩn 1 (đạt tối đa là 15 điểm):
+ Là một doanh nghiệp tổ chức sản xuất, kinh doanh ổn định và phát triển;
+ Chấp hành tốt những quy định của pháp luật về doanh nghiệp;
+ Thực hiện đầy đủ những nghĩa vụ đối với Nhà nước;
+ Có quản trị doanh nghiệp tiên tiến;
+ Thực hiện tốt các chính sách đối với người lao động;
+ Có thời gian hoạt động về những lĩnh vực nông nghiệp từ 05 năm trở lên.
– Tiêu chuẩn 2 (đạt tối đa là 75 điểm): Là doanh nghiệp có đóng góp trực tiếp vào lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông thôn như:
+ Cung cấp khối lượng lớn vật tư, dịch vụ đầu vào cho sản xuất nông nghiệp (giống, thiết bị, vật tư …) đảm bảo về chất lượng, giá cả hợp lý…
+ Hợp đồng sản xuất, tiêu thụ nông sản, hàng hóa cho nông dân với khối lượng lớn, ổn định để thực hiện chế biến hoặc tiêu thụ trên thị trường trong và ngoài nước, đảm bảo hài hòa lợi ích của doanh nghiệp và nông dân.
+ Tổ chức liên kết với nông dân, hợp tác xã để đào tạo, chuyển giao công nghệ, khoa học kỹ thuật mới vào trong sản xuất nông nghiệp, nâng cao kỹ năng nghề, tạo việc làm ổn định cho nông dân.
+ Trực tiếp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp với quy mô lớn gắn với việc bảo quản, chế biến và tiêu thụ theo chuỗi giá trị trên cơ sở phát huy lợi thế các sản phẩm và lợi thế vùng, miền, tạo động lực thúc đẩy sản xuất nông nghiệp trong vùng cùng phát triển.
+ Trực tiếp tham gia xây dựng kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn (xây dựng các công trình thủy lợi, đê điều…); trực tiếp đóng góp lớn vào những chương trình xây dựng nông thôn mới, giúp được nhiều xã đạt các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
– Tiêu chuẩn 3 (đạt tối đa là 10 điểm): Là doanh nghiệp đã được nhận những giải thưởng, danh hiệu về sản xuất kinh doanh, chất lượng sản phẩm các hàng hóa, đóng góp vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc…
3. Thủ tục đăng ký xét tặng Danh hiệu Doanh nghiệp vì nhà nông:
Thủ tục đăng ký xét tặng Danh hiệu Doanh nghiệp vì nhà nông được thực hiện như sau:
Bước 1: chuẩn bị hồ sơ
Hồ sơ đăng ký xét tặng Danh hiệu Doanh nghiệp vì nhà nông bao gồm các giấy tờ sau:
– Phiếu đăng ký tham gia việc xét tặng danh hiệu “Doanh nghiệp vì nhà nông”
– Báo cáo tóm tắt về kết quả hoạt động của doanh nghiệp.
– Bản sao công chứng đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp và những giấy tờ liên quan khác minh chứng kết quả sản xuất kinh doanh.
– Hình ảnh minh họa các hoạt động, sản xuất – kinh doanh của doanh nghiệp.
– Bản sao những thành tích của doanh nghiệp (nếu có).
Bước 2: nộp hồ sơ
– Nơi nhận hồ sơ đăng ký xét tặng Danh hiệu Doanh nghiệp vì nhà nông: Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
– Hình thức gửi hồ sơ đăng ký xét tặng Danh hiệu Doanh nghiệp vì nhà nông:
+ Doanh nghiệp đăng ký trực tiếp với Bộ Nông nghiệp và PTNT hoặc gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện;
+ Doanh nghiệp gửi hồ sơ qua Sở Nông nghiệp. Sở Nông nghiệp sẽ thực hiện tổng hợp và gửi về Bộ Nông nghiệp và PTNT kèm theo ý kiến thẩm định của Sở.
Bước 3: xét tặng Danh hiệu Doanh nghiệp vì nhà nông
– Thẩm quyền việc xét, tặng Danh hiệu Doanh nghiệp vì nhà nông:
+ Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành lập ra Hội đồng xét tặng Danh hiệu cấp Bộ (sau đây gọi tắt là Hội đồng) để xem xét các thành tích của Doanh nghiệp, trình Bộ trưởng quyết định.
+ Hội đồng có từ 9-13 thành viên gồm có: nhà quản lý, nhà khoa học và những chuyên gia của Bộ. Hội đồng có nhiệm vụ xem xét các thành tích của doanh nghiệp theo các tiêu chuẩn pháp luật quy định để tư vấn, trình Bộ trưởng xem xét, quyết định.
+ Vụ Tổ chức cán bộ là cơ quan thường trực của Hội đồng có trách nhiệm thực hiện tiếp nhận, thẩm định hồ sơ, thành tích của các doanh nghiệp trước khi trình lên Hội đồng. Trong quá trình thẩm định, nếu như thấy cần thiết có thể tổ chức kiểm tra thực tế tại các doanh nghiệp hoặc có văn bản xin ý kiến hiệp y những cơ quan/đơn vị có liên quan, trừ các doanh nghiệp đăng ký qua Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đã có văn bản thẩm định của Sở.
– Cơ quan thường trực Hội đồng tiếp nhận Hồ sơ đăng ký của Doanh nghiệp, tổ chức việc thẩm định và trình Hội đồng.
– Hội đồng tổ chức họp để xem xét thành tích của mỗi doanh nghiệp; từng thành viên hội đồng cho điểm đối với từng tiêu chuẩn.
– Phiên họp của Hội đồng phải có ít nhất là 3/4 số thành viên có mặt. Các thành viên vắng mặt phải gửi ý kiến của mình bằng văn bản. Trong các trường hợp đặc biệt, nếu được Chủ tịch hội đồng đồng ý thì thành viên hội đồng được ủy quyền cho những người khác dự họp thay nhưng vẫn phải chịu trách nhiệm về ý kiến của mình trước hội đồng.
– Doanh nghiệp đạt từ 85 điểm trở lên mới đủ điều kiện để trình Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét quyết định.
– Cơ quan thường trực Hội đồng hoàn thiện hồ sơ để trình lên Bộ trưởng xem xét quyết định tặng Danh hiệu cho các Doanh nghiệp đủ điều kiện. Hồ sơ trình Bộ trưởng gồm có:
+ Tờ trình của Hội đồng;
+ Tóm tắt về thành tích của các Doanh nghiệp đủ điều kiện;
+ Bảng tổng hợp về chấm điểm của Hội đồng;
+ Dự thảo về Quyết định của Bộ trưởng.
4. Quyền lợi và nghĩa vụ đối với doanh nghiệp đạt Danh hiệu Doanh nghiệp vì nhà nông:
– Các quyền lợi về Danh hiệu Doanh nghiệp vì nhà nông:
+ Được Ban Tổ chức vinh danh và tuyên dương ở tại Lễ trao Danh hiệu;
+ Được nhận Biểu trưng và nhận Giấy chứng nhận của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
+ Được dùng các hình ảnh Danh hiệu trong chiến lược sản xuất kinh doanh.
-Các quyền lợi về truyền thông:
+ Tên doanh nghiệp đạt giải sẽ được vinh danh trong Lễ trao tặng Danh hiệu;
+ Được công bố ở trên Báo Nông nghiệp Việt Nam, cổng thông tin điện tử của Bộ Nông nghiệp và PTNT www.mard.gov.vn.
+ Logo, bài viết giới thiệu doanh nghiệp được đăng ở trên Báo Nông nghiệp Việt Nam; Trang Thông tin điện tử của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
– Trách nhiệm chung đối với các doanh nghiệp đạt danh hiệu Doanh nghiệp vì nhà nông:
+ Cung cấp các thông tin đầy đủ chính xác về doanh nghiệp, tuân thủ đúng Quy chế xét tặng danh hiệu “Doanh nghiệp vì nhà nông”;
+ Chịu trách nhiệm về hồ sơ, về thành tích đăng ký xét tặng Danh hiệu.
+ Không được lợi dụng Danh hiệu này để gian lận trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh, quảng cáo, tiếp thị sản phẩm.
Những văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Quy chế xét tặng danh hiệu “Doanh nghiệp vì nhà nông” được ban hành kèm theo Quyết định số 1266/QĐ-BNN-TCCB ngày 15/4/2015 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.