Hiện nay, việc ủy quyền cho người khác thay mình thực hiện các công việc diễn ra vô cùng phổ biến, trong đó có cả trường hợp ủy quyền để khiếu nại, ủy quyền để tố cáo. Có cần công chứng văn bản ủy quyền khiếu nại hay không?
Mục lục bài viết
1. Có cần công chứng văn bản ủy quyền khiếu nại không?
Căn cứ theo quy định tại Điều 5 của Nghị định 124/2020/NĐ-CP của Chính phủ về việc quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Khiếu nại, có quy định về việc đại diện thực hiện hoạt động khiếu nại tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Cụ thể như sau:
– Người khiếu nại có thể tự mình khiếu nại tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền, hoặc thực hiện hoạt động ủy quyền cho luật sư để thực hiện hoạt động khiếu nại, ủy quyền cho trợ giúp viên pháp lý để thực hiện thủ tục khiếu nại, hoặc ủy quyền cho người khác có năng lực pháp luật và năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật để thực hiện việc khiếu nại tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Trong trường hợp người khiếu nại được xác định là người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự thì người đại diện theo pháp luật của những đối tượng này sẽ thực hiện hoạt động khiếu nại thay cho họ. Việc xác định người đại diện sẽ được thực hiện theo quy định của pháp luật về dân sự;
– Các cơ quan và tổ chức thực hiện việc khiếu nại thông qua người đại diện theo pháp luật phù hợp với quy định của pháp luật. Người đại diện của các cơ quan hoặc người đại diện của tổ chức được ủy quyền cho luật sư hoặc ủy quyền cho người khác có đầy đủ năng lực hành vi dân sự để thực hiện hoạt động khiếu nại tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
– Việc ủy quyền theo phân tích nêu trên phải được lập thành văn bản theo quy định của pháp luật, văn bản ủy quyền khiếu nại cần phải thực hiện thủ tục chứng thực tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc công chúng tại các tổ chức hành nghề công chứng. Người ủy quyền được quyền ủy quyền khiếu nại cho một người khác hoặc cho nhiều người khác về các nội dung ủy quyền khác nhau, tuy nhiên không được ủy quyền cùng một nội dung cho nhiều người thực hiện việc khiếu nại tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Văn bản ủy quyền khiếu nại sẽ phải được thực hiện theo mẫu do pháp luật quy định;
– Người khiếu nại đang thực hiện hoạt động khiếu nại mà qua đời, quyền và nghĩa vụ của người đó được kế thừa theo quy định của pháp luật về dân sự, thì người thừa kế sẽ có quyền khiếu nại thay cho người chết, người thừa kế khi khiếu nại sẽ phải xuất trình đầy đủ các loại giấy tờ với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để chứng minh quyền và nghĩa vụ thừa kế của mình. Người thừa kế có thể tự mình khiếu nại hoặc tiến hành hoạt động ủy quyền cho luật sư, ủy quyền cho trợ giúp viên pháp lý hoặc ủy quyền cho người khác có đầy đủ năng lực hành vi dân sự để thực hiện thủ tục khiếu nại. Trong trường hợp có nhiều người thừa kế thì các đồng thừa kế sẽ thỏa thuận với nhau về việc ủy quyền cho một trong những người thừa kế đó hoặc ủy quyền cho luật sư, trợ giúp viên pháp lý hoặc những người khác có năng lực hành vi dân sự đầy đủ để thực hiện thủ tục khiếu nại.
Theo đó, trong trường hợp thực hiện hoạt động ủy quyền khiếu nại, thì cần phải lập thành văn bản theo quy định của pháp luật, văn bản ủy quyền khiếu nại trong trường hợp này bắt buộc phải thực hiện thủ tục công chứng theo quy định của pháp luật.
2. Người khiếu nại có quyền ủy quyền cho người khác khiếu nại không?
Căn cứ theo quy định tại Điều 12 của Văn bản hợp nhất Luật khiếu nại năm 2021 có quy định về quyền và nghĩa vụ của người khiếu nại. Theo đó, người khiếu nại có các quyền cơ bản sau đây:
– Tự mình khiếu nại tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Trong trường hợp người khiếu nại được xác định là người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự thì người đại diện hợp pháp theo pháp luật sẽ thực hiện hoạt động khiếu nại. Trong trường hợp người khiếu nại ốm đau, già yếu, là đối tượng có nhược điểm về thể chất hoặc tinh thần, hoặc vì lý do khách quan bất khả kháng mà không thể tự mình thực hiện hoạt động khiếu nại thì sẽ được quyền ủy quyền cho cha mẹ, vợ chồng, anh chị em ruột, con đã thành niên hoặc người khác có đầy đủ năng lực hành vi dân sự để thực hiện hoạt động khiếu nại tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
– Có quyền nhờ luật sư tư vấn pháp luật hoặc tiến hành hoạt động ủy quyền cho luật sư thực hiện thủ tục khiếu nại để có thể bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình;
– Có quyền tham gia đối thoại hoặc ủy quyền cho người đại diện tham gia quá trình đối thoại tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
– Biết, đọc, sao chụp, sao chép, các loại tài liệu và chứng cứ do người giải quyết khiếu nại thu thập để có thể giải quyết khiếu nại, ngoại trừ các thông tin và tài liệu thuộc bí mật nhà nước và bí mật an ninh quốc phòng;
– Yêu cầu các cơ quan tổ chức có liên quan đang lưu giữ và quản lý thông tin, quản lý các loại tài liệu có liên quan tới nội dung khiếu nại cung cấp đầy đủ thông tin và tài liệu đó trong khoảng thời gian 07 ngày được tính kể từ nay có yêu cầu, sau đó giao nộp cho người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, ngoại trừ những thông tin và tài liệu thuộc bí mật nhà nước;
– Được yêu cầu người giải quyết khiếu nại áp dụng các biện pháp khẩn cấp cần thiết để ngăn chặn kịp thời hậu quả có thể xảy ra trong tương lai do việc thi hành quyết định hành chính bị khiếu nại;
– Đưa ra các bằng chứng và chứng cứ về việc khiếu nại để chứng minh cho yêu cầu của mình là hợp lý, giải trình ý kiến của mình về chứng cứ và giấy tờ đó;
– Nhận văn bản trả lời về quá trình thụ lý giải quyết khiếu nại của cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải nhận quyết định giải quyết khiếu nại theo quy định pháp luật;
– Được khôi phục quyền lợi hợp pháp đã bị xâm phạm bởi người khác trái quy định pháp luật, được bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật;
– Khiếu nại lần hai hoặc tiến hành hoạt động khởi kiện vụ án hành chính tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền đó là tòa án theo thủ tục tố tụng hành chính phải rút đơn khiếu nại theo nguyện vọng của bản thân.
Theo đó thì có thể nói, theo quy định của pháp luật hiện nay thì người khiếu nại hoàn toàn có quyền được ủy quyền cho người khác thực hiện hoạt động khiếu nại thay cho mình. Tuy nhiên, quá trình ủy quyền khiếu nại cần phải được lập thành văn bản. Văn bản ủy quyền khiếu nại trong trường hợp này bắt buộc phải thực hiện thủ tục công chứng theo như phân tích nêu trên.
3. Khi nào pháp luật cho phép thực hiện việc khiếu nại lần hai?
Căn cứ theo quy định tại Điều 4 của Nghị định 124/2020/NĐ-CP của Chính phủ về việc quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Khiếu nại, có quy định về hoạt động khiếu nại lần hai. Cụ thể như sau:
– Trong khoảng thời hạn 30 ngày được tính kể từ ngày hết thời hạn giải quyết khiếu nại theo quy định của pháp luật mà khiếu nại lần đầu không được giải quyết bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền, hoặc được tính kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, mà người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu, thì hoàn toàn có quyền khiếu nại lần hai đến người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại. Trong trường hợp tại vùng sâu, vùng xa, khó khăn trong hoạt động đi lại thì thời hạn có thể được kéo dài tuy nhiên không quá 45 ngày;
– Trường hợp khiếu nại lần hai thì người khiếu nại bắt buộc sẽ phải gửi đơn kèm theo quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu, và các loại tài liệu chứng cứ có liên quan đến quá trình giải quyết khiếu nại cho người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai;
– Trong trường hợp vượt quá thời hạn quy định mà khiếu nại lần đầu không được giải quyết theo quy định của pháp luật, thì người khiếu nại sẽ có quyền gửi đơn đến người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai trong đó nêu rõ lý do chính đáng, đồng thời gửi kèm theo các loại văn bản và các loại giấy tờ tài liệu có liên quan đến vụ việc giải quyết khiếu nại. Người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại ngay lập tức cần phải thực hiện thủ tục xem xét và thụ lý giải quyết theo trình tự và thủ tục giải quyết khiếu nại lần hai. Quyết định giải quyết khiếu nại trong trường hợp này sẽ được xem là quyết định giải quyết khiếu nại lần hai;
– Người giải quyết khiếu nại lần hai theo quy định của pháp luật cần phải áp dụng biện pháp xử lý trách nhiệm theo thẩm quyền của mình đối với người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu trong trường hợp phát hiện có hành vi vi phạm pháp luật.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
–
– Nghị định 124/2020/NĐ-CP của Chính phủ về việc quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Khiếu nại.