Một trong những hình thức để xử phạt người điều khiển phương tiện giao thông có hành vi vi phạm pháp luật về an toàn giao thông đường bộ đó là tạm giữ phương tiện. Trong quá trình tạm giữ, phương tiện bị hư hại thì cảnh sát giao thông có phải bồi thường hay không?
Mục lục bài viết
1. Xe bị tạm giữ hư hại thì cảnh sát giao thông có phải bồi thường không?
Căn cứ theo quy định tại Điều 9 của Nghị định 138/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định về quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, tịch thu và giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ theo thủ tục hành chính, có quy định cụ thể về trách nhiệm trong hoạt động quản lý và bảo quản tang vật, quản lý và bảo quản phương tiện bị tạm giữ, tịch thu giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ. Cụ thể như sau:
– Người lập biên bản tạm giữ xe phải có nghĩa vụ và trách nhiệm quản lý, bảo quản tang vật theo quy định của pháp luật, bảo quản phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề trong quá trình bị tạm giữ cho đến khi bàn giao các loại tang vật, bảo quản phương tiện, giấy phép và chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ cho người quản lý và bảo quản trên thực tế phù hợp với quy định của pháp luật;
– Người có thẩm quyền ra quyết định tạm giữ và tịch thu sẽ phải có nghĩa vụ và có trách nhiệm quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện bị tạm giữ hoặc tịch thu, giấy phép và chứng chỉ hành nghề trong thời gian bị tạm giữ. Trong trường hợp tang vật, phương tiện, giấy phép và chứng chỉ hành nghề trong thời gian bị tạm giữ theo quyết định của người có thẩm quyền bị mất, bị bán trái quy định của pháp luật, bị đánh tráo, bị hư hỏng, bị mất các loại phụ tùng hoặc linh kiện phải bị thay thế trái với kết cấu ban đầu thì người ra quyết định tạm giữ, tịch thu sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường và sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật;
– Người có thẩm quyền quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện, giấy phép là chứng chỉ hành nghề trong thời gian bị tạm giữ xe phải có trách nhiệm và nghĩa vụ trực tiếp quản lý và bảo quản tang vật, phương tiện bị tạm giữ hoặc bị tịch thu, giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp tang vật, phương tiện, giấy phép và chứng chỉ hành nghề trong thời gian bị tạm giữ bị mất, bị bán trái quy định của pháp luật, bị đánh tráo hoặc bị hư hỏng, bị mất linh kiện hoặc bị thay thế các phụ tùng trái với kết cấu ban đầu thì sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, và chịu trách nhiệm trước người ra quyết định tạm giữ hoặc tịch thu về quá trình quản lý và bảo quản tang vật, phương tiện, giấy phép và chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ;
– Trong trường hợp các phương tiện giao thông bị vi phạm hành chính được giao cho các tổ chức hoặc cá nhân vi phạm giữ và bảo quản căn cứ theo quy định tại Điều 14 và Điều 15 của Nghị định 138/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định về quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, tịch thu và giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ theo thủ tục hành chính, thì người có thẩm quyền ra quyết định tạm giữ phương tiện xe tải có trách nhiệm quản lý và bảo quản phương tiện giao thông vi phạm hành chính từ khi tạm giữ phương tiện giao thông vi phạm đó cho đến khi giao phương tiện cho các tổ chức và cá nhân vi phạm giữ, bảo quản trên thực tế.
Như vậy có thể nói, cảnh sát giao thông ra quyết định tạm giữ phương tiện sẽ có trách nhiệm bồi thường trong trường hợp phương tiện bị tạm giữ có thiệt hại hoặc bị hư hỏng trong quá trình tạm giữ đó. Nhìn chung, tang vật và phương tiện bị tạm giữ hoặc tịch thu xe phải được quản lý và bảo quản chặt chẽ, phải đảm bảo an toàn và sắp xếp hợp lý, đảm bảo dễ dàng kiểm tra, tránh nhầm lẫn với các phương tiện khác, không được để xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường hoặc lây lan dịch bệnh trong quá trình tạm giữ phương tiện và tang vật vi phạm hành chính theo như phân tích nêu trên. Các tang vật và phương tiện bị tạm giữ hoặc tịch thu sẽ phải cần được đảm bảo tính nguyên vẹn, không tính đến phần giảm giá trị thiệt hại do các nguyên nhân khách quan như thời tiết, độ âm, hao mòn theo thời gian và một số nguyên nhân cơ bản khác nằm ngoài ý chí chủ quan của con người. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền chỉ tiếp nhận, trả lại, chuyển tang vật, phương tiện, giấy phép hoặc chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ, hoặc tiếp nhận, chuyển tang vật, phương tiện bị tịch thu cho cơ quan tổ chức và các cá nhân trong xã hội khi có quyết định bằng văn bản của người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
Tóm lại, theo điều luật phân tích nêu trên thì có thể hiểu, cảnh sát giao thông ra quyết định tạm giữ phương tiện hoàn toàn phải chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp phương tiện bị tạm giữ xảy ra hư hỏng trong quá trình tạm giữ. Mức bồi thường cụ thể như thế nào sẽ căn cứ vào tình hình thực tế thiệt hại của phương tiện trong quá trình tạm giữ.
2. Quy định về việc trả lại phương tiện bị tạm giữ:
Căn cứ theo quy định tại Điều 16 của Nghị định 138/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định về quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, tịch thu và giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ theo thủ tục hành chính, có quy định cụ thể về trả lại tang vật, phương tiện, giấy phép và chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ hoặc chuyển tang vật, chuyển phương tiện bị tạm giữ hoặc tịch thu, chi phí lưu kho và chi phí bảo quản tang vật, phương tiện bị tạm giữ. Cụ thể như sau:
– Trả lại tang vật, phương tiện, giấy phép hoặc chứng chỉ hành nghề trong quá trình bị tạm giữ, chuyển tang vật, phương tiện bị tạm giữ hoặc tịch thu cần phải có quyết định bằng văn bản của người có thẩm quyền hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền ra quyết định tạm giữ ban đầu;
– Người quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện, giấy phép hoặc chứng chỉ hành nghề trong quá trình bị tạm giữ hoặc tịch thu thực hiện thủ tục trả lại tang vật đó, hoặc chuyển tang vật, phương tiện khi đã có quyết định trả lại tang vật, trả lại phương tiện, trả lại giấy phép và chứng chỉ hành nghề hoặc khi đã có quyết định chuyển tang vật, phương tiện bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo trình tự và thủ tục như sau:
+ Tiến hành hoạt động kiểm tra quyết định trả lại tang vật, quyết định trả lại phương tiện, giấy phép hoặc chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ, tiến hành hoạt động kiểm tra quyết định chuyển tang vật, Quyết định chuyển phương tiện, kiểm tra thẻ căn cước công dân hoặc chứng minh thư nhân dân của người đến nhận các loại tang vật và phương tiện đó. Người đến nhận tang vật, phương tiện, giấy phép hoặc chứng chỉ hành nghề trong quá trình bị tạm giữ phải được xác định là người vi phạm pháp luật hoặc những đối tượng được xác định là chủ sở hữu có tang vật, phương tiện, giấy phép hoặc chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ, hoặc những đối tượng được xác định là đại diện của các tổ chức vi phạm hành chính đã được ghi nhận trong quyết định tạm giữ tang vật, quyết định tạm giữ phương tiện, giấy phép hoặc chứng chỉ hành nghề. Nếu như chủ sở hữu, các tổ chức và cá nhân vi phạm thực hiện thủ tục ủy quyền theo quy định của pháp luật cho người khác đến nhận lại tang vật, phương tiện, giấy phép hoặc chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ thì cần phải lập thành văn bản ủy quyền theo quy định của pháp luật;
+ Yêu cầu người đến nhận lại tang vật, phương tiện, giấy phép hoặc chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ thực hiện thủ tục đối chiếu với biên bản tạm giữ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để tiến hành hoạt động kiểm tra về chủng loại, số lượng, khối lượng, chất lượng, đặc điểm và hiện trạng của các loại tang vật, phương tiện, giấy phép hoặc chứng chỉ hành nghề trong thời gian bị tạm giữ dưới sự chứng kiến của những người quản lý. Quá trình giao và nhận lại tang vật, phương tiện bị tạm giữ cần phải được lập thành văn bản theo quy định của pháp luật;
+ Trong trường hợp chuyển tang vật, chuyển phương tiện cho các cơ quan điều tra, cơ quan có thẩm quyền quản lý nhà nước chuyên ngành hoặc các cơ quan giám định để thực hiện các thủ tục điều tra theo quy định của pháp luật, thì người quản lý, người bảo quản tang vật, phương tiện bị tạm giữ hoặc bị tịch thu cần phải lập biên bản về số lượng, khối lượng, trọng lượng, đặc điểm, nhãn hiệu và Xuất xứ, tình trạng, nhãn hiệu của tang vật, phương tiện. Biên bản đó cần phải được lập thành 02 bản, trong mỗi biên bản cần phải có đầy đủ chữ ký của bên giao tang vật và bên nhận tang vật, sau đó mỗi bên giữ 01 bản;
+ Đối với tang vật, phương tiện bị thầy tu đã được xác lập quyền sở hữu toàn dân theo quy định của pháp luật và các loại tang vật đã được cơ quan và người có thẩm quyền tiến hành thủ tục phê duyệt phương án xử lý tài sản thì cơ quan của người đã ra quyết định tịch thu trước đó cần phải có sự phối hợp với các cơ quan chủ trì xử lý tài sản để tổ chức hoạt động chuyển giao tài sản, hồ sơ và giấy tờ có liên quan đến tài sản đó cho các cơ quan và tổ chức tiếp nhận tài sản.
– Người quản lý, người bảo quản tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề sau khi đã hoàn trả lại tang vật, phương tiện bị tạm giữ hoặc sau khi đã chuyển tang vật, phương tiện, giấy phép hoặc chứng chỉ hành nghề sẽ phải có trách nhiệm báo cáo với người có thẩm quyền đã ra quyết định về kết quả thực hiện;
– Chi phí lưu kho, chi phí bến bãi, chi phí bảo quản tang vật, phương tiện bị tạm giữ còn phải tuân thủ theo quy định của pháp luật tại khoản 4 Điều 16 của Nghị định 138/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định về quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, tịch thu và giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ theo thủ tục hành chính.
3. Nguyên tắc quản lý, bảo quản phương tiện bị tạm giữ:
Căn cứ theo quy định tại Điều 3 của Nghị định 138/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định về quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, tịch thu và giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ theo thủ tục hành chính, có quy định cụ thể về nguyên tắc quản lý và bảo quản phương tiện bị tạm giữ. Cụ thể như sau:
– Phương tiện bị tạm giữ phải được quản lý và bảo quản chặt chẽ, cần phải đảm bảo tính an toàn, sắp xếp hợp lý, dễ dàng kiểm tra trên thực tế, tránh trường hợp nhầm lẫn với các phương tiện khác, không được gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường và lây lan dịch bệnh trái quy định của pháp luật;
– Các tang vật và phương tiện bị tạm giữ phải đảm bảo tính nguyên vẹn, không tính đến phần giá trị bị thiệt hại xuất phát từ các nguyên nhân khác nhau như thời tiết, độ ẩm hoặc chi phí hao mòn theo thời gian và một số nguyên nhân khác nằm ngoài ý chí chủ quan của con người;
– Các giấy phép và chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ cần phải được bảo quản chặt chẽ và sắp xếp hợp lý, cần phải đảm bảo tính nguyên vẹn và tránh nhầm lẫn với các loại giấy tờ khác;
– Chỉ tiếp nhận và chuyển tang vật, phương tiện, giấy phép hoặc chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ, hoặc tiếp nhận, chuyển tang vật và phương tiện bị tịch thu cho các cơ quan và cá nhân khi có quyết định bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Luật Giao thông đường bộ năm 2019;
– Nghị định 138/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định về quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, tịch thu và giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ theo thủ tục hành chính.